Đón sóng FDI: Nạc và xương

NAM MINH 22/12/2020 04:12 GMT+7

TTCT - Việt Nam đang được ca ngợi là địa điểm tiềm năng thay thế vị trí công xưởng sản xuất của Trung Quốc. Những dịch chuyển này sẽ tác động ra sao lên nền kinh tế?


Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Vẫn có chút hoài nghi: Phải chăng lựa chọn Việt Nam của các tập đoàn nước ngoài chỉ là một động thái “hết nạc thì vạc đến xương”?


Cuộc đổ bộ của dòng vốn OEM

Mới đây, Hãng Foxconn, đối tác lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, công bố sẽ đầu tư khoảng 270 triệu đôla để mở rộng các nhà máy ở Việt Nam. Trước đó không lâu, tập đoàn công nghệ này cũng khởi động dây chuyền sản xuất màn hình LCD ở đây. 

Theo Reuters, Apple đã yêu cầu Foxconn di dời hoạt động sản xuất một phần iPad và Macbook sang Việt Nam do hãng muốn hạn chế thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Doanh thu xuất khẩu của Foxconn tại Việt Nam năm 2019 đạt 3 tỉ đôla, dự kiến tăng lên 6 tỉ đôla trong năm nay.

Một hãng sản xuất phụ tùng gốc (originial equipment manufacturer, tức OEM) khác của Apple là Tập đoàn Pegatron cũng thông báo rót 1 tỉ đôla vào Việt Nam. Theo đó, hãng sẽ thực hiện dự án đầu tư thứ nhất tại Khu công nghiệp (KCN) Đình Vũ (Hải Phòng) với nguồn vốn 19 triệu đôla. 

Dự án thứ hai có tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu đôla tại KCN Deep C (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) đang làm thủ tục. Giai đoạn 2026-2027, Pegatron dự kiến tiếp tục triển khai dự án thứ ba với tổng vốn đầu 500 triệu đôla nữa.

Sunny Optical - nhà cung cấp linh kiện máy ảnh lớn cho Apple có trụ sở tại Chiết Giang, Trung Quốc - cũng đã đặt nhà máy ở Việt Nam. Danh sách các tập đoàn đa quốc gia đổ bộ vào Việt Nam còn có Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản, Lenovo từ Hong Kong. Phần lớn các khoản đầu tư đợt này ở lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế, chất bán dẫn, điện thoại di động và linh kiện, máy điều hòa không khí.

Dù chịu tác động của đại dịch nhưng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), tổng vốn FDI đăng ký mới trong 11 tháng đầu năm của Việt Nam là 26,4 tỉ đôla. Tuy giảm gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây vẫn là một kết quả đáng khích lệ khi dự báo của UNCTAD (cơ quan của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển toàn cầu) cho thấy dòng vốn FDI chảy vào các khu vực khác như Đông Á giảm đến 30 - 45% trong năm nay.

Có thể thấy do đại dịch, các công ty đa quốc gia sản xuất sản phẩm gia dụng giá trị cao như đồ điện tử ngày càng chịu nhiều áp lực trong việc cắt giảm chi phí. Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến thay thế được lựa chọn do có những điều kiện thuận lợi nhất định về cơ sở vật chất, đặc biệt là bởi chi phí lao động thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc. 

Theo Savills Việt Nam, Việt Nam còn là một trong những nước có chính sách thuế cạnh tranh nhất châu Á. Các công ty có thể hưởng lợi từ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định và tiền thuê đất. Các ưu đãi đáng chú ý bao gồm miễn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu tiên và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo.

Hơn nữa, các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng cho các ngành công nghiệp được Chính phủ ưu tiên, chẳng hạn công nghiệp 4.0 hoặc các ngành hỗ trợ sản xuất công nghệ cao, những dự án tại các đặc khu kinh tế (SEZ), dự án tại các vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn hay các dự án quy mô lớn đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của Chính phủ về tổng vốn đầu tư, doanh thu và số lượng lao động.

Theo “Khảo sát chi phí xây dựng năm 2019” của Turner & Townsend, Việt Nam cũng là một trong những thị trường có chi phí xây dựng công nghiệp cạnh tranh nhất. Tại TP.HCM, chi phí xây dựng trung bình nhà xưởng và nhà kho cơ bản khá hấp dẫn - chỉ 352 đôla một mét vuông, với các nhà máy và trung tâm phân phối lớn là 412 đôla, còn nhà máy công nghệ cao là khoảng 618 đôla.

Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, người vui ắt có kẻ buồn. Sự bừng sáng của Việt Nam khiến một số địa phương của Trung Quốc có tỉ trọng xuất khẩu lớn cảm thấy lo ngại. 

Tờ Asia Times dẫn nguồn tin cho biết cuộc thương chiến và những điều chỉnh sản xuất - đầu tư của các hãng xưởng sản xuất lớn đang làm xói mòn năng lực xuất khẩu của Trung Quốc, thúc đẩy các quan chức địa phương gửi thỉnh cầu lên Bắc Kinh yêu cầu chính sách mới nhằm giữ chân doanh nghiệp cùng việc làm, khi các nhà máy ra đi hàng loạt và nguồn thu thuế của địa phương giảm sút.

Ví dụ, giai đoạn 2018-2019, Samsung lần lượt đóng cửa hai nhà máy lắp ráp điện thoại lớn nhất ở Thiên Tân và Huệ Châu (một thành phố ở tỉnh miền nam Quảng Đông). Sau 27 năm sản xuất, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đóng dây chuyền sản xuất ở Huệ Châu vào tháng 9-2019 và cho 6.000 công nhân nghỉ việc. Nhiều người trong số họ vẫn đang sống nhờ vào phúc lợi trong khi đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt thị trường việc làm nội địa. 

Hơn thế, việc Samsung rút khỏi Thiên Tân và Huệ Châu dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy ở xa hơn trên chuỗi cung ứng từng cung cấp linh kiện cho Samsung, thậm chí cả các quán ăn giá rẻ và siêu thị phục vụ công nhân.

Lợi nhuận chảy ra bên ngoài

Việt Nam có thể lạc quan đến mức nào trước những tin tức dồn dập về dòng vốn dịch chuyển? Theo giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về quản trị dân chủ và đổi mới thuộc Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy (Đại học Harvard), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng từ 150 tỉ đôla (năm 2014) lên 264 tỉ đôla (năm 2019). Năm 2020, bất chấp đại dịch, con số này vẫn tăng khoảng 2% đến hết tháng 9, so với cùng kỳ 2019.

Nhưng nhập khẩu hàng hóa cũng tăng nhanh, từ 148 tỉ đôla (năm 2014) lên 253 tỉ đôla (năm 2019), chỉ hơi giảm trong năm 2020 (khoảng 0,8%). Thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai Việt Nam vào khoảng 4,9% GDP năm 2014 và đến năm 2019 thực ra đã giảm, chỉ còn 2,2%.

Ở đây, phần “nạc” lợi nhuận của các khoản đầu tư vào Việt Nam về cơ bản vẫn nằm trong túi các đại gia tập đoàn nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, dòng vốn vào ròng (vốn chảy vào trong nước trừ vốn chảy ra) ở Việt Nam năm 2014 là 9,2 tỉ đôla và tăng lên 16,1 tỉ đôla năm 2019. 

Phần lớn trong số này nhắm đến xuất khẩu, nhưng là ở các khu vực sản xuất có giá trị gia tăng rất thấp. Điển hình, ước tính với mặt hàng điện thoại thông minh xuất khẩu cho thấy giá trị gia tăng lao động chỉ là 2% giá trị doanh thu, còn hoạt động lắp ráp chip chỉ tạo giá trị gia tăng ở mức một con số. 

“Đây là lý do tại sao tài khoản vãng lai gần như là cân đối, hàng nhập khẩu chảy vào, giá trị gia tăng tạo ra rất ít và xuất khẩu trông có vẻ lớn nhưng là phản chiếu của hoạt động sản xuất ở nơi khác”, giáo sư Dapice nhận định.

Sự nổi lên về vị thế kinh tế và xuất khẩu gia tăng của Việt Nam kèm theo hệ quả là nguy cơ về các chính sách bảo hộ hay trả đũa thương mại, như việc Mỹ mới đây tuyên bố Việt Nam là nước thao túng tiền tệ (cùng Thụy Sĩ). Một nguyên nhân quan trọng đằng sau việc này là thặng dư thương mại song phương ngày càng tăng của Việt Nam với Mỹ.

Nhưng theo giáo sư Dapice, các tính toán về thặng dư thương mại, cán cân tài khoản vãng lai hay dự trữ ngoại hối đến nay đều không cho thấy có dấu hiệu Việt Nam thao túng tiền tệ. Lý do rất nhiều giá trị thặng dư được gán cho Việt Nam khi xuất khẩu hàng sang Mỹ thực ra là phản chiếu của hàng nhập khẩu từ nhiều nền kinh tế châu Á khác, Việt Nam chỉ là điểm xuất hàng cuối cùng trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, không chỉ Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại lớn với Mỹ, mà nhiều nền kinh tế khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… cũng duy trì trạng thái này liên tục. Một nguyên nhân khách quan là do đồng đôla, vốn đã mạnh trong năm 2019 nhờ lãi suất của Cơ quan Dự trữ liên bang Mỹ tăng từ gần 0% trước 2016 lên hơn 2% cuối năm 2019, càng mạnh hơn khi trở thành một điểm trú ẩn an toàn giữa những bất an của đại dịch COVID-19. 

Hệ quả tất yếu là thâm hụt thương mại của Mỹ với tất cả các nước tăng từ 490 tỉ đôla năm 2014 lên 617 tỉ đôla năm 2019.

Chính sách cắt giảm thuế mạnh và trạng thái toàn dụng lao động ở Mỹ năm 2017 cũng đã làm tăng cầu và góp phần vào thâm hụt thương mại đang tăng. “Như vậy, thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ chủ yếu do cầu vượt trội và đồng đôla mạnh. Có một khả năng hơi xa vời là Việt Nam có thể sẽ thao túng tiền tệ trong tương lai nhưng khác với Trung Quốc, Việt Nam muốn có mối quan hệ tốt với OECD và với Mỹ, do đó sẽ sẵn sàng đàm phán hoạt động giám sát và quản lý”, giáo sư Dapice nhận định.■

Phải nói động thái nêu tên Việt Nam là nước thao túng tiền tệ mới đây của Chính phủ Mỹ là rất khó hiểu, không chỉ bởi quan hệ đang rất nồng ấm giữa hai nước mà còn bởi những tính toán rất thực tế. Nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm giá trị 2,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ năm 2019, tức quyết định từ chính quyền Donald Trump hầu như sẽ chẳng có tác động gì tại Mỹ, không mang công ăn việc làm quay về, mà cũng chẳng giúp lĩnh vực chế tạo Mỹ hồi sinh. 

Hơn nữa, quyết định cũng chưa có tác động cụ thể gì trong ngắn hạn. Mọi đàm phán Việt - Mỹ về những hệ quả của nó và kết luận sau cùng sẽ chỉ được xác quyết dưới thời Tổng thống tân cử Joe Biden. 

Một tin khả quan cho Việt Nam là ứng viên cho ghế bộ trưởng tài chính của ông Biden, Janet Yellen, là người có quan điểm cởi mở với tự do thương mại và linh hoạt hơn nhiều so với chính quyền Trump trong việc đánh giá các quốc gia khác “sử dụng đòn bẩy chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ và tài khóa” để đạt được các mục tiêu kinh tế, như lời bà Yellen nói năm 2019.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận