Dự án FLC Bình Châu - Lý Sơn: Người trong cuộc ngơ ngác!

TRẦN MAI 09/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - Dự án đến làng, ai cũng biết, chỉ có những người dân trong vùng dự án là ngơ ngác. Họ hoang mang trước cuộc di dời, thấp thỏm ngóng thông tin rời xa làng lũy. Cuộc sống bình yên bỗng chốc xáo trộn.

Cánh đồng tỏi này rồi đây sẽ trở thành sân golf như ý tưởng của nhà đầu tư? Ảnh: TRẦN MAI
Cánh đồng tỏi này rồi đây sẽ trở thành sân golf như ý tưởng của nhà đầu tư? Ảnh: TRẦN MAI

Dù tỉnh Quảng Ngãi ban hành hàng loạt công văn, văn bản hỏa tốc và yêu cầu “cả hệ thống chính trị” vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ, giao đất cho FLC thực hiện dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn, nhưng người dân vùng dự án chỉ được biết qua báo chí. Trong lúc đó, việc đo vẽ đã được triển khai khắp ba xã Bình Phú, Bình Hòa và Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Tiếc “cánh đồng vàng”

Cánh đồng trồng tỏi, hành ở Bình Hải, rộng khoảng 300ha, được xem là “cánh đồng vàng”. Những nông dân ở đây có thu nhập khá tốt: mùa được mùa mất thì 1ha đất mỗi năm họ cũng thu 2-3 tỉ đồng. Việc trồng tỏi, hành trong mùa chính và xen rau, củ mùa phụ đã biến vùng đất này trở thành cánh đồng bạc tỉ.

Ông Bùi Trạng, chủ tịch UBND xã Bình Hải, khoe: Khoảng 30 năm qua, người dân vùng biển này đã lao vào cuộc cải tổ vùng đất. Đất hoang được vỡ đến đâu, hành tỏi lại mọc lên đến đó. “Xã biết vùng đất này trù phú nên mỗi nhân khẩu chỉ được chia 2 sào (1.000m2) thôi, để gia đình nào cũng có tiền” - ông Trạng nói.

Sau những lời vui ấy, là khoảng trăn trở hiện rõ trên khuôn mặt ông Trạng. Dự án của FLC đã hiện hữu ở những văn bản mà chính quyền xã chưa tiếp cận được. Sự mơ hồ ấy khiến ông lo. Cánh đồng vàng đang ngơ ngác chờ đợi một lời nói chính thức đến dân. Đó có thể là ngày cánh đồng trù phú này nhường chỗ cho một sân golf của FLC. “Với thu nhập lớn như vậy, dĩ nhiên là người dân muốn giữ đất lại rồi. Hiện tại, xã vẫn chưa tổ chức họp dân vì chẳng có thông tin gì cả. Mấy hôm nay có nhiều người dân hỏi tôi, nhưng tôi cũng chỉ nói người dân chờ” - ông Trạng nói.

Nhiều tay nhiếp ảnh, những ngày này đã đến cánh đồng tranh thủ chụp thêm, bởi chẳng ai chắc vài tháng nữa thôi, cánh đồng này còn tồn tại không. Ông Huỳnh Xuân Nguyện (55 tuổi, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) vẫn cặm cụi trồng trọt vụ hành mới mà không hề biết toàn cánh đồng Mịnh, cánh đồng Mười ngay bên cạnh sẽ trở thành sân golf rộng 110ha mà FLC đã đưa vào quy hoạch, được tỉnh Quảng Ngãi “đặt chỉ tiêu” trước ngày 30-8 sẽ “làm sạch” mặt bằng giao cho FLC.

“Tôi chẳng nghe gì cả, chắc không có lấy đất đâu. Nếu có họ phải tổ chức họp dân rồi chứ - ông Nguyện nói - Hồi kia cực khổ không có cái xe đạp đi, cũng nhờ cánh đồng này mà có được, lẽ nào...”.

Người dân xã Bình Hải tự hào về cánh đồng trồng tỏi của mình chẳng thua kém gì Lý Sơn bởi chất đất và cách canh tác giống nhau. Đứng trên quả đồi nhìn xuống, một ruộng tỏi bao la kéo dài đến tận bờ biển. Ông Huỳnh Quốc Sĩ (40 tuổi, thôn Thanh Thủy) cặm cụi nối lại ống dẫn nước, chuẩn bị tưới hành. Ông Sĩ dù đã nghe thông tin mọi người truyền tai nhau, nhưng vẫn giữ nguyên niềm tin rằng cánh đồng cho thu nhập trăm triệu nơi đây sẽ không thể bị xóa sổ.

Đó là sinh kế của biết bao con người. Mất đi diện tích này, gia đình ông và biết bao hộ dân khác chưa biết đời mình sẽ rẽ đi đâu. Cuộc chuyển dời khỏi mảnh đất này chẳng có trong kịch bản của đời ông. “Người dân cứ canh tác thôi, đến khi nào có thông tin thì dân ý kiến với chính quyền. Mấy đứa cháu ở Sài Gòn điện về hỏi như mấy ông, tui cũng ngơ ngác chẳng biết trả lời sao” - ông Sĩ nói.

Cha của ông Sĩ là ông Huỳnh Trung Thu nay vừa tròn 60 tuổi, nhớ lại năm 20 tuổi, ông có vợ và bắt đầu vỡ đất hoang trồng hành, vật lộn với rễ tranh và cây dại. “Cánh đồng tỏi này hình thành đã gần 40 năm rồi, giờ già rồi bỏ đồng, bán ruộng thì lấy gì sống đây! Chủ trương phát triển của Nhà nước tôi hoan nghênh quá đi chứ, nhưng mà lấy cánh đồng này thì thật sự làm khó dân quá” - ông Thu ưu tư.

Phương án chi tiết di dời nhà, đất ở và số tiền bồi thường 2.740 tỉ đồng đã được Trung tâm phát triển quỹ đất Dung Quất tính toán cặn kẽ. Sẽ có hơn 1.243ha đất bị thu hồi nhưng trên cánh đồng Mịnh có diện tích trồng lúa rộng khoảng 2ha đang vào mùa gặt và người dân khoe lúa được mùa.

Một vài người dân quan tâm đến dự án thì loáng thoáng nghe dự án sắp đổ bộ về ba xã, nhưng vẫn nghĩ còn rất lâu mới tiến hành thu hồi. Ông Nguyễn Dũng (59 tuổi, xã Bình Hải) vác bó rơm tươi trên vai nghe vài người dân trao đổi chuyện sắp thu hồi đất, nói: “Đất nhà nước giao cho tui rồi, tui ưng thì tui bán cho dự án, không thì thôi. Già chừng này rồi, bán miếng đất lúa với đất hành tỏi xong thì lấy gì ăn!”.

Về đâu làng chài?

Người dân thôn An Cường vẫn chưa biết gì về dự án sẽ triển khai và họ sẽ về đâu. Ảnh: TRẦN MAI
Người dân thôn An Cường vẫn chưa biết gì về dự án sẽ triển khai và họ sẽ về đâu. Ảnh: TRẦN MAI

Theo phương án đền bù, giải phóng mặt bằng của tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ dự án sẽ có 1.146 hộ dân phải di dời nhà cửa; hơn 10.000 ngôi mộ phải di dời. Cư dân thôn An Cường (xã Bình Hải) lâu nay sống bằng nghề biển, buổi chiều ra trước nhà chừng 1 hải lý, đến sáng hôm sau trở về đã kiếm được bạc triệu, cũng không hề biết sẽ có 450 nhà và 239 ngôi mộ phải di dời.

Ông Nguyễn Xuân Hồng (41 tuổi, thôn An Cường) hỏi lại chúng tôi: “Họ giải tỏa dân đi thiệt á? Bọn tui ở đây làm biển dễ kiếm tiền, dời đi biết làm nghề gì mà sống. Dân chưa biết gì hết, mấy ông xuống hỏi bọn tui nghe thế thôi chứ, mọi thứ mênh mông như biển vầy thì chịu. Chừng nào chính quyền xuống đây nói bọn tui mới tin”.

Ông Hoàng Văn Tiến, trưởng thôn An Cường, cũng đôi lần lên xã hỏi “có hay không việc di dời”, xã chưa trả lời được và bảo ông về chờ. “Chúng tôi sống quen với đánh bắt gần bờ, bám ghềnh rồi, dời đi chỗ khác biết làm gì mà sống. Nhà nước thì khuyến khích người dân bám biển đánh bắt, giữ chủ quyền. Dân làng này sống mấy trăm năm ở đây. Trong kháng chiến một tấc không đi một ly không dời” - ông Tiến nói.

Còn lão ngư Lê Văn Dũng (62 tuổi, thôn An Cường) trấn an: “Thôi chờ đi bây, tau tin huyện, tỉnh không di dời đâu. Ở đây ngày xưa lính Mỹ đổ bộ vào, đánh trận Vạn Tường. Dân mình sống chốt chặn chỗ này có ý nghĩa quan trọng lắm. Chắc không dời đâu”.■

Ông Lê Văn Tâm, nguyên bí thư Đảng ủy xã Bình Hải, cho biết: “Bao đời nay người dân xã Bình Hải gắn liền với biển, cuộc sống cũng từ biển. Bà con còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nếu di dời dân đến nơi ở mới thì phải đảm bảo chỗ ở ổn định, hỗ trợ nghề nghiệp. Người dân muốn làm nghề biển phải tạo điều kiện hết mức. Đó không chỉ là cuộc sống mà còn là nhiệm vụ với Tổ quốc. Làm gì làm phải giữ lối ra biển, phải giữ biển cho người dân đánh bắt”.

Dự án phải tuân thủ đúng quy định

Tại cuộc tiếp xúc cử tri vùng dự án mới đây, ông Lê Viết Chữ - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi - nói: “Đến giờ phút này, tỉnh chưa có quyết định gì về đầu tư hay không đầu tư. Tỉnh cho chủ trương để nhà đầu tư tiến hành đo đạc, khảo sát, đánh giá tác động môi trường và hàng loạt vấn đề pháp lý. Trên cơ sở đó, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định đầu tư hay không đầu tư”.

“Làm gì thì làm phải tuân thủ quy định pháp luật. Thứ hai, một dự án ra đời phải giải quyết hài hòa ba yếu tố, lợi ích của người dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhà đầu tư. Thứ ba, khi tiến hành dự án phải thu thập ý kiến của người dân, nhất là người dân trong vùng dự án” - ông Chữ nói. Theo ông, đến bây giờ người dân chưa nghe gì về dự án là đúng vì đang trong thời gian chuẩn bị. “Khi đã lên dự án rồi tôi đề nghị các cơ quan phải về các xã vùng dự án công bố cho người dân của mình” - ông Chữ lý giải.

Theo quy định hiện hành, đầu tư dự án tại một vị trí thì phải hội đủ các điều kiện: vị trí đầu tư dự án phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp quận, huyện của địa phương. Việc chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án phải có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp quận, huyện.

Đối với dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa hoặc đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác thì phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất từ 10ha đất lúa, từ 20ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trở lên thì UBND cấp tỉnh phải có văn bản xin ý kiến và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất lúa, dưới 20ha đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải được nghị quyết của HĐND cấp tỉnh cho phép.

Những dự án có thu hồi đất đều phải được HĐND cấp tỉnh thông qua tại các nghị quyết của HĐND thì mới được triển khai, không kể dự án sử dụng vốn trong hay ngoài ngân sách.

D.N.HÀ

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận