​ĐI TÌM NHỮNG CƠ HỘI KINH TẾ 

TRẦN VINH DỰ 10/01/2015 22:01 GMT+7

TTCT - Sau khi tuyên bố lộ trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, Tổng thống Barack Obama sẽ còn mất nhiều công sức để thuyết phục Quốc hội Mỹ từng bước dỡ bỏ cấm vận kinh tế. Cuba đang đứng trước cơ hội lớn để hội nhập trở lại với thế giới.

Từ năm 2011, Cuba bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách kinh tế từng bước, với những giải pháp thận trọng để mở cửa một phần nền kinh tế. Trên nguyên tắc, Cuba chỉ bị Mỹ cấm vận và vẫn làm ăn với phần còn lại của thế giới. 

Tuy nhiên, tốc độ đổi mới chậm chạp của Cuba và việc bị Mỹ cấm vận khiến cho đến nay Cuba vẫn đang gặp phải những vấn đề vô cùng lớn chỉ có thể tháo gỡ được nếu có một bước đi đột phá.

Các xe cổ được dùng làm taxi tại Cuba. Mở cửa ở đây được hy vọng sẽ đem lại sức sống mới cho hòn đảo này- Reuters

Cuba: Đầu tư và thị trường xuất khẩu

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Brookings xuất bản hồi năm 2012, Cuba có dân số 11,2 triệu dân và GDP khoảng 64 tỉ USD, đồng nghĩa với GDP trên đầu người khoảng 5.715 USD/người, cao gấp nhiều lần Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng con số này sẽ thấp hơn rất nhiều nếu tỉ giá của Cuba được tính đúng với thị trường.

Cuba đang đối mặt với một số vấn đề lớn về kinh tế. Sản xuất công nghiệp của nước này chỉ bằng 50% so với trước năm 1989. Sản xuất nông nghiệp cũng hết sức nghèo nàn, Cuba phải tiêu tốn rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu lương thực. 

Trong khi đó, xuất khẩu của Cuba hồi năm 2010 chỉ vào khoảng 4,6 tỉ USD (thấp hơn 10% GDP cùng kỳ), vì thế Cuba lệ thuộc rất mạnh vào tài trợ của nước ngoài, đặc biệt là Venezuela và Nga.

Venezuela trước đây thường hỗ trợ Cuba về xăng dầu (nguồn năng lượng mà nước này rất thiếu) để đổi lấy dịch vụ chăm sóc y tế. Tỉ lệ tích lũy và đầu tư quốc dân trên tổng GDP của Cuba cũng thấp (chỉ vào khoảng 10%) và điều này làm cho Cuba bị mắc kẹt trong bẫy tăng trưởng thấp.

Cuba cũng lệ thuộc khá nhiều vào Venezuela, với 40% tổng kim ngạch mậu dịch và 60% nguồn xăng dầu, theo giáo sư Pavel Vindal (một cựu quan chức của Ngân hàng Trung ương Cuba và giờ là giáo sư tại Universidad Javeriana in Cali ở Colombia).

Một báo cáo mới đây của Bộ Thương mại và đầu tư Cuba công bố hồi tháng 11-2014 có tên “Danh mục các cơ hội cho đầu tư nước ngoài” (Portfolio of opportunities for foreign investment) đem lại nhiều ẩn ý quan trọng về thực trạng kinh tế nước này. 

Với ngôn ngữ khá thẳng thắn, báo cáo này nhìn nhận “tăng trưởng GDP của Cuba trước giờ ở mức thấp và vừa, thấp hơn mức trung bình của khu vực. Để thay đổi xu hướng này, cần tới tỉ lệ tích lũy phải cao hơn 20% GDP để GDP có thể tăng từ 5-7%”.

Vì tỉ lệ tích lũy và đầu tư ở Cuba chỉ xấp xỉ 10%, báo cáo này của Chính phủ Cuba rõ ràng nhìn nhận nếu thiếu đầu tư nước ngoài, Cuba không thể tự giải được ván cờ khó của mình.

Các lĩnh vực mà nước này kêu gọi đầu tư cũng gợi mở nhiều vấn đề. Trong danh mục 221 dự án được nêu (ngoài các dự án trong khu thương mại tự do Mariel), có đến 99 dự án trong ngành năng lượng (86 dự án về dầu khí và 13 dự án về năng lượng tái tạo), 56 dự án trong ngành du lịch - nghỉ dưỡng và 32 dự án trong ngành nông nghiệp - thực phẩm. Sự ưu tiên của Nhà nước Cuba về ba lĩnh vực này là hoàn toàn có thể hiểu được:

Thứ nhất, Cuba phụ thuộc năng lượng vào Venezuela đến mức 60% tổng mức tiêu thụ của nước này. Với tình hình Venezuela hiện nay, Cuba phải tính đến chuyện tự chủ về mặt năng lượng. Vì thế, họ cần đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào ngành năng lượng của nước này, bao gồm cả dầu khí và điện.

Thứ hai, Cuba đang rất cần nguồn ngoại tệ mạnh để tài trợ nhập khẩu. Hai đồng minh lớn cung cấp ngoại tệ cho Cuba là Venezuela và Nga đều đang phải vật lộn tự lo cho mình, vì thế Cuba phải tự lực cánh sinh. 

Cách nhanh nhất và tự nhiên nhất của nước này để thu ngoại tệ về là phát triển du lịch. Cuba vừa thiếu tiền để xây các resort, khách sạn, sân golf, vừa thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành các cơ sở này, do đó trong danh mục kêu gọi đầu tư của Cuba hiện nay có rất nhiều dự án chào mời đầu tư nước ngoài và những dự án kêu gọi các doanh nghiệp chuyên nghiệp của ngành này trên thế giới tham gia dưới dạng hợp đồng quản lý (management contract).

Thứ ba, Cuba đang thiếu lương thực. Theo báo cáo kêu gọi đầu tư này, Cuba có 6,3 triệu ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có 2,6 triệu ha được khai thác. Đây là kết quả của việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp (tập trung ở ba tập đoàn lớn là GEIA, Cubaron và Coralsa) mà không giao đất cho tư nhân để làm. 

Đất giao cho nông dân ở nước này chỉ chiếm 15%, giao hợp tác xã 7%, còn lại đều nằm trong tay ba tập đoàn nhà nước nêu trên.

Đó là chưa kể tình trạng phát triển các ngành công nghiệp tiêu dùng đang ở mức rất thấp tại nước này. Cuba mở ra khu thương mại tự do Mariel (Mariel free trade zone) từ nhiều năm nay ở phía tây Havana, nhưng hiện giờ vẫn không có bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào đến đầu tư vì lý do giá nhân công (do nhà nước sắp đặt) quá cao, và quan trọng hơn là các thị trường xuất khẩu chính (chủ yếu là Mỹ) vẫn bị đóng do chính sách cấm vận của Mỹ.

Bình thường hóa có lợi cho cả hai bên

Về trung và dài hạn, Cuba cần vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bằng sức mình chứ không thể dựa vào viện trợ và vay mượn từ đồng minh (mô hình này cũng chứng minh không thành công trong nhiều thập kỷ qua).

Về phía Mỹ, chính sách cấm vận nhằm mong chờ sự ra đi của thể chế cầm quyền ở Cuba trong nhiều thập kỷ qua cũng không thật sự hiệu quả. Vì thế việc thay đổi cách tiếp cận xem ra cũng hợp lý. 

Như thế, việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước có vẻ như không có gì là bất bình thường tại thời điểm này, mặc dù vẫn tạo bất ngờ đối với thế giới. Đương nhiên, từ bình thường hóa về mặt ngoại giao tới bình thường hóa về mặt kinh tế còn là một lộ trình rất dài.

Từ phía Cuba, con đường cải cách sẽ không thể rút ngắn. Từ phía Mỹ, trước hết Quốc hội Mỹ cần phải thông qua việc dỡ bỏ cấm vận, dù là từng phần, đối với Cuba. Trong điều kiện Đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát lưỡng viện tại chính trường Mỹ như hiện nay, điều này sẽ là một lộ trình tiêu tốn khá nhiều thời gian.

Các kế hoạch cải thiện quan hệ với Cuba của Mỹ sẽ rất có lợi cho hàng loạt ngành kinh doanh tại Mỹ, bao gồm dịch vụ viễn thông, Internet, hàng không, ngân hàng, du lịch...

“Tiềm năng của thị trường Cuba với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Mỹ là quan trọng, dù không phải quá lớn” - Gary Hufbauer, của Viện kinh tế quốc tế Peterson, nói với báo Mỹ USA Today. Nếu quan hệ được bình thường hóa hoàn toàn, theo Hufbauer, xuất khẩu của Mỹ sang Cuba có thể đạt mức 4,3 tỉ USD mỗi năm và từ Cuba sang Mỹ là 5,8 tỉ USD. Hiện không có giao dịch chính thức nào giữa hai nước vì các lệnh cấm vận.

Trước cuộc cách mạng ở Cuba, nhiều công ty nông nghiệp lớn của Mỹ có các mối làm ăn quan trọng tại Cuba, nơi họ xuất đi đậu, gạo và nhiều hàng hóa khác. “Một thị trường rất lớn” - Dwight Roberts, giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất gạo Hoa Kỳ, nói. Roberts tin rằng Cuba sẽ nhập khoảng 400.000 tấn gạo từ Mỹ giống như họ đã làm trước cấm vận. Trước cuộc cách mạng Cuba, vào năm 1959, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào nông nghiệp ở Cuba là 359 triệu USD (tương đương 2,8 tỉ USD hiện giờ), gấp ba lần so với phần còn lại của Mỹ Latin và các công ty Mỹ cũng điều hành việc sản xuất nông nghiệp trên 85% diện tích canh tác của Cuba.

Những hãng xe hơi Mỹ ở Detroit cũng đang rất háo hức với cơ hội thay thế các chiếc xe cổ lỗ sĩ chạy trên đường phố Cuba hiện giờ. “Chúng tôi thấy được khích lệ bởi những tín hiệu bình thường hóa và sẽ đánh giá các cơ hội của mình” - người phát ngôn của General Motors, Pat Morrissey, nói với AP.

Chuỗi đồ ăn nhanh Fatburger cũng đã mở các cuộc thương lượng nhượng quyền thương hiệu cho đối tác tại Cuba từ bốn năm qua để đón đầu ngày bình thường hóa, theo lời giám đốc hãng có trụ sở tại Los Angeles này, Andy Wiederhorn. Fatburger đầu tiên sẽ phải xin giấy phép của Chính phủ Mỹ, rồi phải mất sáu tháng đến một năm để mở cửa hàng đầu tiên. Mục tiêu của Wiederhorn hiện là từ 6-12 tiệm. “Nền kinh tế còn nhỏ là thách thức lớn nhất với chúng tôi” - Wiederhorn, hiện điều hành hoạt động ở 32 nước khác nhau, nói.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói những bước đi hướng tới bình thường hóa quan hệ phải nhắm đến việc người dân Cuba “được tiếp cận với những công nghệ đã phổ biến trên toàn cầu”. Hiện khoảng 27% dân số Cuba tiếp cận được với Internet, theo Internet Live Stats, thấp hơn cả những nước như Iran và Kenya. Doug Madory, giám đốc Viện phân tích Internet Analysis thuộc Trung tâm nghiên cứu Dyn Research, cho rằng Cuba sẽ bán đấu giá giấy phép kinh doanh cho các công ty viễn thông ở quy mô toàn cầu, và Mỹ sẽ có cơ hội nhờ ưu thế địa lý.

Du lịch tất nhiên là một lĩnh vực không thể bỏ qua. Cho tới giờ người Mỹ muốn sang Cuba phải đăng ký với các hãng lữ hành đặc biệt rất đắt đỏ, hoặc đi qua đường Canada, các nước Caribê khác và Mexico. Những động thái bình thường hóa hứa hẹn làm giảm các thủ tục xuất nhập cảnh tốn kém và phiền phức. Du khách Mỹ cũng có thể sử dụng thẻ tín dụng thay vì phải mang theo tiền mặt với nhiều rủi ro. Cuba vẫn là một điểm đến rất hấp dẫn với người Mỹ, bất chấp các lệnh cấm vận. Cùng với du lịch sẽ là các ngành khách sạn và hàng không.

HẢI MINH

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận