Hướng tới một nền kinh tế khác

CHIÊU VĂN 03/04/2020 22:04 GMT+7

TTCT - Ở thời điểm này, nói chuyện với một kinh tế gia thậm chí có thể còn đáng sợ hơn với một nhà dịch tễ học.

Ảnh: Scientific American
Ảnh: Scientific American

“Đây là một cơn sóng thần về mặt kinh tế” - Mark Zandi, kinh tế gia trưởng ở Moody’s Analytics, nói với Vox ngày 23-3. Cách ly về mặt xã hội do Covid-19 cũng là cách ly về mặt kinh tế. Gần như cả thế giới đang khuyến cáo dân chúng không đi trung tâm thương mại, không ăn nhà hàng, không đi học, và cả không đi làm nữa. Để làm chậm lại một đại dịch, chúng ta đang gây ra một cuộc suy thoái.

Cụ thể hơn, đó là một “khoảng cách về sản lượng” - tức sự khác biệt giữa năng lực của nền kinh tế và những gì nó thực sự sản xuất ra. Giải pháp là phải lấp đầy khoảng cách đó: bơm thêm tiền, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đưa tiền mặt cho các hộ gia đình, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương nhân viên…

Cuộc khủng hoảng hiện tại còn có thể tệ hơn năm 2008, theo nhiều kinh tế gia, do lần này nền kinh tế thực sẽ hứng chịu tác động, chứ không chỉ các thị trường tài sản tài chính. Hàng triệu người lao động giờ buộc phải ở nhà, các nhà máy đóng cửa, đất đai không được sử dụng…

“Chúng ta đang rơi vào một đợt suy giảm hoạt động kinh tế nhanh tới chóng mặt - Zandi phân tích - Chưa hề có điều gì như thế này xảy ra trong thời hiện đại”. Ông dự báo sẽ có ít nhất bốn làn sóng “đau thương” về kinh tế sắp tới.

Làn sóng thứ nhất là sự “dừng đột ngột” các hoạt động kinh tế ở quy mô nhiều nước. Một tháng trước, dân tình đi làm, ăn nhà hàng, cho con đi nhà trẻ, mua vé máy bay, vay tiền mua xe, tìm mua nhà mới, tuyển dụng lao động, tổ chức hội thảo, đi du lịch… Hiện giờ, tất cả dừng lại.

Tuần trước, Goldman Sachs dự báo GDP ở Mỹ sẽ giảm 24% trong quý 2-2020 so với cùng kỳ năm ngoái. “Sự suy giảm ở quy mô này sẽ lớn gấp hai lần rưỡi so với lần suy giảm theo quý lớn nhất trước đó trong lịch sử từng được ghi nhận của thống kê GDP hiện đại” - báo cáo của Goldman Sachs viết.

Làn sóng thứ hai sẽ là người lao động mất việc, và “sẽ tới rất nhanh”, theo lời Zandi. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo tỉ lệ thất nghiệp có thể là 20%, trong khi James Bullard, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang ở St. Louis, tiên đoán là 30%, và GDP suy giảm 50%.

Làn sóng thứ ba sẽ là việc dân chúng phải chi tiêu phần tiền tiết kiệm của mình. Thị trường chứng khoán đang tan hoang là một tai họa với những ai sắp nghỉ hưu. Tài sản mà nhiều người gom góp cả đời đang biến mất chỉ trong vài tuần lễ.

Làn sóng cuối cùng là sự cắt giảm đầu tư của các doanh nghiệp. Tất cả những điều đó, theo lời Zandi, “chắc chắn sẽ xảy ra”, và thực ra đã xảy ra rồi. Tất cả hi vọng giờ đặt vào việc chúng ta chặn được con virus này càng sớm càng tốt.

Kịch bản ác mộng sẽ là tới mùa hè mà dịch bệnh vẫn không thuyên giảm, và việc cách ly xã hội phải kéo dài cả năm, điều một số chuyên gia y tế không loại trừ. “Tôi nghĩ chúng ta cần một thuật ngữ mới cho tình trạng thất nghiệp sắp sửa xảy ra - Christina Romer, kinh tế gia ở Berkeley từng đứng đầu Hội đồng tư vấn kinh tế cho Tổng thống Obama, nói - Đây không chỉ là thất nghiệp theo chu kỳ.

Đây là thất nghiệp do cách ly. Các doanh nghiệp không được phép hoạt động. Dân chúng không được ra khỏi nhà. Ý tưởng chỉ đơn giản trao tiền vào tay mọi người để ngăn tỉ lệ thất nghiệp tăng lên không còn phù hợp.

Dù gói kích cầu có lớn bao nhiêu, bạn giờ cũng không thể đi ăn nhà hàng, vì chúng đã đóng cửa”. Giải pháp, theo Romer, đó là chúng ta “phải duy trì nền kinh tế ở vị trí mà khi con virus đã bị xua đi, chúng ta có thể phục hồi nhanh chóng. Chúng ta phải tránh việc mất mát vĩnh viễn nguồn vốn và tri thức kinh doanh”.

Điều đó có nghĩa là những gói kích thích, bao gồm cả trao tiền mặt cho người dân, là không đủ. “Những gì chúng ta đối mặt chỉ giống một phần với một cuộc suy thoái thông thường, vốn xử lý được bằng chính sách tài khóa và tiền tệ - kinh tế gia được giải Nobel Paul Krugman viết trên The New York Times - Phần còn lại giống một thảm họa tự nhiên, khi vai trò của chính quyền phải là giúp các gia đình vượt qua tổn thất kinh tế chứ không chỉ giúp họ đi làm trở lại”.

Các chính sách đó phải bao gồm mọi thứ từ hỗ trợ tiền mặt tới nghỉ phép hưởng một phần lương, từ mở rộng bảo hiểm thất nghiệp tới một chính sách bảo hiểm y tế toàn dân tốt hơn.

Sự sinh tồn của các doanh nghiệp cũng là tối quan trọng để kinh tế sẵn sàng hồi phục hậu virus. Cũng trên The New York Times, Andrew Ross Sorkin đề xuất Chính phủ Mỹ “đảm bảo cho tất cả doanh nghiệp trong nước, dù lớn hay nhỏ, một khoản “vay bắc cầu” không lãi suất trong thời gian dịch bệnh, sẽ được trả lại sau dịch trong một giai đoạn năm năm. Điều kiện duy nhất với khoản vay là các doanh nghiệp tiếp tục sử dụng ít nhất 90% lực lượng lao động hiện hữu”.

“Chúng ta cũng sẽ cần một nền kinh tế khác sau cuộc khủng hoảng này - Vox viết - … Ở một đất nước giàu trí tưởng tượng hơn, tham vọng hơn và có một hệ thống chính trị hiệu năng hơn, cuộc khủng hoảng này có thể trở thành cơ hội: đây có thể là lúc thông qua một chính sách kinh tế xanh đích thực, tận dụng nguồn vốn rẻ và lao động nhàn rỗi để giải quyết vấn đề tử huyệt của nền kinh tế trong một tương lai rất xa: phát triển bền vững. Nếu nền kinh tế thực sự sụp đổ, chúng ta phải xây dựng từ đống đổ nát đó một thứ gì tốt đẹp hơn, bền vững hơn, và công bằng hơn”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận