Catalonia: Cuộc cách mạng đúng mực ?

TƯỜNG ANH 16/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - Những du khách dừng chân ở Barcelona có thể thấy lạ với thái độ “chống Real Madrid” trong những ngôi nhà bán hàng lưu niệm của Câu lạc bộ bóng đá Barcelona. Tuy nhiều người khẳng định thể thao nằm ngoài chính trị, nhưng đó không phải là câu chuyện của Barcelona.

Người Catalonia biểu tình đòi độc lập. Dòng chữ phía trước: “Độc lập”, phía sau: “Chúng ta đã sẵn sàng”.-Ảnh: globalmillenial.org
Người Catalonia biểu tình đòi độc lập. Dòng chữ phía trước: “Độc lập”, phía sau: “Chúng ta đã sẵn sàng”.-Ảnh: globalmillenial.org

 

Trong thời độc tài Franco, sân vận động Barcelona là nơi duy nhất người ta được phép nói tiếng Catalonia.

Giờ đây, Catalonia đang đứng trước một cột mốc quan trọng trong lịch sử: Barcelona có thể tuyên bố độc lập dựa vào kết quả trưng cầu ý dân ngày 1-10-2017, với sự ủng hộ của hơn 90% người tham gia. Dù cần nói rõ: chỉ 43% người Catalonia đi bỏ phiếu!

Trưng cầu đã diễn ra trong bối cảnh xung đột giữa những người ủng hộ độc lập và cảnh sát được tăng cường từ các thành phố khác tới.

Hàng nghìn người bị thương. Những người ủng hộ độc lập ngày 3-10 lại tổ chức tổng đình công, phong tỏa đường phố với sự tham gia của hơn 700.000 người.

Lời đáp cho hành động phản kháng này là tuyên bố cứng rắn của quốc vương Tây Ban Nha Felipe VI, người gọi cuộc trưng cầu là “vi phạm pháp luật và phi dân chủ”, kêu gọi chính phủ “bảo vệ trật tự đã được hiến định”. Cuối tuần rồi, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đe dọa sẽ rút cả quy chế tự trị (mà Catalonia được hưởng từ năm 1979) nếu Catalonia tiếp tục cuộc “nổi loạn”.

“Cơ chế đơn phương”

Cột mốc gần nhất phán xử “vấn đề Catalonia” có thể tính từ một năm trước khi ngày 6-10-2016, nghị viện Catalonia - với 72/135 phiếu thuận - thông qua nghị quyết cho phép trưng cầu ý dân về độc lập trước cuối mùa thu 2017.

Trước đó, Chủ tịch chính quyền Catalonia Carles Puigdemont nói ông muốn thỏa thuận với Madrid về việc tổ chức trưng cầu, nhưng Quyền phó thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria trả lời Madrid sẽ không cho phép cuộc trưng cầu ý dân.

Bất chấp khuyến cáo này, tháng 7-2016, nghị viện Catalonia thông qua một “cơ chế đơn phương” để thực thi quá trình đòi độc lập. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố nghị quyết trên không có hiệu lực pháp lý.

Khác với nước Anh, nơi London chính thức cho phép Scotland trưng cầu ý dân (và những người đòi độc lập đã thất bại), Madrid khẳng định Catalonia chưa bao giờ là một quốc gia độc lập và do đó, khác với Scotland, ngay cả trên lý thuyết Catalonia sẽ không có quyền nhận được vị thế độc lập đó.

Lịch sử “vấn đề Catalonia” là câu chuyện đã hàng trăm năm. Những cư dân đầu tiên của lãnh thổ Catalonia hiện đại là người Iberia định cư ở vùng này trong thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Tuy nhiên, tên gọi Catalonia chỉ thật sự xuất hiện trong các văn bản chính thức từ thế kỷ 12. Ngày 11-9-1714, quân đội Catalan thất bại trước vua Philip V thuộc vương triều Bourbon, Catalonia chính thức gia nhập Tây Ban Nha.

Đến nay, người dân Catalonia vẫn xem 11-9 là ngày quốc khánh, dù trong ý niệm đây là ngày Catalonia không còn là một xứ độc lập.

Khi tướng Franco qua đời năm 1975, Tây Ban Nha lập lại nền dân chủ, các khu vực tự trị, trong đó có Catalonia, có thêm nhiều quyền hạn. Từ đó Catalonia đã nhiều lần đòi tự trị nhưng không được Madrid chấp thuận.

Nền tảng kinh tế

Những người ủng hộ Catalonia độc lập hay phóng đại: “Nếu tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha, người ta sẽ có được một Thụy Sĩ phương nam, phần Tây Ban Nha còn lại sẽ biến thành châu Phi”.

Nhưng đúng là vai trò kinh tế của Catalonia đã giúp những người ủng hộ độc lập nuôi dưỡng chủ nghĩa ly khai. Đóng góp của Catalonia vào ngân sách Tây Ban Nha là 19%.

Khác với hình dung của nhiều người, kinh tế xứ Catalonia không phụ thuộc vào du lịch (mặc dù du khách đổ về Barcelona rầm rộ đến độ mùa hè 2017, dân địa phương đã phát động làn sóng phản đối, đòi hạn chế lượng du khách). Barcelona là cảng thương mại chính của Địa Trung Hải.

Các nhà máy Catalonia lắp ráp ôtô Audi và Nissan, công nghiệp luyện kim địa phương phát triển tốt đẹp. Các sản phẩm từ thịt, sữa của Catalonia nổi tiếng khắp thế giới. Vùng còn có hai nhà máy điện hạt nhân Vandelos và Asco bên cạnh nhiều khu công nghiệp.

GDP bình quân đầu người của Catalonia cao hơn hẳn mức bình quân của Tây Ban Nha, 27.000 euro so với 22.000 euro. Catalonia thu hút 20,7% đầu tư nước ngoài của Tây Ban Nha, có kim ngạch xuất khẩu chiếm 25,6%. Nói chung, Catalonia thật sự là đầu máy của nền kinh tế xứ bò tót.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là sự thịnh vượng của xứ Catalonia chủ yếu phụ thuộc vào mối liên hệ kinh tế trong khu vực: 70% sản phẩm của xứ Catalonia được buôn bán trong thị trường nội địa Tây Ban Nha.

Trong trường hợp Catalonia rời khỏi Tây Ban Nha, không loại trừ việc nhiều công ty Tây Ban Nha đặt trụ sở ở Barcelona sẽ rút lui. Còn vận tải biển có thể bị một xứ tự trị khác là Valencia đánh chặn.

Cho đến trước ngày 1-10, những cuộc biểu tình đòi độc lập của người Catalonia vẫn diễn ra ôn hòa. Không có bạo động, đập phá các cửa hiệu hay phá phách vượt mức kiểm soát. Những thủ lĩnh biểu tình giải thích: “Chúng tôi phản kháng một cách văn hóa. Ban ngày chúng tôi chống đối, yêu cầu, nhưng đêm đến chúng tôi về nhà ngủ. Barcelona không phải là Maidan Kiev”.

“Cuộc cách mạng đúng mực” (“correct revolution”) - một số nhà báo đã đặt tên những gì đang diễn ra ở Catalonia như thế. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng “tin giả” mà hai bên ủng hộ và chống đối độc lập đều sử dụng.

Mỗi sáng, người Tây Ban Nha thức dậy và đọc thấy tin “hàng nghìn vụ bắt bớ những người ly khai đã diễn ra”, nhưng đến trưa cũng trên các phương tiện truyền thông xuất hiện nguồn tin chính thức từ Madrid bác bỏ những thông tin ban sáng.

Một thực tế là cảnh sát đã được tăng cường ở Barcelona, nhất là khi Madrid không yên tâm với lòng trung thành của cảnh sát địa phương. Bộ Nội vụ Tây Ban Nha điều tới đây các đơn vị bổ sung từ Seville, Ceuta, Madrid, Valencia khi chính quyền trung ương không loại trừ nguy cơ khủng bố.

Lãnh đạo cảnh sát Catalonia Josep Trapero khẳng định tiếp tục phận sự của mình trong việc tổ chức và duy trì trật tự trên, nhưng tuyên bố sẽ không phục tùng nếu Madrid cử đội vệ binh quốc gia tới Catalonia. Mới đây, có tin ông này đã bị Madrid triệu ra tòa với cáo buộc “kích động nổi loạn”. Liệu cuộc “cách mạng đúng mực” này có thể được duy trì?

Nếu Catalonia độc lập?

Dĩ nhiên, sóng gió Catalonia sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực đồng euro và có thể tác động tới toàn khối.

Brussels nói chung ủng hộ sự thống nhất của Tây Ban Nha, kêu gọi các lãnh đạo Catalonia và Tây Ban Nha tìm ra một giải pháp chính trị dù như Reuters đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã “có ý kiến riêng” với Thủ tướng Rajoy về việc sử dụng cảnh sát ngăn cản cuộc trưng cầu hôm 1-10, mà sau đó chính quyền Madrid đã chính thức xin lỗi người dân.

Ít ai để ý một bài báo đăng trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương năm 2014 nhan đề “Những hậu quả của việc phân lập Scotland và Catalonia”.

Bài báo giả định: “Catalonia có 7,3 triệu dân với GDP hơn 300 tỉ USD. Chi chỉ 1,6% con số này cho quốc phòng sẽ cung cấp hơn 4,5 tỉ USD hằng năm, gần bằng với ngân sách Đan Mạch có lực lượng vũ trang tốt và hiệu quả. Các kế hoạch quân sự của Catalonia còn mơ hồ, nhưng đến nay họ chú trọng vào hải quân”.

Với các cảng tuyệt vời ở Barcelona và Tarragona, Catalonia có vị trí tốt cho một lực lượng hải quân nhỏ, với “Địa Trung Hải như một môi trường chiến lược của chúng tôi và NATO như một khuôn khổ của chúng tôi”, như các đầu não nghiên cứu của những người dân tộc lập luận.

Kế hoạch sơ bộ này kêu gọi một nhóm bảo vệ duyên hải và vài trăm thủy thủ trong thời gian đầu. Vài năm sau, “Catalonia sẽ đảm nhận trách nhiệm là một diễn viên chính ở Địa Trung Hải”...

Một số chính khách Catalonia cũng bày tỏ sự sẵn sàng cho tư cách thành viên NATO. Trong bài báo năm 2014, thủ hiến Catalan (đến tháng 1-2016) Artur Mas đã xác nhận điều này.

Bài báo viết: “Catalonia tìm kiếm tự do không phải để tránh những trách nhiệm không thể tránh được, mà để thực hiện chúng đầy đủ cạnh các đối tác và đồng minh.

Người Catalonia hiểu tự do không bao giờ là miễn phí... Họ hiểu là khi sự kiện Afghanistan tiếp theo xảy đến, máu của Catalonia cũng sẽ phải đổ”.

Bình luận trên những luận điểm và góc nhìn này, nhà địa chính trị Tony Cartalucci tỏ ra hoài nghi: “Cũng như người Kurd, bất kỳ kiểu độc lập nào cũng vô nghĩa nếu quốc gia tìm kiếm nó tự thấy mình phụ thuộc và gắn bó với quyền bá chủ phương Tây và các định chế duy trì nó - đặc biệt là bằng cái giá của các nước thành viên và những (nước được) ủy nhiệm - dù họ là người Kurd hay Catalonia”.

Có lẽ không ít người Catalonia cũng cảm nhận được cái giá của khát vọng độc lập. Bằng chứng là cuộc xuống đường ngày chủ nhật 8-10 của hơn 350.000 người (những người tổ chức nêu con số là hơn 900.000 người) ở trung tâm Barcelona.

Đó là những người không đi bỏ phiếu hôm 1-10, nay họ cảm thấy cần lên tiếng khi tình hình bắt đầu đi quá xa. Họ yêu cầu hai phía Catalonia và Madrid ngồi vào đối thoại vì “cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh hơn”.

Miriam Tey - phó chủ tịch Hiệp hội Dân sự Catalan, một đơn vị tổ chức biểu tình - giải thích lý do họ không đi bỏ phiếu: “Chúng tôi im lặng vì tin vào nền dân chủ và những định chế của chúng tôi. Nhưng đôi khi họ cũng phải nghe xem chúng tôi thấy thế nào”. Bà khẳng định: “Nếu tòa án phán quyết ngài Puigdemont vi phạm pháp luật trong nỗ lực đòi độc lập cho Catalonia, ông ta phải bị bỏ tù”!■

Catalonia là một trong 17 tỉnh tự trị của Tây Ban Nha. Nằm ở đông bắc Tây Ban Nha, thủ phủ Catalonia - Barcelona - là thành phố lớn thứ hai ở Tây Ban Nha và là khu vực tự trị thành công, phát triển nhất Tây Ban Nha.

Catalonia được hưởng quy chế tự trị từ năm 1979, có chính quyền và nghị viện riêng. Hiện nay, vùng tự trị này có hai ngôn ngữ chính thức: tiếng Catalan và tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Catalan được dùng giảng dạy ở các trường trung học và đại học, được đa số người dân nơi đây sử dụng trong giao tiếp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận