Đâu phải ai cũng thành Wayne Rooney

LOAN PHƯƠNG - LÊ TẤN 03/04/2013 08:04 GMT+7

TTCT - Các CLB bóng đá Anh tuyển cầu thủ nhí từ năm lên 6, nhưng chỉ 1% trong số đó chơi chuyên nghiệp về sau. Giấc mơ trở thành cầu thủ rất dễ tan vỡ trong một thị trường cạnh tranh đầy áp lực mà không phải ai cũng vượt qua được.

Phóng to
Được khoác lên mình chiếc áo M.U và thi đấu ở Old Trafford là giấc mơ của hàng triệu chú nhóc, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành Wayne Rooney (thứ hai từ trái) - Ảnh: flickr.com

Bóng đá đã có trong huyết quản của gia đình Garner khi ông bố Simon là chân sút xuất sắc nhất mọi thời đại của Blackburn Rovers (ghi 168 bàn thắng từ năm 1978-1992). Từ nhỏ, Thomas Garner đã hít thở và sống với bóng đá. Cậu bé tranh thủ mọi nơi để chơi bóng, từ vườn nhà ở Berkshire hoặc công viên khu phố, chơi cho CLB vào ngày chủ nhật và đội bóng của trường trong tuần.

Thomas chơi bóng khéo léo, di chuyển nhanh và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, Thomas lại là nạn nhân của sự cay nghiệt nhất trong bóng đá: sàng lọc tài năng.

Trước 10 tuổi đã ký hợp đồng

Năm lên 8, Thomas được Reading FC mời gia nhập đội U-10 và tập luyện cùng 30 cầu thủ trẻ tài năng khác bằng một hợp đồng thi đấu vĩnh viễn cho CLB. Nhưng một năm sau, Thomas được “giải phóng” khỏi hợp đồng mà không có một lời giải thích rõ ràng, ngoài chuyện nhỏ con hơn đồng đội cùng tuổi. Ông Simon khẳng định: “Đây là bài học cho gia đình tôi. Theo tôi, các CLB tuyển các cậu bé lúc chúng còn quá nhỏ, bắt ký hợp đồng trước tuổi lên 10 để thi đấu vĩnh viễn cho CLB. Họ áp đặt thời gian biểu cuối tuần và thường ưu tiên tập luyện thể lực nhiều hơn là kỹ thuật. Điều này thật nực cười vì bọn trẻ đâu có phát triển như nhau”.

Các CLB thường tìm cách giữ cầu thủ nhí càng lâu càng tốt để tránh trường hợp không uổng phí tài năng phát triển muộn. Nhưng với các em 9-10 tuổi mà không được giữ lại, đây có lẽ là “thời điểm đau khổ” như thừa nhận của Eamonn Dolan, người phụ trách tuyến cầu thủ U-10 của Reading FC. Nhưng thường sau đó các em này lại xuất hiện trong các giai đoạn đào tạo về sau. Điều đó chẳng khác một chiếc thảm lăn liên tục.

“Chúng tôi muốn các cầu thủ trẻ nhất có thể, từ năm lên 6. Đây là một chương trình đào tạo hàng đầu và chúng tôi chỉ tìm những em xuất sắc nhất” - Dolan giải thích. Những em nào trụ lại được đến năm 12 tuổi thì ký hợp đồng hai năm. Tuy nhiên, chưa biết chừng các em này lại “lên đường” lúc 14 hoặc 16 tuổi. Trong thực tế, tờ The Times cho biết có chưa tới 1% trong số 10.000 cầu thủ thiếu niên trưởng thành ở các trường bóng đá đạt đến trình độ thi đấu chuyên nghiệp.

Theo một nghiên cứu mới công bố trên Journal of Sport and Exercise Psychology (tạp chí tâm lý thể thao và tập luyện), tiến sĩ Andrew Hill, người giảng dạy khoa học thể thao tại Đại học Leeds, đã phỏng vấn 167 cầu thủ trẻ tại tám trường dạy bóng đá gắn với các CLB nhà nghề Anh. Ông phát hiện rất nhiều em bị stress kinh niên, kiệt sức vì tập luyện quá nhiều: “Đó là một môi trường có thể làm cầu thủ tin rằng họ sẽ có tương lai tươi sáng... Nhưng khi mọi việc không như mong muốn, họ không vượt qua được bi kịch”.

Khi được hỏi, nhiều phụ huynh hoặc HLV dẫn ra nhiều bằng chứng đau lòng. Có những CLB hạng nhất ở Anh đề nghị cả gia đình cầu thủ nhí phải đổi chỗ ở vì muốn “học trò” của trường sống gần CLB. Hoặc những tuyển trạch viên cứ lảng vảng ở các bãi giữ xe để săn tìm các cầu thủ trẻ sau những buổi tập. Giám đốc đào tạo Kristjaan Speakman ở CLB Birmingham City nói: “Rất hiếm khi nghe được những điều tích cực về trường bóng đá. Thật dễ khi chỉ trích chúng tôi, nhưng ở đâu cũng thế cả”.

Trường hợp Mitten

Ở tuổi 14 mà gây đủ ấn tượng để được thử việc ở M.U, Sam Mitten đang sống trong giấc mơ của hàng triệu cậu bé khác trên toàn thế giới. Nhưng ở tuổi 17, Mitten vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp và đang phải tính con đường khác.

Mới đây nhất, Mitten tới thử việc cho đội Aarhus, một CLB làng nhàng ở giải đấu hạng cao nhất của Đan Mạch, nhưng anh đã bị từ chối sau một tuần lễ tập với đội U-19. Để sang Đan Mạch thử việc, Mitten đã phải xin tiền mẹ khoảng 3.000 bảng để chi tiêu mọi thứ trong một tuần lễ, để rồi nhận được cái lắc đầu đầy thất vọng. “Ở Aarhus tôi muốn ăn táo, khoảng 4 bảng (127.000 đồng) sáu quả, và tôi phải suy nghĩ rất kỹ trước khi mua. Tôi không dám mua thứ gì khác, ngay cả ăn ở McDonald cũng rất đắt” - Mitten buồn bã nói.

Ba năm về trước, Mitten bỏ học và gia nhập Stockport, một đội hiện chơi ở giải bán chuyên Conference National theo một hợp đồng tập sự hai năm. Năm 2011, tờ FourFourTwo cho biết Mitten nhận được một cuộc gọi từ M.U đề nghị chơi thử tại sân tập Carrington nổi tiếng của đội này. Trong số 28 cầu thủ ra sân ngày hôm đó, Mitten chơi xuất sắc nhất.

Anh được mời thi đấu vài trận cho đội U-15 của M.U. Thế là Stockport đòi 70.000 bảng (223 triệu đồng) cho Mitten, 35.000 trả ngay lập tức và 35.000 sau khi anh ký hợp đồng chuyên nghiệp. Sáu tuần sau, M.U trả lời họ từ chối. Con đường tắt với Mitten từ đó khép lại vĩnh viễn, nhưng con đường bình thường cũng đầy chông gai.

Trở về Stockport, lúc đó còn ở hạng chuyên nghiệp League Two, Mitten vẫn đầy hi vọng. Stockport nổi tiếng về đào tạo trẻ với vài cầu thủ xuất thân từ đây đang chơi ở Premier League. Mitten nhận mức lương thử việc 81 bảng/tuần và được trả tiền xe buýt từ nhà tới sân tập. Khi được những bạn học cũ và thầy cô giáo ở trường hỏi nghỉ học để làm gì, Mitten trả lời anh sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. “Thật tuyệt khi tuyên bố như thế” - anh nói.

Nhưng rồi một chấn thương gối khiến mọi kế hoạch đổ bể. Vốn không đủ tài năng, vết thương ở chân khiến Mitten vắng mặt không phải sáu tuần lễ như dự kiến mà là từ 8-9 tháng. “Tôi sẽ phải phẫu thuật và khi về nhà báo lại tin đó, mẹ tôi đang ngồi trên ghế sôpha đã bật khóc” - Mitten nhớ lại. Anh chỉ có thể chạy trở lại ba tháng sau cuộc phẫu thuật tháng 11-2011. Tháng 2-2012, Mitten chơi trận đầu tiên và cho tới hết mùa giải ra sân được khoảng 300 phút, nhưng đầy khó khăn và không bao giờ trở lại như xưa nữa.

Mọi việc thêm tồi tệ khi vào ngày cuối cùng của mùa giải, vì khủng hoảng kinh tế và đứng trước nguy cơ rớt hạng, Stockport tuyên bố giải tán đội trẻ. Tất cả những người có hợp đồng tập sự như Mitten sẽ phải rời CLB. Anh đứng trước áp lực lớn từ gia đình phải giải quyết rốt ráo chuyện tương lai khi học hành đã dang dở, còn thành cầu thủ cũng không xong.

Cha Mitten muốn anh đăng ký vào một lớp học nghề thợ điện, để trong lúc rảnh vẫn có thể chơi bóng bán chuyên nghiệp nếu muốn. Nhưng giấc mơ một ngày nào đó bước ra sân Old Trafford trong màu áo đỏ giờ đã quá xa vời.

Người ta bảo rằng trải qua một khoảng thời gian, dù ngắn, trong hệ thống thể thao đỉnh cao cũng có những mặt tích cực. Tính kỷ luật, nỗ lực và những phẩm chất khác sẽ có được trong cuộc sống nếu như chúng được khắc ghi trong đầu óc và cơ thể lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, cựu chân sút Blackburn Rovers Simon Garner cho rằng chịu áp lực của những trường đào tạo bóng đá ngay từ nhỏ có thể giết chết sự hứng thú.

“Tôi nghe nói rằng mỗi năm CLB phải tìm được cầu thủ trở thành nhà nghề sau này, một cầu thủ mà họ có thể bán 1 triệu bảng Anh. Vì vậy, cuộc chạy đua tìm kiếm cầu thủ như vậy bắt đầu khi trẻ em mới 8 tuổi quả là nghiệt ngã” - Simon nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận