Điều chân thật trong "hội chợ phù hoa"

ĐINH ĐỨC HOÀNG 08/03/2014 08:03 GMT+7

TTCT - Tính nữ kết hợp với Facebook sẽ tạo ra những điều gì? Một bức tranh nhiều màu sắc, tối có và sáng có. Cơ chế của Facebook cho người phụ nữ cơ hội để phô bày những mặt phù phiếm nhất và may mắn thay, cả những đức tính đẹp đẽ nhất.


Minh họa: VIIP
Ngành công nghiệp thời trang vốn thống trị xu hướng tiêu dùng của phụ nữ với tổng doanh thu 1.500 tỉ USD/năm trên toàn cầu, thì việc nó thống trị xu hướng sử dụng Facebook của chị em cũng có thể coi như một điều tất nhiên.


Hội chợ phù hoa

Thời mà truyền thông đại chúng định hướng thẩm mỹ của chị em phụ nữ, thời mà họ chủ yếu để đầu tóc và ăn mặc theo cô diễn viên trong phim hay cô ca sĩ trên sân khấu dường như đã qua. Hãng Dove mới đây làm một khảo sát, trong đó 82% số phụ nữ được hỏi khẳng định rằng bây giờ định nghĩa thẩm mỹ của họ được tạo ra bởi mạng xã hội nhiều hơn là báo chí, điện ảnh và âm nhạc.

Facebook là mạng xã hội lớn nhất hành tinh với hơn 1 tỉ người dùng, và tất nhiên nó là bánh xe lớn của sự vận động ấy.

Theo các nhà nghiên cứu thì thay vì phải mất vài phút hay cả giờ chăm chú nhìn vào một trang báo, xem một bộ phim hay video ca nhạc, mạng xã hội cho phép chị em nhìn thấy nghìn bức ảnh với một tốc độ cực nhanh mỗi ngày. Trong những cú kéo chuột tốc độ ấy, các giá trị thẩm mỹ cũng được tái định nghĩa.

Và đó là tiền đề để biến Facebook trở thành một “maison couture” - xưởng thời trang khổng lồ. Ở đó diễn ra các hoạt động cơ bản của ngành thời trang: trình diễn, tư vấn, trao đổi, mua bán và cả sản xuất.

Để viết bài này, tôi tiếp xúc với N., một cô gái trẻ từng nhận một danh hiệu hoa khôi cấp trường. Cô có một thời gian dài kinh doanh quần áo, mỹ phẩm và túi xách trên Facebook. Chưa có thống kê cụ thể, nhưng có một thực tế rất dễ nhận thấy là những cô gái xinh đẹp và nổi tiếng trên mạng xã hội rất thường xuyên trở thành một tiểu thương.

Với lợi thế ngoại hình và số lượng người theo dõi đông đảo, họ có thể trở thành một trend-settler (người xác lập xu hướng thời trang) và trở thành người bán đồ thời trang là cách dễ nhất để khai thác những yếu tố ấy. Tất nhiên, khách hàng của họ phần lớn cũng là phụ nữ.

Việc bán quần áo mang lại cho N. thu nhập tương đối ổn, có thể trang trải đủ cho sinh hoạt tại Hà Nội và tự lo học phí ở trường tư. Tuy nhiên cũng mang lại nhiều khốn đốn. Cô kể về một cục nợ vài chục triệu đồng bỗng nhiên rơi xuống đầu khi “một tiếp viên mang nhầm túi về cho em”. Một cô gái khác ở Hà Nội, bán mỹ phẩm, thì thậm chí kể về một lô hàng hơn 200 triệu đồng đang bị “kẹt lại ở sân bay”. Và lần này cũng lại có một tiếp viên nào đó đã không gặp may trên hành trình.

Cơ chế bán “hàng xách tay” phổ biến trên Facebook được vận hành như sau: người bán sẽ có một đường dây vận chuyển hàng từ nước ngoài về, chủ yếu là thông qua các tiếp viên hàng không. Khách hàng chọn mẫu ở nước ngoài qua sự giới thiệu của người bán, sau đó đặt hàng và chuyển về trong hành lý của tiếp viên, người sẽ nhận phần chia. Rất đơn giản. Đơn giản đến mức không có sự góp mặt của hải quan. Đó là những đường dây buôn lậu.

Khi hỏi N. rằng liệu cô có ý thức được những cơn khốn đốn ấy là rủi ro tất yếu của tính bất hợp pháp trong việc kinh doanh kiểu này, cô nói rằng mình biết đây là buôn lậu. Họ, những cô gái thành thị xinh đẹp và có học thức, hầu như hiểu rõ tính chất của cái gọi là “hàng xách tay”, nhưng Facebook cho họ một cơ chế quá dễ dàng để triển khai mô hình kinh doanh ấy. Chúng vẫn đang nở rộ.

“Xưởng thời trang” Facebook đang trở thành một nơi vô cùng khả nghi. Trong mạng lưới vô cùng rộng lớn và có sức ảnh hưởng ấy, thì những nghị định về thương mại điện tử sẽ cần một đội ngũ hành pháp đông đảo thế nào để chạm tới?

Sự thiếu minh bạch trong cái “hội chợ phù hoa” này còn hàm chứa nhiều loại rủi ro nữa. Mới đây, một cộng đồng hơn 20.000 thành viên đã được lập ra trên Facebook để tẩy chay một “hot girl” tên là H.L.T.T. bán kem làm trắng da. Trên trang của cộng đồng tẩy chay này đầy ảnh chụp những làn da loang lổ nổi mụn sau khi dùng kem của T.T.. Mới năm ngoái thôi trong giới showbiz còn có người lên tố cáo nhau buôn bán túi xách nhái trên Facebook.

Không phải là đồ công nghệ, xe hơi, không phải sách, thực phẩm, không phải là đàn ông, mà thời trang và phụ nữ đang biến Facebook thành một thế giới ngầm.Nhờ công cụ giao tiếp tuyệt vời của thời đại mới, phụ nữ với nhu cầu làm đẹp bất tận của họ lại đang trở thành lực lượng (vô thức hay cố tình) thúc đẩy các đường dây buôn lậu và lừa đảo - chuyện nghe có phần lạ tai.

Chưa hết, phụ nữ thậm chí có xu hướng phù phiếm hơn cả chính họ ngoài đời khi xuất hiện trên Facebook. Năm 2011, các nhà khoa học của Đại học Buffalo (Mỹ) đã thực hiện một nghiên cứu để chứng minh điều tưởng như ai cũng biết: So với đàn ông, phụ nữ rất nặng nề về việc sử dụng Facebook để tô vẽ bản thân. Đây là kết quả của một dạng tự tin phụ thuộc vào đám đông, gồm ba yếu tố: ngoại hình, sự thừa nhận của người khác, việc vượt qua người khác trong những cuộc cạnh tranh thu hút sự chú ý.

Đó là khi họ tô vẽ nhan sắc bằng việc liên tục đăng những bức ảnh “tự sướng” đã qua chỉnh sửa cho làn da mượt mà và đôi môi đỏ thắm, kỳ công khoe sự giàu có, váy vóc trang sức hay sự đảm đang nội trợ. Đó là khi họ tham gia những cuộc gièm pha công khai và bất tận để hạ thấp một ai đó nhằm nâng cao bản thân.

... Và siêu thị cuộc sống

Nhưng bên cạnh “hội chợ phù hoa” ấy, Facebook còn “rao bán” nhiều thứ khác gắn liền với những đặc tính cơ bản của phụ nữ. Mạng xã hội giúp lây lan lòng trắc ẩn. Người ta biết rằng một trong những chương trình tình nguyện và từ thiện lớn hiện nay đang được duy trì bởi một phụ nữ trẻ, ca sĩ Thái Thùy Linh - người mới được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh vì những đóng góp cho phong trào tình nguyện.

Mỗi năm, cô thực hiện các chiến dịch quyên góp trị giá hàng trăm triệu đồng và mang hàng chục tấn quần áo ấm, sách vở cho trẻ em các vùng khó khăn. Một phần rất lớn của cuộc kêu gọi quyên góp này diễn ra trên Facebook.

Linh tâm sự rằng việc sử dụng Facebook thường xuyên mang lại cho cô những phiền toái không đáng có. Bất cứ ai cũng gặp tình trạng này, được phương Tây mô tả là “communication overload” - “quá tải giao tiếp” khi việc giao tiếp với hàng nghìn người, nhận hàng nghìn phản hồi đủ loại diễn ra chỉ trong nháy mắt. Người nổi tiếng càng phiền hà hơn. Nhưng cô vẫn gắn bó với Facebook, bởi đó là kênh hiệu quả nhất để chạm đến những tấm lòng thiện nguyện.

Phần lớn trong số những tình nguyện viên tích cực nhất của Thái Thùy Linh cũng là phụ nữ. Họ có thể thành đạt hoặc không thành đạt, nhưng họ yêu thương trẻ con và giàu lòng trắc ẩn, như... phụ nữ.

Những chương trình tình nguyện có quy mô nhỏ hơn, với người khởi xướng là một phụ nữ và những người tham gia tích cực nhất cũng là phụ nữ, đang trở thành một làn sóng mới trên Facebook. Đặc biệt là những chiến dịch liên quan đến trẻ em, như là một chiến dịch mà các mẹ quyên góp sữa, bỉm cho những đứa trẻ bị bỏ rơi ở chùa Thái Ân, Thanh Oai (Hà Nội) đang diễn ra.

Công bằng mà nói, mạng xã hội còn giúp lan tỏa văn hóa và thái độ sống tích cực. Những điều rất nữ tính như chuyện nội trợ dễ dàng thành một phong trào nhờ mạng xã hội.

Cũng giống như trường hợp của váy áo, Facebook bây giờ cũng là nơi để chị em khoe tài nội trợ, và cũng có những “thủ lĩnh tinh thần” - những phụ nữ yêu nấu nướng hoặc các chuyên gia ẩm thực. Chất lượng sống của rất nhiều người đàn ông có thể đã được cải thiện nhờ vào những bức hình chụp mâm cơm đẹp đẽ trên Facebook.

Nơi đó là kênh truyền thông của những lớp như “Bé Đảm” - một lớp học kỹ năng sống khá đặc biệt mới thành lập ở Hà Nội. Lớp dạy các bé từ 4-10 tuổi học nội trợ.

Chị Quỳnh Hương, một người làm báo yêu nội trợ, đã lập ra nó vì khi đi tìm những lớp học hè cho con “toàn thấy các lớp dạy con mình trở thành nghệ sĩ với siêu nhân”, trong khi chị muốn chúng được học những điều bình thường, yêu lao động, dù là con trai hay con gái thì cũng nên biết chuyện bếp núc. Ở đó chúng hiểu hơn về giá trị của những bữa ăn.

Để kết bài, hãy nghe phát biểu của giáo sư Rafael Briceno - giảng viên của Học viện hoa hậu Venezuela, nơi đã tạo ra hàng chục hoa hậu hoàn vũ, toàn cầu và thế giới: “Cách mạng nữ quyền của chúng tôi rất đặc thù. Nữ tính, đối với chúng tôi, chính là biểu hiện của nữ quyền”.

Một định nghĩa đặc biệt so với khái niệm chung về “bình đẳng giới” thông thường. Nhìn từ góc độ đó, Facebook có thể chưa trở thành nơi để đấu tranh cho bình đẳng giới hay những điều to tát hơn, nhưng với một cơ chế lây lan và phát huy tính nữ rất mạnh, có thể là một động lực của nữ quyền.

Trong một “hội chợ phù hoa”, những giá trị thật vẫn sáng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận