TTCT - Quãng năm 1980 chưa dạy thêm rộ như nay, nhưng mấy ông thầy dạy thêm ở Tuy Hòa (Phú Yên) thời đó có vẻ rất chuyên nghiệp trong việc tổ chức lớp cũng như thu tiền. Vì ghét ông thầy dạy thêm môn hóa đòi tiền chèo chẹo, tôi bỏ học thêm và quyết tâm thi đại học sư phạm toán. Câu chuyện giáo dục Tuổi trẻ mà, tôi thề sẽ làm ông thầy không dạy thêm, xem có chết ai. Làm gì có chết ai. Nhưng thầy giáo không dạy thêm khổ thiệt. Cái khổ thứ nhứt bị bà con cô bác chê: “Sao thầy dạy toán mà không dạy thêm, hay là mày dạy dở?”. Bị chê vài lần tôi rút kinh nghiệm, mỗi lần về thăm quê ai hỏi: “Có dạy thêm không?”, tôi điềm nhiên trả lời: Dạ có, cho xong chuyện. Cái khổ thứ nhì bị đồng nghiệp chê (khinh), nhất là mấy ông dạy sử, địa - bộ môn không dạy thêm được. Có ông tức, bảo: “Tôi được dạy toán như ông thì biết tay tôi”. Cái khổ thứ ba nói ra đây thiệt tức cười. Khi dạy, tôi luôn bám sát yêu cầu tối thiểu của chương trình hoặc chỉ hơn một chút, thành ra giờ toán của tôi nhẹ nhàng, học sinh chẳng phải học thêm học bớt gì ở tôi cả. Vậy là năm học nào cũng có phụ huynh ý kiến với ban giám hiệu: “Cái ông thầy Hùng đó cho bài tập dễ quá, sao con tôi thi đại học được”. Họ đâu biết học trò tôi rồi cũng đỗ tú tài, đậu đại học, có thua ai đâu. Cái khổ thứ tư từ vợ con - cái khổ thường trực và riết róng hơn cả. Mỗi lần vợ chở con về ngoại chơi hay ngồi lê đâu đó, y rằng chiều hôm ấy sóng gió nổi lên trong gia đình: “Anh đâu biết thương vợ, thương con. Cũng dạy toán như người ta mà người ta cất nhà lầu, mua xe tay ga, còn anh ở tập thể. Vợ con thấy món ngon vật lạ không dám ăn dám xài”. Vợ tôi vừa than, vừa khóc, nước mắt nước mũi chảy hàng hai, hàng ba, tôi cố dỗ dành: “Nhà mình có khổ lắm đâu em! So với bà con nông dân đâu đến nỗi”. Năm nọ chịu hết thấu vì áp lực kinh tế gia đình, khi nghe học trò hỏi: “Thầy có dạy thêm không thầy?”, tôi ừ. Mở lớp dạy được ba tháng, ngại không dám hỏi tiền học trò. Có đứa tự giác gửi, cầm mấy chục ngàn của học trò vùng quê nghèo trao tay, thấy lòng xót xa, hèn mọn, nhỏ bé. Số học trò còn lại nghỉ dần vì nếu tiếp tục học phải trả tiền cho thầy nhiều tháng, lên đến bạc trăm. Tiền học trò đưa chỉ đủ nộp tiền phòng và trả cho cán bộ quản lý nhà trường. Thôi dẹp, không dạy thêm nữa. Về nhà dịu ngọt, năn nỉ vợ: “Anh không có duyên dạy thêm em à, thương cho cái thân anh một chút”. Tags: Câu chuyện giáo dục
'Nghe nói về phát hiện thuyền cổ, tôi 'đùng đùng' bay ra, về Bắc Ninh...' NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 16/04/2025 2774 từ
Hội đồng nhân dân tán thành TP.HCM có phường Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định ÁI NHÂN 18/04/2025 Hội đồng nhân dân TP.HCM đã tán thành phương án sắp xếp và tên 102 phường, xã mới của TP.HCM; tán thành sáp nhập TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.
Máy bay thả cờ trên bầu trời TP.HCM, đại bác tập luyện ở bến Bạch Đằng sáng 18-4 LÊ PHAN 18/04/2025 Sáng nay 18-4, người dân được chiêm ngưỡng máy bay thả cờ Đảng và cờ Tổ quốc trên bầu trời TP.HCM. Bên dưới, tại bến Bạch Đằng, đại bác cũng luyện tập từ sớm.
Thượng úy công an hy sinh khi vây bắt nhóm mua bán, vận chuyển trái phép ma túy Tiến Nguyễn 18/04/2025 Thượng úy Nguyễn Đăng Khải - cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an tỉnh Quảng Ninh - đã anh dũng hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã: Người đứng đầu, cấp phó cơ quan tỉnh có thể làm lãnh đạo cấp xã THÀNH CHUNG 18/04/2025 Với người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có thể tăng cường làm lãnh đạo cấp xã, được bảo lưu phụ cấp chức vụ.