Điều tiết kinh doanh xuất khẩu gạo: Chỉ tiêu bỏ ngỏ

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 16/07/2012 19:07 GMT+7

TTCT - Phía sau những lo lắng của nông dân về một thực tế cũ có nguy cơ lặp lại là “được mùa, thất giá” lúa gạo và khả năng một chỉ tiêu đảm bảo 30% lãi cho nông dân khó thành hiện thực... là những lỗ hổng trong chính sách điều tiết kinh doanh xuất khẩu lúa gạo.

Phóng to
Làm sao để nông dân trồng lúa không chịu thiệt? Câu hỏi này đến giờ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng - Ảnh: đức vịnh

Khó khăn đang hiện diện rất cụ thể đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có nhiều khả năng sẽ không thuận lợi cho các quốc gia xuất khẩu chí ít là từ nay tới cuối năm. Và liệu chính sách điều tiết kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay có bảo vệ được quyền lợi không chỉ cho nông dân trồng lúa xuất khẩu nói riêng mà còn của nông dân trồng lúa nói chung?

Bất cập chính sách "hai trong một"

Với trên 7,1 triệu tấn gạo xuất khẩu năm qua và vẫn với khối lượng này trong năm nay, Việt Nam vẫn có thể trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nhưng thực tế tỉ trọng gạo xuất khẩu trong tổng sản lượng gạo hằng năm của nước ta cũng vẫn không vượt quá 27%.

Do đây là khối lượng dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước, nên việc đẩy nó ra thị trường thế giới sẽ làm cán cân cung - cầu gạo trong nước trở nên cân bằng. Vì vậy việc điều tiết hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc điều tiết thị trường lúa gạo nói chung.

Thực tế thị trường lúa gạo nước ta nhiều năm qua cho thấy dù gạo xuất khẩu chỉ chiếm tỉ trọng khiêm tốn như vậy, nhưng giá gạo xuất khẩu lại ảnh hưởng rất lớn đến giá lúa gạo trong nước. Khi nó tăng, giá lúa gạo trong nước cũng tăng theo và ngược lại, khi nó giảm cũng kéo giá lúa gạo trong nước giảm. Chẳng hạn, khi giá gạo xuất khẩu năm 2011 tăng tới 64 USD/tấn so với năm 2010 (14,5%) thì giá lương thực trong nước cũng tăng phi mã 22,8%.

Ngược lại, trong sáu tháng đầu năm nay, khi giá gạo xuất khẩu giảm 13 USD/tấn (2,8%) thì giá lương thực trong nước cũng giảm 4,5%. Sở dĩ như vậy vì xuất khẩu gạo giống như kênh dẫn dòng chảy từ “bình lúa gạo nước ta thông sang bình gạo thế giới”, nên nó cũng là phương tiện truyền dẫn “độ nóng lạnh của bình gạo thế giới đến bình gạo trong nước”.

Trong điều kiện như vậy, các nhà quản lý đã không chọn toàn bộ hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa gạo nói chung, mà chỉ chọn “điểm nút” kinh doanh xuất khẩu gạo để điều tiết. Theo đó, thực tế lợi ích của nông dân trồng lúa thể hiện tập trung qua giá lúa và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thể hiện qua giá gạo xuất khẩu. Tuy là hai phạm trù khác nhau nhưng đều được điều tiết thông qua cùng một giá sàn xuất khẩu gạo.

Phóng to

Sở dĩ như vậy là vì dù hình thành trên cơ sở giá thành sản xuất bình quân từng vụ được xây dựng một cách bài bản, nhưng giá thóc định hướng (bao gồm giá thành sản xuất và lợi nhuận cho người trồng lúa), như chính tên gọi của nó, lại không có giá trị bắt buộc phải thực hiện. Nó không có tác dụng làm cơ sở điều tiết giá lúa gạo và càng không có giải pháp đi kèm để bảo đảm lợi ích của nông dân khi giá thị trường thấp hơn giá thóc định hướng.

Trong khi đó, giá sàn xuất khẩu gạo là công cụ pháp luật bắt buộc phải thực hiện, bởi đó chính là giá gạo xuất khẩu tối thiểu các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể không tuân thủ khi giao kết hợp đồng xuất khẩu gạo.

Giữa giá sàn xuất khẩu gạo và giá thóc định hướng có mối quan hệ rất khăng khít, bởi giá sàn xuất khẩu gạo được xây dựng phù hợp với diễn biến của thị trường trong nước và thế giới, phù hợp với giá thóc định hướng được công bố, mặt bằng giá mua thóc, gạo hàng hóa trong nước, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ giá sàn xuất khẩu gạo gần đây hầu như đã bị vô hiệu hóa.

Cụ thể, trong những ngày đầu tháng 1 năm nay, trong khi giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm là 500 USD/tấn thì theo một hãng thông tấn phương Tây, giá chào xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta bình quân trong tháng 1 là 446 USD/tấn, còn cặp số liệu này đối với gạo 25% tấm là 470 USD/tấn và 409 USD/tấn. Từ đó đến nay luôn tồn tại một khoảng cách rất đáng kể giữa giá sàn xuất khẩu với giá chào xuất khẩu gạo (xem biểu đồ).

Rõ ràng, trong điều kiện khung giá sàn không còn là “hàng rào thép” ngăn chặn việc xuất khẩu gạo thấp rất xa so với giá sàn như vậy mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bị phá sản, thì thực tế đó chỉ có nghĩa giá lúa gạo trong nước đã bị ép xuống.

Phóng to

“Thuốc thử liều cao"?

Ở thời điểm hiện tại, có lẽ khó có ai dám “cả gan” khẳng định giá lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng trong thời gian tới để bảo đảm nông dân có lãi tối thiểu 30%. Các số liệu thống kê của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho thấy từ bình quân 5.450 đồng/kg trong tuần đến ngày 24-5, giá lúa thường đã trải qua năm tuần liên tiếp giảm và chạm đáy chỉ với 4.700 đồng/kg, thấp kỷ lục kể từ hạ tuần tháng 8-2010 đến nay.

Mặt khác, cần lưu ý rằng nếu tính bình quân, giá lúa thường sáu tháng đầu năm nay đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2011 (5.282 đồng so với 5.713 đồng/kg), còn giá lúa dài đã giảm 7,4% (5.459 đồng so với 5.894 đồng/kg) trong khi giá gạo xuất khẩu của nước ta trong cùng kỳ chỉ giảm 2,8% (459 USD so với 472 USD/tấn).

Trong điều kiện như vậy, dù giá lúa thường trong tuần vừa qua đã tăng mạnh 450 đồng/kg so với mức đáy trong tuần đến ngày 28-6, nhưng có lẽ cũng không ai dám khẳng định giá lúa gạo trong những tuần tiếp theo sẽ không lặp lại kịch bản như đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo qua vụ đông xuân vừa qua. Đó là tăng 100 đồng/kg trong tuần chương trình chuẩn bị khởi động, còn hai tuần đầu triển khai nhích thêm được 50 đồng/kg, nhưng hai tuần cuối lại giảm 100-150 đồng/kg, còn sau khi chương trình này kết thúc đã tăng mạnh trở lại.

Nói cách khác, dù ngân sách nhà nước đã phải chi cỡ vài trăm tỉ đồng để mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhưng những diễn biến của thị trường lại “khéo sắp đặt” để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua được khối lượng gạo rất lớn này với giá tối thiểu, còn những nông dân “lỡ bán” lại chịu thiệt một cách tương ứng.

Đặc biệt, trong điều kiện giá chào xuất khẩu gạo 5% tấm trong tháng 6 chạm đáy ở mức 412 USD/tấn và gạo 25% tấm cũng chạm đáy chỉ với 369 USD/tấn, còn trong tuần đầu tháng 7 cũng chỉ là 408 và 371 USD/tấn, thật khó có thể hình dung giá lúa gạo trong nước có thể tăng “một chút” như nhận định của chủ tịch VFA dịp sơ kết hoạt động xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm nay, càng khó mà hình dung “vụ hè thu này có thể nông dân lãi ít hơn 30% một chút...”, nhất là khi nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ồ ạt thu hoạch lúa.

Rõ ràng nếu giá không tăng, chỉ có nông dân hai tỉnh Kiên Giang và An Giang cầm chắc lợi nhuận tối thiểu 30%, trong khi nông dân Tiền Giang chỉ có lãi “mini” 3,5%, còn nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung lãi 17,7%.

Do vậy, ngoài những yếu tố đầu vào sản xuất của nông dân chưa được tính toán hết, không thể không bóc tách nguyên nhân trong việc giá lúa gạo trong nước không được điều tiết một cách trực tiếp mà lại thông qua giá sàn xuất khẩu gạo, trong khi công cụ có hiệu lực bắt buộc phải thực hiện này lại không còn giá trị trên thực tế. Càng chậm giải quyết vấn đề này nông dân càng thiệt, bởi đừng quên mục tiêu đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lãi bình quân ít nhất 30% đã được đề ra từ năm 2009.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận