"Lao động Việt thường ít nghĩ đường dài"

TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN 14/03/2012 19:03 GMT+7

TTCT - Hiện hơn 1.700 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại TP.HCM đang cần lao động tay nghề cao nhưng không thể kết nối được với những lao động từng trở về từ Hàn Quốc vì nhiều lý do.

Ông Kim Chong Hyo, phó chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) - đơn vị chủ trì chương trình tiếp nhận người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, vừa có chuyến thăm Việt Nam trong tháng 2-2012 nhằm nắm thông tin về việc kiểm tra tay nghề cho các lao động Việt sắp sang Hàn Quốc cũng như tìm hiểu hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam.

Sau chuyến công tác trải dài từ Hà Nội, Vinh tới TP.HCM, ông đã dành cho TTCT một buổi trò chuyện.

Ông Kim Chong Hyo (bìa phải) trong lần tham quan Trường cao đẳng Nghề TP.HCM - Ảnh: Đức Phạm

Cố cày kiếm tiền hơn học tập kỹ thuật

* Sau chuyến tham quan, tìm hiểu từ ngày 16 tới 22-2, ông cảm nhận gì về hệ thống đào tạo lao động Việt Nam hiện nay?

- Phải nói tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy hệ thống đào tạo nghề cho lao động ở Việt Nam có cơ sở vật chất rất tốt, bài bản, thậm chí có nơi còn tốt hơn ở Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, tôi nghe nói người Việt không thích làm thợ bởi họ chỉ thích làm gì sạch sẽ, lương cao. Tôi khá băn khoăn về việc Trường cao đẳng Nghề TP.HCM năm vừa rồi không có ai thi tiếng Hàn để đi Hàn Quốc dù chúng tôi rất cần nguồn lao động này, những người đã qua đào tạo. 

* So với người lao động từ các quốc gia khác, ông nhận thấy lao động Việt như thế nào?

- Về ưu điểm, có thể nói lao động Việt đang được chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc ưu ái nhất bởi họ có khả năng thích ứng nhanh, khéo léo, chăm chỉ và văn hóa ứng xử tương đồng với văn hóa Hàn. 

Thậm chí có người từng nói với tôi rằng với những ngành nghề cần sự tinh xảo, chính xác thì chỉ có người Việt mới làm được. Nói tóm lại, lao động Việt có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường lao động Hàn Quốc.

Nhược điểm lớn nhất của lao động Việt thường là họ ít nghĩ đường dài, nhiều người sang Hàn Quốc chỉ cố cày kiếm tiền, khi có chỗ nào trả lương cao hơn một chút, họ sẵn sàng bỏ trốn hoặc xin chuyển công ty ngay. Họ không hiểu rằng điều đáng quý nhất là cơ hội tích lũy kiến thức làm nền tảng cho bản thân trong tương lai. Tương lai của nền công nghiệp Việt Nam sẽ phụ thuộc chính vào những lao động có kỹ năng này.

Rất nhiều chủ doanh nghiệp đã than phiền với chúng tôi rằng hôm nay lao động Việt của họ đang làm thì hôm sau đột nhiên biến đâu mất! Họ ít nhiều bị mất lòng tin vào lao động Việt.

Còn nhớ thập niên 1960-1970, người Hàn Quốc chúng tôi đã phải ra nước ngoài học nghề trong môi trường vô cùng cực khổ và khắc nghiệt. Đi học nghề ở Đức nhưng chúng tôi bị giới hạn ở hai nghề thợ mỏ và y tá, song vẫn phải cố học.

Tôi muốn nói khi đi lao động ở nước ngoài, bạn đừng chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền mà hãy nghĩ xa hơn, cần tranh thủ tiếp thu, học tập kỹ thuật để làm nền tảng cho việc xây dựng nền công nghiệp kỹ thuật trong tương lai. Rất nhiều chủ doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay từng xuất thân từ tầng lớp lao động kỹ thuật như thế.

* Nói về vấn đề lao động Việt trốn ra làm ngoài và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện Việt Nam đứng thứ ba về số lượng người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc (14.754 người). Những cá nhân cư trú bất hợp pháp, theo ông, sẽ gây ra bất lợi hay trở ngại gì đáng kể?

- Mỗi năm, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc đều tiến hành xử phạt các đối tượng cư trú bất hợp pháp và trục xuất họ về nước, nhưng kết quả là hạn chế. Mặc dù chúng tôi đã xây dựng nhiều chương trình khuyến khích lao động về nước và tái nhập cảnh bình thường nhưng chưa hiệu quả. Thu nhập một tháng ở Hàn Quốc gấp nhiều lần ở Việt Nam là lý do lao động tìm mọi cách để ở lại.

Tình trạng cư trú bất hợp pháp đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp nhận lao động Việt cũng như phân bổ quota. Chỉ tiêu nhận lao động các nước hằng năm là có hạn và số lao động trốn nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lao động Việt, làm giảm chỉ tiêu nhập lao động từ Việt Nam. Trong chừng mực nào đó, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều gánh thiệt hại trong chuyện này.

Theo tôi, việc giáo dục ý thức lao động từ lúc họ còn trong nước là điều quan trọng nhất.

* Vậy chính sách xét tuyển lao động Việt trong những năm tới sẽ có gì thay đổi, thưa ông?

- Quốc gia chúng tôi cần nguồn lao động nhập cư lớn từ nước ngoài để phục vụ nhu cầu kinh tế trong nước, hiện tại chúng tôi tiếp nhận lao động của hơn 15 nước trên thế giới vào làm việc tại các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Về tổng thể, chúng tôi không xây dựng chính sách tiếp nhận lao động riêng cho từng nước mà là chính sách chung cho tất cả và không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.

Về chỉ tiêu xét tuyển, tôi chưa thể khẳng định được cụ thể, nhưng hiện tại chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các chỉ tiêu hiện nay. Hiện chỉ tiêu cũng như số lượng lao động Việt đang làm việc tại Hàn Quốc xếp thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

* Thủ tục đi lao động ở Hàn Quốc những năm gần đây quá khó khăn (phải vượt qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn, kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt...) nên tình trạng “cò” lao động ngày một phổ biến. HRD có những giải pháp gì cụ thể?

- Tất cả những gì HRD làm cũng là để giảm thiểu tối đa các tiêu cực, giảm bớt gánh nặng về nhiều mặt cho lao động nước ngoài trước khi họ nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Tôi nghĩ quy trình hiện nay đơn giản hơn, rõ ràng hơn rất nhiều so với trước kia bởi chi phí giảm, thủ tục công khai minh bạch, hệ thống luật pháp của Hàn Quốc đã nâng tầm vai trò lao động nước ngoài ngang bằng với người Hàn bản địa, tất cả thông tin tuyển dụng đều rõ ràng nên chúng tôi thật sự khó hiểu khi nhiều lao động vẫn cứ nghe theo “cò”. Những kỳ thi vừa rồi tôi tin phía Việt Nam đã làm rất nghiêm túc và góp phần chứng minh cho mọi người thấy là tiêu cực không thể chen chân vào đây được.

Tôi cũng xin khẳng định với cơ chế ra đề thi, coi thi, chấm điểm và tuyển chọn hiện nay thì không ai có thể chạy chọt hay can thiệp được vào hệ thống tuyển chọn lao động của chúng tôi. Lao động Việt Nam hãy chịu khó tìm hiểu và làm việc trực tiếp với trung tâm lao động ngoài nước, các sở lao động địa phương để được hướng dẫn cụ thể, tránh mất tiền phi lý.

“Hơn 1.700 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại TP.HCM đang cần lao động tay nghề cao nhưng không thể kết nối được với những lao động từng trở về từ Hàn Quốc”

Ông KIM CHONG HYO 

Cần giúp người lao động phát huy tay nghề ngay khi về nước

* Trong một thống kê vào cuối năm 2011, lao động Việt đã lập kỷ lục với số lượng dự thi tiếng Hàn đông nhất. Cụ thể, có tới 62.852 người tham gia thi chỉ để chọn ra 10.000-15.000 người được vào Hàn Quốc làm việc. Chỉ cần một phép tính thì dễ thấy HRD đã kiếm được cả triệu đô từ nguồn phí thu (18 USD/mỗi lao động dự thi). Khoản chi phí trên sẽ được dùng cho mục đích gì? Và lao động Việt được hưởng những gì từ đó?

- Việc thi tiếng Hàn bắt nguồn từ thực tế là khi lao động nước ngoài sang Hàn Quốc không thể nói tiếng Hàn sẽ khiến thời gian hòa nhập, học việc trở nên rất khó khăn. Đây cũng là yêu cầu xuất phát từ các chủ tuyển dụng. Việc thi chứng chỉ tiếng Hàn là bắt buộc cho tất cả lao động các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Số lượng người dự thi đông có khả năng do nhiều bạn cứ nghĩ đơn giản thi là đậu nên cứ đăng ký thi, thậm chí không ít người tin vào việc “bao đậu” của “cò” nên không biết tiếng Hàn mà vẫn đi thi.

Việc thi tiếng Hàn là tự nguyện và với chi phí thu được, chúng tôi cam đoan không sử dụng bất cứ khoản nào trong số này để phục vụ cho mục đích riêng ngoài việc phục vụ lại cho lao động nước đó. Chi phí in đề thi, phái cử cán bộ trực tiếp sang coi thi, chấm thi, in đề thi mang từ Hàn Quốc sang... là đáng kể. Ngoài ra, chi phí vận hành các hệ thống hỗ trợ lao động nước ngoài tại Hàn Quốc - trong đó có Việt Nam - nhiều và khá tốn kém.

Lao động nước ngoài không phải đóng khoản nào cả ngoài các chi phí được luật lao động Hàn Quốc quy định. Về tổng thể, chúng tôi đã cân đối cẩn thận và tin chắc chi phí đi lao động ở Hàn Quốc hiện nay đã ở mức thấp nhất có thể.

* Ông dự đoán ngành nghề nào ở Hàn Quốc sẽ cần lao động nước ngoài trong những năm tới?

- Ở Hàn Quốc, xét tổng thể thì các ngành đều thiếu lao động, nhưng tôi đặc biệt lưu ý đến những ngành nghề chế tạo sản xuất và lao động chất lượng cao. Các doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc cần nhiều thợ hàn giỏi, nhưng số lượng thợ hàn có trình độ cao ở Việt Nam thường rất hiếm.

Hoặc kỹ sư về công nghệ thông tin, hiện tại chúng tôi đang tuyển dụng lao động Việt trong mảng này nhưng kết quả không mấy khả quan dù chế độ đãi ngộ, lương thưởng và phúc lợi xã hội của lao động nước ngoài tại Hàn Quốc được cải thiện rõ rệt và theo quy định pháp luật.

* Những gửi gắm của ông về lao động Việt Nam sau chuyến đi thực tế này?

- Tôi nghĩ các bạn cần nhanh chóng xây dựng nền tảng để tạo điều kiện cho lao động Việt có thể phát huy được tay nghề ngay khi về nước. Theo tôi biết, hiện hơn 1.700 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại TP.HCM đang cần lao động tay nghề cao nhưng không thể kết nối được với những lao động từng trở về từ Hàn Quốc vì nhiều lý do.

Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện hệ thống chứng chỉ tay nghề quốc gia để chất lượng chứng chỉ này có giá trị ngang bằng với các nước khác, khi đó lao động Việt Nam sẽ gặp thuận lợi hơn khi ra nước ngoài làm việc. Theo tôi, Việt Nam có nhiều điều kiện hơn các nước khác để chiếm lĩnh thị trường lao động Hàn Quốc. Tôi cũng cảm nhận đây là một đất nước sẽ có những đột phá về kinh tế trong thời gian sắp tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận