Angela Merkel: Vòng khiêu vũ cuối cùng

LÊ QUANG 30/01/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Bà Angela Merkel đã tuyên bố không chỉ một lần và nhất là từ khi nhường lại ghế chủ tịch Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU) rằng bà không có ý định làm thêm nhiệm kỳ thủ tướng Đức thứ 5 - ngay cả khi một số thành viên chính phủ thiết tha gợi ý. Sau thất bại của các đảng Kitô giáo ở cuộc bầu cử nghị viện hai bang lớn hồi 2018, quyết định của bà coi như chắc chắn. Giờ cũng đến lúc nhìn lại quãng đường chính trị dù sáng láng nhưng không ít gập ghềnh của nhà khoa học gốc Đông Đức này.


 
 Bà Merkel qua năm tháng. Ảnh: DPA

 Năm 2021 là một năm cực kỳ căng thẳng của chính trường Đức, không chỉ vì mùa thu tới sẽ bầu cả Quốc hội và Nghị viện nhiều bang lớn, mà còn vì CDU - vốn chiếm đa số phiếu trong chính phủ liên minh - có nhiều thay đổi ở cấp lãnh đạo cao nhất, đã thế lại kém ổn định trong quan điểm và kết quả chống đại dịch COVID-19.

Sau khi rời ghế chủ tịch đảng, Thủ tướng Merkel dường như nhất định sẽ về hưu ở tuổi 67, để lại sau lưng một cuộc tranh cãi không nhỏ về nhân vật kế nhiệm.

“Người của mình”

Phải tận mắt chứng kiến những đảo lộn trong đời sống trước và sau khi tái thống nhất nước Đức mới hiểu được tâm trạng của người dân Cộng hòa Dân chủ Đức khi 3 chức vụ cao nhất được trao vào tay “người của mình”: Chủ tịch quốc hội Wolfgang Thierse, Tổng thống Joachim Gauck và Thủ tướng Angela Merkel đều xuất thân từ miền Đông. 

Dĩ nhiên một cuộc đổi đời luôn đem lại cả hân hoan lẫn thất vọng, niềm vui của người này đôi khi là nỗi buồn của người kia. 

41 năm chia cắt là một thời gian dài, dài đến nỗi hôm nay không ít người Đức vẫn nói là bức tường Berlin như vẫn còn đó, thậm chí còn nên xây lại cho cao hơn! Ba thập niên sau khi đổ tường, nhật báo Merkur trong một cuộc thăm dò dư luận nhận thấy vẫn còn 15% người Tây Đức và 14% người Đông Đức không đồng lòng với việc sáp nhập hai miền. 

Con số thực tế có trọng lượng của nó: chỉ khoảng 3% các vị trí quyết định nằm trong tay người có xuất xứ CHDC Đức cũ, trong khi họ chiếm 17% dân số.

Chắc chắn sẽ cần một thế hệ nữa để kín miệng vết thương ấy, nhưng cũng có một điều chắc chắn là nhiều người Đông Đức tự hào về một “người của mình” đã lãnh đạo đất nước rất ổn định, thậm chí hàng chục lần trở thành nữ chính trị gia có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, theo bình của Forbes chẳng hạn. 

Song cũng chính ở các bang miền Đông, thủ tướng đương nhiệm nhiều lần gây ra bất bình không hề nhẹ trong dân chúng. Khẩu hiệu nổi tiếng của bà: “Wir schaffen das” (Chúng ta sẽ làm được) - đầy tinh thần “Yes, we can”, dù có thiếu chút hào quang kiểu Barack Obama - hồi khủng hoảng tị nạn không hẳn được người Đức chia sẻ, nhất là ở Đông Đức, nơi dân chúng có nỗi lo thường trực là mất việc làm và an sinh xã hội vào tay hơn 1 triệu dân nhập cư. 

Nhiều chính trị gia Đức cho rằng xu thế phát triển thiên hữu hiện tại của xã hội Đức và sự hiện diện mạnh mẽ của một chính đảng dân túy cánh hữu trong Nghị viện liên bang phải được coi là di sản chính trị của bà Merkel, vì bà không lường trước được hậu quả chính trị của quyết định rất nhân bản mở biên giới cho người tị nạn, bất chấp các quy định ngược chiều sẵn có của Liên minh châu Âu.  

Nhiệm kỳ thứ 5?

Từ 22-11-2005, bà Merkel giữ chức Thủ tướng CHLB Đức, nữ thủ tướng đầu tiên, trẻ nhất và gốc Đông Đức đầu tiên. Xét về thời gian cầm quyền, bà đã vượt mặt thủ tướng đầu tiên của Tây Đức Konrad Adenauer. Nếu có thể ví với sao chổi thì quả thực con đường chính trị của bà rất tốc độ và suôn sẻ, ít nhất là ở kỷ nguyên “tiền corona”.   

Ngày 18-1-1991, Hemut Kohl, thủ tướng đầu tiên của nước Đức thống nhất, mới nhậm chức có một hôm đã gọi bà Merkel tới trao chức bộ trưởng Bộ Phụ nữ và thanh niên. 

Tính đến hôm đó tuổi đảng ở CDU của bà mới có… 3 tháng, để rồi 8 năm sau, bà viết thư ngỏ kêu gọi toàn đảng cắt đứt mọi quan hệ với ông Kohl đang bị luận tội vì không khai tên người ủng hộ tài chính cho đảng. Kohl là người giữ kỷ lục trị vì 4 nhiệm kỳ và lúc đó còn là chủ tịch danh dự CDU. 3 tháng sau CDU đã có một chủ tịch chính thức: Angela Merkel.   

Triển vọng Merkel vượt qua cả Kohl trên ghế thủ tướng có vẻ không cao, sau khi bà tuyên bố không tái tranh cử, trừ phi bà tại vị tối thiểu đến 17-12-2021 vì chính phủ liên minh mới chưa đàm phán xong. 

Nhưng vị trí chủ tịch CDU cũng đã được an bài hôm 16-1 sau một cuộc bỏ phiếu online, mà theo truyền thống bất thành văn thì chủ tịch chính đảng có phiếu đa số trong nghị viện cũng sẽ được đề cử làm thủ tướng. 

Giới thạo tin cũng đoán bà Merkel sẽ không đổi ý, vì bà vốn là người thực tế, không ưa “làm màu” với kiểu tuyên bố nước đôi. Mặt khác, cũng phải tính đến dư luận Đức đang rất mệt mỏi trong đại dịch. Có thể nói nhiệm kỳ cuối cùng của bà là thời đoạn khó khăn nhất, vì corona là khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nước Đức hậu thống nhất lẫn trong sự nghiệp chính trị của bà. 

Cho đến khi tin xấu đầu tiên đến từ Vũ Hán, bà được ca ngợi như mỏ neo vững chắc của thế giới phương Tây, trong khi các nền dân trị lâu đời như Anh và Mỹ lao đao. 

Nhưng ít nhiều thì đại dịch đã làm phát lộ những bất cập trong quản lý nhà nước, khi đầu tư và tài trợ sai đối tượng, khi vì ứng cứu các doanh nghiệp con cưng như từng làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây mà dồn gánh nợ khủng khiếp cho thế hệ sau. 

Nước Đức sau bước đầu chống dịch hiệu quả, nay phải thú nhận đã không bảo vệ được các nhà dưỡng lão một cách tối ưu và cũng không thuyết phục được đủ số nhân viên y tế tham gia chích ngừa!

Mọi phỏng đoán về nhân sự vốn có tính giải trí cao, bên bàn bia cũng như ở hành lang nghị viện hoặc đại hội đảng. 

Hiện bà Merkel đang được nội bộ đảng mình nhất trí ủng hộ, cũng có lẽ vì không có gương mặt nào sáng giá khả dĩ nối nghiệp, dễ nhận ra điều đó qua cuộc bầu chủ tịch CDU cách đây mấy hôm: trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, cả 3 ứng viên cho vị trí này đều không nhận được kết quả quá bán. Rốt cục người đắc cử vòng hai lại là Armin Laschet, vốn có số phiếu ủng hộ thấp nhất ở vòng đầu. 

Viện Insa đưa ra câu hỏi giả thuyết: “Nếu được bầu trực tiếp thủ tướng thì cử tri bầu ai?” Kết quả: trong 4 người triển vọng nhất, không có ai trong 3 ứng viên kể trên, và Laschet đứng thứ 5 với tỉ lệ ủng hộ 4%! 

Phải chăng bà Merkel để lại một “khoảng chân không” khó lấp đầy? Nếu chuyện tương tự xảy ra với quy trình đề cử thủ tướng, liệu bà có để đồng đội dỗ ngọt rồi ngồi lại ít nhất là một nhiệm kỳ nữa?

Ra đi ở đỉnh cao

“Thủ tướng có một vị thế xuất sắc trong nước cũng như quốc tế”, nghị sĩ Marco Wanderwitz nói với kênh DW, “bất kể trong giới chính trị, các vị trí lãnh đạo nói chung hay trong dân chúng”. 

Một nghị sĩ khác khen bà đã “dẫn dắt đất nước một cách kiệt xuất đi qua cuộc khủng hoảng corona, với tầm nhìn sáng suốt, trình độ khoa học và cân nhắc các mối quan tâm trái chiều”. Song không nhiều người tin rằng bà sẽ nhận làm thêm một nhiệm kỳ nữa. 

Một điểm mạnh của bà Merkel là đã suy nghĩ chín chắn để quyết định thì sẽ trung thành với quyết định đó, ngay cả nếu có những hệ quả không mong đợi. Đây dường như cũng là thời điểm lý tưởng để sau 4 nhiệm kỳ mỹ mãn, bà ngẩng cao đầu bước ra khỏi sân khấu chính trị, để không bị truy tặng danh hiệu “Thủ tướng tị nạn”, mà là “Thủ tướng corona”, nếu nước Đức thoát khỏi đại dịch với thuốc chích ngừa đầu tiên được cấp phép toàn cầu; để hài lòng nhớ lại rằng mới ngày nào không ai hình dung nổi “cô gái trẻ nhà Kohl” lại có thể vụt sáng trong “Câu lạc bộ CDU” rặt cánh mày râu hay “bà thủ tướng người Đông Đức” 51 tuổi sẽ lãnh đạo nước Đức lâu và thành công đến thế.      

Người dân Đức sẽ nhớ một điểm sáng trong sự nghiệp của bà thời khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi Ngân hàng Lehman Bros. của Mỹ sập tiệm. Cùng bộ trưởng tài chính Đức, bà hứa sẽ bảo đảm gìn giữ toàn bộ số tiền tiết kiệm cho dân chúng trong nước. Để đạt mục đích đó, Đức không ngần ngại quốc hữu hóa một ngân hàng tư nhân lớn - lần đầu tiên từ 1949. 

Hay khẩu hiệu “Wir schaffen das” 2015 được bà nói ra khi mở cửa cho đông đảo người tị nạn vất vưởng. Bấy giờ nó là miếng mồi ngon cho đảng đối lập, song thực tế sau này cho thấy nước Đức đã làm được một việc phi thường là đón tiếp và chăm lo tử tế cho ngót 1,5 triệu người lánh nạn từ Trung Đông và châu Phi. Đó là một sự hi sinh vốn liếng chính trị lớn lao khó tin nổi ở thời đại này.  

Hay cá nhân hơn, trong cuộc nói chuyện với một nữ nhiếp ảnh gia, bà thổ lộ “không muốn bị cử tri đuổi đi như một bộ xương xập xệ”: sức khỏe thể chất cũng là yếu tố quan trọng để lãnh đạo. Trong chừng ấy năm làm thủ tướng, bà chỉ nghỉ đúng hai tuần do té ngã trong một kỳ nghỉ trượt tuyết. 

Hoàn toàn xứng đáng nghỉ ngơi một chút rồi!■

Giờ nhìn lại, không ít người Đức chưa thể quên quyết định của bà Merkel ủng hộ Mỹ đưa quân Đức gián tiếp tham gia Chiến tranh vùng Vịnh. Từ kinh nghiệm bại trận sau Thế chiến II, Đức rất hiếm khi đưa quân ra nước ngoài, dù bà Merkel không phải người đầu tiên làm việc đó sau 1945 (là tiền nhiệm của bà, ông Gerhard Schröder, tham chiến ở Kosovo). Những quyết định như thế, dù được Quốc hội phê chuẩn, không được dân chúng đồng thuận, dù ít ai có đủ lý do phản đối lời bà trước hội nghị CDU: “Chúng ta sẽ vô trách nhiệm nếu tuyệt đối loại trừ sức mạnh quân sự như là phương tiện tối hậu”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận