Quyền lực mềm hay nền ngoại giao khẩu trang

LÊ QUANG 10/04/2020 23:04 GMT+7

TTCT - Iran đổ tội phát tán virus corona cho Israel và Hoa Kỳ, Tổng thống Trump lấp lửng về phòng thí nghiệm vũ khí sinh học cạnh chợ thịt rừng Vũ Hán để lọt virus ra ngoài, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên công khai nghi ngờ thủ phạm là lính Mỹ trên trang Twitter tiếng Anh với 370.000 người theo dõi của mình…

Các thùng khẩu trang từ Trung Quốc được bốc dỡ ở sân bay Athens, Hi Lạp ngày 21-3.  -Ảnh: Reuters
Các thùng khẩu trang từ Trung Quốc được bốc dỡ ở sân bay Athens, Hi Lạp ngày 21-3. -Ảnh: Reuters

Đã đến lúc dư luận mỏi mệt về dòng thác thông tin mà phần nhiều không thể kiểm chứng giữa những ngày u ám này, và dường như vì thế lãng quên cuộc chiến ngấm ngầm của quyền lực mềm.

Chiến tranh, cả nóng lẫn lạnh

Khi chiến tranh lạnh đã lùi xa, chiến tranh nóng chỉ còn tập trung ở vài điểm lẻ tẻ thì đó là thời của cạnh tranh bằng quyền lực mềm, một khái niệm chính trị học được cho là do nhà nghiên cứu chính trị Mỹ Joseph Nye nêu ra đầu tiên.

Quyền lực mềm là ý tưởng dùng sức mạnh văn hóa và tư tưởng hệ của một quốc gia, thường cũng sử dụng cả các cơ quan quốc tế, để tăng ảnh hưởng tác động vào các chủ thể chính trị và mối quan hệ với nước ngoài. Nó khác với quyền lực cứng vì không lộ liễu dùng sức mạnh quân sự hay kinh tế để đe dọa hay lôi kéo.

Nói cho cùng thì không quốc gia nào bỏ qua ý tưởng quảng bá hình ảnh của mình ra quốc tế, Hoa Kỳ khoe “lối sống Mỹ”, xe Mercedes của Đức được mê tín, Sony một thời là “Apple của Nhật Bản”... nhưng mới nhất là Trung Quốc với đại kế hoạch Vành đai - con đường và chuỗi Viện Khổng Tử ở nước ngoài.

Theo dõi dư luận bên lề dịch virus corona, không thể không nghe những lời buộc tội Trung Quốc hay tối thiểu là chính quyền Hồ Bắc quá chậm trễ hoặc chủ ý kìm hãm thông tin về đại dịch chớm nở ở Vũ Hán. Bỏ qua những tuần nóng bỏng được kết thúc bằng tin vui là Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, báo chí quốc tế đâu đó lại có dịp phấn khởi ca ngợi Trung Quốc là lực lượng hào hiệp trợ giúp các nước khác dập dịch.

Trang thiết bị y tế cùng đoàn bác sĩ Trung Quốc đổ bộ xuống Ý, ổ dịch nóng nhất châu Âu. Hàng chục chuyến bay chở máy thở và khẩu trang - hàng “nóng” nhất hiện nay - hạ cánh ở Bratislava, Frankfurt, Rome...

Bên cạnh những tin vui về tình đoàn kết giữa các dân tộc, trong những ngày này chớ quên hai cái tên. Cái tên đầu thì quá quen thuộc ở Pháp. Tên thứ hai cần nhớ để khỏi bị chìm đi trong những ngày bấn loạn này.

Ngài Lô Sa Dã là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Trung Quốc ở Paris. Đúng lúc nước Pháp đau đầu nhất vì số bệnh nhân COVID-19 có tỉ lệ tử vong cực cao thì ngài đại sứ lên sóng giải thích cho người sở tại biết lý do thảm họa tệ hại nhất từ sau Thế chiến II: chủ nghĩa cá nhân ở một xã hội phương Tây bị tính ích kỷ làm cho mục ruỗng đã đẩy nước Pháp vào bi kịch này! Ngược lại, ý thức cộng đồng của người dân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã hạ gục con virus tàn độc!

Người thứ hai mà ta cần biết là Hứa Chương Nhuận, giáo sư Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, hay chính xác là nguyên giáo sư. Ông dạy khoa luật. Tháng 2, ông đăng một bài viết về tình trạng bê bết của đất nước sau khi đại dịch bùng nổ: “Tôi sợ tiếp theo bài này sẽ là một cuộc tính sổ, rất có thể đây là bài cuối cùng của tôi”.

Linh cảm của ông Hứa rất chính xác. Mấy hôm sau, ông bị bắt và từ đó trở đi không ai nghe tin gì về ông nữa. Báo cáo của ông được xuất bản ở nước ngoài, ví dụ trong ấn bản mới nhất của tạp chí Lettre International bằng tiếng Đức.

“Sau những cánh cửa cài then và đường phố giăng dây là nơi diễn ra những thảm họa con người, không khác thời Trung cổ - giáo sư Hứa viết - Lý do là những người có trách nhiệm ở nhiều tầng đã bịt tin tức, về sau còn đùn đẩy trách nhiệm và nhận vơ thành tích của người khác về mình”.

Những cán bộ sợ trách nhiệm ấy đã giấu giếm tình hình dịch bệnh, qua đó góp phần gây ra một thảm họa đạo lý, xã hội, chính trị và kinh tế cho đất nước, tệ không kém một cuộc chiến tranh bằng súng đạn.

Chính quyền trung ương kịp phản ứng bằng biện pháp cách chức hàng loạt viên chức hữu trách. Nhưng phát ngôn của hai nhân vật trên cho thấy một điểm yếu chết người, với cả hai bên, và nó liên quan trực tiếp đến sự nghiệp xiển dương quyền lực mềm của Trung Quốc.

Quảng bá hình ảnh

Phát ngôn của giáo sư Hứa và đại sứ Lô phản ánh sự đối lập như nước với lửa giữa bản chất và vỏ bọc. Đồng thời, bài báo của ông Hứa cũng là liều thuốc đắng cần thiết, giúp thức tỉnh những người nuôi tham vọng giấu đi những gì xấu xa để tạo một hình ảnh lộng lẫy. Nhờ những tiếng nói như vậy, dư luận biết phân biệt rạch ròi giữa thực tế và chiến dịch quảng bá hình ảnh được bắt đầu bằng những chuyến bay chở khẩu trang.

Không ai nỡ phủ nhận những chuyến hàng cứu trợ ấy cũng xuất phát từ nhu cầu tương thân tương ái hoàn toàn có thật, nhưng lộ trình và thứ hạng của các chuyến hỗ trợ tuân theo một nguyên tắc rắn như thép mang tính chất địa chiến lược: Trung Quốc châm ngòi chiến dịch quyền lực mềm lan tỏa đến những khu vực mà đến nay họ chưa thể đặt chân bằng các chính sách khác.

Các chuyến hàng cứu trợ quý báu ấy được lái đúng hướng và thả xuống các nước đã và đang dang tay chào đón chương trình Vành đai - con đường, nếu không thì cũng hưởng lợi từ chiến lược đó lâu nay thông qua quan hệ thương mại và góp phần dệt nên một mạng lưới phủ kín toàn cầu, với tổng đạo diễn là Trung Quốc.

Ý, Serbia, Venezuela và Liberia (Tây Phi) là các địa chỉ đầu tiên được nhận hàng y tế. Sau đó đến Iran, Bạch Nga (Belarus) và Liên bang Nga. Tất nhiên, bộ máy truyền thông Trung Quốc tường thuật tỉ mỉ từng chuyến hàng được chuyển trên máy bay xuống.

Xếp tận cuối hàng là các quốc gia tuy cũng gặp nạn bởi virus corona nhưng đại diện cho lập trường nghi ngại trước sự thâm nhập của Trung Quốc. Cũng phải nói thêm là chiến dịch này của Trung Quốc khá thành công ở Mỹ, nhờ khoảng chân không mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump để lại sau những màn diễn khá vụng về làm mất lòng không chỉ người dân trong nước. Chính ông đã lộ liễu thay khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” thành “Nước Mỹ độc tôn”, khiến các đồng minh của ông ở Tây Âu choáng váng không chỉ một lần.

Ngày nào ông cũng hiện diện trên màn ảnh nhỏ hoặc qua mấy dòng vội vã trên Twitter, phần lớn để lộ điểm yếu của mình trong khả năng nhận dạng các mối liên quan chính trị lớn, để hôm nay nhiều người dân Mỹ hoang mang như đứng giữa sa mạc không có biển chỉ đường. Tất nhiên điều đó không phải không có hậu quả trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Trong khi người Trung Quốc nghiền ngẫm binh pháp Tôn Tử để lồng ghép các lợi ích của mình vào một chiến lược toàn cầu hoành tráng thì đất cờ hoa, một thời là chủ thể số một của chính trị quốc tế, tạo ấn tượng yếu ớt như một nước từ thế giới thứ ba, vừa không đủ sức lo cho dân trong nước lại vừa không đảm đương tốt vai trò thủ lĩnh mà phương Tây mong đợi.

Mặt trận ngầm

Chuyện các quốc gia rình mò đào bới bếp núc nhau cũng xưa như Trái đất. Vốn tham dự rất sâu vào kinh tế Trung Quốc, nước Đức thường xuyên nhận cảnh báo từ cơ quan an ninh quốc gia. Tuy nhiên, mấy chục năm qua ít có lý do gì nặng nề khả dĩ làm sứt mẻ hợp tác kinh tế mang lợi nhuận khổng lồ cho cả hai bên. Ở mức độ được chấp nhận, quyền lực mềm cũng nằm trong khuôn khổ hữu hảo ấy và được nhìn nhận theo hướng tích cực cho đến khi...

Dịch cúm corona đang thu hút mọi nguồn lực của đất nước, chợt làm lộ thêm vài mối lo không kém sức nóng. Hai tuần trước, cơ quan công tố Liên bang Đức ký lệnh khám nhà ba người, mà nghi phạm chính là Gerhard S., nhà ngoại giao cao cấp trên “sân khấu” Liên minh châu Âu (EU) một thời. S. được cho là nguồn cung cấp thông tin cho một sĩ quan thuộc Bộ An ninh Trung Quốc.

Trước đó không lâu, hai bộ trưởng từ quần đảo Faroe (vùng tự trị thuộc Đan Mạch) đến gặp đại sứ Trung Quốc tại Copenhagen. Không khí họp mặt không vui lắm: ngài đại sứ không che đậy những lời đe dọa nâng cao rào chắn với hàng xuất khẩu của Faroe vào Trung Quốc, nếu hai bộ trưởng không thuê Huawei xây mạng Internet 5G mới trên quần đảo này. Vụ việc mới vừa bung bét vì hai thành viên chính phủ thì thào về thủ đoạn kém hữu nghị trên, bên cạnh một máy quay truyền hình đặt gần đó tình cờ (?) không được tắt.

Mạng 5G ở Đức, đến hôm nay và mặc dù chịu sức ép từ Mỹ, vẫn được coi là sẽ do Huawei đảm đương. Phi vụ này chỉ hơi lung lay sau biến cố Hong Kong gần đây và xung đột với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Lập tức Huawei tuyên bố... không liên quan gì đến Bắc Kinh.

Trên cổng thông tin của Huawei có phần Hỏi - Đáp, trong đó có thể đọc được một câu hỏi do chính Huawei đặt ra: “Quan hệ giữa Huawei và chính phủ như thế nào?” Câu trả lời, cũng của Huawei: “Chúng tôi bán sản phẩm truyền thông cho chính phủ, đó là quan hệ duy nhất giữa hai bên”.

Chính vụ Faroe chứng tỏ thông tin của Huawei thiếu khả tín. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia không mua sản phẩm của Huawei - không chỉ vì giá cả, mà vì tiếng lành tiếng dữ xung quanh phần mềm gián điệp - nhất loạt cho thấy họ bị Chính phủ Trung Quốc gây sức ép nặng nề. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ nhiều lần kêu gọi đồng minh cảnh giác với hàng điện tử Trung Quốc.

Vụ điều tra đồng thời ba cựu nhân viên ngoại giao Đức ở Berlin, Baden-Württemberg và Bayern chỉ là một mắt trong sợi xích dài của trò chơi quyền lực, mềm hay không mềm là chuyện định nghĩa. Trò chơi này thường thành công, như chuỗi Viện Khổng Tử toàn cầu, mạng lưới đường cao tốc xây cho mấy nước châu Phi, hay các cảng nước sâu của Sri Lanka cho Trung Quốc thuê 99 năm.

Hiện giờ thì ở Đức, cơ quan công tố cho biết sẽ còn điều tra mở rộng. Hi vọng khi tác nghiệp, các điều tra viên không dùng máy tính hay điện thoại di động “made by Huawei”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận