7 khẩu súng kíp ở bản Thin Phong...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH 16/02/2019 21:02 GMT+7

TTCT - ​Năm tháng vẫn trôi qua nhưng ở Thin Phong, câu chuyện về những liệt sĩ dân quân nơi xóm núi này trong cuộc chiến bảo vệ biên cương vẫn được cháu con của họ kể lại vô cùng giản dị bên bếp lửa góc nhà, lặng thầm và bền bỉ như đời dân biên ải. Và không một điều gì, một ai bị lãng quên.

Ông Trương Tấn Sang dâng hương đúng ngày 17-2-2016 ở nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh. Ảnh: Ngọc Quang
Ông Trương Tấn Sang dâng hương đúng ngày 17-2-2016 ở nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh. Ảnh: Ngọc Quang

 

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) là nơi đã diễn ra một sự kiện đặc biệt: lần đầu tiên sau 37 năm, đúng vào ngày kỷ niệm chiến tranh biên giới Việt - Trung (17-2-2016), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hoa và thắp hương lên mộ phần các liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc.

Một dải biên cương phía Bắc, vùng đất nào chẳng là phên giậu Tổ quốc, nhưng riêng huyện Trà Lĩnh của Cao Bằng, từ trong lịch sử là huyện duy nhất mang tên: huyện Trấn Biên (trấn giữ biên ải), mãi đến năm 1958 mới đổi thành huyện Trà Lĩnh.

Thông điệp ở nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh

Từ thành phố Cao Bằng, chạy theo tuyến đường vào thác Bản Giốc, đến đèo Mã Phục thì rẽ trái lên hướng cửa khẩu Trà Lĩnh. Huyện lỵ của Trà Lĩnh là thị trấn Hùng Quốc. Nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh nằm trên một mái đồi phía đông bắc thị trấn. Thay cho những ngôi mộ phủ bằng đá rửa cũ kỹ, hơn 300 mộ liệt sĩ trong nghĩa trang đã được thay mới vỏ mộ, ốp bằng những tấm đá hoa cương đen bóng.

Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Lĩnh cho chúng tôi biết những nghĩa trang biên giới của Cao Bằng đã được cấp kinh phí trùng tu khang trang kể từ sau chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chuyến đi dâng hương trước khi ông rời nhiệm kỳ của mình có lẽ cũng là một nhắn nhủ với tất cả chứ không chỉ là tấm lòng và mối quan tâm thường trực của ông với biên ải.

Những mộ phần ở đây đều chung một điều: tất cả những liệt sĩ cùng hi sinh năm 1979, có một số liệt sĩ hi sinh sau đó, kéo dài đến năm 1989.

Cúi xuống đọc kỹ từng bia mộ, thêm một điểm chung nữa: hầu hết đều là những người lính sinh vào năm 1959 và 1960, nghĩa là khi hi sinh tất cả anh em đều tầm 19-20 tuổi và cùng là lính của trung đoàn 667 Bắc Thái (Bắc Thái ngày đó là tỉnh hợp nhất giữa Thái Nguyên và Bắc Cạn).

Tháng 2-1979, trung đoàn 667 bảo vệ tuyến phòng ngự chủ yếu của sư đoàn 346 trên hướng Trà Lĩnh. Những địa danh như bình độ 700, đồi Quyết Tử, đồi Thanh Niên, điểm cao 800, điểm cao 815... của Trà Lĩnh gắn với tên tuổi những người lính sư đoàn 346.

Trong nghĩa trang hơn 300 mộ liệt sĩ ở đây, có một dãy mộ nằm sát nhau ngay hàng đầu phía tay phải từ phía cổng nghĩa trang đi vào với một chút khác biệt: đó là 6 ngôi mộ của 6 dân quân của xã Quang Hán: Bế Văn Sầu, Đàm Văn Dần, La Văn Nhịt, Đàm Văn Hần, Bế Văn Cái và Bế Đình Hạ.

Một điều gì đó thôi thúc chúng tôi đi tìm gặp thân nhân những dân quân đã hi sinh này. Quang Hán là một xã không lớn, nhưng giữa núi rừng mênh mông, tìm được gia đình những liệt sĩ dân quân này chắc không dễ. May sao, khi đến bản Niếng Noọc, bí thư chi bộ bản Niếng Noọc, anh Bế Văn Thạch cho chúng tôi hay cả 6 liệt sĩ dân quân ấy vốn là người sống cùng một bản: bản Thin Phong, giáp biên giới, gần mốc 729.

Dãy sáu ngôi mộ liền nhau của tiểu đội dân quân bản Thin Phong ở nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh. Ảnh: Ngọc Quang
Dãy sáu ngôi mộ liền nhau của tiểu đội dân quân bản Thin Phong ở nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh. Ảnh: Ngọc Quang

 

Những đời dân lặng thầm trong thung núi

Dọc con đường vào bản giáp biên Thin Phong, người sĩ quan biên phòng dẫn đường cho chúng tôi bảo: May hôm nay trời không mưa, có thể vào tới bản mà không lo lầy. Con đường nối từ tỉnh lộ vào bản Thin Phong cũng vừa được đầu tư, ôtô có thể chạy vào tận bản. Hơn mười năm trước, khi thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc, cách duy nhất vào tới bản giáp biên này là... đi bộ, chưa một phương tiện cơ giới nào có thể vào tận bản.

Khằm Văn Mão, trưởng bản Thin Phong, quẹt vội đôi tay lấm đất đang dang dở với luống rau sau vườn đón chúng tôi lên nhà. Bố của trưởng bản Mão là cụ Khằm Văn Chắn, hóa ra là đồng đội của 6 liệt sĩ dân quân hi sinh cùng một ngày 18-2-1979. Cụ Chắn là thương binh hạng 2/4.

Đưa tay kéo cao ống quần phía chân phải, cụ Chắn chỉ tay vào vết sẹo dài gần 10cm ngay bắp chân bảo: “Đấy, hôm tao bị thương thì cả 6 đứa dân quân bản tao hi sinh hết đấy”.

Bản Thin Phong khi ấy có một tiểu đội 7 người canh gác ở mỏm đồi Pô Lộ thuộc mốc 96 (nay là mốc 729). Ngay sau khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới chỉ một ngày, sáng 18-2-1979, cả tiểu đội 7 người hi sinh hết 6, chỉ mình cụ Chắn bị thương còn sống.

Ở cái hốc núi hẻo lánh này, thời gian như ngưng đọng, vì thế chuyện của vài thập niên trước có thể kể như vừa xảy ra hôm qua. Người dân cũng ít đi đâu xa ra khỏi làng bản, chỉ khi nhìn cái mũ trên đầu cụ Chắn, thấy dòng chữ “Kỷ niệm về thăm lăng Bác”, hỏi ra mới biết cụ đã được về thăm Hà Nội. Và đó là tất cả những gì cụ biết về một thế giới bên ngoài bản Thin Phong của mình.

Bản Thin Phong ngày đó cũng chỉ mười mấy nóc nhà. Hằng ngày anh em trong tiểu đội dân quân lên bám chốt, nghe ngóng tình hình, canh gác không cho người bên kia biên giới xâm phạm. Tình hình nóng lên từ vài năm trước, nhưng không một người dân nào của bản Thin Phong nghĩ rằng sẽ có ngày quân Trung Quốc tràn qua biên giới với súng đạn xe pháo như thế. Khi chiến sự xảy ra ở mốc 96, chốt của tiểu đội dân quân bản bị tấn công bất ngờ.

Cựu dân quân Khằm Văn Chắn nhớ về trận đánh khiến 6/7 người trong tiểu đội ông hi sinh. Ảnh: Ngọc Quang
Cựu dân quân Khằm Văn Chắn nhớ về trận đánh khiến 6/7 người trong tiểu đội ông hi sinh. Ảnh: Ngọc Quang

 

“Khi đó cả 7 anh em chỉ có 7 khẩu súng kíp thôi, quân nó thì bắn loại súng “100 viên”, nó dùng súng “100 viên” nã vào chốt, chết hết, cả bố thằng này - cụ Chắn chỉ tay vào Đàm Văn Lò, con trai liệt sĩ Đàm Văn Dần, đang ngồi cùng chúng tôi ở nhà cụ - Cả thằng Bế Văn Cái, thằng La Văn Nhịt, thằng Sầu, thằng Hấn, thằng Hạ...”. Loại súng “100 viên” mà cụ Chắn kể lại với chúng tôi là loại súng máy RPD với hộp đạn tròn chứa 100 viên đạn. Và ngay cuộc tập kích vào chốt của tiểu đội dân quân Thin Phong, những khẩu trung liên RPD bắn xối xả vào những dân quân hiền hậu chất phác của bản nghèo này.

Đàm Văn Lò, con trai liệt sĩ Đàm Văn Dần, góp chuyện: “Khi bố em hi sinh, em còn nằm trong bụng mẹ, đến tháng 9-1979 em mới được sinh ra”. Bà Nông Thị Sao, mẹ của Lò, là vợ của liệt sĩ Dần, bảo khi ấy bà đang mang thai Lò hai tháng, dắt díu anh trai Lò là Ngọi mới hơn một tuổi chạy vào rừng. Bà không biết chồng mình đã hi sinh trên chốt.

Cũng như 6 ngôi mộ liệt sĩ dân quân của bản Thin Phong đang nằm cạnh nhau ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Trà Lĩnh, mấy ngôi nhà của vợ con họ giờ cũng quây quần trong bản nhỏ giáp biên này. Nhà của La Văn Lý, con trai liệt sĩ La Văn Nhịt, nằm đầu bản, tiếp đến là nhà của liệt sĩ Đàm Văn Hấn rồi nhà của bà Sao, vợ liệt sĩ Đàm Văn Dần. Không xa nhà của bà Sao là ngôi nhà của Bế Văn Lịch, con trai liệt sĩ Bế Văn Cái.

Lịch sinh giữa năm 1978, chỉ mới mấy tháng tuổi thì nổ ra chiến tranh biên giới. Bố hi sinh, Lịch chưa được một tuổi. Mẹ Lịch, bà Hoàng Thị Khìn ở vậy nuôi con, thấm thoắt đã 40 năm.

Ngôi nhà của Lịch thuộc vào loại đẹp nhất bản Thin Phong, làm theo kiểu mới, đổ mái bằng bêtông. Lịch bảo những gia đình liệt sĩ trong tiểu đội dân quân bản hi sinh trên chốt hồi năm 1979 đều được Nhà nước hỗ trợ làm nhà. Tiền Nhà nước hỗ trợ một phần, mình bán dê, bán trâu góp thêm vào là xây được nhà kiên cố.

Ở miền xuôi, một ngôi nhà có thể chỉ là nơi để ở, nhưng ở những bản giáp biên này, một ngôi nhà đổ sàn bêtông kiên cố không chỉ là một ngôi nhà. Một cân ximăng, một cân sắt thép vào tận bản bên đường biên tốn tiền gấp vài lần ở miền xuôi. Và những ngôi nhà của dân đúc tầng bêtông bên những mái đồi biên giới, trong tâm thức chúng tôi, mang một ý nghĩa khác, một thông điệp khác. Như là một điểm chốt kiên cố, dựng nên bởi lòng dân kiên cường.

Một góc bản đường biên Thin Phong. Ảnh: Ngọc Quang
Một góc bản đường biên Thin Phong. Ảnh: Ngọc Quang

 

Có chút gì đó bùi ngùi khi chúng tôi chia tay bà con bản Thin Phong. Những nấm mộ của 6 anh dân quân nằm ngay “mặt tiền” tại nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh và những ngôi nhà trong hốc núi hẻo lánh này. Năm tháng vẫn trôi qua nhưng ở Thin Phong, câu chuyện về những liệt sĩ dân quân nơi xóm núi này trong cuộc chiến bảo vệ biên cương vẫn được cháu con của họ kể lại vô cùng giản dị bên bếp lửa góc nhà, lặng thầm và bền bỉ như đời dân biên ải. Và không một điều gì, một ai bị lãng quên. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận