Kapuscinski và cú chạm tay vào châu Phi

MINH NHIÊN 26/11/2011 23:11 GMT+7

TTCT - Từ những nỗ lực của Kapuscinski đi tìm một cái nhìn thấu suốt châu Phi trong Gỗ mun (*), thì những gì ta biết được về lục địa này cũng chỉ là lướt nhìn nó từ bề nổi.

Phóng to

1. Thử nhắm mắt lại và hình dung xem khi nhắc đến châu Phi, bạn “thấy” gì? Những sa mạc cát nóng mênh mông. Những đoàn người váy áo sặc sỡ đi hàng một, lang thang khắp các nẻo đường. Những đứa trẻ đầu bủng đít beo, đói khát vật vạ, với ánh nhìn thờ ơ, vô hồn...

Châu Phi có thể hiện ra như một bức tranh khảm với muôn vàn miếng ghép khiến người ta hoa mắt, phân vân. Và nhà báo Ba Lan Ryszard Kapuscinski trong suốt gần 500 trang sách đã giải mã cho chúng ta từng mảng ghép đó. Lang thang cùng ông qua nhiều bộ lạc và thị tộc, đi xuyên đêm qua Nigeria, chen lẫn trong những đám đông hỗn loạn của những cuộc đảo chính, vật vờ ảo ảnh giữa Sahara... mỗi người chúng ta có thể tìm ra lời đáp của mình cho từng ẩn số.

Sa mạc ư? Nó không chỉ là nơi mà “vũ trụ người và vật không có bóng, tồn tại mà khôn tồn tại, chỉ còn là màu trắng sáng rực, chói lòa” khiến người ta lịm chìm vào ảo ảnh. Nó còn là nơi mà bất cứ người du mục Somalia nào có được một con lạc đà cũng muốn tìm về. Kể cả khi anh ta bị đưa vào trại vì sắp chết đói, sống lại, anh ta cũng sẽ đem cả những thực phẩm được cứu tế bán cho các lái buôn để mua lấy một chú lạc đà rồi lại cùng nó trốn vào sa mạc.

Bởi đó là “bản tính tự nhiên, điều người châu Phi được thượng đế ban cho, bởi vậy nó là hoàn hảo. Hạn hán, các trận nóng, các giếng nước cạn và cái chết trên đường cũng là hoàn hảo”.

“Thể loại ở châu Âu gọi là lịch sử khách quan và mang tính khoa học đấy sẽ không bao giờ hình thành ở đây, vì lịch sử châu Phi không có tư liệu và ghi chép, từng thế hệ, khi nghe phiên bản được truyền lại cho mình, lại thay đổi và tiếp tục thay đổi nó, làm biến dạng, sửa sang, tô màu cho nó. Nhưng nhờ đó, khi thoát khỏi sức nặng của thư khố, thoát khỏi sự hà khắc của dữ liệu và ngày tháng - lịch sử đạt đến hình thức trong suốt, tinh khiết nhất của mình: hình thức của huyền thoại”.

2. Giàu có tài nguyên: những mỏ vàng, kim cương, ngà voi và cả nô lệ da đen, châu Phi thu hút những kẻ mà Kapuscinski gọi là “những tên hạ lưu hỗn tạp quốc tế”, trở thành nơi buôn bán nô lệ suốt 400 năm, gây nên những hậu quả thảm khốc, đối đầu giữa người và người trong các cư dân châu Phi.

“Kẻ mạnh khuất phục kẻ yếu và bán họ ngoài chợ, những ông vua buôn bán thần dân, kẻ chiến thắng buôn bán tù binh, tòa án buôn bán kẻ bị kết tội”, để lại trong lòng lục địa đen những vết thương sâu sắc nhất và đau đớn nhất: mặc cảm mình là kẻ yếu kém. Để rồi sau quá trình nhanh chóng phi thực dân hóa, giành được độc lập, người châu Phi ngất ngây hạnh phúc, tin rằng tự do có nghĩa là có mái nhà trên đầu và bát cơm đầy hơn; thì ngược lại, chẳng có gì xảy ra hết.

Dân số tăng đột ngột, thiếu thức ăn, trường học và việc làm, sự lạc quan nhanh chóng bị thay thế bằng nỗi giận dữ thù hận trút lên giới tinh hoa nhưng giờ chỉ còn là những người mải ních cho đầy túi tham. Ở một nơi không có khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, các đồn điền thuộc về ngoại bang còn các ngân hàng là sở hữu của tư bản nước ngoài, con đường thăng tiến và làm giàu chỉ còn là sự nghiệp chính tri.

Đó là lý do vì sao ở châu Phi có nhiều thủ lĩnh, chúa tể chiến tranh, các warlord xuất thân từ các... “sĩ quan, cựu bộ trưởng, nhà hoạt động của các đảng hay đơn giản là người có thế lực, những kẻ không ngần ngại nhân cơ hội sụp đổ của quốc gia (mà chính hắn gây ra) xà xẻo cho mình một tiểu quốc không chính thức do hắn độc tài cai trị”.

3. Cứ thế, hành trình châu Phi của Kapuscinski đưa bạn dài theo lục địa, từ Nigeria sang Mauritania, từ Uganda sang Rwanda, giải mã những câu hỏi lớn bạn từng đặt ra về châu Phi, vì sao người Tutsi và người Hutu tàn sát lẫn nhau, vì sao người du mục Tuareag da sáng căm ghét người Bantu da đen, vì sao người Tigrinya theo đạo Cơ Đốc ở cao nguyên Asmara tại Eritrea lại khó sống chung với người Hồi giáo Eritrea ở Massawa... Để rồi cuối cùng, bạn hiểu ra điều Kapuscisnky muốn nói: không có cái gọi là “văn hóa Phi châu” hay “tôn giáo Phi châu”, bởi bản chất châu Phi là sự muôn màu muôn vẻ của nó.

Cũng như vậy, sẽ là bất lực nếu giải thích một cuộc xung đột ở châu Phi đơn giản chỉ từ góc độ sắc tộc hay tôn giáo.

Với lối viết lôi cuốn, Gỗ mun đầy những ám ảnh về đêm đen châu Phi, về một bóng râm, một cuộc kiếm tìm vô vọng... Và khi khép cuốn sách lại, nghĩ về châu Phi, điều bật ra ngay trong đầu bạn chỉ còn là một khái niệm địa lý. Sau đó sẽ là những huyền thoại về hàng chục sắc tộc cổ xưa...

__________

(*): Nguyên tác: Heban, của Ryszard Kapuscinski, Nguyễn Thái Linh dịch, NXB Thế Giới và Nhã Nam ấn hành, tháng 11-2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận