40 năm VN dự Olympic Toán học: Ra đi và trở về

LÊ ANH HOA 28/07/2014 22:07 GMT+7

TTCT - Suốt thời gian dài, nhiều người từng gắn cho những chủ nhân IMO “những vầng hào quang tưởng tượng” để rồi sốt ruột và thất vọng khi mãi vẫn chưa thấy bóng dáng nhân tài tiếp tục tỏa sáng, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

40 năm VN dự Olympic Toán học: Vinh quang, bóng tối và ưu tư

Cuộc thi IMO năm 2011 ở Hà Lan - Ảnh: Mathemazier

Song những năm gần đây, nhiều gương mặt trưởng thành từ “phong trào” IMO đã khẳng định được năng lực và uy tín ở nhiều trường ĐH danh tiếng thế giới, đặc biệt là số học sinh đoạt huy chương IMO theo đuổi con đường toán học ngày một đông hơn.

Tròn 40 năm với 39 lần tham dự IMO, Việt Nam đã cử 232 lượt thí sinh đi tranh tài với học sinh quốc tế, hầu hết đều mang huy chương trở về, trong đó có 52 huy chương vàng.

Những cánh chim cô đơn

Tuy nhiên, số người trưởng thành từ “phong trào” IMO giờ tiếp tục theo đuổi nghiệp toán không nhiều. Nhiều người trong số họ phải chịu cảnh trôi dạt một cách không chủ ý theo guồng quay của thời cuộc và của từng số phận.

Trong một lần tâm sự với các thế hệ đàn em từng đoạt giải IMO, TS Vũ Đình Hòa, giảng viên khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tâm sự: “Có một điều thấy rõ nhất là sau khi tham dự kỳ thi IMO, hầu hết chúng ta (những thành viên tham gia kỳ thi) đều bị sốc là dường như chúng ta lập tức bị bỏ quên và bị bỏ mặc tự phát triển cá nhân...”.

Những thế hệ chủ nhân giải thưởng IMO đầu tiên sau khi được giải thưởng đều được Nhà nước gửi đi đào tạo ở nước ngoài về ngành toán, chủ yếu ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tuy nhiên, phần lớn khi vào đời họ đã không ở lại với toán mà chuyển sang lĩnh vực khác, thậm chí như cách nói dân dã của các cựu du học sinh là bỏ “đi buôn”. Một số trụ lại được với toán thì không ngừng vật lộn mưu sinh trong sự cô độc.

PGS.TSKH Vũ Đình Hòa là một trong năm học sinh của đội tuyển tham dự IMO đầu tiên của Việt Nam (năm 1974 tại CHDC Đức). Năm đó, Vũ Đình Hòa đoạt huy chương bạc. Một năm sau anh được Nhà nước cử sang Đức học ngành toán tại Trường ĐH Greifswald. Năm 1984, anh về nước làm việc tại Phân viện Tính toán và điều khiển.

Sự nghiệp của anh khá lận đận, thậm chí có thời gian anh còn bị “bật” ra khỏi biên chế nhà nước. Nhưng số phận lại dẫn dắt khiến anh vẫn gắn bó với nghề dạy toán, với phong trào IMO, mà Ngô Bảo Châu chính là một trong số những học trò đầu tiên. Một số năm anh còn là lãnh đạo đoàn dẫn học sinh Việt Nam tham dự IMO, được gọi là người dẫn đoàn mát tay bởi thời gian đó IMO Việt Nam có nhiều thành tích vượt trội.

GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulous, Pháp) cũng là một điển hình cho sự “bị bỏ quên” sau hào quang IMO. Cho đến nay, Nguyễn Tiến Dũng là người ít tuổi nhất trong số các thành viên IMO Việt Nam đoạt HCV (năm 1985 khi chưa đầy 15 tuổi). Sau đó, dù đang là học sinh lớp 11 nhưng anh được đặc cách tốt nghiệp và được gửi sang Nga học toán ở ĐH Lomonosov danh tiếng.

Trong một bài viết tự thuật (và tự nhận mình là “con cừu đen” của làng toán Việt), anh nhớ lại: “Trong tình hình lộn xộn ở Nga, ít người yên tâm đi theo con đường học thuật. Thế hệ chúng tôi như một thế hệ “bỏ đi”. Ai thức thời biết đường buôn bán làm ăn thì về sau thành đại gia này nọ, tuy cũng có những người vì làm ăn mà mất cả mạng sống ở Nga. Tôi cũng bị sao nhãng nhiều.

Nếu không buôn bán gì thì đói ăn, vì học bổng những năm cuối không còn đủ tiền để mua đồ ăn nữa... Bởi vậy tôi cũng đi làm thêm ở nhà máy, rồi cũng đi buôn”. Nhưng rồi số phận vẫn gắn chặt anh với nghề làm toán. Khi đi dự một hội nghị toán học ở Trieste (Ý), anh được nhận ở lại làm việc.

Chưa tròn 24 tuổi, anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ toán học tại ĐH Strasbourg (Pháp) rồi được nhận vào làm ở những trung tâm nghiên cứu, những trường ĐH lớn của Pháp. Hiện anh vẫn là một giáo sư có tiếng trong cộng đồng toán học người Việt trong và ngoài nước.

Năm 1990, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, con đường du học của các thành viên đội tuyển IMO rơi vào bế tắc. Nhiều người ở lại học ĐH trong nước, chỉ một số ít người may mắn tìm được đường “ra đi” như Hà Huy Tài - huy chương bạc IMO 32 (1991) - được sang Úc học mà thời gian học ngoại ngữ chỉ vẻn vẹn hai tháng. Hà Huy Tài đã trải qua một thời gian chới với nơi xứ người khi khả năng ngôn ngữ chưa đủ để giao tiếp ở mức tối thiểu.

Những tháng đầu, anh ngồi “nghe và ngủ gật là chính” trong lớp học. Nhờ ý chí và nghị lực của một cựu thành viên đội tuyển IMO, Hà Huy Tài đã kết thúc được quãng thời gian học ĐH ở Úc một cách suôn sẻ. Sau đó, anh xin được học bổng làm nghiên cứu sinh tại ĐH Queen (Canada). Hoàn thành tiến sĩ năm 2000, anh về nước và công tác tại Viện Toán học Việt Nam. Từ năm 2001-2004, anh sang Mỹ làm luận án sau tiến sĩ ở ĐH Missouri - Columbia và hiện là GS giảng dạy ở ĐH Tulane (Mỹ).

Nhiều chủ nhân huy chương IMO khác cũng gặp không ít lận đận. Gần đây, khi đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) vốn cho phép học sinh đoạt giải quốc tế tham gia đột ngột chấm dứt, việc tìm học bổng du học phải do từng cá nhân tự thân vận động.

Đậu Hải Đăng, huy chương vàng IMO 53 (2012) do mải mê ôn luyện đội tuyển để đi thi quốc tế đã không có thời gian học tiếng Anh nên lỡ nhịp với mùa xin học bổng. Em hiện vẫn học lớp cử nhân tài năng khoa toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Những người “sống sót” cùng toán

Theo GS Lê Tuấn Hoa - viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cả năm thành viên đội tuyển đầu tiên tham dự IMO Việt Nam khi học ĐH đều theo ngành toán, nhưng nay thì ba trong số đó đã rời bỏ đội hình.

“Một anh đã mất (trước đó cũng không còn làm toán), anh Tạ Hồng Quảng sau khi làm xong tiến sĩ về toán thì chuyển sang ngành dầu khí, anh Hoàng Lê Minh cũng làm tiến sĩ toán nhưng sau đó chuyển sang ngành công nghệ thông tin, hiện là viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số (Bộ Thông tin và truyền thông). Người duy nhất không được huy chương IMO hồi đó là anh Nguyễn Quốc Thắng thì nay là người duy nhất được phong giáo sư và hiện ở Viện Toán học Việt Nam. Anh Vũ Đình Hòa vẫn có duyên với phong trào IMO” - GS Lê Tuấn Hoa nói.

Có một thời gian dài dư luận bàn tán khá nhiều quanh đề tài học sinh giỏi toán nhưng không đi làm toán, điển hình là những chủ nhân huy chương IMO - tinh hoa của một thế hệ, và từ đó đặt vấn đề nên hay không tồn tại các lớp chuyên toán.

GS Phùng Hồ Hải nhận xét: “Thi toán quốc tế chỉ là một diện rất nhỏ, diện rộng hơn - những học sinh chuyên toán - cũng không quan tâm việc tiếp tục học toán. Toán chỉ là con đường để họ tiếp cận tương lai tốt hơn. Dĩ nhiên việc đó không xấu, nhưng tất cả học sinh chuyên toán đều không đi học toán tiếp thì đó là một mất mát”.

Theo GS Phùng Hồ Hải, đến nay chỉ khoảng 10% trong tổng số thí sinh từng dự thi IMO của Việt Nam còn theo đuổi nghề toán.

“Theo một bạn học người Đức hiện giờ vẫn dẫn đội tuyển IMO Đức đi thi toán quốc tế, hầu hết thí sinh IMO của họ đều gắn bó đời mình với nghiệp toán. Tuy nhiên, tôi không định so sánh bởi cách thức tổ chức tham gia thi IMO của Đức thật sự quy tụ được những học sinh đam mê toán. Nếu Việt Nam cũng như vậy, tôi hi vọng số người trưởng thành từ phong trào IMO theo nghề toán sẽ lớn hơn” - GS Phùng Hồ Hải nói.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng cái “được” không thể phủ nhận của phong trào IMO chính là tạo ra một thế hệ người làm toán có chất lượng.

“Kỳ thi IMO không phải là thước đo đánh giá về đẳng cấp toán học của một quốc gia, nhưng những người làm toán tích cực thế hệ tôi trở về sau hầu hết là thành viên đội tuyển IMO và những người thuộc lớp trước, từ anh Nguyễn Tiến Dũng, Phùng Hồ Hải đến Hà Dương, Hà Huy Tài, Nguyễn Chu Gia Vượng... Sau này có Ngô Đắc Tuấn, Đào Hải Long, Bùi Mạnh Hùng... Lê Hùng Việt Bảo, nghiên cứu sinh tại khoa toán ĐH Harvard hiện nay cũng từng là thành viên đội tuyển IMO” - GS Ngô Bảo Châu nói.

Theo GS Lê Tuấn Hoa, nghiên cứu toán học là một nghề thầm lặng nên dư luận không biết vẫn có một thế hệ trẻ tuổi miệt mài làm toán tích cực, dù số này không nhiều. Hầu hết họ đều làm việc ở nước ngoài. Mấy năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Viện nghiên cứu cao cấp về toán được thành lập, sự trở về đã tấp nập. Nhiều người đã thực hiện kế hoạch về Việt Nam làm việc với cộng đồng toán học trong nước mấy tháng hè.

“Một người làm toán muốn đạt tới sự thành công để xã hội biết tới phải có ít nhất 15 năm, kể từ ngày họ rời sân chơi IMO. Chúng ta đã biết anh Ngô Bảo Châu. Nhưng kể từ thế hệ anh Ngô Bảo Châu trở về sau sẽ tiếp tục có nhiều người khác khẳng định được mình, dẫu khó có được giải Fields danh giá nhưng họ vẫn thật sự là những tài năng quý giá của cộng đồng toán học người Việt” - GS Lê Tuấn Hoa chia sẻ.

Theo giới chuyên môn, tín hiệu tích cực cho nhân lực ngành toán mà xuất phát điểm từ phong trào IMO không chỉ ở những nhà toán học đang nổi mà còn thể hiện ở xu hướng chọn đường lập nghiệp của các thế hệ IMO sau này. Ngày càng có nhiều bạn trẻ từng đoạt huy chương IMO chọn theo ngành toán khi học ĐH.

Đỗ Kim Tuấn, huy chương đồng IMO 52 (2011) đã đăng ký học Trường ĐH Ngoại thương. Nhưng trước khi nhập học, em cùng mẹ tìm đến GS Hà Huy Khoái (nguyên viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) trò chuyện và sau đó quyết định sang học lớp cử nhân tài năng của khoa toán ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Có những học sinh đã vào trường khác học, nhưng vì nhớ toán quá mà lại quay về với toán. GS Phùng Hồ Hải kể về trường hợp em Võ Văn Huy, huy chương đồng IMO 52 (2011): “Bố mẹ Huy đều là nông dân ở Phú Yên, một người em lại bị bệnh nên Huy rất muốn theo học ngành y dược để sau này có điều kiện giúp gia đình. Nhưng vừa rồi khi tôi gặp lại Huy thì được biết em đã quay về học toán ứng dụng ở ĐH Bách khoa TP.HCM và chuẩn bị sang Mỹ du học”.

Ông nói: “Việc những em xuất sắc nhất trong phong trào IMO tiếp tục đi theo ngành toán chủ yếu nhờ môi trường xã hội đang thay đổi, điều kiện kinh tế - xã hội đã thuận lợi hơn, cho phép các em được tự do theo đuổi đam mê của mình. Ngày xưa vì nhu cầu mưu sinh nặng nề, nhiều người thích mấy cũng phải bỏ. Nay các em đã dám mạo hiểm theo đuổi đam mê, kể cả khi xã hội cho rằng điều đó thật điên rồ, đó là một điểm thật đáng mừng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận