Từ khó thu thuế đến chảy máu chất xám

CƯỜNG NGHIÊM 04/05/2016 06:05 GMT+7

TTCT - Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook đang thu hàng trăm triệu USD từ thị trường Việt Nam, nhưng các cơ quan thuế chưa tìm ra giải pháp quy trách nhiệm nộp thuế với những doanh nghiệp này.

Né thuế ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sang Singapore khởi nghiệp
Né thuế ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sang Singapore khởi nghiệp

Trong lúc đó, nhiều dự án khởi nghiệp “chạy” sang Singapore để được hưởng ưu đãi. Việt Nam đang chịu tác động kép, không chỉ về thuế mà còn là chảy máu chất xám...

Khó thu thuế

Theo số liệu của Công ty cổ phần giải pháp quảng cáo trực tuyến ANTS (một dự án khởi nghiệp của tập đoàn FPT), năm 2013 doanh thu từ quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đạt 131 triệu USD, trong đó Google và Facebook chiếm lần lượt là 31% và 23%.

Năm 2014, doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đạt 215 triệu USD, Google và Facebook chiếm 30% và 37%. Tới năm 2015, khi con số là 329 triệu USD thì Google và Facebook chiếm lần lượt 30% và 43%. Tuy nhiên, Việt Nam hầu như không hưởng lợi gì từ kết quả tăng trưởng này trên chính thị trường của mình.

Từ những năm 2010-2011 đã có nhiều ý kiến “phàn nàn” về việc Google hay Facebook không phải chịu nghĩa vụ thuế ở Việt Nam.

Tuy nhiên đến nay, hệ thống luật pháp về thuế của Việt Nam vẫn chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm đóng thuế đối với những doanh nghiệp quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google và Facebook, mà chỉ quy định nghĩa vụ nộp thuế thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam làm đối tác, đại lý cho các doanh nghiệp nước ngoài trong trường hợp này phải có trách nhiệm khấu trừ thuế khi thanh toán với đối tác nước ngoài.

Theo ông Nhan Thế Luân - CEO Công ty cổ phần NCT, các doanh nghiệp kinh doanh trên Internet của Việt Nam đang chịu rất nhiều thiệt thòi so với các doanh nghiệp quốc tế vốn không phải chịu các khoản thuế nào như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, các khoản bảo hiểm của nhân viên.

Doanh nghiệp Việt Nam còn chịu cảnh “ngược đãi về thuế” như khi nhận được các khoản tiền nước ngoài về phải xuất hóa đơn và chịu 10% VAT, sau đó doanh nghiệp Việt Nam mua bản quyền hay các sản phẩm khác ở nước ngoài phải chịu tiếp 10% thuế nhà thầu” - ông Luân nói thêm.

Trong khi đó, khi được hỏi, Google gần như lúc nào cũng trả lời “luôn tuân thủ nghiêm túc điều luật về thuế tại các quốc gia mà Google có hoạt động kinh doanh”. Và “các đối tác của Google luôn phải có trách nhiệm hiểu và tuân thủ các luật thuế liên quan theo quy định của quốc gia họ”.

Theo số liệu từ YouTube, hiện nay Việt Nam có hơn 1 triệu người đã kiếm được doanh thu trên kênh này từ quảng cáo, trong đó thông thường nhà sáng tạo giữ 55%, YouTube giữ 45%, tuy nhiên theo Amy Kunrojpanya - cựu giám đốc truyền thông của Google châu Á - Thái Bình Dương, Google chỉ “khuyến khích” những đối tác của mình thực hiện trách nhiệm đóng thuế cho nước sở tại.

YouTube phát triển như một nền tảng nội dung trên toàn thế giới nhưng không sở hữu bất kỳ nội dung nào, vì vậy dù đã ra mắt và hoạt động tại Việt Nam nhưng do Google không đặt văn phòng ở đây nên YouTube hiện cũng không đăng ký hoạt động ở Việt Nam” - Amy nói thêm.

Qua Singapore hưởng ưu đãi

Trong khi các cơ quan thuế của Việt Nam vẫn còn đang tìm giải pháp để giải quyết đối với các dịch vụ xuyên biên giới, thì các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm cách thích nghi với sự không công bằng này. “Theo tôi thấy, đã có một làn sóng doanh nghiệp Việt Nam mở công ty ở Singapore để nhận các ưu đãi về thuế từ Singapore. Việc này đã và đang diễn ra kha khá” - ông Nhan Thế Luân nói.

Như vậy, không những hiện nay Việt Nam không thu thuế được từ các doanh nghiệp quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, mà sắp tới thậm chí còn không thu thuế được với chính những doanh nghiệp Việt Nam nếu cơ quan thuế không tìm ra giải pháp.

Hiện nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam mở văn phòng đại diện ở nhiều quốc gia, trong đó có Singapore như Appota, Eway, PeaceSoft. Thủ tục thành lập công ty ở Singapore rất đơn giản, “chỉ cần 1 USD và thời gian chờ là hai ngày” - ông Nguyễn Minh Quý, CEO Công ty Novaon, cho biết.

Các ưu đãi về thuế rất rõ ràng: trong ba năm đầu hoạt động, 100.000 USD lợi nhuận đầu tiên không bị đánh thuế, 200.000 USD tiếp theo sẽ được hưởng chế độ miễn thuế một phần (8,5%). Lợi nhuận trên 300.000 USD sẽ theo chế độ thuế bình thường là 17%. Sau ba năm, công ty kinh doanh tại Singapore chỉ đóng thuế 9% cho thu nhập dưới 300.000 USD, nếu vượt quá 300.000 USD thì thuế suất 17% sẽ được áp dụng.

Như vậy, nếu một doanh nghiệp thành lập công ty khác ở Singapore, sau đó bán công ty ở Việt Nam cho công ty Singapore, và công ty ở Việt Nam chỉ hoạt động như một công ty gia công, lúc đó doanh nghiệp chỉ phải chịu mức thuế 10% VAT khi chuyển tiền từ Singapore về Việt Nam để thanh toán các khoản tài chính cố định, còn lại sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế khi hoạt động ở Singapore.

Để tránh chuyện này và để có thể thu hút thêm các công ty nước ngoài vào đặt trụ sở ở Việt Nam thay vì Singapore, theo ông Luân, Nhà nước nên tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp ít nhất là các khoản ưu đãi thuế, mới tạo công bằng trong cuộc chơi với doanh nghiệp nước ngoài.■

Chuyện thu thuế đối với các “ông lớn” công nghệ trên thế giới là vấn đề chung của nhiều quốc gia. Ngành Internet vốn không bị giới hạn về vị trí địa lý hay quốc gia nên các tập đoàn lớn đều lập các công ty ở các quốc gia không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc thấp hơn nhiều lần các quốc gia khác.

Google mở các công ty ở Ireland, Hà Lan và Bermuda, Apple mở công ty ở Ireland, Facebook có chi nhánh ở Ireland và đảo Cayman... Chiến thuật “chuyển giá” được áp dụng, những giao dịch qua lại trên giấy tờ giữa những công ty con, nhằm chuyển thu nhập đến những quốc gia có mức thuế thấp, trong khi phí tổn lại rơi vào những quốc gia có mức áp thuế cao hơn.

Vì vậy, việc tìm ra giải phải để quy định trách nhiệm nộp thuế đối với Google hay Facebook ở Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải lâu dài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận