Ủng hộ và anti…

KHÁNH LINH 29/09/2013 05:09 GMT+7

TTCT - Cách đây vài hôm, bạn tôi gửi link một fan page (1) kèm lời nhắn nhủ: “Vào đây ủng hộ với tui, bức xúc quá”.

Tò mò, tôi vào xem thử thì nhận ra fan page này được lập nhằm phản đối dữ dội chuyện hẹn hò yêu đương của một anh chàng vlogger A và một “hot girl” B (2) mà bạn tôi cũng là một thành viên thường trực!

Trái tim thật đập theo “nhịp” thế giới ảo
Con người trong thế giới mạng

Phóng to

Với gần mấy ngàn thành viên ra vào bình luận, đăng bài, nội dung trang bày tỏ đủ cung bậc cảm xúc nhằm... ngăn cản chàng yêu nàng, mong chàng chia tay nàng: từ khuyên nhủ, tiếc nuối, bực bội đến giận dữ, mỉa mai, chỉ trích…

Thử dành thời gian dạo một vòng quanh mấy hội nhóm trên mạng xã hội, một không gian rộng lớn của các Hội những người ủng hộ A..., Nhóm các bạn anti B... (3) cứ thế hiện ra hàng loạt với vô số biểu hiện vừa phong phú, vừa phức tạp.

Vào hội cho... vui

“Tham gia fan page để vào “chém gió” là chính ấy mà, người lớn cứ làm nghiêm trọng vấn đề” hay “vào đấy để nói chuyện với mấy bạn đồng tư tưởng cho thoải mái, với cả xem người ta cãi nhau càng... vui hơn” là câu trả lời tôi nhận được khi hỏi nhanh cậu em trai và đứa bạn nó. Cả hai thường xuyên vào ra Hội những người ghét CLB MU.

Trang này hoạt động sôi nổi, đặc biệt lâu lâu lại nổ ra những cuộc “thư hùng bàn phím” nảy lửa với Hội những người hâm mộ MU - một nhóm hâm mộ đối lập.

Không ít người nổi tiếng sau một đêm ngủ dậy hay biểu diễn đã thấy hàng loạt trang “anti” mình mọc lên như nấm sau mưa. Từ các nghệ sĩ đến những hot girl cả nổi tiếng lẫn tai tiếng. Cả những người mới hơi hơi nổi một chút đâu đó cũng có từ một đến rất nhiều trang phản đối mang những cái tên đại loại như: Hội những người ghét..., Bộ mặt thật của..., Hội những người phát cuồng vì..., Hội những người anti...

Khá đông bạn trẻ thường trực đăng bài, bình luận nhằm mỉa mai nhân vật chính, biến hình ảnh và hành động của họ thành trò mua vui.

Cá biệt hơn, thời gian qua một cô gái người Thái Lan cũng trở thành “nạn nhân” của hiện tượng này. Thường xuyên chụp những tấm ảnh ngộ nghĩnh, quái lạ đăng lên trang Facebook cá nhân, cô gái không ngờ đến một ngày tận bên Việt Nam cũng xuất hiện hàng loạt trang “phát cuồng” về mình.

Tại đó, những tấm ảnh của cô bị đem ra cắt ghép, chế tác cho thêm bội phần hài hước, thậm chí lố bịch để rồi được cập nhật hằng ngày lên mạng và trở thành nơi bêu riếu, cười đùa cho mấy ngàn người trẻ.

Hơn nữa, chỉ với một hành động nào đó của người nổi tiếng xảy ra trên truyền hình, mặt báo hay cả trong đời sống họ, chỉ sau một đến mấy ngày đã có page anti xuất hiện với vài trăm, vài ngàn người “like” ủng hộ. Điển hình có Hội những người phản đối A yêu B như đã kể trên, hay hội Chúng tôi phản đối A yêu B, Chúng tôi phát cuồng vì A yêu B, thậm chí là 1 triệu like để A suy nghĩ lại...

Ngoài ra, cứ mỗi lần có show giải trí hay sự kiện giật gân gì trên truyền thông là theo đó vô số trang với nội dung phản ứng nảy nở: Hội tẩy chay quyết định của HLV TL, Hội những người anti HLV ML thiên vị, Hội những người phản đối nhà mạng ngưng khuyến mãi 100%, Hội những người phản đối cách ra đề… Dường như hội nhóm trên mạng xã hội đã trở thành kênh bày tỏ những gì không vừa ý, khó chịu của các bạn trẻ mà ngoài đời thực họ không có điều kiện phát ngôn, tập hợp.

Giải tỏa bức xúc

Hơn thế nữa, một bộ phận cư dân mạng tham gia các trang “anti” nhằm những mục đích nghiêm trọng: chỉ trích sự việc hiện tượng, thỏa mãn bức xúc nào đó…

Như một bình luận trên trang Chúng tôi không ủng hộ việc A yêu B: “Fan nâng anh lên thì cũng dìm anh xuống được. Vậy mà anh chẳng biết chiều lòng fan, còn gây thù chuốc oán. Việc anh yêu B đã phản bội lại chúng tôi và phản bội lại những phát ngôn của anh…” (!?). Một sự việc tưởng chừng rất riêng tư, cá nhân và vốn chẳng ảnh hưởng đến ai ngoài các nhân vật chính lại có thể gây bão mạng!

Bên cạnh đó, các Hội anti..., Hội những người ghét cay ghét đắng..., Hội căm ghét... đều thể hiện rõ những cảm xúc tiêu cực, nặng về sự miệt thị, đả kích. Tại đó, hàng loạt bài đăng và bình luận tự động đưa ảnh của các nhân vật chính lên, thêm vào những lời bài trừ, chê bai, trù dập, sỉ nhục.

Khi hỏi riêng một số thành viên các loại trang trên rằng vì sao họ lại nặng lời như thế đối với một người vốn chẳng dính dáng mấy đến mình, tôi nhận được hai kiểu giải thích phổ biến. Một là: “Nó khiến mình khó chịu, tội gì không lên đây “dìm hàng” nó cho nhanh”; hai là “Nói chung mới đầu mình chưa ghét nó mấy, nhưng vào đây thấy mọi người nói dữ quá, càng nói càng khiến mình thấy bực bội y vậy...”.

...Và những hệ lụy

Mới đây, H., sinh viên Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, đã bị lãnh đạo nhà trường cảnh cáo xử lý kỷ luật vì việc thành lập Hiệp hội những người ghét dân Thanh Hóa trên Facebook.

Một hậu quả ghê gớm hơn là chuyện em P.U.N., học sinh một trường THPT tại TP Đà Nẵng. Bị trang Bộ mặt thật của các hotteen Đà Thành viết bài xuyên tạc đời tư, miệt thị nhân phẩm và gánh chịu sự hùa theo bêu riếu của các thành viên trang này, N. chịu không nổi áp lực nên đã uống thuốc tự tử.

Dù được cứu sống kịp thời nhưng có lẽ tâm hồn em sẽ luôn gánh chịu một vết thương sâu sắc. Không được may mắn như vậy, Amanda Todd, một nữ sinh Canada, đã tự vẫn sau khi bị bạn bè đưa tấm hình riêng tư lên Facebook, biến cô thành chủ đề bình luận, đùa cợt, bêu riếu trên mạng xã hội.

Dẫu biết rằng bình luận là nhu cầu phổ quát của con người, song việc lạm dụng và đẩy nó đi xa khỏi những giới hạn của sự nhân văn, nhân tính sẽ gây nên vô số hậu quả đau lòng. Mạng xã hội là nơi lan truyền một cách nhanh gọn mọi ý kiến, nhận định; nhưng cùng lúc cả mọi sự xuyên tạc, chỉ trích có thể xâm phạm nghiêm trọng đến quyền cá nhân của người khác.

“Yêu hoa”, “yêu nắng”... đến “yêu thương lặng lẽ”

Cộng đồng mạng xã hội có những mảng sáng thú vị, đôi phần hóm hỉnh và đặc biệt là đậm đà tinh thần trẻ trung của cư dân mạng.

Chẳng hạn, những hội “yêu”, nơi quy tụ những ai cùng đam mê, chí hướng ở một vấn đề hoặc lĩnh vực nào đó trong cuộc sống.

Từ những sở thích giản dị, lành mạnh (Hội những người yêu đọc sách, Hội những người thích đan len, Hội những người đam mê nấu ăn...), những vẻ đẹp của tự nhiên (Hội những người yêu hoa/yêu nắng/yêu mưa/yêu gió/yêu biển...) đến những điều thân thương, đáng yêu, đáng quý như động vật, trẻ em, truyền thống dân tộc, quê hương đất nước (Hội những người yêu cún con, Hội những người yêu mẹ và bé, Tôi yêu áo dài, Tôi yêu bữa cơm gia đình, Tôi ♥ Việt Nam | I ♥ Vietnam, Sài Gòn Sài Gòn...).

Thậm chí, trang Hội những người yêu mèo trực thuộc website yeudongvat.org hoạt động rất hiệu quả trong việc cứu giúp và kết nối việc nhận nuôi, chạy chữa cho những động vật bị bỏ rơi, lâm bệnh.

Và bạn có biết có những hội nhóm hài hước, thậm chí tự trào với tinh thần lạc quan như thế này không: Hội những người vừa tắm vừa hát, Hội những người thích được ôm từ phía sau... thật chặt, Hội những người muốn kết bạn với những người sinh cùng ngày với mình, Hội những người yêu ba mẹ, Hội những người yêu thương lặng lẽ, Hội những người ế vì quá tử tế mà thôi, Hội những người cứ ở vậy cho chúng nó thèm...

(1): Là trang trên mạng xã hội, được lập để ủng hộ một ai đó hoặc một sự việc nào đó
(2): Tên nhân vật đã được thay đổi
(3): anti: Chống

Trong số những hành động được cho là ngược đãi hay ức hiếp trên không gian điều khiển có việc “viết các comment công kích cá nhân trên các trang xã hội kể cả khi cá nhân đó không đọc hoặc không biết việc người ta viết về mình”, và “chia sẻ những thông tin cá nhân của người khác mà bình thường không bao giờ họ muốn cho những người lạ biết”.

Như vậy, chuyện buồn của P.U.N. hay bi kịch của cô bé Canada Amanda Todd có thể liệt vào phạm trù “bị ngược đãi trên không gian điều khiển” này.

Khi mạng xã hội đang phát triển và luật pháp chưa thể chi phối mọi mặt những hành vi trên không gian điều khiển, thì những điều chỉnh từng lúc đã nhắc nhở cư dân mạng rằng mạng xã hội cũng có thể mang tới cho họ rắc rối. Gần đây nhất là việc sáu cư dân mạng ở Virginia kiện sếp mình ra tòa.

Theo Reuters, các công dân này cho rằng họ bị mất việc chỉ vì bấm nút “like” một đối thủ chính trị của sếp mình, cảnh sát trưởng Hampton, Virginia, trong một cuộc bầu cử năm 2009 nên bị sếp sa thải. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm số 4 đã xử quyền “thích” hay “không thích” ai đó trên mạng xã hội cũng là một cách bày tỏ ý kiến, và do đó không thể cấm vì sẽ vi phạm tự do ngôn luận đã được tu chính án số 1 của Mỹ quy định.

Không bình luận về kết quả vụ án, diễn tiến này chỉ ra, như nghiên cứu trên ghi nhận: ”...Người ta thường không nhận thức được là khi họ ngồi trước màn hình, tất cả những gì họ thấy chỉ là màn hình. Còn khi họ viết gì đó và nhấn nút gửi đi..., (thông tin đó) sẽ phát triển đời sống của chính nó”.

Vì vậy, khi bạn bấm nút gửi đi một thông tin nào đó trên mạng xã hội, hãy thử hình dung đời sống tiếp theo của nó một khi đã vượt khỏi sự chi phối của bạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận