Cuộc “khủng hoảng kép” của ngành y

L.ANH - A.LỘC - H.LỘC 08/07/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Cuộc khủng hoảng chưa từng có của ngành y hiện nay với việc y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt và tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ làm chậm sự phát triển của ngành y trong những năm tới.

Công việc áp lực nhưng lương thấp khiến nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Trong ảnh: Y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện. Ảnh: Duyên Phan

 

Ồ ạt bỏ công lập

Theo Sở Y tế Đồng Nai, từ năm 2019 đến nay, hơn 600 y bác sĩ (BS) làm việc tại các cơ sở y tế công lập ở tỉnh này nghỉ việc. Năm 2019 có 104 BS và 156 điều dưỡng nghỉ việc, năm 2020 có 80 BS và 131 điều dưỡng nghỉ. 

BS Phạm Văn Dũng, giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), cho biết hai năm trở lại đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 200 BS, điều dưỡng, nhân viên nghỉ việc. Một số BS là lãnh đạo khoa nghỉ việc chuyển qua bệnh viện tư,  lương cao hơn. 

Tại BV Bạch Mai, từ đầu năm 2020 đến tháng 4-2021 có 221 người rời BV, trong đó trên 100 người là BS, phó giáo sư, tiến sĩ, có người là trưởng khoa. Từ tháng 4-2020 đến nay thêm một số chuyên gia, lãnh đạo khoa đang ở giai đoạn sung sức về nghề nghỉ việc chuyển sang BV tư.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết năm 2021 toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người chuyển công tác. Từ tháng 1 đến 30-4-2022 có 226 người nghỉ việc và 17 người chuyển công tác.

Lãnh đạo BV Bạch Mai lý giải do nơi này sắp xếp lại, xóa bỏ đơn vị dịch vụ, nhà tang lễ, giảm từ 10 còn 5 nhà thuốc từ năm 2020 đến giữa 2021 nên có trên 100 lao động dôi dư. Chưa kể năm 2020 là năm khó khăn, BV phải đóng cửa 2 tuần nên doanh thu giảm 2.000 tỉ đồng so với 2019 (giảm 30%). 

Từ đầu năm 2020, BV này thực hiện tự chủ toàn diện theo nghị quyết của Chính phủ nên không nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Dịch COVID-19 trong hai năm 2020 - 2021, người bệnh đến khám giảm khiến nguồn thu của BV giảm mạnh. Không có thu nhập tăng thêm, có lúc lương BS trên dưới 10 triệu đồng/tháng, điều dưỡng thấp hơn, “khó sống” với gia đình ở Hà Nội.

Tại TP.HCM, năm 2020 có 597 người nghỉ việc, năm 2021 có hơn 1.000 người nghỉ việc và quý 1-2022 có 396 người nghỉ (268 người ở các BV tuyến TP, còn lại ở quận huyện, phường xã), cao hơn quý 1-2021 là 219 người. Hiện số nhân viên xin nghỉ việc tại các BV công vẫn tiếp tục, chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Lương bèo bọt, áp lực công việc quá lớn là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhân viên y tế rời nơi đã gắn bó nhiều năm. Có nhân viên huyện ở Bình Chánh làm gần 4 năm lương chỉ 5,5-6 triệu/tháng, BS trưởng trạm y tế xã thâm niên 20 năm lương chưa tới 6 triệu đồng.

Khu vực chụp chiếu tại Bệnh viện Bạch Mai luôn đông đúc bệnh nhân xếp hàng chờ đợi do nhiều thiết bị y tế của bệnh viện này đang phải “đắp chiếu”. Ảnh: Dương Liễu

 

Lương thấp, áp lực nhiều

Theo BS Phạm Văn Dũng, hầu hết BS và điều dưỡng nghỉ việc tuổi đời trẻ, thời gian gắn bó với nghề chưa dài (10 năm trở xuống). “Y bác sĩ muốn làm việc ở BV công nhưng lương thấp, áp lực công việc lớn, nhất là sau khi vụ Việt Á xảy ra, thanh kiểm tra liên tục…”, BS Dũng nói. 

Tình trạng thừa thầy thiếu thợ cũng là chuyện nan giải khi các BV đang thiếu điều dưỡng. Số học sinh đăng ký ngành điều dưỡng gần đây giảm mạnh vì ra làm 5-6 năm họ nhận mức lương chỉ bằng lương công nhân năm đầu.

Tại BV Bạch Mai, một BS lâu năm cho biết: “Đợt dịch COVID-19, chúng tôi hầu như không có thu nhập tăng thêm nhưng hiện dịch giảm, bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông hơn mà thu nhập vẫn thấp. Tôi làm 20 năm, cộng với phụ cấp mà chưa được 15 triệu đồng/tháng”. BS này nói đang có ý định chuyển việc, dù quyết định này không dễ dàng.

“Một ngày khám đến 65 bệnh nhân, rồi thiếu thuốc men, vật tư, chưa kể những tin xấu về đồng nghiệp… liên tục tạo thêm áp lực cho chúng tôi", chị nói.

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có hơn 20 cán bộ nhân viên, trong đó có cả cấp trưởng phó phòng được quy hoạch lên cấp cao hơn, đã xin nghỉ việc. Công việc nhiều nhưng thu nhập thấp, môi trường làm việc chưa tốt… được nhắc đến nhiều.

Bệnh viện thiếu nhiều thứ

Giám đốc một BV tuyến trung ương ở Hà Nội than: “Y tế công đang bị ghẻ lạnh”. Theo ông, rất nhiều chính sách đang bị vướng khiến BV khó mua thuốc men, vật tư y tế, thiết bị… 

“Quy định bất thành văn khi mua thuốc là năm sau phải rẻ hơn năm trước mới hợp lý, trong khi chi phí vận chuyển, nhân công… tăng nên giá tăng. Chúng tôi đấu thầu, biết là giá đấy không mua được nhưng cứ đặt ra, kết quả là không mua được, phải làm lại. Các quy định hiện hướng đến mua thuốc generic (thuốc phiên bản) tốt nhưng chúng tôi tuyến cuối, có những thuốc cần cao hơn, phải là biệt dược”, ông phàn nàn.

Ông Trần Bình Giang, giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, cho biết một tổ chức ở Anh định tặng BV ông kính hiển vi điện tử phẫu thuật, nhưng quy định hiện hành yêu cầu máy tặng có hóa đơn. “Máy từ thiện mua với giá đặc biệt, giá cả chục tỉ đồng, không thể cung cấp hóa đơn nên nhiều bệnh nhân phải chờ”, ông nói.

BV Tai mũi họng trung ương thiếu gel sử dụng cho bệnh nhân siêu âm, phôi phim chụp cộng hưởng từ, CT. Tại BV Bạch Mai, do trên 80% thiết bị y tế diện máy đặt, máy liên doanh, từ năm 2020 khi xảy ra vụ án nâng khống giá đầu vào của robot phẫu thuật Rosa và Mako nên nhiều thiết bị diện đặt, mượn như dao gamma quay, máy chụp PET, robot Mako, Rosa… đang bị niêm phong, chưa biết khi nào được dùng lại.

Do đợt đấu thầu tập trung quốc gia bị chậm nhiều tháng nên nhiều BV đang thiếu thuốc. Ngay cả khi vấn đề này được khắc phục và mọi việc suôn sẻ thì gần một tháng nữa mới có thuốc.

Trước đây khi thiếu thuốc, các BV có thể mua dựa theo mức giá của gói thầu trước, dù không đúng quy định nhưng cách làm này nhanh. Hiện nay khi hết hàng phải mở gói thầu mới, các BV đều trở tay không kịp.

Những khó khăn trên cùng với nhiều vấn đề xảy ra với ngành y trong thời gian gần đây như hàng chục giám đốc CDC bị bắt để điều tra liên quan vụ Việt Á, bộ trưởng Bộ Y tế và 1 thứ trưởng bị bắt, 1 thứ trưởng đang xin nghỉ việc… khiến ngành y thành “tâm điểm nóng”. 

Giám đốc một BV nói cuộc khủng hoảng này có thể khiến ngành y thêm khó khăn và có thể mất hơn 10 năm nữa mới quay lại được thời điểm như trước dịch COVID-19. ■

“Nhà thương” và “bệnh viện”

Không chỉ BS giỏi mà người mới ra trường cũng tìm cơ hội ở môi trường y tế tư nhân, có người làm việc tại các BV công để lấy kinh nghiệm rồi sau đó ra bên ngoài. Lương mới ra trường của BS và các phụ cấp khoảng 5 triệu đồng/ tháng, sau 6 năm học tập. Mức này không đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. 

Chúng ta nói nhiều về việc tăng lương cho cán bộ y tế, nhưng Nhà nước không thể lo hết được. Việc cần giải quyết là cơ chế tự chủ của BV chưa rõ ràng. Nhiều BV đã tự chủ nhưng vẫn trả lương theo khung của Nhà nước, các dịch vụ khám chữa bệnh cũng theo giá của Nhà nước.

Nên chia thành “nhà thương” và “bệnh viện” để có thể tận dụng được hết cơ sở vật chất và nhân lực của ngành y. Nhà thương là nơi tiếp nhận bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe người dân như Nhà nước đề ra, để không để ai bị bỏ lại. 

Còn BV được tự chủ về chi phí, nguồn thu, dưới những quy định ràng buộc về mức thu tối đa. Cần để các BV được tự chủ về tài chính, các khoản thu - chi để có đủ nguồn thu trả lương xứng đáng cho cán bộ y bác sĩ, như các BV tư đang làm. Nếu chế độ lương cho cán bộ y bác sĩ không thay đổi thì rất khó để những người thực sự tâm huyết với nghề gắn bó được.

Ông Trương Việt Bình (nguyên giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền VN)

Công việc tăng, lương giảm

Theo kết quả khảo sát do Hội Thầy thuốc trẻ VN phối hợp Viện Đào tạo y tế dự phòng (Trường đạo học Y Hà Nội) thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9-2021 trên 2.700 nhân viên y tế và tuyến đầu chống COVID-19 về "Tác động của đại dịch COVID-19 đến sức khỏe và các điều kiện kinh tế - xã hội - việc làm của cán bộ y tế VN": lương bình quân năm 2020 là 7,36 triệu đồng/tháng, trong khi giá sinh hoạt trung bình/người ở Hà Nội và TP.HCM là 10 triệu và 11 triệu đồng. Lương thấp là lý do chính khiến nhân viên y tế công chuyển sang khu vực tư.

70% nhân viên y tế tham gia nghiên cứu này là cán bộ biên chế của các BV, trên 66% làm việc từ 5-20 năm. 60% nhân viên y tế được hỏi cho biết họ đã cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. 48% phải làm thêm giờ nhưng 1/3 được hỏi cho biết lương và phụ cấp bị giảm.

L.ANH - DƯƠNG LIỄU ghi

Tạo ra môi trường làm việc tốt

Ngoài lương bổng, các lãnh đạo BV cần tạo ra môi trường làm việc tốt, có điều kiện học tập nâng cao và nghiên cứu cho nhân viên y tế. Nghị quyết về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn vừa được HĐND TP.HCM thông qua là một trong các giải pháp để vực dậy ngành y mà đặc biệt là y tế cơ sở. 

Ngành y tế TP đang thử nghiệm chương trình lắng nghe và trao đổi với nhân viên y tế hằng tuần nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tâm tư tình cảm trong quá trình công tác, tạo động lực cho họ có niềm tin gắn bó với công việc.

Ông Tăng Chí Thượng

(giám đốc Sở Y tế TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận