“Mua chai thuốc trừ cỏ độc hại cũng dễ như mua chai nước”

TRẦN MẠNH 05/12/2021 19:00 GMT+7

TTCT - “Không thể có nông sản an toàn mà vẫn cấp phép tràn lan cho sản xuất và kinh doanh hóa chất độc hại, không thể có nền nông nghiệp sinh thái chỉ dựa vào lời kêu gọi của lãnh đạo cấp cao ngành nông nghiệp. Cần phải mạnh tay với chất cấm, loại bỏ chất độc ra khỏi ruộng đồng VN thì mới có nông sản sạch, mới có thể tăng giá trị nông sản trong thời gian tới” - TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, trao đổi với TTCT.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa. Ảnh: NVCC

 Tôi không ngạc nhiên khi đọc thông tin về các thị trường thuộc EU liên tục cảnh báo các lô hàng nông sản thực phẩm của VN trong thời gian qua vì phát hiện dư lượng chất cấm và hóa chất vượt ngưỡng cho phép, vì các hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) ở VN quá nhiều, quá dễ tìm và quá tự do sử dụng. 

Doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV kinh doanh dễ dàng, nông dân sử dụng không kiểm soát thì tồn dư của các loại hóa chất trong nông sản là điều tất yếu. Từ đó, các lô hàng xuất khẩu của VN đi các thị trường rất dễ “dính” khi bị kiểm tra.

Các nước có hệ thống kiểm tra hiện đại, họ phát hiện thì trả về hoặc tiêu hủy, nhưng người tiêu dùng trong nước sẽ bị thiệt thòi và ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ăn các thực phẩm có dư lượng hóa chất.

Theo ông, vì sao lại có tình trạng chất đã bị cấm trong thời gian dài nhưng vẫn thấy bán tràn lan?

Đó là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, cụ thể là của Cục Bảo vệ thực vật. Cơ quan này có nhiệm vụ cấp phép và rút phép các sản phẩm không được phép kinh doanh nữa, đó là các chất cấm. 

Luật pháp chúng ta đã có đủ chế tài để bắt giữ, xử lý các trường hợp kinh doanh chất cấm, nhưng Cục Bảo vệ thực vật thời gian qua quản lý còn nhiều bất cập, tình trạng buôn bán chất cấm vẫn tràn lan ngoài thị trường. 

Chất độc vẫn tiếp tục đổ xuống ruộng đồng VN, vẫn thấm vào nông sản và thực phẩm mà người dân ăn hằng ngày và trong hàng hóa xuất khẩu. Bộ NN&PTNT không thể cấp phép buôn bán mà không có kế hoạch hay biện pháp quản lý chặt chẽ. Nếu không đủ sức quản lý thì hãy hạn chế cấp phép tràn lan như thời gian qua.

Bộ NN&PTNT chuẩn bị ban hành danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng với gần 1.700 hoạt chất và trên 4.000 tên thương mại. Theo ông, với chừng ấy hoạt chất và tên thương mại thì quản lý như thế nào?

Đó là một con số rất lớn để quản lý, vì Bộ NN&PTNT còn có rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng lo ngại hơn là sau khi được cấp phép rồi thì các chất được quản lý như nhau, chất độc lực cao cũng như độc lực thấp. 

BVTV là ngành siêu lợi nhuận nên doanh nghiệp dùng rất nhiều cách khác nhau để thuyết phục người tiêu dùng sử dụng. Hệ thống đại lý phân phối thuốc BVTV rộng khắp đến tận vùng sâu vùng xa. Mua chai thuốc trừ cỏ độc hại cũng dễ như mua một chai nước.

Kinh doanh thuốc BVTV là ngành đặc thù và không nên được khuyến khích. Vì vậy, thay vì cứ mở rộng danh mục cấp phép, Bộ NN&PTNT cần sớm giảm lượng hóa chất, loại bỏ các chất mà các thị trường nhập khẩu đã cấm. Cần sớm và quyết tâm bảo vệ uy tín của nông sản VN.

Ông đã nhiều lần cảnh báo về tác hại của hóa chất BVTV, trong đó có diquat. Nhưng theo danh sách mới thì chất diquat lại được mở rộng danh mục tên thương phẩm. Bộ NN&PTNT đang đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng và doanh nghiệp xuất khẩu?

Tôi từng đấu tranh rất nhiều trong việc loại bỏ các chất độc hại khỏi danh mục được phép kinh doanh tại VN. Tôi phát biểu nhiều và gay gắt nên cũng nhiều lần nhận được những ý kiến không đồng tình từ lãnh đạo ngành nông nghiệp. Nhưng trách nhiệm của tôi là phải lên tiếng. 

Nhiều nước đã cấm rồi, dựa trên các căn cứ khoa học, thực tiễn, đã có người ung thư vì các chất nói trên rồi mà VN vẫn cho dùng tự do sao được. Cứ nhìn xung quanh mà xem, người dân bị bệnh nhiều, ung thư nhiều lắm. Bệnh tật do đồ ăn, do thực phẩm bẩn, do dư lượng hóa chất mà ra. Cũng may VN đã loại bỏ được 2.4D, paraquat, glyphosate.

Chất diquat ngay từ khi lấy ý kiến năm 2018 tôi đã có ý kiến phản đối. Vì chất này độc hại ngang với paraquat, mình đã cấm paraquat mà lại cho diquat tồn tại thì thật vô lý. 

Năm 2019, khi EU cấm chất này thì tôi cũng có ý kiến rằng cần sớm hạn chế và loại bỏ chất này khỏi danh mục tại VN. Bởi một thị trường lớn như thế mà cấm mà mình lại không có điều chỉnh tương thích thì rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu là rất lớn. Đáng tiếc, thay vì hạn chế, Bộ NN&PTNT lại đang mở rộng danh sách sản phẩm từ diquat để cho doanh nghiệp mở rộng kinh doanh.

Chất cấm 2.4D và glyphosate do phóng viên mua tại Long An tháng 10-2021. Ảnh: Quang Định

 Cục Bảo vệ thực vật vẫn cho rằng số lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp tại VN còn ít và đang được quản lý tốt. Ông nghĩ gì về đánh giá này?

Tôi không hiểu dựa trên cơ sở nào mà Cục Bảo vệ thực vật cũng như Bộ NN&PTNT cho rằng họ đã cấp phép và quản lý các hóa chất hiệu quả và không có hiện tượng bán chất cấm, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường. 

Chỉ tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, hàng loạt vụ bắt các chất cấm, hàng giả được cơ quan chức năng các tỉnh Long An, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... tiến hành với số lượng rất lớn. 

Trong đó có những chất cấm như 2.4D, paraquat, glyphosate. Những thông tin này được các cơ quan chức năng công khai trên báo chí. Cục Bảo vệ thực vật không thể đổ lỗi rằng hàng cấm nhập lậu thuộc về trách nhiệm của công an kinh tế, đơn vị chống hàng giả, chống nhập lậu.

Hay hàng nhái, hàng giả là trách nhiệm của quản lý thị trường các địa phương. Bởi vì người xét duyệt và cấp phép cho các sản phẩm là Cục Bảo vệ thực vật. Không thể cứ vô tư cấp phép dẫn tới mất kiểm soát trong quản lý, hàng gian hàng nhái tràn lan rồi đổ trách nhiệm cho các đơn vị khác được.

Về vấn đề xuất khẩu, đúng là chúng ta khó và không thể cấm toàn bộ hóa chất mà các thị trường chính đã cấm được. Nhưng VN là quốc gia xuất khẩu nông sản cực kỳ lớn, nếu không có sự tương đồng và hài hòa với tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì hàng hóa sẽ bị ách tắc, giảm giá trị.

Vì vậy, với các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... cần phải nghiên cứu và tiến tới loại bỏ các chất mà các nước này cấm sử dụng. 

Nếu không, tác hại cho nông sản và doanh nghiệp VN trong tương lai là cực kỳ khó lường. Và trên hết, cần thay đổi tư duy phụ thuộc hóa chất trong nông nghiệp sang sử dụng các chế phẩm sinh học, làm nông nghiệp hữu cơ để giảm hóa chất, giảm tác động tới môi trường. Đây chính là xu hướng mà thế giới đang hướng tới.

Liệu chúng ta có thể đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu mà vẫn không sử dụng hóa chất trong nông nghiệp?

Chúng ta không loại bỏ những đóng góp của các hóa chất BVTV cho mục tiêu gia tăng năng suất, sản lượng lương thực. Nhưng mặt trái của nó ngày càng nguy hại cho môi trường, cho sức khỏe con người. 

VN không thể mãi chạy theo sản lượng nhưng có giá trị thấp trong khi thế giới đang chuyển dần sang nông sản chất lượng cao, giá trị cao, tức là chuyển dịch từ nông nghiệp số lượng sang nông nghiệp chất lượng. 

So với cách đây 10 - 20 năm, đã có rất nhiều sản phẩm trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ ít độc hại hơn mà vẫn hiệu quả, rất nhiều hoạt chất gốc sinh học đã được phát minh và chứng minh hiệu quả thực tế. Việc thay thế hoàn toàn chất hóa học có thể chưa được ngay trong một vài năm nhưng là xu hướng cần làm và bắt buộc phải làm.

Tại VN, việc cấp phép các sản phẩm BVTV sinh học hoặc chiết xuất từ thảo mộc vẫn phải chịu đủ các khâu như với chất hóa học, trong khi doanh nghiệp phải mất công nghiên cứu, thử nghiệm và làm thị trường tốn kém thời gian và tiền bạc hơn việc chỉ mua hóa chất về pha chế, đóng gói. 

Do đó, cần có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp đầu tư vào làm các sản phẩm BVTV sinh học. Tôi khẩn thiết kêu gọi hãy ưu tiên cho hướng đi này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận