Xế chiều của Toàn cầu hóa?

THANH TUẤN 15/12/2016 20:12 GMT+7

TTCT - Trung Hoa Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch là một trong những nước sáng lập Hiệp ước chung về thương mại và mậu dịch (GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhưng trong làn sóng đối đầu Đông - Tây, CHND Trung Hoa đã quyết định rút khỏi tổ chức này.

Một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm tất cả tổn thất? -The Economist
Một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm tất cả tổn thất? -The Economist


Tới năm 1986, trong cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập lại và phải mất 15 năm, tới ngày 11-12-2001, Trung Quốc mới chính thức trở thành thành viên của WTO, đánh dấu một trong những cột mốc quan trọng nhất của toàn cầu hóa và thương mại toàn cầu.

Trung Quốc trở thành thành viên lớn nhất thuộc nhóm các nước xã hội chủ nghĩa thời chiến tranh lạnh gia nhập WTO - toàn cầu hóa thật sự xóa dần vết tích của cuộc đối đầu Đông - Tây từng chi phối suốt một giai đoạn dài 5-6 thập kỷ sau Thế chiến II.

Phát triển thần kỳ

Quá trình gia nhập dài tới mức thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Chu Dung Cơ từng nói đủ biến “tóc đen thành tóc bạc”. Cái giá để trở thành thành viên WTO cũng rất cao với Bắc Kinh. Họ phải nới lỏng 7.000 dòng thuế và bỏ nhiều rào cản thương mại.

Chu Dung Cơ thường nói ông “đau đầu” vì sợ cạnh tranh sẽ triệt hạ nông dân trong nước cũng như các tập đoàn quốc doanh, thực tế 15 năm qua cho thấy nỗi lo đó là có cơ sở.

Nhưng lợi ích vẫn lớn hơn. Sau WTO, Trung Quốc về tổng thể đã bước vào một trong những giai đoạn tăng trưởng thần kỳ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới.

GDP của nước này tăng 10 lần trong 15 năm qua (từ 1.054 tỉ USD lên khoảng 11.391 tỉ USD của năm 2016). Từ nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 và đang đe dọa vị trí số 1 của Mỹ.

Từ chiếm 0,8% GDP toàn cầu, Trung Quốc giờ chiếm khoảng 15% quy mô kinh tế thế giới (kinh tế Mỹ trong giai đoạn cùng kỳ giảm từ chiếm 33% còn 23%), đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng đã tăng hơn gấp đôi, từ 33.000 tỉ USD lên 78.000 tỉ USD hiện nay.

Bắc Kinh giờ đã có những tập đoàn hàng đầu thế giới như Alibaba, Wanda, Tencent, Huawei... Thế giới không còn đơn giản nhìn Trung Quốc như một nơi giỏi làm nhái hay một công xưởng chỉ biết đổ mồ hôi và bán sức lao động giá rẻ.

Các doanh nhân Trung Quốc đang tạo dựng tiếng nói riêng của họ và miệt mài lao vào các cuộc thâu tóm ở quy mô toàn cầu những thương vụ tỉ USD, giống như người Nhật cách đây 20-30 năm. Cuộc “hôn phối” giữa kiến thức phương Tây, lao động Trung Quốc cùng thị trường mở của toàn cầu đã tạo ra thành quả phi thường.

Toàn cầu hóa: nạn nhân không chỉ nước nghèo

Nhưng nếu việc Trung Quốc gia nhập WTO 15 năm trước được coi là đỉnh cao mới của toàn cầu hóa và thế giới phẳng thì làn sóng của Brexit, ông Donald Trump thắng cử ở nước Mỹ hay ông Matteo Renzi thất bại ở Ý mới đây cho thấy đang xảy ra sự đảo chiều mạnh mẽ.

Số liệu của WTO cho thấy thương mại toàn cầu năm nay tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ 1,7%. Tỉ lệ nhập khẩu so với GDP ở 20 nền kinh tế hàng đầu đã giảm 4 năm liên tiếp.

FDI năm 2015 tại các nước giàu ở mức 646 tỉ USD, giảm 40% so với thời kỳ đỉnh trước khủng hoảng tài chính. Cho vay quốc tế đã giảm 9% trong hai năm qua. Trên góc độ thương mại toàn cầu, người tiêu dùng được hưởng lợi từ hàng hóa rẻ hơn của Trung Quốc. Trung Quốc tăng trưởng tạo ra thị trường lớn cho xuất khẩu của các nước khác.

Nhưng các nước phương Tây cũng có nhiều điều để phàn nàn: Trung Quốc xuất khẩu quá nhiều làm tràn ngập thị trường các nước với hàng hóa rẻ tiền, khiến các chính trị gia dân túy đòi phải tăng cường các biện pháp bảo hộ mậu dịch và việc làm trong nước.

Bắc Kinh cũng tiếp tục bị cáo buộc duy trì đồng nhân dân tệ giá thấp một cách nhân tạo nhằm khuyến khích xuất khẩu, điều đã không ít lần đe dọa gây ra “chiến tranh tiền tệ”, nhất là với Mỹ. Cuối cùng, để phục vụ cho cả sản xuất và tiêu dùng, Trung Quốc đang trở thành một vòi rồng hút sạch tài nguyên ở nhiều quốc gia.

Ở Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, tâm lý của người dân với Trung Quốc ngày càng xấu đi. Các thăm dò mới nhất cho thấy khoảng 61% người trả lời nói Trung Quốc tăng trưởng là xấu cho nước Mỹ, chỉ 15% nói là tốt.

Ông Donald Trump đã tuyên bố rút ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), muốn thay đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và dọa rút khỏi NAFTA trong vòng 100 ngày đầu nhậm chức. Những quyết định cực đoan đó có thể làm tiến trình toàn cầu hóa, vốn đã trục trặc rất nhiều, đảo lộn hoàn toàn.

Brexit có thể coi là khởi đầu sự chối bỏ mô hình hội nhập kinh tế - chính trị thành công nhất của châu Âu và thế giới trong nhiều thập niên qua - Liên minh châu Âu (EU).

Còn ở Mỹ, ông Trump chiến thắng bất ngờ nhờ nhóm cử tri chính là những lao động da trắng ở các bang tranh chấp, những người được coi là bị tổn thương nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa - mà việc Trung Quốc vào WTO là một cột mốc có tính quyết định.

Trong thời gian dài, nói đến mặt trái của toàn cầu hóa, giới kinh tế gia thường nói tới tổn hại đối với người dân ở các nước đang phát triển.

Brexit, bầu cử ở Mỹ và mới nhất là trưng cầu ý dân tại Ý còn cho thấy một mặt trái khác: những người bị tổn thương và bị bỏ rơi ở các nước giàu cũng đông đảo không kém.

Họ hóa ra mới là lực lượng mạnh mẽ nhất đang thúc đẩy phong trào chống thương mại tự do toàn cầu, cổ xúy chủ nghĩa biệt lập, bảo hộ thương mại ở những thị trường lớn và quan trọng nhất thế giới - Bắc Mỹ và châu Âu.

Trung Quốc đã thay đổi diện mạo của mình và thế giới nhờ WTO. Nhưng sự hiện diện của họ cũng làm đảo lộn kinh tế toàn cầu. Thế giới thịnh vượng hơn, nhưng lao động giá rẻ của Trung Quốc đồng thời khiến vô số việc làm với chi phí nhân công đắt đỏ, nhất là trong lĩnh vực chế tạo ở những nước giàu, biến mất.

Các nước giàu từng nhìn thị trường Trung Quốc rộng lớn thèm thuồng, khát khao làm giàu nhờ lao động rẻ của đại lục, nhưng rốt cuộc chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp lớn, đủ sức vận hành một hệ thống sản xuất kinh doanh đa quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất, còn với người dân thường ở những nước này, họ đã không nhìn thấy lợi ích thiết thực nào của thương mại tự do.

George Packer, trong bài viết trên The New Yorker cuối tháng 10, phân tích rằng người thắng cuộc của toàn cầu hóa suốt hơn 20 năm qua thực tế chỉ là nhóm 1% (các đại gia cực giàu) và các nước đang phát triển, nơi có chi phí nhân công rẻ như Mexico, Trung Quốc hay Pakistan.

Còn ở các nước giàu, một ví dụ là đàn ông da trắng trung niên chỉ có bằng trung học ở Mỹ - nhóm cử tri chính của ông Trump - thấy thu nhập của họ đã giảm 9% giai đoạn 1996-2014, theo một nghiên cứu của Sentier Research.

Ở rất nhiều nơi trên nước Mỹ, họ phải làm những công việc với thu nhập thấp, nặng nhọc và nhàm chán như phục vụ trong nhà hàng, khách sạn hay chăm sóc người già. Sự thay đổi kinh tế này khiến nhiều người Mỹ không học cao cảm thấy mình bị loại khỏi tầng lớp trung lưu truyền thống, vốn luôn có chỗ cho những công nhân nhà máy trước kia.

Tình hình thêm tồi tệ khi họ không thể nào bắt kịp nền kinh tế của những Elon Musk, Mark Zuckerberg, Bill Gates, Peter Thiel và nhiều tỉ phú công nghệ trẻ tuổi khác. Và câu chuyện đó không chỉ đúng ở Mỹ, dù đúng là ở Mỹ tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn khi mạng lưới phúc lợi của nước này không nhuốm màu “xã hội chủ nghĩa” như ở nhiều nước châu Âu với trình độ phát triển tương tự.

Trump và Trung Quốc

Tổng tài sản của thế giới đã lớn lên hơn rất nhiều, nhưng của cải và sự thịnh vượng mà các tập đoàn đa quốc gia kiếm được đã không được san sẻ đủ công bằng và không trở về nước.

Tính toán của Capital Economics cho thấy các tập đoàn Mỹ vẫn đang “bỏ két” khoảng 2.500 tỉ USD kiếm được từ toàn cầu hóa ở các thiên đường thuế như Iceland, quần đảo Virgin hay Bahamas.

Người lao động chân tay ở các nước giàu, vì lẽ đó, cảm thấy bị bỏ rơi và lạc lõng trong cuộc đua toàn cầu hóa. Lựa chọn của họ, rốt cuộc, sẽ là ông Donald Trump, Brexit và bất kỳ ai hay điều gì hứa hẹn, dù không biết có làm được hay không, đưa việc làm trở lại bằng bảo hộ thương mại.

Trong giai đoạn tranh cử, ông Trump đã coi bảo hộ thương mại là một thông điệp vận động cốt lõi. Ông liên tục chỉ trích Trung Quốc là “kẻ cắp việc làm” lớn nhất, đe dọa gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc, chỉ trích nước này “thao túng tiền tệ” và hứa hẹn áp mức thuế 45% với hàng hóa nhập khẩu từ đại lục (hiện mức thuế trung bình Mỹ áp với hàng hóa Trung Quốc là 3,5%).

Ngoài tuyên ngôn kinh tế, tuần trước ông Trump đã điện đàm với bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đài Loan. Đây là lần đầu tiên một tổng thống đắc cử hay tổng thống Mỹ điện đàm với lãnh đạo Đài Loan trong suốt gần 40 năm qua.

Washington Post nói cuộc điện đàm đã được phe ông Trump chuẩn bị từ cách đây nhiều tháng. Bắc Kinh phản ứng khá nhún nhường, nhưng rõ ràng các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải có lý do để lo lắng bởi sự khó đoán của ông Trump.

Các phân tích chỉ ra rằng tuyên bố về một cuộc “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc của ông Trump sẽ khó lòng thực hiện, bởi những hậu quả là khôn lường nếu Bắc Kinh cũng đáp trả bằng những mức thuế tương đương với hàng hóa Mỹ.

Báo Trung Quốc Global Times đã thẳng thừng cảnh báo: “Nếu ông Trump áp thuế 45% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, thương mại Trung - Mỹ sẽ tê liệt. Trung Quốc sẽ sẵn sàng trả đũa. Một loạt đơn hàng Boeing sẽ được thay bằng Airbus. Xe hơi Mỹ và iPhone bán tại Trung Quốc sẽ ít đi, nhập khẩu đậu nành, ngô từ Mỹ sẽ dừng lại. Trung Quốc có thể hạn chế số lượng sinh viên du học ở Mỹ”.

Trung Quốc hiện có lẽ vẫn phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn chiều ngược lại nhưng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang ngày càng lớn mạnh, mất thị trường 1,3 tỉ dân này sẽ là tổn hại rất lớn với gần như mọi tập đoàn lớn của Mỹ, từ nông sản tới công nghệ và cuộc chiến thương mại nhiều khả năng sẽ càng khiến nhiều người Mỹ mất việc làm hơn, thay vì tạo ra những việc làm mới.

Cụ thể, Viện Peterson tính toán nếu Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc như ông Trump đe dọa, nước này có thể rơi vào suy thoái và mất khoảng 4,8 triệu việc làm.

Robert Azevedo, tổng giám đốc của WTO, cảnh báo chuyện quá nhiều chính trị gia đang tìm đến bảo hộ thương mại để thúc đẩy tăng trưởng nội địa về mặt ngắn hạn. “Liều thuốc thường xuyên được kê lúc này là chủ nghĩa bảo hộ và đó chính là đơn thuốc sẽ gây tổn hại lâu dài, chứ không giúp được cho chúng ta” - ông nói, có thể tạm coi như lời kết luận.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận