Âm nhạc miễn phí trên mạng: Một âm mưu sâu xa

LOAN PHƯƠNG 17/07/2015 21:07 GMT+7

Cuốn sách vừa in của Stephen Witt, How music got free (Âm nhạc đã trở thành miễn phí như thế nào) đã chỉ ra rằng không phải tình trạng sao chép và chia sẻ lan tràn trên mạng, mà một âm mưu tội phạm có tổ chức đã khiến tác quyền âm nhạc trên Internet giờ chỉ còn là trò đùa.

Stephen Witt sinh ở New Hampshire, Mỹ năm 1979 và lớn lên ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Anh tốt nghiệp Đại học Chicago với bằng cử nhân toán năm 2001. Anh có sáu năm tham gia thị trường chứng khoán, làm việc cho các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Chicago và New York. Sau hai năm làm việc hỗ trợ phát triển ở Đông Phi, anh tốt nghiệp thạc sĩ báo chí tại Đại học Columbia năm 2011. Hiện Witt sống ở Brooklyn, New York.

Các tập tin âm thanh định dạng MP3 là một trong những phát kiến có ý nghĩa lịch sử. Với việc nén dữ liệu âm nhạc lại chỉ còn bằng 1/12 kích cỡ một đĩa CD thông thường, các tập tin MP3 cho phép các bài hát và cả những album âm nhạc lớn có thể đăng và tải về dễ dàng trên Internet băng thông rộng vào các năm 1990 và 2000, tạo ra cả một nền văn hóa tải nhạc mà không trả tiền khiến nền công nghiệp âm nhạc thế giới lao đao.

 

“Chia sẻ" cái không phải của mình

Việc “chia sẻ”, hay nói đúng hơn là ăn cắp, âm nhạc trên mạng đã khiến ngành công nghiệp âm nhạc riêng ở Mỹ thiệt hại 21 tỉ USD mỗi năm".

 

 

Nhưng công cụ xâm phạm bản quyền ở quy mô khổng lồ và hàng loạt đó đã không bao giờ xuất hiện nếu như những bảo đảm tác quyền được giữ vững. Để có thể tạo ra những tập tin MP3, các kỹ sư tin học đã mất một thập kỷ nghiên cứu với sự tài trợ từ Chính phủ Đức.

Và chính những kỹ sư đó đã tạo điều kiện cho cuộc cách mạng “nhạc số miễn phí” khi tung lên trên mạng phần mềm tạo tập tin MP3 đầu tiên, mà người dùng có thể bắt đầu chuyển các bản nhạc từ CD thành tập tin MP3 trong một máy tính.

Trong phần lớn lịch sử của âm nhạc số miễn phí, những người tải và nghe nhạc là những người bình thường: các sinh viên đại học, nhân viên văn phòng, bà nội trợ... Điều đó tạo ra cảm giác phong trào “nhạc miễn phí không cần tác quyền” có lợi cho số đông quần chúng, rằng những người yêu nhạc trên toàn thế giới đang nổi loạn chống lại các tập đoàn giải trí khổng lồ tham lam.

Nhưng như Witt đã viết trong cuốn sách rất thông minh của anh, phần lớn cuộc cách mạng nhạc miễn phí thật ra không phải do những người dùng bình thường thực hiện. Đó là một âm mưu tội phạm có tổ chức để ăn cắp âm nhạc.

Tất nhiên những người bảo vệ việc tải nhạc miễn phí sẽ không thích cụm từ “ăn cắp”. Họ lập luận rằng tải một tập tin MP3 từ một album âm nhạc thương mại không lấy mất của ai cái gì, không như việc nếu tôi ăn cắp của bạn một con gà thì bạn sẽ mất con gà đó. Vì vậy, những người tải nhạc miễn phí thích dùng từ “chia sẻ” hơn. Nhưng trong khi chia sẻ lúc nào cũng tốt, làm sao bạn có thể chia sẻ thứ ngay từ đầu đã không phải là của bạn? 

Kẻ trộm âm nhạc

Hóa ra, theo Witt, những tập tin MP3 mà mọi người đang “chia sẻ” hiện giờ xuất hiện từ một nhóm người đã thật sự đánh cắp, theo đúng nghĩa đen, các đĩa nhạc của những album sắp ra mắt từ các nhà máy sản xuất đĩa CD.

Cuốn sách của Witt kể lại câu chuyện đó, dựa trên những cuộc phỏng vấn sâu và rộng với nhiều người liên can, bao gồm một trong những kẻ tiên phong trong việc lấy trộm đĩa nhạc và biến chúng thành các tập tin MP3 rồi phát tán trên mạng với tên giả Dell Glover, từng làm việc cho một công ty sản xuất đĩa ở North Carolina (Mỹ).

Được mô tả với nhiều sự cảm thông trong cuốn sách của Witt (Witt tả Glover là “bạn gái anh ta không vui, những hình xăm của anh ta thật ngu ngốc và anh ta đang ngập trong nợ nần”), tay kỹ sư này, với những đồng phạm trong nhà máy, đã tuồn ra ngoài các album mới rồi tải chúng lên mạng cho một nhóm bí mật, Scene, tải về.

Theo Witt, Scene là một mạng lưới những người hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ nhạc, phần mềm thương mại, phim ảnh và trò chơi điện tử. Những thành viên của nhóm này hoạt động rất bí mật và ăn cắp mọi thông tin giải trí mà chúng có thể tiếp cận được. Glover nói riêng nhóm của anh ta, chỉ là một phần của Scene, đã tuồn lên mạng 20.000 album trong hơn một thập kỷ.

Điều đáng kinh ngạc là Scene đã hoạt động ngay trước mũi Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trong nhiều năm.

Tuy nhiên, phải nói là ngành công nghiệp âm nhạc cũng không tốt lành gì. Ủy ban Thương mại quốc gia Hoa Kỳ (FDC) đã phát hiện các công ty ghi âm lớn bắt tay với nhau trong nhiều năm trời nhằm giữ giá các đĩa CD ca nhạc cao một cách bất thường.

Khi một trong những người phát minh các tập tin MP3 tới gặp các hãng đĩa vào năm 1997 để đề nghị bán cho họ quyền tác quyền với các tập tin này, anh ta “đã được thông báo lịch sự rằng ngành công nghiệp âm nhạc không tin ở kênh phân phối âm nhạc điện tử”.

Và các công ty đó đã đưa ra những quyết định kỳ lạ mà Witt kể lại trong những câu chuyện rất thú vị (Witt nói việc Time Warner quyết định tự bán mình cho AOL ở đỉnh cao của bong bóng “dotcom” tại Mỹ là “giao dịch ngu ngốc nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản”).

Một nhóm vận động hành lang của ngành âm nhạc, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Mỹ, sau này đã quyết định khởi kiện những người bình thường tải nhạc không bản quyền để thu những khoản tiền nhỏ nhặt, thay vì tấn công những kẻ trộm cộm cán như Scene (họ đã thắng nhiều vụ kiện như thế cho tới khi các ban hội thẩm bắt đầu đứng về phía những người tải nhạc).

Chỉ nghệ sĩ là chịu thiệt

Nhưng ngay cả với các lỗi lầm đó của những công ty nhạc lớn, việc “chia sẻ” miễn phí âm nhạc trên mạng không hề là một cuộc tấn công vào những tập đoàn lớn như nhiều người dùng Internet vẫn tự hào. Thật ra, họ chỉ gây thiệt hại cho các nhạc sĩ và ca sĩ. Cuốn sách của Witt cho thấy các đại gia trong ngành công nghiệp âm nhạc vẫn sống khỏe.

Một nhân vật quan trọng nữa trong cuốn sách là Doug Morris, người từng đứng đầu hãng giải trí khổng lồ Universal. Tới năm 2007, doanh số đĩa CD bán ra đã giảm một nửa so với năm 2000, nhưng như thông tin từ Witt, Morris “vẫn kiếm được gần 15 triệu USD mỗi năm” thông qua việc mạnh tay cắt giảm với những nghệ sĩ mới và chỉ tập trung vào các nghệ sĩ chắc chắn có lời.

Karlheinz Brandenburg - cha đẻ của các tập tin MP3

Ngoài Morris và Glover, nhân vật chính thứ ba của cuốn sách là Karlheinz Brandenburg, thiên tài toán học đứng đầu dự án phát minh ra tập tin MP3 ở Viện Fraunhofer, Erlangen (Đức), trong chương trình được nhà nước tài trợ một phần. Những mô tả của Witt với các vấn đề công nghệ âm thanh rất rõ ràng, và câu chuyện cũng sẽ làm nhiều người ngạc nhiên.

Hóa ra sau khi phát minh MP3, nhóm Fraunhofer cũng đã phát minh máy chơi nhạc MP3 xách tay đầu tiên, nhưng họ không nghĩ là nó đáng để đi đăng ký tác quyền. Thật ra khi họ mang nó tới một hội chợ công nghệ năm 1995, hãng sản xuất điện tử khổng lồ của Hà Lan Philips đã nói với họ: “Sẽ không bao giờ máy nghe nhạc MP3 có thể trở thành một sản phẩm thương mại”.

Sau này khi tiền bạc đã rủng rỉnh, Brandenburg, theo nhận xét của Witt, “bắt đầu hiểu sức mạnh của thị trường tự do cạnh tranh và giống như mọi nhà tư bản có lòng tốt, cố gắng tối đa không tham gia vào thị trường đó”.

Tuy nhiên, việc tải nhạc miễn phí dần bắt đầu kiếm ra tiền. Cuốn sách của Witt được hoàn tất trước khi Apple Music ra đời và sẽ chính thức ra mắt tuần tới ở 100 quốc gia. Năm 2011, lần đầu tiên kể từ khi các tập tin MP3 xuất hiện, người Mỹ đã chi tiền cho nhạc trực tiếp nhiều hơn là nhạc ghi âm.

Năm 2013, doanh thu từ việc tải nhạc trên mạng ở Mỹ, bao gồm các trang web thu phí và quảng cáo, đã lần đầu vượt mốc 1 tỉ USD, dẫn tới việc gã khổng lồ công nghệ Apple bỏ tiền mua lại các trang tải nhạc Dr Dre và Beats với giá hơn 1 tỉ USD.

Trong khi đó, Spotify, Rhapsody, Deezer và nhiều trang tải nhạc khác đã phải mua bản quyền nghiêm túc của các nghệ sĩ lớn như Led Zeppelin hay The Beatles. Việc tải nhạc tự do đã giúp các nghệ sĩ tiếp xúc với số đông công chúng hơn qua Internet. Lady Gaga chẳng hạn, đã bán được 1 triệu album Born this way cho người nghe trên Internet với giá 99 xu mỗi bản.

Ở cuối cuốn sách, chính Witt thú nhận anh cũng là người thích tải về các dữ liệu miễn phí trên mạng, chủ yếu là nhạc. “Hầu hết là những bản nhạc mà tôi không bao giờ nghe” - Witt viết. Anh tự hào với chín ổ cứng có khoảng 100.000 bài MP3 mà anh đã gom góp được trong nhiều năm, nhưng “tôi cũng đã bỏ tiền mua một tài khoản trên Spotify” - Witt biện bạch một cách vớt vát.              

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận