Xét nghiệm diện rộng để tách F0: Hiệu quả còn tranh cãi

HỒNG VÂN 22/09/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Một số nghiên cứu giai đoạn sớm, năm 2020, khẳng định xét nghiệm diện rộng có thể có ích nhưng cũng có nhiều nghiên cứu cùng thời điểm khẳng định xét nghiệm diện rộng không chính xác và có thể gửi đi những thông điệp sai lầm.


Người dân ở thành phố Vũ Hán xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR ngày 3-8-2021. Ảnh: AFP

 Xét nghiệm 11,3 triệu người, phát hiện 7 ca

Ngày 3-8, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố có 7 ca nhiễm COVID-19 cộng đồng ở Vũ Hán, nơi virus corona lần đầu tiên được phát hiện ở đó vào năm 2019. 

Khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng đầu tiên, cơ quan y tế của Vũ Hán đã quyết định: ngừng mọi chuyến bay và tuyến xe lửa, hủy giải bóng rổ và xét nghiệm 11,3 triệu người. Chỉ những sinh viên đang đi nghỉ hè ngoài địa phương và trẻ em dưới 6 tuổi là không xét nghiệm. 

Theo Tân Hoa xã, đến ngày 7-8, Vũ Hán hoàn thành chiến dịch xét nghiệm khủng với 28.000 nhân viên y tế tham gia tại 2.800 điểm lấy mẫu. Họ phát hiện thêm 37 ca lây nhiễm cộng đồng, 41 ca không triệu chứng. 

Với số ca nhiễm ít, dịch không bùng phát ở Vũ Hán mà sớm bị dập tắt. Đó là bằng chứng cho thấy chiến dịch xét nghiệm chủ động diện rộng đã giúp nhà chức trách sớm khống chế sự bùng phát của dịch bệnh. 

Nhiều nước cũng xét nghiệm diện rộng nhưng để người dân tự làm tại nhà hoặc tại nhà thuốc. Tháng 11-2020, các bộ xét nghiệm COVID-19 cho người không có triệu chứng được cung cấp thông qua các nhân viên của dịch vụ y tế Anh.

 Từ ngày 9-4-2021, mỗi người dân xứ England, Vương quốc Anh được chính quyền cấp 2 bộ xét nghiệm COVID-19 mỗi tuần miễn phí, dù không có triệu chứng. 

Từ đó, việc xét nghiệm được mở rộng đến những người làm trong các ngành nghề có tiếp xúc gần như trung tâm điều dưỡng, tù nhân, người làm việc trong nhà tù, trường học và công sở.

Mục tiêu là để tìm ra người dương tính không hoặc chưa có triệu chứng để họ tự cách ly và báo cho những người tiếp xúc gần khác tự cách ly, làm xét nghiệm, gián đoạn chuỗi lây nhiễm. Anh xác định chỉ có thể phát hiện người dương tính không triệu chứng qua xét nghiệm phần đông dân số.

Bài viết trên tạp chí Nature Biotechnology tháng 11-2020, cho rằng nếu xét nghiệm hàng loạt được “triển khai hiệu quả và quy mô”, có thể “tăng cường các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bằng cách nhanh chóng xác định các ổ dịch mới trước khi chúng lây lan”. 

Trước những ý kiến hoài nghi, cho rằng đây là sự lãng phí tiền bạc lớn, Bộ trưởng Y tế Anh khi đó, Matt Hancock, cho biết cứ 3 người mắc COVID-19 thì một người không có triệu chứng, vô tình lây lan virus nên cấp bộ xét nghiệm cho người dân tự làm là cách hữu hiệu chống lại sự lây lan của virus.  

 

Tại Anh, giá xét nghiệm PCR tại nhà thuốc khoảng 65 - 85 bảng Anh, nếu xét nghiệm tại phòng khám riêng, chi phí có thể đến 200 bảng. Để khuyến khích người đi du lịch, sân bay Gatwick ở London có trung tâm xét nghiệm PCR giá 60 bảng/khách. Xét nghiệm nhanh được cung cấp miễn phí. 

Theo báo Bloomberg ngày 25-6-2021, văn phòng kiểm toán quốc gia cho biết trong số 691 triệu bộ xét nghiệm miễn phí được gửi đến các hộ gia đình, công sở, trường học, nhà điều dưỡng khắp xứ England từ ngày 26-5, chỉ nhận 96 triệu báo cáo (14%). 

Trong khi đã tiêu 3 tỉ bảng (4,2 tỉ USD) để mua 1 tỉ bộ xét nghiệm từ tháng 3-2021, chính quyền hoàn toàn không biết có bao nhiêu bộ xét nghiệm không đăng ký thực sự được dùng.

Tại Mỹ, giá một bộ xét nghiệm COVID-19 nhanh tại nhà là từ 10 - 15 USD, giá này, theo Đài NBC News ngày 12-9 là quá đắt để sử dụng thường xuyên, trừ người giàu có. 

Khảo sát của Trường sức khỏe cộng đồng T. H. Chan của Đại học Harvard cho thấy: 79% người trưởng thành sẵn sàng tự xét nghiệm thường xuyên nếu giá mỗi bộ xét nghiệm 1 USD, nhưng tỉ lệ này chỉ còn 1/3 nếu giá xét nghiệm ở mức 25 USD/bộ. 

Tại Đức, siêu thị bán xét nghiệm nhanh với giá chưa đến 1 USD, tại Ấn Độ, một bộ tự xét nghiệm giá 3,50 USD. Canada cung cấp xét nghiệm miễn phí cho các doanh nghiệp.

Dù độ nhạy của xét nghiệm nhanh COVID-19 không bằng xét nghiệm PCR và có thể bỏ qua 40% ca dương tính không triệu chứng, theo Chính phủ Anh, có hơn 120.000 trường hợp dương tính không được phát hiện qua các kênh khác đã được xác định qua xét nghiệm nhanh. 

Do đó, nước Anh tin rằng việc phát hiện nhanh các trường hợp dương tính qua xét nghiệm nhanh sẽ giúp phá vỡ chuỗi lây truyền và cứu sống được nhiều bệnh nhân.

Mọi người dân Anh có thể yêu cầu gửi bộ xét nghiệm miễn phí đến tận nhà để tự xét nghiệm, xét nghiệm ở chỗ làm, cộng đồng. Bộ xét nghiệm nhanh miễn phí được phát ở hầu hết các tiệm thuốc ở Anh, gồm 7 bộ xét nghiệm để dùng trong 3 tuần, 2 xét nghiệm/tuần và 1 bộ dự phòng trong trường hợp xét nghiệm không có hiệu lực. 

Người dân tự báo cáo kết quả xét nghiệm lên hệ thống hoặc gọi cho số điện thoại 119. Nếu dương tính, người dân làm thêm xét nghiệm PCR và tự cách ly.

Tuy nhiên, cơ quan y tế Anh cũng khuyến cáo: một người có kết quả âm tính khi xét nghiệm nhanh không có nghĩa là người đó không có bệnh, mà có thể người đó bị nhiễm virus nhưng xét nghiệm không phát hiện được. 

Các bộ xét nghiệm nhanh được sử dụng rộng rãi nhất ở các trường học, nhà điều dưỡng ở Vương quốc Anh được báo cáo là chỉ phát hiện 48,89% trường hợp nhiễm COVID-19 ở những người không có triệu chứng khi so sánh với xét nghiệm PCR.


 
 Úc cảnh báo người dân về các bộ xét nghiệm COVID-19 nhanh tại nhà vì khả năng dương tính giả hoặc âm tính giả nguy hiểm cho bản thân họ và những người khác. Ảnh: The Conversation

 

Chi phí và lợi ích?

Xét nghiệm diện rộng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nguồn lực (tài chính), năng lực xét nghiệm và trả kết quả (do nhân viên y tế thực hiện), đảm bảo không bỏ sót người cần xét nghiệm và độ chính xác của xét nghiệm (âm tính giả, dương tính giả). 

Vì vậy, xét nghiệm diện rộng, dù là PCR hay nhanh là biện pháp rất tốn kém (so với mục đích cần đạt) và không phải ở đâu, lúc nào cũng thực hiện được.

Tháng 3-2021, một nghiên cứu tổng hợp về việc sử dụng các xét nghiệm nhanh với virus SARS-CoV-2 đánh giá 64 nghiên cứu, chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ, công bố trước ngày 17-11-2020: 

Ở những người được xác định nhiễm COVID-19, các xét nghiệm nhanh xác định chính xác với tỉ lệ 72% với người có triệu chứng và 58% với người không có triệu chứng. Xét nghiệm chính xác nhất khi sử dụng trong tuần đầu sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. 

Ở những người không bị nhiễm COVID-19, xét nghiệm nhanh loại trừ chính xác với tỉ lệ 99,5% người có triệu chứng (vô tình giống COVID-19) và 98,9% người không có triệu chứng. Các tác giả cũng cho biết nồng độ của virus có ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả.

Nhưng phía phản đối, trong đó nhiều người là chuyên gia y tế, đã cho đây là một sự lãng phí nguồn lực gồm tiền bạc và thời gian. Và sự lãng phí này đã được khẳng định từ năm 2020. 

Bác sĩ Angela Raffle, Đại học Bristol, chuyên gia tư vấn cho các chương trình sàng lọc quốc gia ở Anh, cho biết không có nhiều bằng chứng cho thấy xét nghiệm nhanh trên diện rộng có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, trong khi biện pháp này đặc biệt tốn nguồn lực.

Không chỉ tiền, nguồn lực trực tiếp, chi phí gián tiếp do bỏ công việc đi xét nghiệm, giảm hiệu quả sản xuất, làm việc... không hề nhỏ. Giáo sư Allyson Pollock, Đại học Newcastle, Anh, cho biết trong bài viết trên tạp chí y học Anh BMJ, việc xét nghiệm diện rộng có thể gây hại vì “chuyển hướng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe”. 

Bà chỉ trích việc cho dân tự xét nghiệm diện rộng ở xứ England là “không đủ bằng chứng” để ra quyết định và mục đích thực hiện chưa rõ ràng”.

Kết quả âm tính giả do xét nghiệm nhanh không chính xác lại còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vì người được xét nghiệm chủ quan hơn trong hành động của mình vì tưởng là mình không mang mầm bệnh. 

Bác sĩ Kelechi Nnoaham, giáo sư về y tế cộng đồng và dịch tễ tại Đại học Plymouth, Anh, cho biết tác động của kết quả âm tính giả là “đáng lo ngại”.

Hướng dẫn tạm thời của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến ngày 25-6-2021 về chiến lược xét nghiệm và năng lực chẩn đoán quốc gia với virus SARS-CoV-2 khẳng định: xét nghiệm chẩn đoán với SARS-CoV-2 là thành phần quan trọng trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát tổng thể với COVID-19. 

Nhưng WHO khuyến cáo các nước cần có chiến lược xét nghiệm với mục tiêu rõ ràng, có thể thích nghi với những thay đổi về tình hình dịch tễ, nguồn lực và công cụ có sẵn, bối cảnh riêng của quốc gia. Khuyến cáo này cũng cho rằng việc xét nghiệm phải đồng hành cùng các biện pháp về y tế cộng đồng như hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp hoặc truy vết để chặn nguồn lây nhiễm. 

Những người tiếp xúc với ca nghi nhiễm cần được xét nghiệm dù tình trạng tiêm phòng thế nào. Cá nhân hội đủ các điều kiện được xem là “nghi nhiễm” cần được ưu tiên xét nghiệm. 

Trường hợp nguồn lực hạn chế và không đủ khả năng xét nghiệm tất cả mọi người cần ưu tiên, WHO khuyến cáo xét nghiệm theo thứ tự ưu tiên gồm những người có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng, nhân viên y tế, bệnh nhân nội trú, người đã có triệu chứng và những người tiếp xúc gần với họ trong môi trường kín. 

WHO nêu rõ xét nghiệm người không có triệu chứng bằng xét nghiệm PRC kỹ thuật khuếch đại axit nucleic (NAATs) hoặc xét nghiệm kháng nguyên (xét nghiệm nhanh) chỉ khuyến cáo cho các nhóm tiếp xúc với ca dương tính xác định, ca nghi nhiễm hoặc nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc ở các trung tâm điều dưỡng. 

WHO không ủng hộ chiến lược xét nghiệm diện rộng với người không có triệu chứng do sự tốn kém và thiếu các dữ liệu về hiệu quả của việc thực hiện.■

Các công ty bán bộ xét nghiệm đều ăn nên làm ra. Theo số liệu của Công ty Thermo Fisher Scientific, đại gia trong lĩnh vực sản xuất bộ xét nghiệm, thiết bị và vật tư phòng thí nghiệm, quý 4-2020, doanh thu của công ty tăng 54% (đạt 10,55 tỉ USD) và cả năm là 26%, chủ yếu nhờ các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến phòng chống dịch COVID-19. 

Marc Casper, tổng giám đốc điều hành Thermo Fisher, xác nhận đây là quý làm ăn tốt nhất trong lịch sử công ty. Tương tự, Công ty Qiagen, đại gia khác trong lĩnh vực sản xuất bộ xét nghiệm, ghi nhận doanh thu trong quý 2-2020 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019 (443,3 triệu USD so với 381,6 triệu USD), chủ yếu do nhu cầu cao liên quan đến các sản phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. 

Trong năm 2021, các công ty đều báo cáo và dự đoán doanh thu về bộ xét nghiệm sẽ chững lại do các nước đã tiêm vắc xin nhiều hơn và giảm nhu cầu mua bộ xét nghiệm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận