Giáo dục và tư duy tự nhiên

TS GIÁP VĂN DƯƠNG 25/09/2011 00:09 GMT+7

TTCT - Thời gian gần đây, nhiều nước châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã tiến hành hoặc kêu gọi cải cách giáo dục với lý do cần nâng cao tính sáng tạo của học sinh châu Á nhằm cạnh tranh với học sinh Âu - Mỹ trong thời đại của kinh tế tri thức.

Tuy chưa có một nghiên cứu định lượng cụ thể nhưng học sinh các nước châu Á thường được đánh giá “ít sáng tạo” hơn so với học sinh cùng lứa Âu - Mỹ.

Phóng to
Bị nhồi nhét kiến thức, học thuộc lòng để thi cử, học sinh khó mà sáng tạo - Ảnh: Thuận Thắng

Nhận định này không chỉ lan truyền trong giới phụ huynh và giáo viên mà còn cả trong giới làm chính sách. Để minh họa điều này, người ta thường dẫn ra những ví dụ kinh điển như Microsoft, Google, Facebook, Apple... kèm theo nhận định: những công ty sáng tạo độc đáo như vậy không thể ra đời tại châu Á. Lý do là học sinh châu Á không có tính sáng tạo cao như học sinh Âu - Mỹ.

Vì sao học sinh châu Á lại không có tính sáng tạo cao như học sinh Âu - Mỹ?

Đã có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Tựu trung, những câu trả lời này có thể phân thành bốn nhóm: (1) Do học sinh bị quá tải, không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, (2) Do học sinh bị nhồi nhét kiến thức, chỉ chú ý học thuộc lòng để thi cử, (3) Do truyền thống văn hóa châu Á trọng trật tự, lề lối định sẵn, (4) Do chất lượng của các hoạt động giáo dục yếu kém nên không khơi gợi được tiềm năng sáng tạo của học sinh.

Quá tải làm hỏng cái tôi sáng tạo

Sự khiếm khuyết về bản chất của tri thức cá nhân, sự duy lý thường dẫn đến xu hướng tối giản, giống nhau đồng loạt để dễ bề kiểm soát. Điều này góp phần giết chết sự phong phú đa dạng trong tư duy và sinh hoạt của các cá nhân, bóp chết sự đa dạng trong toàn xã hội. Ở cấp độ thấp, chúng là khả năng biểu hiện cảm xúc, diễn đạt bằng ngôn ngữ cơ thể, khả năng thông cảm bị giảm sút, ù lì, kém sáng tạo, thậm chí vô cảm. Ở mức cao hơn, nó làm gia tăng bạo lực trong ngôn ngữ và hành động. Ở mức cao nhất, nó có thể phát triển thành bệnh lý như trầm cảm, muốn tự tử...

Với trường hợp Việt Nam, dư luận và nhận định của giới chuyên môn cũng không ra khỏi các lý do nêu trên. Trong nhiều trường hợp, các lý do này có thể được quy giản về một đầu mối: quá tải! Để minh họa cho điều đó, dư luận thường liệt kê lịch học thêm dày đặc của học sinh và số lượng lớn sách vở, tài liệu mà học sinh phải mang theo đến lớp. Và cũng để kiểm chứng hoặc đối phó với dư luận, quan chức ngành giáo dục đã nhiều lần tiến hành cân cặp sách như một chỉ số để xác định mức độ quá tải.

Tuy nhiên, biện pháp cơ học này không cho phép chỉ ra nguyên nhân của một hiện tượng đáng lo ngại hơn việc học sinh kém sáng tạo, đó là vì sao bạo lực học đường bùng phát? Có liên hệ gì giữa chương trình quá tải với bạo lực học đường hay không? Một cách định tính, câu trả lời là có: chương trình giáo dục quá tải đã phá vỡ khả năng tư duy tự nhiên của học sinh. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kém sáng tạo, vô cảm và bạo lực học đường bùng phát.

Điều này có thể diễn giải ngắn gọn như sau: Muốn hay không, con người và toàn bộ hoạt động của mình đều có liên hệ mật thiết tự nhiên với nhau và với môi trường xung quanh. Những liên hệ này tuy khó nhận biết nhưng có vai trò tối quan trọng trong việc giữ sự cân bằng tự nhiên trong đời sống nội tại và trong các hoạt động mang tính xã hội của mỗi cá nhân. Chúng tham gia điều phối hành vi và phản ứng của mỗi cá nhân như một dạng thức tư duy tự nhiên. Chính dạng tư duy tự nhiên này là nền tảng cho các dạng thức tư duy khác, trong đó có tư duy sáng tạo, vận hành hiệu quả.

Nếu tư duy tự nhiên bị hạn chế hoặc phá hỏng bởi các dạng thức tư duy nhân tạo, thường là các dạng lý tưởng cực đoan, chương trình giáo dục nhồi sọ, thế giới quan sai lệch... thì cá nhân có thể bị mất cân bằng nội tại và cân bằng trong mối liên hệ với các cá nhân khác trong xã hội, dẫn đến đánh mất khả năng kết nối cộng đồng một cách tự nhiên mà biểu hiện ra ngoài là sự kém linh hoạt, kém sáng tạo, vô cảm; tệ hơn là đánh mất thiên lương, dẫn đến hung hăng cực đoan, bạo lực bùng phát như đã thấy gần đây.

Tuy nhiên, những chương trình giáo dục nhân tạo quá tải như vậy lại thường được bao biện bởi các lý tưởng và mục đích giáo dục tốt đẹp, nên cả người thiết kế và người tham gia hoạt động giáo dục đều quên rằng tất cả mục đích đó đều là sản phẩm của một quá trình tư biện duy lý, hoặc tệ hơn là một mong ước duy ý chí.

Chính bản chất và động cơ duy lý đã khiến các chương trình giáo dục trở thành áp đặt, độc đoán, tuy nặng nề quá tải nhưng lại xơ cứng giản đơn về bản chất, nên cùng hè nhau phá hủy cái tôi trong các hoạt động sáng tạo nói riêng và mọi hoạt động xã hội khác nói chung.

Như vậy, giảm tải là việc cần làm trước hết để từ đó khôi phục khả năng tư duy tự nhiên cho học sinh, thậm chí cho cả những người làm giáo dục, để từng bước tạo ra những con người lành mạnh một cách đúng nghĩa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận