Đông Nam Á: Một kế hoạch năng lượng mới

THU PHƯƠNG 13/05/2020 08:05 GMT+7

Dù giá dầu đã giảm mạnh vì COVID-19, nhiều nền kinh tế lớn ở khu vực Đông Nam Á vẫn cần một kế hoạch năng lượng mới, xanh hơn, và an toàn hơn, trong bối cảnh sự phụ thuộc vào dầu mỏ không chỉ bất lợi cho môi trường, mà còn nhiều rủi ro trong tương lai.

Trước tình hình thiếu hụt năng lượng để phát triển kinh tế, Indonesia và Philippines là hai quốc gia đầu tiên trong khu vực đang dự tính sửa đổi luật nhằm hồi sinh dự án năng lượng hạt nhân “ngủ đông” lâu nay.

Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng

Đến giờ Philippines chủ yếu sử dụng năng lượng khí đốt và than đá, chiếm đến hơn phân nửa nguồn năng lượng của nước này. Năm 2018, than đá đáp ứng 52% nhu cầu năng lượng quốc gia. Dù có giá thành rẻ, than đá là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí. Bản thân Philippines cũng có nguy cơ là một trong những nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu: nhiều bãi biển và bờ biển của hơn 7.600 hòn đảo nước này có thể bị nhấn chìm khi nước biển dâng do hệ quả băng tan từ các cực.

Nhà máy năng lượng hạt nhân ở Bataan, Philippines. Ảnh: Asean Records

Philippines trước giờ vẫn luôn ở trong tình trạng thiếu hụt năng lượng và là một trong những quốc gia có giá điện cao nhất ở châu Á. Nước này thường xuyên diễn ra tình trạng mất điện hoặc thiếu điện, đỉnh điểm là vào mùa hè hoặc khi các nhà máy điện bảo trì. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn khi nhu cầu tăng cao theo đà phát triển kinh tế. Fitch Solutions - nhà cung cấp dữ liệu thị trường tại Mỹ - nhận định: “Nhu cầu năng lượng ở Philippines sẽ tăng cao trong những năm tới do đà tăng trưởng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ, sự gia tăng dân số cùng các mục tiêu của chính phủ nhằm đạt được tỉ lệ điện khí hóa 100% vào năm 2022”. Cũng theo Fitch, nếu vận hành thành công các dự án hạt nhân, điện hạt nhân sẽ là “cơ hội tăng trưởng đáng kể” cho ngành năng lượng của quốc gia này.

Tại Indonesia, than đá cũng là nguồn nguyên liệu chủ yếu. Năm 2019, với tổng công suất lắp đặt 69 gigawatt, than đá chiếm 60%. Chính phủ đang nhắm mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 23% tổng nguồn cung năng lượng đến năm 2025 (hiện là 12%). Những người ủng hộ cho rằng điện hạt nhân có giá thành rẻ hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác. Phát biểu trong phiên điều trần tháng 1-2020, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif khẳng định hạt nhân là “lựa chọn cuối cùng” trong kế hoạch phát triển năng lượng của quốc gia này.

Tương lai của điện hạt nhân

Tháng 2-2020, dự luật về tạo việc làm bao gồm điều khoản khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng hạt nhân đã được trình lên Quốc hội Indonesia. Sau các phiên thảo luận, Tổng thống Joko Widodo dự kiến sẽ kết luận về dự luật này trong vài tháng tới. Dự luật nhằm sửa đổi luật năng lượng hạt nhân năm 1997 với mục tiêu “giúp doanh nghiệp công, và đặc biệt là tư nhân, có được giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực điện hạt nhân dễ dàng hơn”. Các điều khoản mới khác cũng nhấn mạnh chính phủ trung ương sẽ là cơ quan duy nhất cấp giấy phép kinh doanh trực tiếp cho các công ty khai thác khoáng sản phóng xạ, hoặc đầu tư và/hoặc vận hành nhà máy điện hạt nhân. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là một thay đổi quan trọng so với luật cũ, vốn buộc khu vực tư nhân phải hợp tác với Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc gia (Batan) nếu muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Trong khi đó, vào đầu tháng 3-2020 tại Manila, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi đã đề xuất lại việc đưa hạt nhân vào chương trình năng lượng quốc gia. Trước đó, Bộ trưởng Cusi đã thể hiện quyết tâm qua một dự thảo sắc lệnh hành pháp tháng 2-2020. Sự quan tâm của Chính phủ Philippines với năng lượng hạt nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Nga đang nồng ấm. Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Matxcơva vào tháng 10-2019, Nga từng đưa ra đề xuất cho các dự án điện hạt nhân tại Philippines.

Đây tất nhiên không phải lần đầu Indonesia và Philippines nghĩ đến năng lượng hạt nhân.

Indonesia đã ấp ủ tham vọng năng lượng hạt nhân qua việc thành lập Batan năm 1958. Cơ quan này hiện đang vận hành ba lò phản ứng hạt nhân có công suất khoảng 30 megawatt phục vụ mục đích nghiên cứu. Nhưng những dự án quy mô lớn luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của công chúng, chủ yếu là những lo ngại về vấn nạn tham nhũng và nguy cơ xảy ra động đất tại đảo quốc này. Phải tới năm 2019, chủ đề hạt nhân mới được nhắc lại. Một số nhà lập pháp kêu gọi ủng hộ phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho các hoạt động công nghiệp. Công ty điện lực quốc doanh Perusahaan Listrik Negara và doanh nghiệp khởi nghiệp về điện hạt nhân ThorCon International của Mỹ đã lên kế hoạch nghiên cứu sơ bộ về dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân 500 megawatt sử dụng thorium thay vì uranium.

Cũng trong năm 2019, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) đã tiến hành một nghiên cứu tiền khả thi cho các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ ở Philippines. Có đến hơn 12 địa điểm được xác định là có thể xây dựng các nhà máy hạt nhân mới. Nga còn đề xuất cải tạo Nhà máy điện hạt nhân Bataan với chi phí ước tính 3 - 4 tỉ đôla. Bataan là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Đông Nam Á, công suất 620 megawatt, trị giá 2,3 tỉ USD, xây dựng hoàn tất vào giữa những năm 1980. Tuy nhiên, nhà máy này chưa từng hoạt động do thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Ukraine năm 1986 và vụ lật đổ cựu tổng thống Ferdinand Marcos. Bà Daine Loh, nhà phân tích năng lượng tái tạo tại Fitch, cho biết với Nhà máy Bataan, Philippines có cơ hội tốt hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để phát triển công nghệ hạt nhân. “Các dự án điện hạt nhân rất khó thành hiện thực ở khu vực Đông Nam Á trong một thập kỷ tới vì chi phí rất cao - đặc biệt đối với các thị trường mới nổi, cân nhắc về an toàn, và thời gian chuẩn bị dài để xây dựng hoặc đưa các dự án vào hoạt động”, bà Loh phân tích.

Một phương án xây dựng các lò hạt nhân cỡ nhỏ cũng đang được Philippines cân nhắc do an toàn, linh hoạt và ít tốn kém hơn so với lò hạt nhân truyền thống. The Sustanability Times dẫn lời ông Nur Azha Putra Abdul Azim, chuyên gia năng lượng tại Đại học Quốc gia Singapore: “Năng lượng hạt nhân từ lò phản ứng cỡ nhỏ có thể cấp điện cho các khu vực không thể nối trực tiếp vào mạng lưới điện quốc gia. Nó cũng có thể cung cấp điện ổn định cho các ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng năng lượng nhiều, ví dụ nhà máy khử mặn”.

Dù được cho là nguồn cấp điện ổn định, công suất cao và giảm thải khí CO2, điện hạt nhân vẫn còn đi kèm nhiều lo ngại về tính an toàn. Sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản, năm 2011 còn in đậm trong ký ức công chúng. Các nhà hoạt động môi trường thì cho rằng dù rẻ hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, nhưng sự cố điện hạt nhân sẽ cần chi phí khổng lồ để khắc phục. Satrio Swandiko, nhà vận động khí hậu và năng lượng tại Greenpeace Indonesia, bình luận: “Dự luật đã diễn giải sai điều mà Indonesia cần để chuyển đổi sang năng lượng sạch và an toàn. Khi các quốc gia phát triển như Đức và Nhật Bản bắt đầu từ bỏ (năng lượng hạt nhân), Indonesia đang làm ngược lại”. Ông còn gọi kế hoạch xây lò phản ứng hạt nhân chạy bằng nhiên liệu thorium - chưa từng được vận hành thương mại trên cả thế giới - là “canh bạc với nguy cơ thua lỗ rất lớn”, dù những người ủng hộ nói thorium an toàn hơn uranium và ít có khả năng phát triển thành vũ khí hơn.

Chậm lại vì COVID-19

Hiện kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân của Indonesia và Philippines đang tạm dừng vì COVID-19. Tiến sĩ Philip Andrews-Speed, nghiên cứu cấp cao ở Viện Nghiên cứu năng lượng Singapore, phân tích: “Giá xăng dầu và giá than đang tuột dốc sẽ làm suy giảm ngân sách hỗ trợ năng lượng tái tạo ở hầu hết các nước, ít nhất là trong ngắn hạn, bởi các nước còn những mối lo khác. Các chính phủ sẽ ít có khả năng hỗ trợ tài chính trực tiếp và chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo có thể bị gián đoạn. Kết quả là việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo có thể bị trì hoãn trong vài năm tới ở nhiều nước”.

Nhiều nước trong khu vực đã tạm hoãn hoặc hủy bỏ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho năng lượng tái tạo, cụ thể là các dự án đập thủy điện dọc sông Mekong. Chính phủ Lào đã yêu cầu tạm ngưng thi công tất cả nhà máy thủy điện trên toàn quốc sau khi công nhân một công ty khai thác mỏ xét nghiệm dương tính với virus corona. Hai dự án tiềm năng của Campuchia cũng đã phải hoãn lại, cũng như các dự án mới ở Stung Treng và Sambor.

Sự ngưng trệ của nền kinh tế cũng khiến nhu cầu năng lượng giảm. Thái Lan, nước nhập khẩu điện lớn từ các quốc gia lân cận, sẽ tạm ngưng mua điện từ nước ngoài do tình trạng cung vượt quá cầu trong nước.

Tuy nhiên, nhu cầu về điện tại các quốc gia này được dự đoán sẽ bùng nổ lại một khi bệnh dịch đã được kiểm soát. ■

Ở Đông Nam Á, không chỉ Indonesia và Philippines có những tính toán về điện hạt nhân trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng vọt và phản đối về nhiệt điện chạy than ngày càng tăng. Năm 2016, Việt Nam từng chuẩn bị xây dựng nhà máy hạt nhân, nhưng sau đó Quốc hội đã tạm dừng dự án vào cuối năm. Năm 2017, Thái Lan ký thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc về sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình. Malaysia cũng từng đặt mục tiêu có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2021, trước khi ông Mahathir Mohamad nói không với hạt nhân khi trở thành thủ tướng vào năm 2018.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận