Năm 2014 thật kinh khủng! 

HỮU NGHỊ 06/10/2014 23:10 GMT+7

TTCT - Hiếm khi nào một khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lại diễn ra trong một bầu không khí nặng nề như năm nay.

Bức tường mô tả những triệu chứng của virút Ebola tại Monrovia, Liberia ngày 26-9 - Ảnh: Reuters
Bức tường mô tả những triệu chứng của virút Ebola tại Monrovia, Liberia ngày 26-9 - Ảnh: Reuters

Bài diễn văn ngày 24-9 của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã “mở hàng” cho cuộc tranh cãi Mỹ - Nga, phản ánh thời sự nóng hổi năm nay. Rồi đến vấn đề chủ nghĩa cực đoan cùng các tai ương chưa từng thấy.

Quả thật là thê lương khi nghe người đứng đầu tổ chức quy tụ các quốc gia, dân tộc nguyện chung sống hòa bình và hợp tác lại than vãn ngay từ lời nói đầu tiên: 

“Thưa quý vị. Mỗi năm vào thời điểm này, hi vọng lấp đầy căn phòng chúng ta đang tề tựu ở đây: niềm hi vọng từ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, niềm hi vọng của các nhà lãnh đạo cất tiếng nói từ diễn đàn này, niềm hi vọng của các dân tộc trên thế giới khi nghe các lãnh đạo ấy hứa hẹn. Năm nay, hi vọng lại chẳng ló dạng mấy nơi chân trời”. 

Thật khó cho từng quốc gia đơn lẻ có thể tự tách mình ra khỏi những thách đố toàn cầu
Barack Obama

Ngoại giao lui về thế thủ!

Năm nay, tới cuối tháng 9 rồi mà vẫn chưa thấy thấp thoáng hi vọng là làm sao? Ông Ban Ki Moon trả lời bằng những tả oán khôn xiết về những tai ương từ con người:

“Đã diễn ra những hành động không tài nào mô tả nổi, nhiều người vô tội đã chết. Cái bóng chiến tranh lạnh đã quay trở lại ám ảnh chúng ta. Mùa xuân Ả Rập đã bị cuốn đi phần lớn bởi một luồng gió bạo lực. Chưa bao giờ, từ Thế chiến thứ nhì, lại có ngần ấy người phải tản cư và xin tị nạn. Chưa bao giờ Liên Hiệp Quốc lại phải góp sức giúp đỡ bấy nhiêu người cần lương thực khẩn cấp cùng các nhu yếu phẩm khác”. 

Thê thảm hơn nữa, ông thừa nhận rằng: “Ngoại giao phải lùi về thế phòng ngự, bị làm tình làm tội bởi những kẻ tin nơi bạo lực. Tính đa dạng bị tấn công bởi những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan tuyên cáo rằng đường ngay duy nhất chính là con đường của họ. Cuộc giải trừ binh bị bị phá hoại bởi những kẻ hưởng lợi từ những cuộc xung đột không có điểm ngừng này, nay dường như chỉ còn là một giấc mơ xa vời”.

Và chính kết luận của ông: “Từ góc độ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, năm nay quả là kinh khủng!”. 

Từ khóa chính của bài diễn văn của ông là “bạo lực”, mà theo ông, ai đó đang chủ trương và hưởng lợi khiến không còn chỗ cho mọi vận động ngoại giao! “Ai là ai” đang thủ lợi từ bạo lực như thế? Ông Ban Ki Moon không nói ra, tùy mỗi bên tự diễn giải.

Và tranh cãi sẽ từ những xung đột trong thực tế mà bùng nổ ngay sáng 24-9 tại đại sảnh Liên Hiệp Quốc vừa tái khánh thành sau một đợt tu sửa. 

Một đại diện của “thế giới thứ ba” cũ

Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đăng đàn kế tiếp không nêu danh “ai”, song cũng đủ ám chỉ để hiểu là “ai”: Việc sử dụng võ lực không thể loại bỏ được các nguyên nhân nằm sâu ở dưới các cuộc xung đột.

Điều này đã được tỏ rõ qua vấn nạn Palestine dai dẳng, vụ tàn sát một cách hệ thống người dân Syria, vụ phá vỡ thảm thiết cấu trúc quốc gia Iraq, sự mất an ninh nghiêm trọng ở Libya, các xung đột ở Sahel (*) và các đụng độ ở Ukraine”. Chỉ cần nhớ lại “ai” can thiệp “ở đâu” là hiểu ngay “ai là ai”. 

Càng rõ ràng hơn nữa khi bà trở qua lĩnh vực kinh tế: “Brazil đã nhảy từ vị trí thứ 13 lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Tháng 7 vừa qua, Brazil đã hân hạnh tổ chức thượng đỉnh các nước BRICS lần thứ sáu. Chúng tôi đã tiếp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi trong một cuộc gặp gỡ thắm tình anh em và đầy kết quả.

Chúng tôi đã ký kết các thỏa thuận về việc thiết lập Ngân hàng Phát triển mới và một thỏa thuận về quỹ dự phòng. Ngân hàng mới này sẽ giúp đáp ứng các nhu cầu tài chính của các nước trong nhóm BRICS và của các nước đang phát triển khác. Quỹ dự phòng này sẽ bảo vệ các nước khỏi sự bốc hơi mất giá tiền tệ. Mỗi công cụ đó sẽ được bơm 100 tỉ USD vốn”.

Ngân hàng Phát triển cùng quỹ dự phòng mới tinh đó sẽ nhằm thay thế Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mà theo bà Dilma, “đang trong nguy cơ đánh mất tính chính đáng và hiệu quả của mình” do không đại diện đầy đủ các nước đang phát triển trong các tiến trình quyết định của hai định chế này.

Chuyện Brazil “hàm ý” với Mỹ năm ngoái đã từng được nghe cũng ở đây. Năm nay có nghe tiếp chẳng qua là tiếp nối của một quá trình “vùng dậy” tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ: dấu ấn của thế kỷ 21 sau một thế kỷ 20 mà nước Mỹ đã, từ vai trò cứu tinh trong hai cuộc thế chiến, nổi lên “lãnh đạo thế giới” - cách dùng từ quen thuộc của chính trường Mỹ.

Cùng tố cáo đích danh 

Y hệt năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên diễn đàn sau tổng thống Brazil, và ông vẫn tỏ ra “mũ ni che tai” không chấp nhứt, mà nói thẳng ngay đến chuyện khác đang là bức bách nhất đối với ông: “Thật khó cho từng quốc gia đơn lẻ có thể tự tách mình ra khỏi những thách đố toàn cầu, từ dịch Ebola bùng nổ ở Tây Phi đến việc Liên bang Nga tấn kích ở châu Âu”.

Không che đậy bằng bất cứ ngôn từ ngoại giao nào, ông Obama thẳng thừng tố cáo: “Mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, đều phải đáp ứng trách nhiệm tuân thủ và thực thi các chuẩn mực quốc tế. Hành động của Nga ở Ukraine đã thách thức trật tự thế giới hậu chiến.

Quốc gia đó đã ngỡ rằng “có thể làm lại cho đúng” trong một thế giới mà biên giới nước này có thể bị một nước khác vẽ lại, mà người dân văn minh lại không được phép tìm lại thi hài thân nhân mình do làm như thế sự thật có thể bị phơi bày”.

Đến đây, ông Obama kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng nước Mỹ ngược lại cho rằng “lẽ phải mới làm nên sức mạnh”.

Ba ngày sau, hôm 27-9 Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey V. Lavrov đáp trả bằng cách nói rằng Liên minh phương Tây mà Mỹ dẫn đầu đang tự miêu tả như là nhà vô địch dân chủ, pháp quyền, nhân quyền trong đối xử với từng quốc gia riêng rẽ, song trong thực tế trên vũ đài quốc tế lại vứt bỏ các nguyên tắc dân chủ về sự bình đẳng trong chủ quyền của các quốc gia.

Liên minh cứ quyết định thay mọi người điều gì là tốt và điều gì là ác. Chính phủ Mỹ đã công khai tuyên bố quyền đơn phương sử dụng vũ lực ở bất cứ nơi nào để duy trì lợi ích riêng của mình. 

Nước Mỹ thì như thế, còn Nga thì khác. Ông Lavrov nói tiếp: “Chính nhờ các nỗ lực ngoại giao (của Nga) mà cuộc xâm lược Syria đã bị chặn lại trong năm 2013. Mỹ và Liên minh châu Âu ủng hộ cuộc đảo chính ở Ukraine, và tuyệt đối biện minh bất kỳ hành vi nào của chính quyền Kiev tự tuyên bố.

Nhà chức trách Kiev đã chọn cách đàn áp bằng vũ lực người dân Ukraine và những người muốn bảo vệ quyền lợi của họ với ngôn ngữ mẹ đẻ và văn hóa của họ. Chính việc tấn công mạnh mẽ vào các quyền đó đã thúc đẩy người dân Crimea tự nắm lấy định mệnh trong tay mình và lựa chọn tự quyết.

Thật ra, Liên bang Nga chân thành quan tâm đến việc khôi phục hòa bình ở “nước láng giềng”. Bằng chứng là các thỏa thuận ngừng bắn được ký bởi hai tổng thống Petro Poroshenko và Vladimir Putin đã mở ra cơ hội để giải quyết tình hình... ”.

Sự thật về phe nào hay là mỗi phe đang nắm “nửa sự thật”, mà “nửa sự thật” là gì? Tháp Babel mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy hiểu, trong khi máu cứ đổ! 

Thân phận con người!

Trong mớ bòng bong đụng độ địa chính trị “ủy quyền” (cho dân địa phương đổ máu thay) đó, các thảm họa xung đột sắc tộc, nạn đói, đại dịch Ebola ở châu Phi có được quan tâm cũng chỉ là muối bỏ bể.

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita phải lên tiếng tả khổ giùm cho dân vùng Sahel mà nữ tổng thống Brazil ba hôm trước đã nhắc đến trong vỏn vẹn vài chữ (các xung đột ở Sahel): “Các thách thức này đòi hỏi những hành động liên kết và dứt khoát từ cộng đồng quốc tế. Chúng ta tụ hội ở đây... Hàng triệu người đã đặt hi vọng nơi Liên Hiệp Quốc... Chúng ta không có quyền làm họ thất vọng”. 

Tường trình ngày 29-9 của bộ trưởng ngoại giao Liberia, một trong những nước bị xem là “ổ dịch Ebola”, ông Augustine Kpehe Ngafuan, cho thấy cội nguồn của vấn đề ở đó không phải là virút Ebola mà là từ chính nhận thức và ý thức của người dân:

“Chính phủ Liberia đã huy động mọi người trong cuộc từ các mục sư, giáo sĩ Hồi giáo, bô lão, thanh niên, viên chức chính phủ, chính khách đối lập ráo riết tấn công vào những tập quán văn hóa truyền thống đã bám rễ tạo thành địa bàn lý tưởng cho sự lan rộng dịch tễ này”. 

Nếu có những nơi là địa bàn “lý tưởng” cho bùng nổ dịch tễ thì cũng có những nơi là địa bàn “lý tưởng” cho bùng nổ hận thù. Năm 2014 mà còn như thế quả là “kinh khủng”, như theo lời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc!

(*): Một khu vực vắt ngang châu Phi từ Gambia, Senegal, nam bộ Mauritania, trung bộ Mali, Burkina Faso, nam bộ Algeria và Niger, bắc bộ Nigeria và Cameroon, trung bộ Chad, đến Sudan và bắc bộ Eritrea, rộng 3 triệu km2 đang bị đủ thứ rối loạn chính trị và nạn đói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận