Còn cha còn mẹ thì hơn...

XUÂN MINH 30/09/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Dịch COVID-19 đã tàn phá nhiều gia đình ở khắp thế giới, để lại nhiều trẻ mồ côi. Ước tính thận trọng cho biết sẽ có hơn 4 triệu trẻ em nữa có thể mất cha mẹ hoặc người chăm sóc do COVID-19 trong những năm tới.

Trẻ em Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Ảnh: BBC

 

Bé Pratham 5 tuổi và em trai 10 tháng tuổi Ayush, người Ấn Độ, mất cha do COVID-19 vào tháng 4-2021. Vài ngày sau, ở Delhi, mẹ các em cũng qua đời. Nhiều thứ trong thế giới xung quanh hai đứa trẻ đột ngột thay đổi khi chúng hoàn toàn không hiểu được điều này. 

Người thân nói với Pratham là cha mẹ đi làm nhưng em liên tục hỏi, mỗi ngày qua, việc nói dối em càng khó khăn hơn. Họ hàng các em liên hệ với một tổ chức phi chính phủ, hy vọng có người nhận nuôi hai em. 

Khủng hoảng giấu mặt

Nghiên cứu trên tạp chí Lancet ước tính trên toàn cầu, từ ngày 1-3-2020 đến 30-4-2021, có khoảng 1.042.000 trẻ em mất ít nhất một người thân (cha hoặc mẹ) do COVID-19. 

Theo các tác giả nghiên cứu, mỗi 12 giây có một người dưới 18 tuổi mất đi người chăm sóc và con số này tiếp tục tăng. Ước tính thận trọng cho rằng sẽ có hơn 4 triệu trẻ em nữa có thể mất cha mẹ hoặc người chăm sóc do COVID-19 trong những năm tới.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Ngân hàng Thế giới và Đại học College London. 

Nghiên cứu sử dụng mô hình toán học, dữ liệu về tử vong và sinh sản của 21 quốc gia với 76% ca tử vong trên toàn cầu do COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 1-3-2020 đến 30-4-2021 để ước tính số trẻ em bị mất người chăm sóc.

 Những quốc gia này gồm Argentina, Brazil, Colombia, England và Wales, Pháp, Đức, Ấn Độ, Iran, Ý, Kenya, Malawi, Mexico, Nigeria, Peru, Philippines, Ba Lan, Liên bang Nga, Nam Phi, Tây Ban Nha, Mỹ và Zimbabwe. Phương pháp tính toán này đã được áp dụng để ước tính số trẻ em mồ côi trên toàn cầu do bệnh AIDS trước đây. 

Theo đó, các nước có trẻ em bị mất người chăm sóc chính cao nhất là Nam Phi, Peru, Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Mexico.

Lancet ước tính xứ England và Wales của Vương quốc Anh có 8.495 trẻ em mất một cha, mẹ tính đến cuối tháng 4-2021, tỉ lệ 0,6/1.000 trẻ. Ở Nam Phi, có 4,4/1.000 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19. 

Ở Mexico, có 3,3/1.000, ở Brazil có 2,1/1.000 và ở Mỹ có 1,4/1.000 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19. Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất, với 92.000 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, tương đương 1/1.000 trẻ. Trên toàn cầu, tỉ lệ trẻ mất cha cao gấp 5 lần trẻ mất mẹ.

Quy mô của sự mất mát này là chưa từng xảy ra kể từ khi đại dịch AIDS lần đầu lan tràn qua vùng châu Phi cận Sahara. Thực tế, số trẻ em mồ côi có lẽ lớn hơn nhiều so với ước tính của nghiên cứu do khoảng cách từ nghiên cứu với tình hình dịch bệnh. 

Do đó, chỉ khi có dữ liệu chính xác về số lượng trẻ em mồ côi do COVID-19, các quốc gia và tổ chức quốc tế mới có thể phân bổ đủ nguồn lực cung cấp hỗ trợ tâm lý, xã hội và kinh tế cho các em.

Mồ côi do COVID-19 ảnh hưởng hơn một triệu trẻ em trên thế giới. Ảnh: ukri.org

 

Để đờn không đứt dây

Khi mất đi người chăm sóc, trẻ em không chỉ bị ảnh hưởng về tinh thần mà còn mất hỗ trợ tài chính và có nguy cơ bỏ học, phát triển chứng lo âu, trầm cảm, nghiện rượu và lạm dụng chất gây nghiện khác. 

Những tác động này có thể còn bị xấu đi do xảy ra vào thời điểm xã hội phải thực hiện giãn cách, căng thẳng do các quy định phòng chống dịch và khó khăn về kinh tế. Do đó, có khả năng làm cho những trẻ mồ côi này không có được sự hỗ trợ cần thiết.

Theo nhà tâm lý học, tiến sĩ Kathryn Cullen “hai năm đầu tiên sau khi mất cha mẹ là giai đoạn trẻ em có nguy cơ phát triển trầm cảm”, do đó cần khẩn cấp có chương trình hỗ trợ nhóm dân số dễ bị tổn thương này. 

Các nhà nghiên cứu cho cho biết các biện pháp chống dịch như phong tỏa, đóng cửa trường học làm giảm nghiêm trọng năng lực của các hệ thống và dịch vụ bảo vệ trẻ em, vốn được thiết lập để cung cấp các can thiệp và hỗ trợ an toàn rất cần thiết cho trẻ. 

Sự hỗ trợ cho trẻ em bị mất người chăm sóc chính bao gồm nhiều hình thức như tư vấn tâm lý cá nhân hoặc theo nhóm hoặc các chương trình sinh hoạt trại.

Trẻ bị mất cha mẹ hoặc người chăm sóc do COVID-19 có nguy cơ bị chia cắt với gia đình và được gửi vào các trung tâm nuôi dưỡng. 

Tuy nhiên, phần lớn các em không bị bỏ lại mà không có người lớn chăm sóc. Một số sẽ sống với cha mẹ còn lại, những trẻ em khác có thể sống với họ hàng. Trong số 4.200 trẻ em mồ côi do COVID-19 ở bang New York (Mỹ), có 23% trẻ có nguy cơ cao được đưa vào cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần hết sức tránh việc gửi các em vào các trung tâm chăm sóc vì tác hại đã được ghi nhận của nó với sự phát triển tâm lý xã hội, thể chất và thần kinh của các em. Thay vào đó, các khoản đầu tư của xã hội và chính phủ cần ưu tiên chăm sóc tại gia đình. 

Giám đốc điều hành của UNICEF, bà Henrietta Fore nêu ra những khó khăn khi trẻ mồ côi bị đưa vào các cơ sở chăm sóc: “Trẻ em phải sống chung dù không muốn, phải tập những thói quen cố định không phù hợp với nhu cầu cá nhân. Thường xuyên, các em bị tước đi khả năng đưa ra những lựa chọn phù hợp với lợi ích tốt nhất cho mình”.

UNICEF tin rằng có những cách thức mà các chính phủ và cộng đồng viện trợ quốc tế cần thực hiện ngay để đảm bảo các gia đình được tiếp tục tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ xã hội, tư vấn và chăm sóc sức khỏe. 

Các dịch vụ bảo vệ trẻ em phải được tăng cường, bao gồm dịch vụ xã hội cho trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương. Mở cửa trường học và các dịch vụ có thể tiếp cận khác dành cho trẻ em. 

Cần phát triển một hệ thống mà trong đó những trẻ em thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ được các thành viên trong gia đình chăm sóc thay vì gửi đến các dịch vụ chăm sóc không phù hợp.

Bà Fore nêu thực trạng trẻ em ở các trung tâm nuôi dưỡng thường xuyên bị cách ly khỏi gia đình và cộng đồng địa phương. Mất đi sự chăm sóc của cha mẹ, các em có thể bị những tổn hại về thể chất, tâm lý, tình cảm và xã hội mà hậu quả kéo dài suốt đời. Các em cũng có nhiều khả năng bị bạo lực, lạm dụng, bỏ rơi và bóc lột. 

Bidisha Pillai, giám đốc Chính sách toàn cầu, vận động và chiến dịch của Tổ chức Cứu trợ trẻ em chỉ ra “bẫy nghèo” với trẻ em: “Nếu không bảo vệ thế hệ này, các em có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Khi trẻ mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, các gia đình thường bị đẩy vào cảnh nghèo hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ em phải bỏ học đi làm để phụ giúp gia đình. Các em có thể không trở lại trường học và có khả năng sẽ bị mắc kẹt trong một vòng tròn nghèo đói”.

Tổ chức Cứu trợ trẻ em kêu gọi các tổ chức và chính phủ trên thế giới quan tâm khẩn cấp đến hoàn cảnh của trẻ em mồ côi, mất cha mẹ và người chăm sóc, và đảm bảo các em được chăm sóc. 

Các chính phủ “cần xem xét việc tăng cường hệ thống chăm sóc dựa vào gia đình thay vì được gửi đến cơ sở chăm sóc thay thế”.

Báo cáo của CDC Mỹ cũng cho rằng các nỗ lực can thiệp và hỗ trợ cần dựa trên cơ sở gia đình. Trẻ em được hưởng lợi khi ở trong môi trường gia đình, và gia đình nhận nuôi trẻ cần được hỗ trợ để chăm sóc trẻ em.

CDC khuyến nghị cần đảm bảo mỗi trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đều có một gia đình được hỗ trợ, an toàn. Chính phủ có thể hỗ trợ tiền mặt và hỗ trợ nuôi dạy con cái cho các gia đình nhận chăm sóc trẻ em mất đi người chăm sóc chính.

Theo BBC, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thông báo chương trình giúp đỡ trẻ mồ côi do COVID-19 với ngân sách ban đầu là 13.970 USD dành cho mỗi trẻ em. Đây là số tiền cung cấp cho các em cho tới tuổi 18 - 23. Theo thống kê công bố ngày 1-6, Ấn Độ có 1.742 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 140 trẻ bị bỏ rơi và 7.464 trẻ mất cha hoặc mẹ, kể từ tháng 3-2020 do COVID-19.

Tại Indonesia, chính phủ cam kết sẽ chăm sóc hàng ngàn trẻ em mồ côi do COVID-19 trong bối cảnh con số thống kê cuối cùng vẫn chưa đầy đủ. Cuối tháng 8-2021, Bộ Nâng cao năng lực phụ nữ và bảo vệ trẻ em cho biết có khoảng 4.287 trẻ em bị mất cha, mẹ hoặc cả cha mẹ do COVID-19. 

Bộ cho biết đã gửi 5.000 gói chăm sóc cá nhân cho các nhân viên xã hội - những người chăm sóc các trẻ mồ côi và những gia đình gặp khó khăn. Cơ quan này sẽ tiếp tục đáp ứng những nhu cầu cơ bản và nhu cầu học tập của trẻ mồ côi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận