Ấn Độ rút khỏi RCEP: Họ nói không với ai và vì sao?

CHIÊU VĂN 19/11/2019 01:11 GMT+7

TTCT - Sau bảy năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, vẫn chưa thể đi tới kết quả cuối cùng sau khi Ấn Độ tuyên bố rút lui vào phút chót.

Tự do thương mại trên lý thuyết có thể là tốt cho các nền kinh tế, nhưng những tính toán thực tế với bối cảnh khu vực - đặc biệt là nỗi lo với vị thế áp đảo của Trung Quốc - khiến quyết định của Ấn Độ không phải là quá khó hiểu.

Những lời của Gandhi

RCEP thậm chí đã được trông đợi là “hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới”, sau 28 vòng đàm phán kéo dài suốt bảy năm với sự tham gia của 10 nước ASEAN, cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ - nay đã chính thức rút lui.

Tuyên bố của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở Thượng đỉnh Bangkok vừa qua được South China Morning Post ví von là “bong bóng kỳ vọng vỡ tan”.

Nếu mọi chuyện đúng kế hoạch, RCEP đã là khối thương mại với một nửa dân số và 40% GDP thế giới. Những gì còn lại bây giờ càng giống hơn với một khối thương mại Trung Quốc +++.

 

Tác động lên GDP của các nước từ giờ tới 2030 trong hai kịch bản RCEP và bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn. Ảnh: SCMP
Tác động lên GDP của các nước từ giờ tới 2030 trong hai kịch bản RCEP và bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn. Ảnh: SCMP

Trong cuộc họp thượng đỉnh kín nơi ông tiết lộ quyết định của mình, thông điệp của Modi được chọn lựa cẩn trọng, không chỉ để khỏi làm phật lòng 15 nhà lãnh đạo khác, mà còn để nhắn nhủ với cử tri Ấn Độ. Ông không nhắc gì tới những kịch bản ác mộng mà giới chỉ trích RCEP trong nước vẫn hay nói tới: các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ phải đóng cửa vì cơn lũ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, hay hàng triệu nông dân ngành sữa mất sinh kế vì sản phẩm nhập khẩu từ New Zealand và Úc.

Thay vì thế, ông nhắc tới biểu tượng muôn đời của Ấn Độ: Mahatma Gandhi. Ông giải thích rằng “lời căn dặn của Gandhi” - rằng khi nghi ngờ, các quyết định được đưa ra phải trên cơ sở ưu tiên lợi ích của những người yếu thế và nghèo khó nhất - lẫn lương tâm của ông không cho phép ông quyết định gia nhập RCEP.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal thì ra một tuyên bố nói khả năng New Delhi gia nhập RCEP trong tương lai là không bị loại trừ, khi những cánh cửa “không bao giờ đóng hẳn với bất kỳ ai”.

Tuy nhiên, đằng sau ngôn ngữ ngoại giao, phải nói là quyết định của Ấn Độ gây bất ngờ và làm phật ý không ít người. Cũng thú vị nhìn thấy sự khác biệt văn hóa ở đây. Nếu như đây là một cuộc đàm phán thương mại ở phương Tây, có lẽ đã xảy ra chửi bới ẩu đả, nhưng vì đều là người châu Á với nhau, đều hiểu tầm quan trọng của thể diện và phương châm “dĩ hòa vi quý”, những than phiền cũng rất kín đáo.

Đại diện của một nước không muốn nêu tên nói với This Week in Asia rằng đoàn đàm phán Ấn Độ đã đòi hỏi nhiều nhượng bộ trong các cuộc thương lượng trước đó, để rồi đến phút chót lại đòi thay đổi và khi đã nhận được nhượng bộ thì tuyên bố rút lui. Trong khi đó, 15 nước kia đã hoàn tất “những cuộc thương lượng về văn bản”, dù họ nói trong một tuyên bố chung rằng vẫn tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn đọng với Ấn Độ.

Ảnh: ThePrint
Ảnh: ThePrint

Nói không với ai?

Những người phản đối RCEP cứng rắn nhất ở Ấn Độ cũng là những thành viên Đảng Dân tộc chủ nghĩa Hindu của ông Modi, Đảng Bharatiya Janata (BJP). Swadeshi Jagran Manch (SJM), nhánh kinh tế của BJP, từng tổ chức một cuộc biểu tình phản đối trên cả nước chống RCEP tuần trước. Sau tin tức về quyết định của ông Modi, Deepak Sharma - người phát ngôn SJM - đã nói đó là “một sự thừa nhận với lợi ích của toàn thể nhân dân Ấn Độ”.

Trong một cuộc phỏng vấn, người phát ngôn toàn quốc của BJP về các vấn đề kinh tế, Gopal Krishna Agarwal nhận xét rốt cuộc, những đề nghị với Ấn Độ trong RCEP đơn giản là không đủ tốt. “Nền chính trị của chúng tôi đang là trung hữu. Chúng tôi tin ở kinh tế thị trường và kinh tế mở” - Agarwal nói, nhưng ông khẳng định điều đó không đồng nghĩa Ấn Độ không bảo vệ nền sản xuất trong nước trước các hành động “có tính chất xâm lấn” của các nước khác.

Cụ thể hơn, Agarwal nói câu hỏi về tình trạng thương mại mất cân bằng với Trung Quốc của Ấn Độ hiện giờ là không thể tránh né khi nói tới bất kỳ hiệp định thương mại nào.

Thương mại hai chiều giữa hai siêu cường châu Á ở mức 95,5 tỉ USD năm 2018, nhưng Ấn Độ thâm hụt tới 53 tỉ USD - mức thâm hụt lớn nhất tính tất cả các đối tác thương mại của Ấn Độ, và chiếm một nửa tổng thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các nước RCEP, khoảng 105 tỉ USD.

Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang 15 nước này là 20%, trong khi tỉ trọng kim ngạch nhập khẩu là 35%. “Chúng tôi cảm thấy Trung Quốc có thể làm nhiều hơn trong việc cân nhắc họ có thể xuất khẩu gì sang Ấn Độ. Mức thâm hụt đó cần được tính đến. Trung Quốc cần làm nhiều hơn để giúp chúng tôi xử lý tình trạng thâm hụt lớn này” - Agarwal nói.

Giới bình luận, trong khi bất ngờ với quyết định của Ấn Độ, cũng nói kết quả cuối cùng là “có thể hiểu được”. Lấy ví dụ, The Diplomat ngày 5-11 đăng bài với tựa đề “Ấn Độ có lý do thích đáng để rút khỏi RCEP”. Bài viết phân tích nếu Ấn Độ quyết định gia nhập, họ sẽ phải hủy bỏ thuế quan cho gần 90% các sản phẩm thương mại với ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc; 74% các sản phẩm với Trung Quốc, Úc và New Zealand, những mức thuế mới chắc chắn sẽ làm thâm hụt thương mại của Ấn Độ lớn thêm.

Quan trọng không kém, “nó ảnh hưởng tới vị thế của Ấn Độ trước đối thủ cạnh tranh Trung Quốc”. Trong nhiều mục tiêu, thì với Trung Quốc, RCEP có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những ngành chế tạo đang gặp vấn đề của nước này. Nhiều hãng sản xuất ở Ấn Độ đã cảnh báo về khả năng hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Ấn Độ, sử dụng các nước RCEP vừa làm điểm kết nối, vừa làm điểm trung gian.

Một báo cáo của Viện Quốc gia về chuyển đổi Ấn Độ (NITI Aayog) mới đây chỉ ra rằng Trung Quốc đã lật ngược phương trình thương mại với các nước ASEAN sau khi ký Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc vào năm 2010 ra sao. 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) có thặng dư thương mại 53 tỉ USD vào năm 2010 với Trung Quốc. Đến năm 2016, con số này là thâm hụt 54 tỉ USD!

Cả về địa chính trị lẫn địa kinh tế, Trung Quốc hiện có vẻ sẽ thống trị ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, không hẳn là tin tốt cho khu vực và cho Ấn Độ. Dù Trung Quốc khẳng định họ không có chính sách chủ ý theo đuổi thặng dư thương mại với Ấn Độ, New Delhi đã không thấy được đảm bảo đủ rằng RCEP không trở thành một công cụ trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc.

Bắc Kinh lại càng muốn hối thúc chốt lại hiệp định này trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa biết bao giờ mới có hồi kết - với tương lai bất định ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không tái đắc cử vào năm 2020.

Nhiều nhà lãnh đạo Ấn Độ diễn giải tình hình là Trung Quốc sẽ hướng luồng hàng hóa không bán được sang Mỹ, nhất là thép, sang Ấn Độ. Những người khác bày tỏ lo ngại sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” đầy tham vọng của ông Modi nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để xây dựng cơ sở sản xuất chế tạo trong nước sẽ chết yểu nếu không nhận được đủ sự bảo vệ trước hàng hóa Trung Quốc.

Lấy ví dụ, tư cách thành viên RCEP sẽ buộc Ấn Độ phải giảm thuế cho các hàng hóa như điện thoại di động và linh kiện điện tử. Trong khi đó, thương hiệu Trung Quốc Xiaomi hiện đã là nhà xuất khẩu điện thoại di động số 1 ở Ấn Độ rồi, thay thế Hãng Samsung (Hàn Quốc).

Phụ thuộc vào nhập khẩu thay vì tự sản xuất có thể là tình trạng mới sau khi Ấn Độ chấp nhận RCEP. Việc Trung Quốc miễn cưỡng nhập các mặt hàng thế mạnh của Ấn Độ, như thuốc gốc hay dịch vụ công nghệ thông tin, cũng khiến Ấn Độ càng thêm nhạy cảm với RCEP.

Cũng không thể không nhắc vấn đề nội tại cơ bản với Ấn Độ là quy mô sản xuất hàng hóa còn nhỏ và thiếu một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu đủ sức cạnh tranh. Không giống nhiều nước trong RCEP, Ấn Độ không có lĩnh vực sản xuất đủ sức chen chân vào các thị trường nước ngoài qua các hiệp định như RCEP. Trong khi đó, các lĩnh vực dịch vụ mà Ấn Độ có lợi thế so sánh - cung ứng phần mềm, viễn thông, dịch vụ giáo dục... - lại không được tự do hóa.■

Một nghiên cứu của hai tác giả Renuka Mahadevan và Anda Nugruho đăng trên World Economy Journal xuất bản tháng 8-2019 dự báo hai kịch bản RCEP 16 và 15 (không có Ấn Độ) với một số nước, kèm theo bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn. Theo đó, với cả hai kịch bản, Việt Nam đều được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất, với tác động dương lên GDP là 0,70% (RCEP 16) hoặc 0,66% (RCEP 15) tới năm 2030.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận