Chuyện trên sân tập

MINH DŨNG 11/09/2013 01:09 GMT+7

TTCT - Chuyện thứ nhất: - Thầy nói con hiểu không? - (Lắc đầu) - Khi thầy hỏi, con trả lời thầy chứ đừng lắc hoặc gật đầu nhé.

Phóng to
Dạy võ không chỉ để môn sinh tự tin mà thông qua đó còn giúp họ hoàn thiện nhân cách

- (Gật đầu)

- Con phải nói là “Dạ, thưa thầy…”.

Cậu môn sinh 16 tuổi trên sân tập aikido nói lí nhí trong miệng.

Chuyện thứ hai:

- Chào mọi người con về.

Một môn sinh 14 tuổi, con của một Việt kiều Mỹ đã hồi hương, cùng với cha đi tập aikido. Em chào tôi, cha của em và một số bạn đồng môn lớn tuổi khác đang ngồi giải lao sau giờ tập. Tôi lắc đầu:

- Ôi, bọn trẻ bây giờ. Chúng nó nói năng chả phân biệt trên dưới trước sau gì cả, cứ đánh đồng già trẻ lớn bé vào một rổ “mọi người”.

Anh môn sinh Việt kiều liền bật miệng:

- Ông sao khó quá, nó còn chào được là tốt rồi!

Chuyện thứ ba:

Tôi đến dự khán một buổi tập huấn aikido quốc tế ở sân tập Quân khu 7 vào một chiều chủ nhật. Một môn sinh nhí vô tình đứng chắn tầm mắt, tôi ra hiệu cho em đứng tránh qua một bên. Em nhìn tôi ra vẻ xin lỗi. Và kể từ đó, em trở thành người “bảo vệ” tầm nhìn cho tôi: em đến nhắc nhở những ai đứng chắn trước mặt tôi, kể cả người lớn, cho đến hết buổi tập huấn.

Tôi nhìn em gật đầu thay cho lời cảm ơn mà trong lòng rất vui.

Ba câu chuyện, ba cảm xúc khác nhau nhưng ít nhiều làm tôi băn khoăn. Có thể cuộc sống hiện nay quá vất vả lẫn vội vã, người ta không còn thời giờ để quan tâm đến những “chuyện nhỏ” trên. Cuộc sống hiện đại, thời gian dành để kiếm sao cho ra nhiều tiền. “Phú quý ắt sinh lễ nghĩa” thôi mà… Liệu có phải vậy không?

Đọc báo, ngày càng nhiều thông tin về những cái chết cực kỳ vớ vẩn. Nhìn nhau thấy ghét: đâm; nói một câu xúc phạm: chém; va quẹt nhỏ ngoài đường: giết… Có lẽ cái ác và hung dữ nảy sinh từ sự thờ ơ với những “chuyện nhỏ” trong ứng xử hằng ngày? Tôi không dám lạm bàn về những chuyện lớn như phục hồi lễ nghĩa, cải tiến giáo dục công dân… mà chỉ cố gắng “nhìn” những chuyện nhỏ này trong phạm vi sân tập - cuộc đời.

Với câu chuyện thứ nhất, tôi nghĩ rằng cha mẹ của cậu môn sinh này không có nhiều thời gian trò chuyện với em. Khả năng là em chỉ nhận được nhiều “mệnh lệnh” và “câu trả lời ngắn gọn nhất: gật và lắc đầu” của em đã được họ chấp nhận như lẽ đương nhiên. Lâu dần, ngôn ngữ diễn đạt của em bị “thui chột” và em cảm thấy rất khó khăn khi phải làm khác thói quen hằng ngày.

Tôi đã nhẹ nhàng nhưng kiên quyết buộc em trả lời tôi bằng một câu nói dù chưa hoàn chỉnh: “Dạ, hiểu”, “Dạ, không”; rồi tiến tới: “Dạ thưa thầy, con hiểu”… Chỉ một tháng sau, em đã trả lời theo cách tôi yêu cầu hết sức tự nhiên. Tôi rút ra một điều: người lớn chúng ta đã có lỗi trong ứng xử với các em. Trên sân tập võ, tôi đã phải dạy thêm văn hóa ứng xử mỗi ngày cho các em nữa.

Ở trường hợp thứ hai, tôi không đồng ý với nhận xét và sự chấp nhận dễ dãi của anh môn sinh Việt kiều với con mình. Tôi đã gặp riêng và giải thích cho em môn sinh này hiểu tại sao cần phải phân biệt trong câu chào hỏi của người Việt chúng ta. Sau đó, em đã vui vẻ sửa lại và nói rất đúng cú pháp.

Riêng với câu chuyện thứ ba, tôi mừng vì em nhỏ đã được người lớn dạy dỗ chu đáo. Em biết phân biệt đúng sai và dám “nhận trách nhiệm” thực hiện và bảo vệ cái đúng dù đang tuổi thiếu niên.

Người ta thường cho rằng dân võ thuật là “võ biền” nên rất dễ “chép miệng” bỏ qua những hành vi kém văn hóa. Cái chép miệng này chính là “lỗ nhỏ” trên chiếc thuyền “văn hóa ứng xử” của chúng ta đấy thôi.

Tôi rất nể phục ông Nguyễn Sự, bí thư Thành ủy Hội An, người được trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh cho những “việc nhỏ” ông đã làm để thay đổi thói quen chưa hay của người dân Hội An. Trên sân tập aikido, tôi chỉ làm những việc nhỏ góp phần vào văn hóa ứng xử đúng mực của các môn sinh với hi vọng rằng họ sẽ hoàn thiện nhân cách trong cuộc sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận