Có một người đã đi qua cuộc đời

TTCT - Khi anh đến mọi thứ đã kết thúc. Phòng nghi lễ được dọn dẹp gọn và sạch, không để lại chút vết tích những gì diễn ra trước đó khiến anh hơi hẫng. Anh đã cố thật nhanh, nhưng không kịp.

Phóng to
Minh họa: Mặc Tuân

Anh nhìn đồng hồ đeo tay. Vừa đúng giờ theo thông báo nhưng không hiểu sao mọi thứ xong sớm như vậy. Đồng hồ anh chậm hay giờ báo sai? Anh nhìn màn hình tivi thật lớn đặt ở góc trái gian phòng.

Trong đó, bên dưới tầng trệt là nơi hỏa táng có hai cái quạt đứng lớn, loại quạt công nghiệp đang quay qua lại. Một người đàn ông tới lui vẻ chờ đợi. Lát sau, có một người đàn ông khác xuất hiện, cả hai đứng lại với nhau một lúc rồi đi vào phía trong và mất hút sau một bức tường. Anh quay sang hỏi người phụ nữ đứng bên cạnh cũng đang chăm chú nhìn vào màn hình tivi:

- Người ta hẹn khi nào lấy cốt hả chị?

Người phụ nữ trả lời:

- Sáng mốt. Hôm qua và hôm nay nhiều, phải xếp hàng chờ đến lượt.

Anh quay ra hành lang sảnh phía trước, gia đình người quá cố đang xúm xít chụp hình. Anh gắng tìm cho được một người quen nhưng chỉ thấy những gương mặt thật lạ. Bỗng dưng anh đâm nghi ngờ trí nhớ của mình. Có một người họ hàng bên ấy là bạn cùng thời tiểu học với anh. Thuở nhỏ anh vẫn thường qua lại và quen biết thêm vài người nữa. Dù trí nhớ của anh được kích hoạt liên tục, mọi thứ vẫn mù mờ.

Anh cố gắng bóc tách từng lớp ký ức, nhưng thật vô vọng. Anh đến vì một người mà anh gọi là anh họ, thế nhưng anh cũng không tìm thấy. Khi nãy anh có hỏi người phụ nữ và nhận được câu trả lời rằng hai vợ chồng vừa mới đây, có thể đang đi làm các thủ tục hành chính. Anh đã chạy xe hơn 10 cây số trong giữa trưa nắng gắt, anh phải gặp người cần gặp.

Họ chia ra từng tốp để chụp hình theo yêu cầu. Anh nhìn chậm và kỹ từng người lần nữa, thế nhưng quá khứ vẫn như màn sương dày đặc không thể đoán biết nhóm nào của gia đình nào, mối liên kết giữa họ ra sao.

Người quá cố là mẹ của anh họ, vợ đầu của cậu ruột anh mà trong họ hàng mọi người vẫn gọi là mợ lớn. Thật tình, anh không đi viếng cũng được vì sợi dây liên hệ bà con lỏng lẻo quá, mối quan hệ nhợt nhạt quá. Cậu anh đã mất cách đây ba mươi năm rồi. Nhân duyên của họ rất ngắn ngủi. Dường như anh chỉ gặp anh họ một lần duy nhất ngày cậu mất. Tất cả chỉ qua lời mẹ anh kể và tin tức thỉnh thoảng đến anh qua kênh mấy người anh họ con đời vợ sau của cậu.

Anh góp nhặt những chuyện không đầu không cuối từ mẹ anh, những người dì, trải dài qua mấy chục năm và xâu chuỗi nó lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh của quá khứ. Mợ lớn do ông bà ngoại chọn cho cậu. Một người phụ nữ rất đẹp, hiền lành, nết na, biết ăn biết ở. Về làm dâu chưa được bao lâu, cậu anh nhận công tác xa nhà và ông có người đàn bà khác, nghe kể đẹp và sang hơn mợ lớn nhiều lắm.

Người đàn bà này đến rồi đi và cậu lại có người đàn bà khác nữa, bà sau lại đẹp hơn bà trước. Không hiểu có phải kiểu tình cảm nhăng nhít ấy đã khiến mợ lớn không ghen, vì cho đó là bản tính của chồng mình hay mợ tự tin nghĩ rằng lăng nhăng cách mấy thì người đàn ông cũng phải về nhà.

Mẹ anh kể giai đoạn đó ông ngoại buồn lắm, vốn là một nhà thơ được nhiều người ngưỡng mộ, hồi nhỏ anh đã từng chứng kiến nhà ông ngoại ngày nào cũng có khách áo dài khăn đóng đến uống nước trà nghe ông ngoại đọc thơ, nhưng sau này ông không còn thiết tha gì đến văn chương thơ phú. Sáng, ông xách cuốc lên vườn cách nhà khoảng cây số làm bạn với đất. Mợ lớn thương ông, xách cuốc chạy theo, sau khi lo cho hết bầy em chồng có bữa ăn sáng.

Mẹ anh không kể về những cuộc đối thoại giữa ông ngoại và mợ lớn, bà thường bảo mợ ấy hiền đến mức không biết ăn nói luôn, khiến anh có thể hình dung cảnh một già, một trẻ cùi cũi làm việc từ sáng đến trưa, thảng hoặc vài câu trao đổi có thể là cha nghỉ tay uống nước, hay nắng lên quá rồi, mình về con...

Anh họ chưa đầy hai tuổi, cậu về báo với ông ngoại sẽ lấy vợ khác. Ông ngoại giận lắm, xách cái rựa ra vườn bằm nát gốc cây bàng làm thành một cái hốc thật to, sâu hoắm. Cái thẹo ở gốc cây bàng này anh biết, hồi còn bé anh và lũ em họ vẫn thường chạy nhảy ở đây. Cái hốc là chỗ núp trong các trò chơi trốn tìm. Ngồi vào đó thật mát, ai cũng tranh nhau chui vô, rúm người, bó gối lại gọn bên trong đến nỗi sau một thời gian bề mặt nó trơn láng, dựa vào rất thích. Hết lượt em họ này đến lượt em họ khác đều có kỷ niệm ở hốc cây bàng.

Sau khi băm vằm gốc cây bàng cho qua cơn giận, ông ngoại anh vào nhà quăng cái rựa vô góc bếp, lên nhà trên uống nước. Mợ anh sợ lắm, mặt xanh dờn, nép sau chái len lén nhìn qua cửa sổ chờ cơn thịnh nộ tiếp theo của ông. Nhưng không, ông chỉ thở dài nói thật nhẹ với cậu: “Ừ, anh thích tự đi mà cưới, tôi chỉ cưới vợ cho anh một lần”.

Ly dị được một tháng, cậu nhắn tin mời mẹ anh và mấy người dì vào thành phố dự đám cưới. Cả nhà không ai dám đi trừ mẹ anh. Bà kể đám cưới to lắm, đãi nhà hàng sang trọng, cô dâu mặc không biết bao nhiêu áo, chú rể tươi như hoa.

Tình cảnh mợ lớn ở nhà ông ngoại khá éo le. Không phải hai mẹ con mợ không có nơi để đi mà vì ông ngoại anh không cho mợ rời khỏi nhà. Ông bảo anh họ là cháu đích tôn, mợ là dâu trưởng, không ai thay được vị trí của mợ. Tuy nhiên, một thời gian sau, mà anh đoán do tính mợ hiền lành, quen nhịn chịu thiệt thòi, nếu mợ còn ở đó làm sao cậu về thăm gia đình? Vậy là hai mẹ con mợ khăn gói ra đi.

Mợ lớn đi rồi, ông ngoại anh buồn lắm. Không bạn bè, văn chương thơ phú gì cả, suốt ngày ngồi trong nhà ngó ra, hết hút thuốc lại uống nước trà. Một ngày, ông tay nải bảo là đi xa. Cả nhà không ai biết ông đi đâu. Mãi sau thấy cậu đưa ông cùng gia đình trở về. Hóa ra ông đi thăm cậu. Ông đầu hàng. Tình cha bao dung, rộng lớn như biển trời.

Mợ lớn bỏ xứ, về ở với gia đình một người anh, phụ buôn bán nuôi con. Mẹ anh có vài lần đến thăm mợ nhân dịp gì đó. Bà nói mừng vì thấy mợ khá giả. Cũng có nhiều người theo đuổi nhưng mợ đều từ chối. Theo ý mẹ anh, mợ lớn vẫn còn yêu cậu, bà mong cậu nghĩ lại.

Cuộc hôn nhân sau của cậu kéo dài được tám năm thì mợ sau mất. Người mợ sau khá thân với mẹ anh. Anh nhớ, giai đoạn trước khi mất bà hay đến nhà chuyện trò tâm sự với mẹ. Có một hôm đi học về, anh thấy mợ gục đầu vào vai mẹ và khóc. Mợ về, mẹ anh chỉ nói mợ ấy buồn. Vậy thôi, buồn như thế nào thì anh hoàn toàn không biết.

Đúng một tuần sau đó, mợ qua đời. Người ta bảo mợ bị trúng gió. Cậu anh mang hai người con về gửi bên nội bởi ông còn công tác xa nhà. Năm sau, cậu mất trong một tai nạn giao thông. Đám tang cậu, mợ lớn có đưa anh họ về, tất nhiên mợ không để tang. Đó là lần duy nhất anh gặp mặt anh họ.

Thật ra, lý do anh đến đây còn bởi mẹ anh. Mấy hôm trước một người họ hàng điện thoại báo tin mợ lớn mất. Người nhận điện thoại là mẹ, bà chao đảo thấy rõ. Ở vào cái tuổi “không còn bao lâu nữa” người ta dễ bị sốc khi nghe ai đó cùng thời ra đi. Mẹ anh cũng vào giai đoạn nhớ nhớ quên quên, khi tỉnh táo, lúc lẩm cẩm, vui buồn bất chợt. Ngày hôm sau bà rơi vào trạng thái lẩn thẩn.

Bà kể anh nghe về mợ lớn, những ngày tháng hai người còn rất trẻ (và rất đẹp). Câu chuyện đôi lúc lặp đi lặp lại. Bà nói rằng tháng trước mẹ đi thăm mợ lớn. Mợ đưa mẹ ra phố, ăn nem nướng, mua cho mẹ xấp vải áo dài, đôi giày và một cái bóp đầm. Lúc về mợ còn dúi vào tay mẹ năm trăm đồng. Nghĩ trên đời chưa có ai tốt với mẹ như mợ.

Mẹ còn nằm mơ thấy hai chị em đi xe lửa lên Đà Lạt thăm cậu. Phát hiện cậu tay trong tay với một cô vậy mà mợ không làm gì hết, bảo mẹ quay về, không cho cậu biết. Tuy nhiên hai người chưa vội về mà dạo chợ Đà Lạt mua hoa và rau. Bà bình phẩm thời xưa chiến tranh, giao thông khó khăn còn có xe lửa đi từ đồng bằng lên cao nguyên. Bây giờ tân tiến bỏ luôn tuyến đường sắt này, tiếc quá!

Anh nhớ lại mấy năm trước khi mẹ anh còn khỏe, anh có đưa bà đi Đà Lạt chơi vài ngày. Lên đó bà chẳng đi đâu, ngày nào cũng đòi đến di tích nhà ga xe lửa cũ và ngồi ghế đá ngắm mây trời. Anh không biết bà nghĩ gì, có kỷ niệm nào thời tuổi trẻ buồn hay vui khiến bà đăm chiêu như thế!

Sáng sớm hôm nay, mẹ còn bảo với anh nếu khỏe bà sẽ đi viếng mợ lớn. Hàm ý sẽ rất trách cứ nếu anh không vì bà mà đi thăm mợ một lần cuối đã khiến anh không làm được việc gì khi đến cơ quan. Anh sợ bị cuốn vào công việc sẽ quên dù anh đã cài điện thoại hẹn báo giờ. Thật ra lỡ quên, anh có thể nói dối là đã đến viếng. Anh biết mẹ sẽ không hỏi thăm nhiều về các chi tiết nghi lễ vì bà nhớ nhớ quên quên, hỏi cũng sẽ quên ngay sau đó.

Anh lại nhớ tấm hình mẹ anh thời còn trẻ mới đẹp làm sao. Bà mặc áo dài, cổ cao, chít eo, ngồi bắt chéo chân lộ ra đôi guốc cao gót. Thời trang hơn năm mươi năm về trước vẫn đẹp, sang trọng, không lỗi mốt so với bây giờ. Bà ôm anh trong lòng. Anh mặc áo carô, quần soóc, mang đôi giày vải, đội mũ bêrê. Tay chân tròn đầy trông rất kháu khỉnh. Hôm ấy là ngày tết.

Đó là một tấm hình rất đẹp, phải thật sự hạnh phúc ở cả người chụp lẫn người được chụp mới làm nên một tác phẩm biết nói như vậy. Anh lại hình dung vẻ rạng ngời của ba anh khi chụp tấm hình đó. Gia đình luôn là tất cả, mọi mục đích trong cõi đời này cuối cùng cũng vì một mái ấm. Có bao người đã vô tình hay cố ý bỏ quên? Mẹ anh là một phụ nữ hạnh phúc, bà có một quãng đời dài được ba anh làm cây tùng cây bách.

Ba anh mất, mẹ về ở với anh. Vợ anh biết điều, cư xử tốt với mẹ chồng. Anh thương mẹ và cả tội nghiệp khi mỗi năm thấy mẹ già đi, lẩn thẩn, nói trước quên sau, nhầm lẫn cái này vật kia. Suy cho cùng, ai rồi cũng sẽ già và kèm theo những chứng của buổi hoàng hôn.

Ông trời ban cho con người sức khỏe, cuộc sống tươi trẻ rồi ông lấy lại những thứ đó. Tuy nhiên, ông đã hào phóng nhẹ tay với con người khi bắt họ quên nhiều thứ, không nghe được rõ sự đời, mắt mờ đi bớt nhìn thấy những muộn phiền để rũ bỏ tham, sân, si. Chiều rồi, tấm màn nhung cuộc đời sắp khép lại rồi, không bao dung lúc này thì đến bao giờ mới biết bao dung?

Anh nghĩ đến mợ lớn, dù trí tưởng tượng kém đến đâu anh cũng hình dung được nỗi cô đơn triền miên của người phụ nữ hai mươi hai tuổi đã phải một mình vò võ nuôi con. Tuổi trẻ trôi qua, sắc đẹp ngày một giảm và nỗi buồn chỉ mình biết. Thời xuân sắc nhất, bao người đến rồi đi bằng cái nhìn vô cảm của mợ? Mợ chờ đợi cậu trong vô vọng hay bà muốn tự hủy diệt cảm xúc? Mợ nghĩ gì, quan niệm cuộc đời của bà ra sao trong nhiều năm dài sau đó? Và nữa, ông trời bao dung hay khắt khe bắt mợ chứng kiến người ruồng rẫy mợ phải bỏ cuộc chơi trước?

Trí nhớ anh mù mờ về hình ảnh mợ lớn. Anh thoáng thấy bà trong gian bếp nhà ông ngoại một ngày giỗ cậu năm nào đó. Thông tin anh có được qua những người dì là mợ đã cưới vợ cho con trai tuy có hơi muộn. Anh cũng nghe ong ve con dâu của mợ sinh em bé chỉ năm tháng sau khi cưới mà hai người quen nhau chưa bằng thời gian ấy. Thế gian thị phi lắm điều. Thói đời, người ta hay thêu dệt và cố thổi phồng sự việc rồi mau chóng quên đi...

Đám trẻ tách rời người lớn, lôi nhau ra chụp hình riêng. Chúng đang ghi lại kỷ niệm thời gian hiếm hoi gặp nhau đông đủ anh em bà con. Có một người tiến đến phía anh, đưa máy ảnh và nhờ anh chụp cho cả nhà. Ai đó sốt ruột:

- Không hiểu anh chị ấy đi đâu lâu quá?

- A, kia rồi. Để mọi người chờ mãi.

- Đông đủ rồi, nhờ anh chụp giúp gia đình mấy tấm nhé.

Anh quay ra phía sau và nhận ra ngay anh họ dù vết thời gian đã làm cũ kỹ, nhăn nhúm, bạc màu. Người anh họ cũng nhận ra anh sau chút bỡ ngỡ. Anh tiến đến. Hai người bắt tay nhau. Anh nói lời chia buồn. Anh nhận ra nụ cười héo úa và mệt mỏi trên gương mặt anh họ cùng ánh mắt buồn xa thẳm. Anh không kịp nói gì nhiều vì tiếng giục giã từ phía sau:

- Mau lên còn về. Phải mất hơn hai tiếng mới về đến nhà. Mấy thầy điện ra hẹn giờ cúng rồi.

Mọi người ổn định vị trí để chụp hình, bọn trẻ chen nhau đứng ra phía trước. Anh giương máy lên và ngắm. Anh lùi lại một chút lấy cho hết từng ấy người vào khung hình. Lúc bấm máy chân anh muốn khuỵu xuống khi chợt nhận ra người phụ nữ đứng bên cạnh anh họ là cả một quá khứ buồn bã ám ảnh anh bao năm nay. Tai anh ong ong khi nhớ lại hôm qua mẹ có nói một câu mà anh cho rằng bà đã nhầm lẫn lung tung: “Mợ tốt với gia đình mình, không chỉ với cậu mà cả với con nữa”.

Ngày ấy anh chia tay chị không phải vì lời giao ước giữa cha mẹ anh với cha mẹ vợ anh bây giờ mà đó là cách duy nhất để anh trả ơn cha vợ đã giúp cha anh thoát vòng lao lý, gia đình qua cơn hoạn nạn. Thời gian quay ngược, hiện rõ gương mặt chị đầm đìa nước mắt khi báo tin anh có một mầm sống hiện diện trong chị. Anh bặt tin chị từ đó. Mẹ anh có biết chuyện này và bà cũng đành bất lực trong đau đớn vì bà rất thương chị.

Đầu óc anh chao đảo. Trao máy hình cho một người, anh lui lại dựa lưng vào tường và hít thở sâu. Mọi người hối thúc mau chóng ra xe. Họ phải đi hai trăm cây số. Khoảng cách địa lý này đã giúp mợ lớn quên được cậu và tạo dựng cuộc sống bình yên. Và, cũng chính khoảng cách đó đã cưu mang một người tìm đến, trú thân an toàn, vượt qua chuỗi ngày dông bão mà sao đến bây giờ anh mới biết?

Anh nhìn theo chàng thanh niên cao, dáng vóc khỏe mạnh ôm lấy vai người phụ nữ nhỏ nhắn dìu chầm chậm xuống dốc. Anh họ chỉ có duy nhất một con trai. Anh chợt lạnh người khi nhớ lại những phong bao lì xì màu đỏ thật dày mẹ anh thường bảo để dành gửi một người, đều đặn mỗi năm vào dịp tết. Sao anh vô tâm đến mức chưa một lần thắc mắc hỏi mẹ cho cặn kẽ. Tim anh thắt lại. Quá khứ ùa về như dao nhọn.

Đoàn người đi qua, bỏ lại anh một mình với nỗi đau giằng xé. Anh nhìn mãi lần lượt từng người bước lên xe cho đến khi chiếc xe cuối cùng khuất sau trụ cổng. Một cơn gió thốc qua, đám lá vàng lả tả rơi xuống rải thảm trên mặt đường nhựa. Hoa điệp vàng rực cuối con dốc. Hàng dâm bụt hai bên đường đính đầy hoa đỏ đong đưa trong gió. Bầy chuồn chuồn ở đâu bỗng dập dờn hiện ra, rừng đôi cánh mỏng lấp lánh chấp chới trong nắng.

Anh muốn khóc thật to nhưng cổ họng nghẹn đắng. Ngồi phịch xuống nền gạch hoa, hai tay ôm lấy đầu, anh lẩm bẩm: “Tám mươi lăm năm mợ đi qua cuộc đời này, chứng kiến cùng chịu đựng lỗi lầm của nhiều người và đã nhân ái lượng thứ hết thảy. Cảm ơn mợ đã bao dung với cuộc sống, với cậu và với con nữa. Mợ ơi!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận