Quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp

TRẦN MẠNH 04/12/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Một danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2022 đang được Bộ NN&PTNT hỏi ý kiến các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để ban hành vào cuối tháng 11 này. Nếu danh mục này được thông qua, hệ quả của nó với ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không lường hết nổi.

Viêc sử dụng thuốc hóa học thiếu kiểm soát dẫn đến nhiều nông sản Việt Nam còn tồn dư hóa chất. Ảnh: Quang Định

 

Thị trường siêu lợi nhuận

Danh mục này có gần 1.700 hoạt chất thuộc nhiều nhóm đối tượng sử dụng khác nhau với trên 4.000 tên thương phẩm. 

Trong đó, thuốc trừ sâu có 662 hoạt chất với 1.568 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh gồm 623 hoạt chất với 1.380 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ có 250 hoạt chất với 706 tên thương phẩm. Còn lại là các loại thuốc trừ chuột, điều hòa sinh trưởng, chất dẫn dụ côn trùng, thuốc trừ ốc, chất hỗ trợ (chất trải)... với 146 hoạt chất và 432 tên thương phẩm.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, với số lượng hoạt chất và tên thương phẩm được cấp phép nói trên, VN thuộc nhóm những quốc gia có danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đa dạng nhất thế giới.

Nhưng ngoài 4.000 tên thương phẩm được cấp phép kinh doanh, thực tế số tên các sản phẩm ngoài thị trường gấp 3 - 10 lần bởi hiện tượng làm giả, ăn theo, gian lận thông tin, nhãn mác tràn lan.

Năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo “Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam: Ngành trồng trọt” chỉ ra việc tiêu thụ thuốc trừ sâu tại VN, tương tự phân bón, đã tăng lên đáng kể trong những thập niên qua. Trong 10 năm (2000 - 2011), số lượng các loại thuốc trừ sâu đã được đăng ký và sử dụng tại VN tăng gấp 10 lần. 

Trước năm 2000, số lượng hoạt chất đăng ký là 77, tương ứng 96 sản phẩm thương mại. Năm 2000, tăng lên đến 197 hoạt chất, tương ứng 722 sản phẩm. Năm 2011, con số này tăng lên đến 1.202 hoạt chất, tương ứng 3.108 sản phẩm thương mại. 

Kể từ năm 2015 đến nay, lượng hoạt chất BVTV đăng ký dao động từ 1.500 - 1.800 hoạt chất với trên 4.000 tên thương mại. Nhiều nhất là ba nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh và trừ cỏ. 

Theo số liệu hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay, VN đã chi xấp xỉ 650 triệu USD để nhập khẩu các loại hóa chất BVTV và nguyên liệu, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. 

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, thuốc BVTV ở VN là một ngành siêu lợi nhuận, với khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV, 100 nhà máy chế biến, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, phối trộn và đóng gói.

Cả nước có 30.000 đại lý chuyên phân phối sỉ và lẻ các sản phẩm thuốc BVTV. Và một mạng lưới rất đông người bán lẻ ở vùng sâu vùng xa.

Báo động chất lượng nông sản

Các chuyên gia nông nghiệp lo ngại rằng trong danh mục được Bộ NN&PTNT cấp phép có nhiều chất thuộc nhóm độc lực cao mà nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng. Song tại VN, việc quản lý các hóa chất BVTV lại khá thông thoáng sau khi đã được đưa vào danh mục.

Theo báo cáo “Tổng quan về thuốc bảo vệ thực vật độc hại ở Việt Nam” năm 2020 của Lê Anh Phong và Trần Anh Thông (ĐH An Giang và ĐH Kinh tế TP.HCM), trong danh sách các hoạt chất có độc tính cao do Mạng lưới hành động nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV châu Á - Thái Bình Dương bị cấm, vẫn có những chất đang được phép sử dụng tại VN.

 

 

Thông tin này đã phần nào được thể hiện trong những cảnh báo của EU về phát hiện các chất cấm hoặc dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép trong một số lô hàng thực phẩm của VN xuất khẩu vào thị trường EU những tháng qua.

Cụ thể, các chất mà EU phát hiện và cảnh báo trong các lô hàng xuất xứ từ VN trong tháng 9 và 10 vừa qua là chất cấm propargite, fenobucarb, tricyclazole, chlorpyrifos ethyl, profenofos trong rau củ, gạo và thủy sản. Đáng chú ý là chất chlorpyrifos ethyl đã bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng từ tháng 2-2019 (cho phép tồn tại đến tháng 1-2021) nhưng đến tháng 9-2021 cơ quan y tế Hà Lan vẫn phát hiện chất này trong mướp đắng từ VN.

Còn trong danh sách các chất BVTV được phép sử dụng chuẩn bị được Bộ NN&PTNT ban hành, fenobucarb vẫn có tới 30 tên thương phẩm được cấp phép sản xuất và kinh doanh. Propargite và profenofos mỗi loại có 10 thương phẩm. Hoạt chất tricyclazole có trong ít nhất 70 tên thương phẩm được kinh doanh tại VN theo thông tư của Bộ NN&PTNT.

 Một trong những hoạt chất được phép lưu hành tại VN nhận được sự quan tâm của chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu là thuốc trừ cỏ diquat. Đây là một chất độc tương tự với paraquat (VN cấm từ 2019) và hoạt chất này cũng bị EU cấm sử dụng trong nông nghiệp từ năm 2019. 

Thế nhưng trong thông tư mới, Bộ NN&PTNT vẫn cấp phép cho 23 tên thương phẩm mới được sử dụng tại VN (năm 2020 chỉ có 1 chất gốc diquat được cấp phép).

Trước sự phát hiện dư lượng hóa chất vượt ngưỡng trong các lô hàng từ VN, các cơ quan hữu quan tại các cửa khẩu EU đều đã được thông báo và sẽ nâng cao biện pháp kiểm dịch đối với các dòng hàng hóa liên quan nhập khẩu từ VN.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam (AFT), cho biết AFT rất lo ngại vì thấy trong danh mục thuốc BVTV mà Bộ NN&PTNT sắp ban hành có nhiều chất mà EU đã liên tục cảnh báo đối với các lô hàng nông sản nhập khẩu từ VN trong các tháng qua.

Trong danh mục dự kiến công bố, các chất này mang nhiều tên thương mại khác nhau như fenobucarb (có 30 tên thương mại đã được cấp phép), tricyclazole (có ít nhất 70 tên thương mại được cấp phép) và propargite (có 10 sản phẩm được cấp phép). 

Rất nguy hiểm là chất diquat sử dụng rất phổ biến ở VN đã bị EU cấm từ năm 2019, có độ độc tương đương paraquat (Bộ NN&PTNT đã cấm lưu hành), cần loại bỏ ra khỏi thị trường VN, nhưng trong danh mục sắp ban hành có tới 23 tên thương mại của diquat được phép kinh doanh.

Ngoài ra còn một số chất khác đã bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo trong lô hàng mướp đắng nhập khẩu, mặc dù Bộ NN&PTNT đã loại bỏ từ năm 2019 nhưng nay vẫn được đưa vào danh sách sắp công bố với hàng chục tên thương mại khác nhau như profenofos, chlorpyrifos ethyl.

AFT cho biết hiệp hội này rất ủng hộ chủ trương của Bộ NN&PTNT qua các phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh. 

Trong một cuộc tọa đàm hồi cuối tháng 10, ông Hoan đã cảnh báo: “Đừng nghĩ xuất được một vài chuyến hàng nông sản là chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài” và băn khoăn “chúng ta chưa đi con đường đàng hoàng mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt”.

“Để có một nền nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, an toàn và thân thiện môi trường có rất nhiều việc phải làm. Nhưng trước hết là Bộ NN&PTNT cần loại ngay tất cả thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng ở các nước nhập khẩu, dưới các tên thương mại khác nhau, khỏi danh mục thuốc BVTV sắp được công bố cho lưu hành”, bà Hồng Minh đề nghị.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho rằng không thể phủ nhận vai trò của thuốc BVTV hóa học trong việc dập dịch do các sinh vật gây hại gây ra, việc đảm bảo năng suất của cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. 

Việc đăng ký một loại thuốc BVTV vào danh mục phải được thực hiện đúng theo trình tự quy định của pháp luật về quản lý thuốc BVTV. Các thuốc đề nghị đăng ký đều được đánh giá, kiểm tra, rà soát theo các quy định của VN, các công ước mà VN tham gia như Công ước Rotterdam, Stockholm, Basel... và tham khảo các quy định, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế như FAO, WHO... 

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật còn thành lập các hội đồng để tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học, sinh học, nông nghiệp, môi trường... trong việc đánh giá các thuốc BVTV để được khảo nghiệm, thử nghiệm và đăng ký vào danh mục.

Quy định về đăng ký thuốc BVTV của mỗi quốc gia được thực hiện theo các quy định riêng tùy thuộc điều kiện khí hậu, cây trồng, sinh vật gây hại, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và phương thức quản lý của từng nước.

 VN có rất nhiều hoạt chất không được phép sử dụng hoặc cấm sử dụng, trong khi một số nước trong khu vực như Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc... vẫn cho phép như glyphosate, acephate, diazinon, malathion, trichlorfon... 

Tại các nước tiên tiến như EU, Mỹ, các hoạt chất glyphosate, chlorpyrifos ethyl hay fipronil... được phép sử dụng, trong khi VN đã loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Và ngược lại, một số hoạt chất mà EU cấm sử dụng như chlorfenapyr, kasugamycin... hay các hoạt chất không cho gia hạn như diquat, cartap, atrazine... thì VN vẫn sử dụng.

Các hoạt chất mà EU đã cấm hoặc khuyến cáo không sử dụng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục rà soát trên cơ sở các quy định của pháp luật VN, đặc biệt là củng cố các bằng chứng khoa học về nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường. Từ đó đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp và đúng quy định của pháp luật.

CHÍ TUỆ - T.MẠNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận