Dựng lại người

ĐOÀN KHẮC XUYÊN 22/09/2013 22:09 GMT+7

TTCT - Trong một bài ngắn tựa đề “Làng chống trộm” trên báo Tuổi Trẻ số ra gần đây có kể chuyện người dân xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang cùng với chính quyền địa phương duy trì an ninh trật tự trong xã bằng cách xây dựng bốn cổng rào chống trộm giáp với bốn xã lân cận, mỗi cổng rào có lưới sắt cao khoảng một mét băng ngang mặt đường.

Phóng to

Bài báo viết: Khi có trộm, tiếng kẻng vang lên thì người dân bủa vây. Cho dù những tên trộm có ranh mãnh cách nào cũng đừng hòng thoát thân. Vị sãi phó ngôi chùa trong xã tự hào: “Trong làng này có nhiều nông dân “mê” chống trộm lắm!”. Đọc xong không vui mà ngược lại, lòng buồn rười rượi. Buồn vì bức tranh không còn thanh bình của đời sống nông thôn hiện nay.

Hẳn nhiên có trộm thì phải phòng chống trộm, nhưng trộm cắp đến mức mà người nông dân thay vì mê trồng trọt, mê chăn nuôi đâm ra “mê” chống trộm thì quả thật nông thôn nước ta bây giờ đã trượt xa khỏi nếp sống hồn hậu vốn có xưa nay.

Còn chăng cảnh khách lạ đi qua làng có thể ung dung tấp vào nhà nào đó múc nước trong chiếc lu để trước cửa nhà uống cho qua cơn khát, nếu mỏi đôi chân có thể ngả lưng trên chiếc chõng tre đặt trước hiên nhà lấy lại sức trước khi tiếp tục rảo bước?

Chắc là không, khi cảnh bất an bao trùm, không khí thanh bình cũ chỉ còn trong tiếc nuối. Cứ nghĩ đến cảnh dân làng bao vây, đốt xe, đánh chết những kẻ trộm chó liên tiếp xảy ra ngày này qua ngày khác ở các làng quê là lại thấy dâng lên nỗi buồn, nỗi bứt rứt và thắc mắc không nguôi. Từ đâu mà nông thôn hiền hòa xưa nay rơi vào cảnh đó?

Nhưng trước khi lan tràn đến các làng quê thì sự bất an đã khuấy đảo thị thành. Sự hung dữ, độc ác giữa người với người dường như bột phát. Người ta phải dè chừng nhau, sẵn sàng ăn miếng trả miếng nhau khi lòng tin giữa người với người giảm xuống đến mức thấp nhất và sự bất an không biết tự bao giờ đã thấm sâu vào từng tế bào xã hội. Tất nhiên, vẫn còn đó những nỗ lực tự thân của người dân nhằm cứu vãn, duy trì và nhân rộng lòng nhân ái.

Vẫn còn đó những thùng trà đá miễn phí ở những góc phố, những bữa cơm từ thiện trong các bệnh viện hay những quán cơm 2.000 đồng cho người nghèo, rất nhiều hoạt động từ thiện do người dân tự khởi xướng từ tấm lòng vị tha của họ. Nhưng vẫn chưa đủ để xua đi nỗi ám ảnh về sự hung ác gia tăng và lòng nhân, tình người tụt dốc trong xã hội, một xã hội lẽ ra phải thanh bình hơn, văn minh hơn vì đã sống ngót 40 năm trong hòa bình.

Ngọn nguồn của cái trạng thái xã hội xuống cấp này nằm ở đâu? Phải tìm cho ra cái ngọn nguồn đó mới mong chữa lành tật bệnh của xã hội.

Bỗng nhớ lại một ca khúc của Trịnh Công Sơn và cái viễn kiến hay tầm nhìn (vision) của ông về những gì đặt ra cho xã hội sau chiến tranh, khi hòa bình trở lại trên quê hương. Trong ca khúc Dựng lại người, dựng lại nhà, ông đã đặt nhiệm vụ “dựng lại người” trước cả “dựng lại nhà”, có lẽ vì ông thấu hiểu nhà thì trước sau gì cũng dựng lại được trong khi những vết thương do chiến tranh (và không chỉ do chiến tranh) gây ra nơi con người cần kíp phải băng bó, chữa lành.

Không trước tiên làm điều đó thì dù ngôi nhà có xây dựng lại, những người sống trong đó cũng không thể nào tìm được hạnh phúc. Lòng thù hận, sự háo thắng và chủ nghĩa đắc thắng, sự tàn bạo và o ép con người là những vết thương chiến tranh phải ưu tiên chữa lành cùng lúc và thậm chí trước cả khi bắt tay vào tái thiết vật chất. Để thay vào đó là con người tự do, là tình thương, là hòa giải, là lòng nhân ái lên nụ hồng giữa con người.

Hãy nghe nhạc sĩ hình dung công việc “dựng lại người” trong hòa bình, sau chiến tranh khốc liệt:

Ta cùng lên đường đi xây lại tự do
Lòng người dân ta xưa hoang vu nay hết buồn lo
(...)
Ta cùng lên đường đi xây lại tình thương
Lòng mẹ ta xưa kia bao la như Thái Bình Dương
Những đứa con lạc dòng mừng hôm nay xóa hết căm hờn
Mượn phù sa đắp trên điêu tàn, lòng nhân ái lên nụ hồng

Phải chăng sự thiếu vắng thanh bình trong hòa bình như ta đang thấy trong đời sống đô thị và cả nông thôn hôm nay, sự thiếu vắng tình thương, lòng nhân ái trong xã hội là bởi sự tái thiết tinh thần cho con người sau chiến tranh, hay như nhạc sĩ nói là công việc “dựng lại người”, đã bị xem nhẹ? Phải chăng xã hội hôm nay đang nếm trải kết quả của công cuộc tái thiết có vật chất mà thiếu vắng tâm hồn, có dựng lại nhà mà chưa dựng lại người?

Là nói con người sống trong hòa bình, không phải trong chiến tranh. Do vậy những tàn tích chiến tranh trong tâm hồn con người vẫn phải tiếp tục xóa bỏ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận