Việt Nam đã sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình!

TTCT - Từ năm 2014, Việt Nam chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

“Với quyết định này, Việt Nam thể hiện trách nhiệm là quốc gia thành viên, đóng góp vào một lĩnh vực mà Việt Nam rất coi trọng: GGHB và an ninh quốc tế” - đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại LHQ, trao đổi với TTCT.

Lực lượng lâm thời Liên Hiệp Quốc tại Libăng (UNIFIL) trong lễ kỷ niệm Ngày hòa bình quốc tế lần thứ 32 tại trụ sở chính ở Naquora - Ảnh: un.org

Ông Trung nói: Qua công việc hằng ngày ở New York, tôi nhận thấy LHQ và các nước rất mong muốn VN tham gia vì họ hiểu rằng VN là một nước có chính sách nhất quán là yêu chuộng, bảo vệ hòa bình. Đặc biệt, các nước độc lập dân tộc, đang phát triển thì kỳ vọng ở VN - một nước đã trải qua chiến tranh, một nước đang phát triển, coi trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Đồng thời, họ tin tưởng vào năng lực của lực lượng vũ trang VN - đã trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt và được đánh giá là có tinh thần kỷ luật cao, có ý chí quyết tâm và là lực lượng gắn bó với nhân dân, từ nhân dân mà ra. Bởi với hoạt động GGHB ở một địa bàn, quan hệ giữa cơ quan LHQ với người dân là rất quan trọng, phải có sự ủng hộ, hỗ trợ của người dân thì mới thực hiện được nhiệm vụ.

Ngày 27-9-2013, tại phiên thảo luận chung Đại hội đồng LHQ khóa 68 ở New York (Hoa Kỳ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thông báo với lãnh đạo các nước về việc Việt Nam sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

* Hoạt động GGHB của LHQ bao gồm các phạm vi nào và VN tham gia đến đâu?

- Hoạt động GGHB bao phủ phạm vi rất rộng. Về hình thức tham gia, các nước có thể cử sĩ quan làm các nhiệm vụ khác nhau, ví dụ sĩ quan tham mưu, liên lạc trong các phái bộ của LHQ; hoặc cử đơn vị (bộ binh, hậu cần, công binh, quân y...).

VN sẽ tham gia hoạt động GGHB của LHQ trong lĩnh vực công binh, quân y và sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc... Nguyên tắc của chúng ta khi tham gia thì đó phải là hoạt động do LHQ thành lập, thực hiện theo tôn chỉ luật pháp quốc tế và phù hợp với khả năng của VN.

* Tại sao chúng ta chọn tham gia các lĩnh vực đó? Có lĩnh vực nào mà VN bảo lưu không tham gia không?

- Các quốc gia không cần phải thông báo lĩnh vực nào họ không tham gia mà có thể từng bước tham gia các lĩnh vực khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, năng lực mỗi nước.

Lựa chọn của chúng ta dựa trên sự cân nhắc của các cơ quan chuyên môn, là những lĩnh vực mình có thế mạnh và LHQ mong muốn. Ví dụ, riêng về quân y thì có bốn cấp độ: cấp độ 1 là cứu thương sơ cứu, 2 là bệnh viện dã chiến, 3 là tại bệnh viện trung ương của nước sở tại và cấp độ 4 là chuyển ra khỏi nước đó. LHQ đánh giá VN có kinh nghiệm với cấp độ 2 vì đã trải qua chiến tranh và đây sẽ là thế mạnh khi chúng ta tham gia.

Về công binh rà phá bom mìn, lượng bom đạn ném xuống VN lớn hơn lượng bom đạn dùng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và còn rất nhiều trên lãnh thổ VN. Chúng ta có hẳn chương trình quốc gia về rà phá bom mìn, đã đầu tư rất nhiều về tài chính, con người và có những hi sinh để thực hiện công tác nặng nề này. Sĩ quan chúng ta được đào tạo chính quy, có nhiều kinh nghiệm phối hợp ở cấp độ quốc tế.

Đại sứ Lê Hoài Trung - trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại LHQ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Không tạo gánh nặng cho ngân sách quốc gia

* Đại sứ có thể cho biết thêm về cơ chế ra quyết định cho mỗi hoạt động GGHB của LHQ?

- Chúng ta đều biết hoạt động GGHB chủ yếu nhằm thực hiện thỏa thuận để giải quyết hoặc ngăn ngừa xung đột của các bên. Do đó, chính các bên có liên quan hoặc tổng thư ký LHQ sẽ đệ trình lên Hội đồng Bảo an, hội đồng này sẽ xem xét, trao đổi với các nước liên quan, các thành viên khác nếu có quan tâm.

Trong ban thư ký LHQ có ba cục: Cục Các vấn đề chính trị (liên quan đến giải pháp), Cục Xây dựng lực lượng GGHB (ký các hợp đồng về hậu cần, huy động con người, tổ chức...) và Cục GGHB. Đại diện ba cục này sẽ đến tận nơi, nghiên cứu điều kiện cụ thể, xác định để thực hiện nhiệm vụ đề ra thì cần lực lượng như thế nào.

Ví dụ, ở Sudan thì rất cần lực lượng giao thông vận tải bằng trực thăng vì đường sá rất kém. Sau khi đi thực tế, họ sẽ làm báo cáo. Trên cơ sở đó, LHQ sẽ quyết định có triển khai hoạt động GGHB hay không. Có những trường hợp LHQ không tiến hành tiếp vì thấy nhiệm vụ quá lớn, không thực hiện được.

Nếu thấy khả thi thì LHQ thăm dò khả năng tham gia, đóng góp của các thành viên rồi trình Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết, kèm theo phụ lục (tương tự báo cáo khả thi), trong đó đề cập chức năng, nhiệm vụ của hoạt động, cần lực lượng nào, những rủi ro tiềm năng là gì và cần được giải quyết ra sao, trách nhiệm nước chủ nhà là gì...

Có trường hợp LHQ chỉ cung cấp lực lượng nòng cốt, còn nước chủ nhà cần cung cấp lực lượng làm đường, người phiên dịch... Sau khi nhận thông báo, các nước nếu tham gia được đến đâu thì thông báo lại đến đó.

Ngoài ra còn có một cơ chế thường trực: các nước thông báo cho LHQ về lực lượng họ có và sẵn sàng tham gia (khi cần LHQ có thể yêu cầu nhưng không bắt buộc). Nếu đồng ý tham gia, phái đoàn tại LHQ của nước đồng ý sẽ thông báo ý định cho LHQ. Họ sẽ cử đoàn tới đánh giá năng lực quốc gia đó đủ hay cần bổ trợ. Ví dụ: nếu ta tham gia lĩnh vực vận tải, họ yêu cầu ôtô vận hành được nhưng nếu ta chỉ có thể cung cấp người lái, thì họ sẽ đi thuê xe ở một nguồn khác và trả tiền cho người lái.

Đó là những thương lượng rất cụ thể, linh hoạt. Thường các nước tham gia toàn bộ. Sau đó họ sẽ hướng dẫn cụ thể về quy định, pháp lý, đồ ăn thức uống, nhà ở...

Để hiểu tường tận cơ chế này, chúng ta không những trao đổi kinh nghiệm mà còn đến tận các phái bộ để tìm hiểu thực tế. Ví dụ đoàn Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Ngoại giao [cử tôi làm đại diện] đã cùng đến tận phái bộ của Campuchia, Nhật Bản ở Nam Sudan để tìm hiểu.

Để ra được một quyết định cuối cùng là cả một quá trình phức tạp và rất chi tiết vì họ phải bảo đảm và cố gắng cao nhất để hoạt động thành công. LHQ đã có kinh nghiệm gần 70 năm nay. Hiện đang có hàng trăm hoạt động GGHB và hàng trăm ngàn người đang tham gia hoạt động GGHB: vùng giữa Pakistan và Ấn Độ chỉ quan sát ngừng bắn; còn ở Nam Sudan thì nhiệm vụ rộng hơn, có cả tái thiết, lực lượng công binh tham gia xây dựng đường sá.

Nhìn chung các nước tham gia có năng lực đến đâu thì cho họ biết đến đó để phối hợp tổ chức vì không nước nào đáp ứng được đầy đủ toàn bộ nhu cầu.

* Vậy bên nào sẽ chịu các chi phí thực hiện nhiệm vụ GGHB đó? Liệu việc này có tạo thêm gánh nặng cho ngân sách các nước?

- Về nguyên tắc, LHQ sẽ bồi hoàn toàn bộ chi phí có liên quan mà nước cử lực lượng GGHB bỏ ra.

Một loạt hiệp định bảo vệ nhân sự GGHB

* Có phải chúng ta đã mất 8 năm để chuẩn bị cho việc này? Nếu đúng thì tại sao cần lâu như vậy và chúng ta đã chuẩn bị những gì?

- Nói 8 năm thì không chính xác nhưng quả thật quá trình chuẩn bị diễn ra rất lâu, công phu và tỉ mỉ. Chúng ta đã làm rất nhiều việc: thành lập một cơ chế liên ngành (gồm đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng...) để nghiên cứu toàn diện về tính chất của hoạt động GGHB, kinh nghiệm các nước xây dựng luật pháp, chuẩn bị con người, tìm hiểu cơ chế từ lúc ra quyết định cho đến huy động lực lượng, triển khai...

Đồng thời chúng ta đã cử người đi học các lớp do LHQ tổ chức hoặc thăm các trung tâm tại Malaysia, ở các nước khác nhau để học hỏi kinh nghiệm. Đây là vấn đề lớn nên đã phải trao đi đổi lại rất kỹ càng.

* Về nhân sự của VN khi tham gia hoạt động GGHB, chúng ta chuẩn bị và bảo đảm an toàn cho họ thế nào?

- LHQ đã liên tục cử chuyên gia sang để hỗ trợ ta. Bộ Quốc phòng VN có thỏa thuận với Ấn Độ, Malaysia, Úc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Pháp, các nước Đông Nam Á, các nước thường trực Hội đồng Bảo an... về chia sẻ kinh nghiệm, giúp ta chuẩn bị và đào tạo tiếng Anh.

Khi tham gia hoạt động GGHB của LHQ thì sĩ quan đó hay đơn vị đó được một loạt hiệp định bảo đảm an toàn, ví dụ Công ước về quyền ưu đãi, miễn trừ của Liên Hiệp Quốc, Hiệp định ký với nước triển khai lực lượng... Ở các phái bộ của LHQ đều có bộ phận đánh giá rủi ro an ninh và đề ra biện pháp phòng tránh.

Xin cảm ơn đại sứ.

Ngăn ngừa xung đột và tái thiết

“Hoạt động GGHB đầu tiên diễn ra năm 1948 với cuộc chiến ở Trung Đông. Từ đó đến nay, hoạt động GGHB của LHQ có một số nguyên tắc: phải được sự đồng ý của các bên có liên quan; tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Đây là đặc điểm khác biệt nổi trội so với hoạt động của các liên minh quân sự.

Hầu hết hoạt động GGHB nhằm thực hiện các thỏa thuận ngăn ngừa xung đột, thực hiện giải pháp chấm dứt xung đột với các hình thức như giám sát hiệp định ngừng bắn, triển khai lực lượng ở vùng đệm để ngăn cách các bên xung đột; quan sát thỏa thuận ngừng bắn...

Từ cuối những năm 1980 đến nay, hoạt động này đa dạng hơn, chủ yếu vẫn nhằm giúp ngăn ngừa xung đột, bổ sung việc tạo điều kiện để bộ phận dân sự xây dựng đất nước, tái thiết hòa bình”.

Đại sứ LÊ HOÀI TRUNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận