EURO của trạng thái bình thường mới

VŨ CÔNG LẬP 17/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Euro 2020 không còn là một giải đấu bình thường, vì nó diễn ra trong cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy.

Tôi viết bài này sau một đêm thức trắng xem quần vợt, một trận đấu mà vì nhiều lý do trở nên đặc biệt với tôi, như cây cầu dẫn đến Euro 2020.

Ảnh: YouTube

 

Đấy là trận Roger Federer thắng Dominik Koepfer 3-1 ở vòng 3 Roland Garos. Một trận đấu rất muộn, kết thúc lúc 6h sáng ở Việt Nam, nghĩa là 1h sáng ở Paris. 

Một trận đấu căng thẳng, hồi hộp, cả 4 set đều sít sao (7-6, 6-7, 7-6, 7-5), và nếu tính điểm chi tiết thì tỉ số chỉ là 160 - 159, tức 0,6% làm nên sự khác biệt.

Nhưng không phải các con số thống kê, chính hình ảnh con người mới khiến trận đấu trở nên không thể nào quên. Federer đã 39 tuổi, mà vẫn bền bỉ không kém đối thủ thua anh 12 tuổi. 

Hơn nữa, suốt năm qua tay vợt người Thụy Sĩ nghỉ thi đấu. Anh phải mổ đầu gối 2 lần, và hầu như cả năm chỉ tập hồi phục. Trận đấu đêm kỳ lạ này mới là trận thứ tư sau khi anh trở lại.

Trong hoàn cảnh thế giới đang có dịch, giải ở Paris đã có khán giả vào sân, nhưng trận Federer - Koepfer, khán đài trống vắng, khác hẳn mọi khi, vốn cứ Federer ra sân là không còn chỗ trống. 

Federer đã rất nỗ lực, như để đền đáp những người đang dõi theo anh trên màn ảnh truyền hình. Ngay sau đó anh phải tự rút khỏi giải vì kiệt sức.

Euro 2020 cũng sẽ đến với chúng ta như vậy. Trong những đêm khuya, bằng những trận đấu, với những danh thủ, để lại bao ấn tượng và cảm xúc. Bóng đá sẽ cùng ta và giúp ta đi qua đại dịch.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 có mục tiêu kép, dẫn chúng ta tới một trạng thái được gọi là bình thường mới. Vẫn phải sống và làm việc, như trong một cuộc sống bình thường, nhưng không còn như trước. 

Chuyện đó không có gì khó hiểu, nhưng dần dần chúng ta mới thấm thía hết trạng thái mới ấy, trên rất nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội, trong đó có thể thao.

Ảnh: ESPN

 

Bóng đá trở thành một tiêu chí của trạng thái này. Không có bóng đá làm sao có thể gọi là một cuộc sống bình thường? 

Các trận đấu và giải đấu diễn ra, đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Không có hoặc có rất ít khán giả. Cầu thủ phải cách ly, hạn chế đi lại, tiếp xúc theo quy tắc chung của xã hội. Công tác tổ chức giải phức tạp hơn, phải sẵn sàng cho những thay đổi do dịch bệnh. 

Cầu thủ vất vả hơn, chấn thương nhiều hơn, tâm lý cũng chịu thêm gánh nặng. Đó là một quá trình rất khó, từ suy nghĩ đến kế hoạch và thực hiện.

Ở một quốc gia đã khó, trên cả một châu lục lại càng khó. Euro 2020 phải hoãn một năm, dù giữ nguyên tên cũ. Nhưng tổ chức thế nào lại là chuyện khác. 

Nếu so sánh với Olympic Tokyo 2020 đến tận bây giờ vẫn còn nhiều băn khoăn, thì Euro 2020 đã là một thắng lợi, được cả thế giới chào đón. 

Sau một năm đợi chờ khấp khởi, khi trọng tài thổi còi khai cuộc trận Thổ Nhĩ Kỳ - Ý lúc 2h sáng ngày 12-6 (giờ Việt Nam), chúng ta sẽ chứng kiến một thời khắc lịch sử của bóng đá thế giới: Thời điểm ghi nhận thắng lợi bước đầu của bóng đá, của xã hội trước dịch bệnh COVID-19.

Năm nay, giải lần đầu tiên tổ chức ở 11 quốc gia. Mỗi nước lại có quy tắc riêng về phòng dịch được triệt để tôn trọng. Ví dụ, Cộng hòa Czech thi đấu ở bảng D, với Croatia, Anh và Scotland. Lúc đầu Czech dự định đóng quân ở Edinburg cho tiện tập luyện và thi đấu.

Nhưng do Scotland quy định nếu chỉ một thành viên xét nghiệm dương tính, thì phải cách ly cả đội, Czech đành quay về đóng quân ở Praha, để “bảo toàn” lực lượng. 

Họ sẽ bay sang Glasgow ngày 14 và 18-6, rồi London ngày 22-6 - mỗi lần đá xong lập tức quay về Praha. Chuyện đi lại phức tạp, nhưng vẫn đỡ hơn nếu chẳng may có cầu thủ dương tính.

Euro 2020 phải có khán giả vào sân. Đó là yêu cầu dứt khoát của UEFA. Nước nào không thể cho khán giả vào thì coi như không đủ điều kiện tổ chức trận đấu. 

Yêu cầu này hết sức hợp lý, vừa đáp ứng đòi hỏi của bóng đá, vừa phù hợp với tình hình chống dịch của châu Âu, khi vaccine đã được sử dụng phổ biến và quy tắc đi lại đã được nới lỏng.

Tổng sức chứa 11 sân vận động là hơn 690.000 chỗ ngồi. Nếu tính tỉ lệ vào sân là 25%, thì số khán giả tận mắt chứng kiến trận đấu trên sân là gần 173.000. 

Trung bình mỗi trận sẽ có khoảng 15.000 khán giả, một con số khá lạc quan, có thể coi như khởi đầu hứa hẹn cho bóng đá châu Âu mùa tới.

Giờ là lúc tính ngày đếm giờ chờ lúc bóng lăn, và cũng vì đợi chờ đã lâu, hoàn cảnh đã khác, nên cầu thủ khao khát hơn, và khán giả cũng hồi hộp hơn. Quả thật, chưa có một kỳ Euro nào đặc biệt như lần này!■

Đội nào sẽ vô địch?

Câu hỏi này bao giờ cũng ở vị trí trung tâm của mọi giải đấu. Có ý kiến chuyên gia, có tỉ lệ của nhà cá cược, có thống kê ý kiến đại chúng, và mỗi người có đánh giá, gửi gắm của riêng mình. 

Theo thăm dò ý kiến độc giả của tờ Kicker (Đức) và Bóng Đá (Việt Nam), thì Pháp là ứng viên hàng đầu, với tỉ lệ lần lượt là 41,17% và 33,80%. Pháp là đương kim vô địch thế giới và á quân Euro 2016. Họ có lối chơi hài hòa, nhuần nhuyễn, và nhiều ngôi sao lớn.

Xếp ngay sau Pháp là tuyển Anh. Bóng đá Anh là chúa tể ở các giải cấp CLB, nhưng oái oăm là đội tuyển quốc gia còn xa mới được vậy. 

Nước Anh đã cố gắng cải thiện tình hình mấy năm trở lại đây, một cách hiệu quả. Hơn nữa, có thể xem Anh là nước “chủ nhà” không chính thức của Euro năm nay, khi vòng bảng họ được đá sân nhà và trận chung kết cũng diễn ra ở Wembley.

Những cái tên khác được nhắc tới là Bồ Đào Nha, Đức, Ý. Bỉ và Hà Lan những năm gần đây thì hội tụ dàn cầu thủ trẻ hứa hẹn đủ sức làm nên bất ngờ. 

Euro thường đặc biệt hấp dẫn vì sự đồng đều giữa các đội, và việc một ngựa ô đi tới bục đăng quang không phải là chuyện quá hiếm gặp: Đan Mạch 1992, Hy Lạp 2004, hay kể cả Bồ Đào Nha 2016 nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận