Tương lai của Trung Quốc

DAVID SHAMBAUGH 20/12/2016 23:12 GMT+7

TTCT - Nhà xã hội học Mỹ W. I. Thomas sâu sắc quan sát gần một thế kỷ trước (1928): “Nếu người ta xác định các tình huống là thực, chúng sẽ thực trong hậu quả”. Vì vậy, điều quan trọng là nhiều người trên thế giới nhận thức rằng Trung Quốc sẽ vượt qua - hay đã vượt qua - Mỹ thành cường quốc dẫn đầu thế giới.

Bìa Tương lai của Trung Quốc
Bìa Tương lai của Trung Quốc

David Shambaugh, một học giả Mỹ về các vấn đề Trung Quốc và châu Á, hiện là giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, giám đốc chương trình chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington.

Ông viết nhiều sách về Trung Quốc và cuốn China’s Future (Tương lai của Trung Quốc) (*) in đầu năm 2016 có thể xem là “tập đại thành” trên 40 năm nghiên cứu Trung Quốc của ông. Ngày 10-12 vừa qua, China’s Future đã dẫn đầu hạng mục Chính trị và thời sự (Politics and current affairs) trong danh mục Sách của năm 2016 của The Economist. TTCT xin trích lại một số nhận định trong cuốn sách.

Căng thẳng ngoại biên

Khi Trung Quốc ngày càng trở thành một cường quốc và đối tác quốc tế, các mối quan hệ toàn cầu của nước này trở nên phức tạp và căng thẳng hơn. Điều này là hiển nhiên và dự kiến sẽ tiếp tục mãi như thế trong tương lai.

Hoạt động gián điệp mạng, khả năng quân sự ngày càng tăng và sự hiện diện hải quân bành trướng của Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi cân bằng an ninh khu vực. Nguồn lực tài chính khổng lồ của Trung Quốc và chính sách “tiến ra toàn cầu” tác động đến kinh tế mọi nơi trên hành tinh, không phải lúc nào cũng tích cực.

Tất cả những diễn biến này đang tác động lên quan hệ quốc tế và lên chính Trung Quốc. Chẳng có gì ngạc nhiên, khu vực tương tác căng thẳng nhất đối với Trung Quốc là láng giềng của họ.

Nằm ở trung tâm châu Á, Trung Quốc có chung biên giới đất liền với 14 quốc gia và tiếp giáp biển. Với vị trí địa lý trung tâm và diện tích cực lớn, chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy, quân đội mạnh, nền kinh tế khổng lồ và với yêu sách chủ quyền lãnh thổ tranh chấp, chẳng có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc gặp khó khăn và căng thẳng ngày càng tăng với các nước láng giềng.

Về ngoại giao, Bắc Kinh đang chủ động can dự khắp khu vực châu Á, thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh song phương và đa phương với các lãnh đạo khu vực. Khi họ gặp nhau, quà tặng kinh tế của Trung Quốc theo sau.

Chắc chắn Trung Quốc đã trở thành trung tâm của chuỗi hoạt động kinh tế và cung ứng ở châu Á. Chính phủ Trung Quốc gọi điều này là “kết nối kinh tế”.

Dù điều đó có lợi cho khu vực nói chung, nó cũng tạo ra tình trạng bất đối xứng và mất cân bằng ngày càng tăng, và các nước láng giềng của Trung Quốc đang bắt đầu bực dọc vì phụ thuộc Bắc Kinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những nước khác xem quá trình này rất tự nhiên và không thể đảo ngược.

Tuy vậy, nhìn rộng hơn, thị phần thương mại và đầu tư khu vực của Trung Quốc còn lâu mới thống trị. Đầu tư của Bắc Kinh ở nhiều nước Đông Nam Á xếp dưới Nhật, Liên minh châu Âu và Mỹ, còn thương mại không vượt quá 30% (thường là 15-20%) tổng thương mại của bất kỳ quốc gia châu Á riêng lẻ nào.

Đây là cuốn sách rất quan trọng của một trong những nhà quan sát Trung Quốc sắc sảo nhất của chúng ta, David Shambaugh đưa ra những suy đoán táo bạo về tương lai Trung Quốc, sẽ khiến ngay cả những nhà nghiên cứu Trung Quốc dày dạn phải xem lại giả định của họ

Francis Fukuyama (giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Johns Hopkins)








Tất cả các nước châu Á duy trì hoạt động thương mại đa dạng. Tuy nhiên, hiếm khi một cuộc trò chuyện tại bất kỳ thủ đô châu Á nào lại không lộ ra cảm giác lo lắng ngày càng tăng về sức mạnh kinh tế và nỗ lực tận dụng sức mạnh này cho các mục đích khác của Trung Quốc.

Bắc Kinh dường như cũng nhầm lẫn tin rằng quan hệ kinh tế sẽ lấn lướt các vấn đề bản sắc hay các khía cạnh rắc rối khác trong quan hệ với các nước láng giềng, điều đó không đúng.

Bên cạnh mối quan ngại kinh tế là việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự mạnh mẽ và nhanh chóng bành trướng hiện diện hải quân khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

“Chuỗi ngọc trai” đang trở thành hiện thực, vì Trung Quốc đang thiết lập một loạt thỏa thuận tiếp cận cảng biển ven bờ Ấn Độ Dương đến bờ đông châu Phi. Trung Quốc và lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ nước này sẽ trở thành một “cường quốc hàng hải”.

Đến năm 2030 rất có thể hải quân Trung Quốc có năm tàu sân bay. Nước này đã sở hữu số chiến hạm nổi nhiều nhất thế giới (370 chiếc). Năm 2015, Trung Quốc công bố Sách trắng đầu tiên về chiến lược quân sự, xác định rõ “yêu cầu chiến lược phòng thủ ngoài khơi và bảo vệ các vùng biển mở”.

Người Trung Quốc phân biệt giữa “biển gần” và “biển xa”, biển gần tiếp giáp với bờ biển của Trung Quốc và biển xa là các hoạt động trên đại dương. Sách trắng nêu hải quân Trung Quốc “dần dần chuyển trọng tâm” từ biển gần sang biển xa và “từ bỏ lối nghĩ truyền thống đất liền quan trọng hơn biển”.

Như vậy toàn bộ ngoại biên của Trung Quốc, các mối quan hệ là kết hợp giữa ngọt ngào và chua chát, nhưng đang ngày càng chua chát hơn. Tôi dự đoán điều này trở thành một xu hướng lâu dài tiếp tục trong mười năm tới và hơn thế nữa.

Điều nó tạo ra và sẽ tiếp tục tạo ra, là luật sắt quan hệ quốc tế: luật phản cân bằng. Chính quyền Tổng thống Barack Obama “xoay trục sang châu Á” (hay chính sách tái cân bằng) không phải là ngẫu nhiên - đó là hậu quả trực tiếp của nỗi lo các đồng minh của Mỹ và nhiều nước khác ở châu Á cảm nhận về một Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong những năm 2009-2010.

Chung sống cạnh tranh

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng. Các lĩnh vực hợp tác song phương và toàn cầu đã thu hẹp những năm gần đây, ngày càng bất hòa và cạnh tranh tăng lên.

Đó không phải xu hướng tạm thời, đó là điều “bình thường mới”, hoàn toàn tự nhiên và có thể dự đoán. Khi sức mạnh toàn diện của Trung Quốc tăng lên, cảm giác họ thấy mình quan trọng trở nên rõ ràng hơn.

Khi lợi ích và sự hiện diện của Trung Quốc bành trướng khắp toàn cầu, nước này ngày càng va chạm với Mỹ tại những vùng xa xôi trước đây họ chưa bao giờ hiện diện - nhưng là điểm tương tác và cạnh tranh chiến lược của hai cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lợi ích quốc gia của Trung Quốc và Mỹ chồng lấn ở nhiều khu vực, nhưng hai nước hầu như không thể làm việc với nhau trên một lịch trình chung ở châu Phi, châu Á, Trung Đông hay Mỹ Latin.

Có một số lý do hai cường quốc thấy mình bị kẹt vào mối quan hệ ngày càng cạnh tranh. Một lý do, hoàn toàn có thể dự đoán, rằng những căng thẳng nội tại sẽ nổi lên giữa một cường quốc đã xác lập và một cường quốc đang trỗi dậy.

Nguy cơ xung đột trở nên nghiêm trọng nhất khi sức mạnh tổng thể của cường quốc đang trỗi dậy bắt đầu gần bằng với cường quốc đã xác lập - điểm vượt ngưỡng - mà một số người tin chính là giai đoạn chúng ta đang sống.

Tôi không nằm trong số đó, vì tôi thấy sức mạnh tổng thể của Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ. Đúng, về kinh tế Trung Quốc đang tiến gần tổng GDP của Mỹ, nhưng chắc chắn không phải GDP trên đầu người.

Về quân sự, quân đội của nước này tụt hậu xa so với Mỹ về mọi mặt. Điều đó không có ý nói quân đội Trung Quốc không có những tiến bộ lớn, nhưng nhìn chung vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa khả năng quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc.

Sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc thậm chí còn thua kém hơn. Khoảng cách này cũng rất lớn trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục bậc cao, nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, tôi là người đầu tiên đồng ý nhận thức là quan trọng và chúng rất quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Tôi đã dành toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu của tôi, từ khi viết luận án tiến sĩ về nhận thức của Trung Quốc về nước Mỹ, nhấn mạnh vai trò của nhận thức.

Như nhà xã hội học Mỹ W. I. Thomas sâu sắc quan sát gần một thế kỷ trước (1928): “Nếu người ta xác định các tình huống là thực, chúng sẽ thực trong hậu quả”. Vì vậy, điều quan trọng là nhiều người trên thế giới nhận thức rằng Trung Quốc sẽ vượt qua - hay đã vượt qua - Mỹ thành cường quốc dẫn đầu thế giới.

Khảo sát năm 2014 của Pew Global Attitudes cho thấy đa số 27/40 nước tin rằng rốt cuộc Trung Quốc sẽ thay thế, hay đã thay thế Mỹ trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.

Nhận thức về Trung Quốc tại Mỹ đã ngả theo hướng ngày càng tiêu cực trong một thời gian. Khảo sát công chúng ở hai nước năm 2013 của Pew Global Attitudes Project cho thấy mất lòng tin tăng lên ở cả hai.

Ở Mỹ, 68% công chúng và 80% chuyên gia và học giả xem Trung Quốc là “đối thủ”, trong khi chỉ 26% cho rằng Trung Quốc có thể “tin được”. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 66% người Trung Quốc được hỏi xem Mỹ là “đối thủ”, trong khi 15% xác định Mỹ là “kẻ thù”.

Như vậy, khoảng 2/3 công chúng ở cả hai nước xem quan hệ Mỹ - Trung là cạnh tranh, một thay đổi lớn so với năm 2010, khi đa số công chúng ở hai nước vẫn có quan điểm tích cực về nước kia.

Bất chấp điều này, quan hệ Mỹ - Trung sẽ rất quan trọng trong tương lai.

Hai gã khổng lồ tranh giành nhau theo vô số cách - chiến lược, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, khu vực, quốc tế, giáo dục và trong nhiều lĩnh vực khác; là những cường quốc chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu;

có hai nền kinh tế lớn nhất thế giới; hai ngân sách quân sự và lực lượng hải quân lớn nhất; tiêu dùng năng lượng và nhập khẩu dầu lớn nhất; phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và góp phần gây biến đổi khí hậu nhiều nhất; đóng góp hai lực lượng tiến sĩ và bằng sáng chế lớn nhất trên thế giới; và là hai đối tác toàn cầu đúng nghĩa duy nhất trên sân khấu thế giới ngày nay.

Ở cấp xã hội, đó là mối quan hệ đa tầng - sâu sắc hơn so với nhiều người dân trong cả hai nước có thể nhận ra. Ở cấp độ chính phủ cũng không thiếu sự tương tác.

Hơn 90 cơ chế đối thoại song phương riêng biệt được thiết lập. Nhưng mối quan hệ Trung - Mỹ đang ngày càng khó tìm thấy một trạng thái cân bằng ổn định - thiếu hẳn một kịch bản và đường đi tích cực đến tương lai. Đường đi vĩ mô trong mười năm qua đều đặn đi xuống.

Cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh đã dần thay đổi trong 20 năm qua, cạnh tranh giờ đây trở thành nhân tố lấn át. Có nhiều lý do - nhưng một lý do là an ninh ngày càng trội hơn kinh tế trong quan hệ. Trách nhiệm là từ cả hai bên.

Về phía Mỹ, chiến lược “hợp tác” với Trung Quốc được theo đuổi từ thời tổng thống Nixon qua tám chính quyền liên tiếp đã dựa trên ba trụ cột: trông đợi sự tự do hóa chính trị ở Trung Quốc; hi vọng nước này sẽ là “đối tác có trách nhiệm”; và trở thành một cường quốc “nguyên trạng”. Cả ba điều đó có vẻ đều sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

Còn ở Bắc Kinh, Mỹ đang công khai bị xem là mối đe dọa thực sự với an ninh của Trung Quốc. Trong môi trường nhận thức là hình ảnh phản chiếu và hành động bị xem là thách thức lợi ích quốc gia cốt lõi của nước khác, chẳng có gì ngạc nhiên khi quan hệ Trung - Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng. Đó là trạng thái “bình thường mới” - cả hai nước và thế giới cần phải quen với nó.■

(*): Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, TS Nguyễn Đình Huỳnh dịch.

Quản lý cạnh tranh

Trách nhiệm chính - và thử nghiệm chính - cho cả hai quốc gia là học cách quản lý cạnh tranh - tôi gọi là “chung sống cạnh tranh” - để giữ nó không rơi vào một mối quan hệ hoàn toàn đối địch và xung đột, trong khi cố gắng mở rộng địa hạt hợp tác thực sự (thừa nhận rằng hòa hợp hoàn toàn là hão huyền và không thể có).

Không may, chẳng nước nào có cuốn cẩm nang hướng dẫn mối quan hệ phức tạp như vậy (Chiến tranh lạnh không có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó). Henry Kissinger hình dung điều ông gọi là “cùng phát triển” giữa hai cường quốc, nhưng ngay cả ông cũng kết luận điều này đòi hỏi “khôn ngoan và nhẫn nại”.

Nó cũng đòi hỏi tính thực dụng, chấp nhận và khoan dung lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi thấy chẳng rõ ràng chút nào văn hóa chính trị và hệ thống chính trị hiện có, bản sắc dân tộc, giá trị xã hội và thế giới quan của mỗi nước sẽ giúp cho một cuộc đại mặc cả có tính chiến lược như vậy ngày nay.

Cho nên, trong tương lai, hai cường quốc này hầu như sẽ thấy ngày càng khó chung sống - nhưng lại phải chung sống. Tuy phức tạp và căng thẳng, đây là cuộc hôn nhân mà ly dị không phải là giải pháp. Ly dị đồng nghĩa chiến tranh.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận