Biên giới và phi biên giới

VŨ THÁI HÀ 19/11/2017 17:11 GMT+7

TTCT - Ngay khi dự thảo Luật an ninh mạng được công bố và đưa vào nghị trình của Quốc hội, các phương tiện truyền thông đã đồng loạt đưa tin kèm theo các ý kiến và bình luận từ nhiều nguồn khác nhau.

An ninh quốc gia chính là an ninh cho mỗi người dân của quốc gia đó, và trong thời đại này, nó gắn liền với quyền riêng tư trên Internet. -Ảnh: secureswissdata.net
An ninh quốc gia chính là an ninh cho mỗi người dân của quốc gia đó, và trong thời đại này, nó gắn liền với quyền riêng tư trên Internet. -Ảnh: secureswissdata.net

 Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng một số quy định trong dự thảo chưa thống nhất với các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Các ý kiến trên phần nhiều tỏ ra quan ngại về những hệ lụy của Luật an ninh mạng sẽ được ban hành nếu vẫn giữ nguyên quan điểm của dự thảo.

Cụ thể, điều luật được đề cập đến một cách chính thức và thu hút sự quan tâm cao nhất là khoản 4, điều 34, theo đó các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định mới chắc chắn sẽ có tác động đến hành vi của tất cả các tổ chức và cá nhân trong phạm vi điều chỉnh. Câu hỏi là các điều chỉnh của luật sẽ tác động đến kinh tế và xã hội Việt Nam ở những khía cạnh chủ yếu nào và theo hướng nào. Liệu điều đó có làm hạn chế quyền tự do cá nhân, ảnh hưởng không tốt đến quyền riêng tư, và khiến môi trường kinh doanh xấu đi?

An ninh mạng là an ninh quốc gia

Không gian mạng (cyberspace) về cơ bản không có ranh giới địa lý. Mọi đối tượng hay phần tử của không gian mạng đều có thể tiếp cận và tác động đến các phần tử còn lại mà không cần bất cứ một sự di chuyển mang tính vật chất nào: người truy cập Internet ở Việt Nam có thể truy cập và tương tác với một dịch vụ ở Mỹ không khác một người ở Mỹ.

Tiện dụng, dễ dàng, nhanh chóng hơn thì cũng rủi ro hơn, bởi số lượng quan hệ trên không gian mạng lớn hơn rất nhiều so với cuộc sống bên ngoài; một người hằng ngày chỉ gặp gỡ, giao thiệp với chưa đến hai chục người lại có thể có đến hàng ngàn mối quan hệ bạn bè trên mạng.

Rủi ro của họ trên không gian mạng cao hơn hẳn, vì thông tin về họ bị phơi bày, cả vô tình lẫn hữu ý, trước nhiều đối tượng hơn; và đáng nói hơn nữa là các đối tượng đó có thể ở ngay bên cạnh nhưng cũng có thể ở rất xa, không hề có sự phân biệt nào. Thông tin bị phơi bày nhiều hơn thì cũng dễ bị mất mát và lạm dụng hơn.

Sự thiếu vắng ranh giới địa lý trên không gian mạng là mối quan ngại rất lớn của các nhà nước và chính quyền. Làm thế nào để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ sự an toàn của người dân và bảo vệ họ khỏi những xâm phạm về phẩm hạnh khi mà sự đe dọa có thể đến từ bất cứ đâu trên địa cầu, một cách vô hình, không thể cầm nắm, cho nên cũng không thể giam cầm?

Đấy là câu hỏi cốt lõi, nhưng chưa hết. An ninh quốc gia còn là an ninh kinh tế: làm thế nào để đảm bảo cho các doanh nghiệp trong một ranh giới địa lý có thể hoạt động an toàn khi tài sản thông tin của họ đang đứng trước nguy cơ mất mát và bị lạm dụng ngày càng gia tăng.

Cuộc cạnh tranh quốc tế trước đây vốn dĩ có thể được kiểm soát khá tốt thông qua các cửa khẩu biên giới thì giờ đây đang bị không gian mạng làm lu mờ đi rất nhiều.

Trên không gian mạng, các đối tượng có thể đe dọa an ninh quốc gia là tội phạm, hacker, khủng bố hay là các quốc gia khác. Nạn nhân tiềm tàng của các đe dọa này cũng rất đa dạng, từ kinh tế - gián điệp công nghiệp tới an ninh và quốc phòng - nếu kho dữ liệu của một doanh nghiệp chứa thông tin về hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu, cá nhân bị lạm dụng thì hậu quả là rất khó lường.

An ninh mạng là vấn đề với mọi quốc gia, bất chấp trình độ kinh tế và xã hội. Bộ Quốc phòng Mỹ chính thức xem không gian mạng là một địa bàn tác chiến mới (new domain of warfare) từ năm 2011; và Đạo luật an ninh mạng được ban hành từ năm 2015. Nhiều nước khác cũng đã nối gót.

An toàn hay tự do

Với các cá nhân, kết nối không gian mạng cũng đồng nghĩa với tiếp cận các dịch vụ và tri thức được cung cấp qua môi trường Internet. Với các doanh nghiệp, dịch vụ trên không gian mạng từ lâu đã là công cụ kinh doanh ngày càng có vai trò quan trọng, mà thậm chí nếu thiếu chúng thì tất cả các giao dịch sẽ đình trệ.

Một cá nhân có nhiều tương tác xã hội hơn người khác sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn; tương tự, một doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi rộng và tích cực hơn cũng phơi mình trước nhiều rủi ro hơn. 

Đấy là kịch bản có tính quy luật, ẩn tàng trong các hoạt động kinh tế và xã hội từ xưa đến nay, khi nhìn từ quan điểm của rủi ro và phòng tránh. Một cách ngắn gọn, tự do nhiều hơn thì rủi ro nhiều hơn, tức là ít an toàn hơn.

Trên bình diện quốc gia, các nhà lập pháp luôn phải đương đầu với một lưỡng nan kinh điển: luật pháp cần đặt giới hạn kiểm soát của mình ở đâu để không hạn chế, hay tước mất, tự do của con người sống trong phạm vi điều chỉnh của nó.

Trong bối cảnh của không gian mạng thì vấn đề còn nan giải hơn nhiều, bởi các tương tác trên không gian mạng đang tiến hóa rất nhanh và ngày càng tiệm cận một trạng thái có thể gọi là tự do tuyệt đối: bất cứ thực thể nào trên không gian đó cũng có thể làm được bất cứ việc gì, cả tốt lẫn xấu, mà giới hạn cuối cùng chỉ là năng lực của chính thực thể đó.

Các nghiên cứu khoa học cũng như các tranh luận chính trị - xã hội xung quanh vấn đề này ngày càng được quan tâm, gắn liền với các vấn đề rất thiết thực như:

(1) Thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được sử dụng, lưu trữ và bảo vệ như thế nào để đảm bảo quyền riêng tư; và

(2) liệu nhà nước có quyền nhân danh an ninh quốc gia để truy xuất bất cứ kho dữ liệu mạng nào hay không?

Ở Mỹ chẳng hạn, Đạo luật an ninh mạng 2015 đã phải vượt qua rất nhiều tranh cãi và đấu tranh trước khi được chấp thuận, dù điểm “đi xa” nhất của đạo luật mới dừng lại ở chỗ chính quyền chính thức cho phép (authorize) doanh nghiệp chia sẻ với nhà chức trách thông tin chứa dấu hiệu rủi ro liên quan đến an ninh mạng mà không bị xem là vi phạm các quy định khác trong hoạt động thương mại.

Xét từ góc nhìn lợi ích kinh tế thuần túy, bất cứ sự điều chỉnh mới nào của luật pháp cũng có thể khiến chi phí xã hội chung tăng lên. Một cách khái quát, an toàn luôn có cái giá của nó: với không gian mạng thì cái giá đó sẽ có thể là quyền tự do kết nối và sử dụng dịch vụ, là chi phí đầu tư để tuân thủ quy định pháp luật và là cơ hội hòa nhập cùng dòng chảy chung của thế giới.

 Luật pháp cần đặt giới hạn kiểm soát của mình ở đâu để không hạn chế, hay tước mất, tự do của con người sống trong phạm vi điều chỉnh của nó?

Biên giới hóa cái “không biên giới”

Hội nhập quốc tế trong bối cảnh hiện đại cũng có nghĩa là hội nhập Internet, và nhờ Internet người ta có thể chiếm lĩnh một thị trường ở rất xa về địa lý mà không cần thực sự hiện diện ở đó.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi Google hay Facebook lớn mạnh nhanh chóng, hiện diện ngay lập tức ở bất cứ điểm nào trên thế giới mà kết nối Internet cho phép họ tiếp cận được với người dùng.

Các tổ chức và hiệp định cổ vũ cho tự do thương mại cũng đã phải xét đến các điều kiện để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của Internet và dịch vụ trên Internet. Chính vì thế, hội nhập quốc tế trở thành một vấn đề của an ninh mạng.

Có một điều thú vị là vấn đề an ninh mạng vẫn được các nhà làm chính sách vận dụng để tìm kiếm lợi thế cho quốc gia mình trên bàn đàm phán về tự do thương mại. Hoặc trực tiếp hơn, người ta từng biết đến chuyện một số quốc gia đặt vấn đề ngừng mua thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin từ các nhà thầu Trung Quốc vì lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Thực tế thì cũng rất khó đánh giá được chính xác hoàn toàn mục đích thật của những kêu gọi hay chính sách như vậy. Liệu đấy có phải là vì đảm bảo an ninh quốc gia hay chỉ là cái cớ để bảo hộ các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ trong nước?

Chính quyền Trung Quốc thì không cho phép Google và Facebook hoạt động trên lãnh thổ nước này, cũng với cái cớ lý do an ninh, nhưng một hệ quả khác là hàng loạt các dịch vụ tương tự do người Trung Quốc xây dựng đã có cơ hội phát triển rực rỡ.

Thật khó để nói chính xác rằng an ninh quốc gia là phương tiện hay mục đích trong những trường hợp đó. Cho dù thế nào, những gì xảy ra tại Trung Quốc đã tạo ra tiền lệ với việc sử dụng các biện pháp hành chính để áp đặt một biên giới địa lý lên không gian mạng.

Trở lại với Việt Nam, dự thảo hiện nay hoàn toàn không cấm đoán cụ thể dịch vụ viễn thông hay Internet nào, mà chỉ đặt thêm các yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ, mà về bản chất là đòi hỏi tăng sự hiện diện pháp lý của họ ở bên trong lãnh thổ Việt Nam.

Về phía nhà nước, các yêu cầu này chắc chắn giúp ứng phó tốt hơn trước các nguy cơ và đe dọa với an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Nếu các nhà cung cấp dịch vụ tuân thủ thì người sử dụng cũng sẽ có lợi, ngoài việc chất lượng dịch vụ có thể được cải thiện do một phần hạ tầng (máy chủ quản lý thông tin người dùng) được chuyển về trong nước, thì sự hiện diện về pháp lý của nhà cung cấp còn giúp việc giải quyết sự cố hay ngăn ngừa xâm hại quyền riêng tư nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Với nhà cung cấp dịch vụ, vấn đề lớn nhất mà họ phải đương đầu để tuân thủ dự thảo là phải tăng đầu tư, cả thiết bị lẫn con người để quản lý và vận hành.

Hẳn nhiên, quyết định có tiếp tục hoạt động ở một thị trường nào đó không phụ thuộc vào tính toán chi phí - lợi ích: nếu việc cung cấp dịch vụ cho thị trường Việt Nam đem đến cho họ nhiều lợi ích hơn chi phí bỏ ra để tuân thủ pháp luật thì họ sẽ không rời bỏ thị trường.

Phản ứng của các nhà cung cấp dịch vụ sẽ như thế nào trước từng biện pháp kiểm soát khác nhau? Tác động về mặt kinh tế và xã hội của các phản ứng đó sẽ ra sao?

Và chi phí để thực thi các biện pháp kiểm soát đó là gì? Đấy là các câu hỏi đầy thách đố mà giới làm chính sách và lập pháp phải đương đầu nếu muốn tìm ra một phương án hợp lý, cân bằng được lợi ích của các bên khác nhau trong câu chuyện an ninh mạng này: lợi ích về kinh tế và xã hội của công dân Việt Nam, lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, và đòi hỏi đối với công tác quản lý an ninh mạng - một phần quan trọng của đảm bảo an ninh quốc gia.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận