Đơn thuốc thể thao

VŨ CÔNG LẬP 18/02/2021 20:05 GMT+7

TTCT - Điều quan trọng trong “đơn thuốc” thể thao là các bài tập phải đúng và chính xác về mặt khoa học thể thao cũng như chuẩn mực y khoa.

Một phòng MTT - Medical Training Therapy, tức trị liệu y khoa bằng luyện tập

Chúng ta đều biết thể thao và y tế là những lĩnh vực quyết định trong chăm sóc sức khỏe con người. Thể thao giúp chúng ta mạnh khỏe, nghĩa là không đau ốm. Còn khi đã ốm rồi thì phải vào bệnh viện, phải nhờ đến y tế. 

Hai lĩnh vực này bổ sung cho nhau, nhưng trước đây như chỉ đứng cạnh nhau thôi. Khi khỏe thì tập luyện, còn khi ốm thì thuốc thang. Ốm thì thôi, không tập nữa. Khi đã bệnh tật thì thôi, không thể thao một cách tích cực nữa.

Lúc khỏe mạnh cũng như khi ốm đau

Bây giờ thì đã khác, thể thao phải song hành với y tế suốt quá trình chăm sóc sức khỏe, trong cả cuộc đời, khi mạnh khỏe bình thường cũng như khi đau ốm, để cuộc sống thực trọn vẹn và chất lượng hơn. Lý do cũng đơn giản: Thể thao về cơ bản là một khoa học về vận động, mà vận động lại là bản chất của sự sống. 

Trong xã hội hậu công nghiệp, càng ngày càng có nhiều loại bệnh không truyền nhiễm và những bệnh mãn tính có nguồn gốc sâu xa là lười vận động, điển hình là các bệnh tim mạch, các bệnh tâm trí, béo phì, tiểu đường… 

Cho nên để phòng và chống những bệnh ấy, nhất thiết phải tăng cường vận động. Lúc đầu chỉ là vận động đơn giản, nhưng nhiều năm nghiên cứu chỉ ra rằng phải vận động theo đúng nguyên tắc và phương pháp của tập luyện thể thao thì kết quả mới tốt. Thể thao vì thế đi sâu vào y học một cách tự nhiên.

Bắt đầu từ những năm 1990, bác sĩ đã có nhiệm vụ mới: “kê đơn” cho bệnh nhân thực hành vận động, không khác gì kê đơn thuốc. Thay cho những lời dặn chung chung “tích cực vận động nhé”, “đi bộ nhiều vào”, đạp xe thì càng tốt”…, y học bây giờ có thể đưa ra một công thức chính xác, định lượng cụ thể.

Nói ví dụ, đơn “vận động trị liệu” cho người bị bệnh mạch vành ở Đức (xem hình) chỉ rõ tập môn gì (đi bộ, đạp xe, đi bộ kiểu phương Bắc - lối đi vừa đạp chân vừa có hai tay chống), thời gian tập (20, 30 hay 40 phút mỗi lần và 1 hay 2 lần mỗi tuần), chi tiết tới mức chẳng hạn nếu đạp xe thì phải là tải công suất 75W, còn tập thể dục thông thường thì 5 phút mỗi ngày…

Đáng chú ý, đơn cũng chỉ rõ tham số để kiểm tra - điều khiển là nhịp tim. Do điều kiện bệnh lý cụ thể, nhịp tim khi tập luyện của bệnh nhân được giữ trong khoảng 100 - 120 hay 100 - 140 lần/phút. Một số chỗ còn để trống trong đơn là những môn mà bệnh nhân không tập nhưng vẫn nằm trong chương trình chung: chạy, bơi và tập sức mạnh - vì đối với bệnh nhân này thì phương pháp tập ấy hiện chưa phù hợp.

Khuyên nhủ chung chung, tư vấn định hướng thì dễ, chứ đưa ra một chỉ dẫn định lượng cụ thể thế này là một thách thức không nhỏ với y khoa, đòi hỏi một sự phát triển mới. Điều đó đồng thời mở ra một hướng phát triển mới: thể dục thể thao trị liệu.

Một đơn tập luyện cho bệnh nhân mạch vành, ở giai đoạn còn tập nhẹ nhàng và chủ yếu là tập sức bền, Đại học Maximilian, München, Đức.

Quy tắc của MTT

MTT là viết tắt của “Medical Training Therapy” - trị liệu y khoa bằng luyện tập. MTT không còn là vận động thông thường đơn giản nữa, mà là rèn luyện đúng nghĩa, như một VĐV thể thao thực thụ - dạng vận động đặc biệt, cao nhất, có tổ chức và tác dụng lớn nhất trong các hình thức vận động thể chất.

Trong MTT, người ta tác dụng lên cơ thể một thách thức, được gọi là tải. Tải này có tác dụng như một kích thích, khiến cơ được hoạt hóa và cơ thể chuyển sang trạng thái hoạt động để khắc phục thử thách đó. Muốn đạt tới tác dụng kích thích, tải phải có cường độ quá ngưỡng và có cấu trúc, được nhắc lại một cách hệ thống và luôn có hướng đích xác định.

Khi kích thích như vậy xảy ra nhiều lần, cơ thể sẽ học cách thích nghi. Nhờ đó chất lượng các cấu trúc, khả năng hoạt động của các cơ quan và toàn cơ thể được nâng cao. Như vậy, dùng thể thao để phục vụ y học là ứng dụng lý thuyết về huấn luyện thể thao trong từng trường hợp bệnh lý cụ thể.

Các tham số của kích thích trong tập luyện được xác định phù hợp với tình hình bệnh lý của từng người. Đó là cường độ, số lần nhắc lại, thời gian nghỉ sau mỗi lượt, số lượt, số lần tập, khối lượng vận động… 

Những tham số ấy cùng nhau tạo thành cấu trúc kích thích, là cơ sở của một đơn vị tập luyện. Rồi tập bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu lần trong tuần, phương pháp tập ra sao (co cơ chậm hay nhanh, tăng cường độ từ từ hay phân đoạn…), để đạt tới những mục đích nào… đều đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và nhân viên thể dục trị liệu. 

Sự phối hợp này đặc biệt cần thiết khi theo dõi tập luyện (để bệnh nhân tập đúng) và đánh giá kết quả từng giai đoạn, qua đó điều chỉnh kế hoạch tập hợp lý hơn.

Trong quá trình chữa bệnh đó, thể thao là phương pháp, còn y học chính là mục đích. Tập luyện được đánh giá là sự can thiệp có hiệu quả trong y học, để chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng. Những hiệu ứng của tập luyện thể thao lên các cấu trúc, quá trình, hoạt động chức năng đủ chứng minh điều đó. 

Tập luyện giúp mau lành vết thương, giảm huyết áp, tác dụng tốt lên các quá trình chuyển hóa, lên việc hồi phục các tế bào thần kinh và hoạt động thần kinh sau đột quỵ, tăng cường tuần hoàn bàng hệ ở các bệnh tim mạch, tăng sức khỏe tim mạch nói chung trong đời sống hằng ngày, tăng sức cơ và khả năng vận động…

Trước đây, chúng ta đã quen thuộc với vật lý trị liệu. Bây giờ, thể thao trị liệu cũng đang phát triển theo con đường tương tự, với sức ảnh hưởng còn lớn hơn. Bởi tập luyện là quá trình chủ động, đem lại cho con người khả năng hoạt động tích cực trong sinh hoạt, lao động và thể dục thể thao, cũng như ý chí và khát vọng chinh phục, để mỗi người có thể sống tốt nhất trong hoàn cảnh cụ thể của mình. 

Nhờ tính chủ động đó mà bệnh nhân dần biết lắng nghe chính cơ thể mình, có trách nhiệm và khả năng tự chăm sóc sức khỏe tốt nhất. ■

Khả năng thực tế của thể thao trị liệu ở Việt Nam

Mỗi người, trong mỗi giai đọan đều có một trạng thái sức khỏe của riêng mình. Với mỗi trạng thái đó, y học và thể thao đều có thể tìm ra một hình thức vận động thích hợp. Như vậy, nhu cầu tập luyện thể thao là một nhu cầu rộng lớn, sẽ ngày càng phát triển khi phương pháp được phổ biến rộng rãi.

Ngày 28-1, Bệnh viện Quân y 175 và Đại học Thể dục thể thao TP.HCM đã phối hợp tổ chức hội thảo “Y học thể thao - vì sức khỏe VĐV và cộng đồng”, trong đó MTT là một lĩnh vực được nhấn mạnh với dự kiến triển khai phục vụ cho công tác chăm sóc, đồng hành cùng các VĐV chuyên nghiệp trong thời gian sắp tới.

Các hệ thống thiết bị cũng đã sẵn sàng hơn, với lứa người làm chuyên môn mới được đào tạo bài bản. Những bước chuẩn bị cụ thể ở một số đơn vị điển hình như Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8, Trung tâm Vật lý y sinh học, Phòng khám chuyên khoa MTT ReHaSo… đã được tiến hành từ nhiều năm nay và đem lại kết quả tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận