Khu đèn đỏ Amsterdam

EPHRAIM KISHON 29/06/2021 20:10 GMT+7

TTCT - "... nghe nói có một khu phố như thế ở Amsterdam... với những cô gái ngồi sau cửa kính... một khu phố nổi tiếng... và ở đó họ ngồi sau cửa kính, những cô gái..."

 
 Khu phố "đèn đỏ" ở Amsterdam (Hà Lan). Ảnh: Smarter Travel

Như nhiều đồng bào ở nước ta, chúng ta có một cảm tình chân thành đối với người Hà Lan - vốn là một dân tộc giữ gìn được phần lớn bản chất chân chính và nhân văn của mình. Thêm nữa là chúng ta luôn được nghe người ta ca tụng các tác phẩm nghệ thuật quý báu của Hà Lan, vẻ đẹp kiến trúc của các đô thị Hà Lan. Amsterdam, như người ta vẫn nói, chẳng hề kém cạnh khi so với Venice: kênh rạch lung linh... vườn và tượng... nhà hát và phòng hòa nhạc hoành tráng... những tòa nhà với tường đầu hồi như cánh cung kiều diễm.... Đó là chưa kể đến... tức là... chưa kể đến một khu phố nhất định, nơi mà đằng sau các cửa kính... nghe nói có một khu phố như thế ở Amsterdam... với những cô gái ngồi sau cửa kính... một khu phố nổi tiếng... và ở đó họ ngồi sau cửa kính, những cô gái...

Dĩ nhiên không bao giờ chúng ta dỏng tai nghe hoặc tin vào những chuyện nhảm nhí do du khách kể lại. Bản thân tôi hầu như cũng chẳng chú ý. Tôi đâu có quan tâm mấy chuyện đó. Tôi là một người nghiêm túc, chín chắn, từng được cuộc đời thử lửa khắc nghiệt và nếm trải hết thảy. Tôi không đời nào dừng chân ở một thành phố nổi tiếng qua những bảo tàng của mình, để... không, không bao giờ. “Tức là ông không bao giờ - người vợ tuyệt vời nhất thế gian gật đầu - Tùy ông thôi. Chứ tôi thì không bao giờ tôi bỏ qua dịp xem các cô gái ngồi sau cửa kính”.

Tôi hỏi vợ tôi vứt đâu phẩm giá của người phụ nữ, song chỉ nhận được câu trả lời loanh quanh.

“Thậm chí có một cuốn phim với Marian Vlady, chuyện diễn ra ở khu phố ấy của Amsterdam. Ta phải xem phim đó nhé”. Tôi lập gia đình đã đủ lâu để biết lúc nào cãi lại vô ích. Mà thực ra tận đáy lòng tôi cũng khó nén được đôi chút tò mò, vì vậy tôi nhượng bộ. Khi chúng tôi lên taxi thì chuyện đã an bài. Mình đến đó nhé. Đến đó? Đến đâu? Như thế nào? Khu phố ấy không ghi trong bản đồ thành phố và đường đến đó không được miêu tả trong cuốn sách hướng dẫn du lịch nào. “Thế thì ông phải hỏi”, người vợ tuyệt vời nhất thế gian nói.

“Bà hỏi đi chứ!”.

“Tôi? Nếu tôi không nhầm thì trong hai chúng ta tôi là phụ nữ”.

Hệ quả là một cuộc đối thoại sôi nổi vô biên. Tôi giải thích cho nhà tôi rằng chính đó là lý do, vì bà ấy là phụ nữ, và phụ nữ thì không ai dám nghi, do đó việc hỏi đường là dành cho bà, không phải cho tôi. Hay là tôi phải đứng ra giữa đường, chặn người nào đi qua đầu tiên và - tôi cường điệu tình cảnh lố bịch lên cực điểm - cứ thế hỏi người ấy là tìm ở đâu giữa Amsterdam những người... hừm, những người ngồi cửa kính. Không thể bắt tôi làm việc đó. Tôi hèn quá, thật đáng xấu hổ, nhà tôi kết luận rồi rướn người ra phía trước để hỏi lái xe. “Anh cho tôi biết... ở Amsterdam có điểm tham quan nào đặc biệt? Ý tôi là thật đặc biệt?”. “Ở Bảo tàng Hoàng gia mới khai trương một triển lãm nghệ thuật”, anh lái xe thạo tin trả lời. “Và nghe nói lễ hội âm nhạc quốc tế có nhiều tên tuổi lớn tham dự”. “Vâng, tất nhiên. Nhưng ý tôi thực ra không phải thế. Nhà tôi và tôi muốn xem thứ gì thật xúc động”. “Tôi hiểu rồi. Vậy thì nửa đêm hai ông bà ra cảng, khi các thuyền chở rau quả bốc hàng. Cảnh đó khó thấy thường xuyên...”. “Cảm ơn anh đã chỉ dẫn. Rất cảm ơn”. Tôi ngồi ghế sau, mặt nóng phừng phừng. Song mặt khác lòng kiêu hãnh của đàn ông bắt đầu trỗi dậy. Tôi không còn là đứa con nít ngoan ngoãn, chỉ biết lẫm chẫm nắm tay cô giữ trẻ. Nếu tôi muốn biết những... những ô cửa kính ấy ở đâu, thì tôi đến thẳng chỗ gã gác cổng khách sạn, lạnh lùng cúi xuống và không cần phải vòng vèo: “Này, anh bạn, tôi tìm... anh biết rồi đó, chỗ có cửa kính...”. Một nụ cười thân thiện và thấu hiểu làm rạng khuôn mặt gã gác cổng. “Vào tháng này Hoàng hậu đang ở Lâu đài Mùa hè. Nhưng ông có thể tham quan cung vua vào bất cứ lúc nào. Dễ tìm lắm, ai cũng có thể chỉ đường cho ông”.

“Rất cảm ơn”.

Thật là ngu ngốc. Biết đâu, chỉ cách đó vài phố, thậm chí ngay sau khúc quanh gần nhất, là tới khu phố có cả đàn các cô gái uể oải ngó ra các cửa sổ, chỉ riêng chúng tôi là không tìm được - ý nghĩ đó có thể đẩy một người nhạy cảm đến bờ vực của sự mất trí. Thật may là buổi tối của chúng tôi đã dành cho buổi tiệc của Hội Văn bút Hà Lan mời. “Mai mình bay lúc tám giờ sáng”, người vợ tuyệt vời nhất thế gian rít qua kẽ răng. “Mình phải có địa chỉ ngay đêm nay!”. Đêm nay! Thế thì chỉ còn lại Hội Văn bút là điểm thông tin duy nhất. Nhưng tôi biết làm cách nào để lái câu chuyện tới mục đích phù hợp?

Sau những câu bâng quơ dạo đầu, tôi dốc một ly rượu trắng Indonesia cháy họng và bắt chuyện với một đại diện của cuộc sống tinh thần địa phương. “Với Spinoza - chắc chắn ông có một liên hệ đặc biệt và liên quan đến xứ này, đúng không ạ - Spinoza từng đưa ra một giả thiết rằng triết học thực ra chỉ phải được hiểu là sự thanh tẩy một chủ nghĩa nhân văn đạo đức giả. Tức là giới triết gia lật tẩy các dối trá thông tục của xã hội, nơi con người đạo đức giả nấp trong bóng tối của chúng để xây nên mọi tòa lâu đài mà thực ra - ông thứ lỗi cho cách nói này - chỉ là nhà thổ!”. “Vâng, vâng”, lời xác nhận đến từ đối tác của tôi, một trong những lý thuyết gia đầu ngành tri thức luận trong nước. “Trí lực phân tích sắc bén của Spinoza cho đến nay chưa ai vượt qua nổi”. Gã này thuộc loại khó đào tạo. Chỉ cần sở hữu một chút chất xám và linh cảm thì câu trả lời của gã đã đại khái như thế này: “À, nhà thổ! Ngay đây thôi, giữa Amsterdam này có cả một khu phố với phụ nữ đủ mọi mức giá ngồi sau cửa kính. Ông có muốn tới xem không?”. Lẽ ra đó là câu trả lời chính xác. Thay vào đó, gã đần này kể cho tôi nghe về các phân tích triết luận của một lão Do Thái cải đạo... Tôi dốc tiếp một ly Brandy nặng hơn, nhắm mắt và thử lần nữa.

“Spinoza nói gì thì ta gác qua một bên. Đất nước của ông khiến tôi khâm phục bởi một phong cách sống lành mạnh, phóng khoáng, không bị sự kiềm chế nào ràng buộc. Nếu tôi được thông tin đúng thì ở đây, giữa Amsterdam, có cả một khu phố mà ai cũng biết là nó chỉ dành riêng cho mại dâm công khai?”.

Nhà tôi đã len lén lại gần và gật đầu khích lệ.

“À”, gã chuyên gia tri thức luận mỉm cười. “Chắc là ông ám chỉ... hehehe... Ông định nói đến khu phố có phụ nữ ngồi sau cửa kính?”.

“Sao cơ? Ngồi sau cửa kính?”.

“Quá đúng. Ở chỗ chúng tôi có một khu phố như vậy”.

“Thật á? Ở đâu?!”.

“Ở đây, giữa Amsterdam. Khách du lịch kéo nhau hàng đàn đến đó”.

Trong mắt nhà tôi lóe lên những đốm lửa phẫn nộ, đại khái có ý: “Thấy chưa! Ai cũng đổ xô đến đó, còn mình thì vẫn ngồi đây...”.

“Phải nói ra một sự thật là - người cung cấp tin nói tiếp - chúng tôi nhắm mắt dung thứ khu phố này chỉ vì khách du lịch. Thực ra nó là một nỗi nhục văn hóa. Đêm cũng như ngày, đám người lạ đứng bấm máy ảnh lia lịa trước cửa sổ, cứ như trong sở thú vậy. Quá kinh tởm”.

“Kinh tởm thật - tôi lặp lại - Tôi có thể hình dung rõ rệt điều đó. Những khuôn mặt hứng tình và tiếng máy ảnh lạch xoạch... suốt cả dãy phố... cả dãy... à, phố nào nhỉ?. “Không phải ngoài phố! Khi đám khách du lịch đã chụp ảnh xong thì họ biến vào trong nhà và mặc cả hàng tiếng đồng hồ với những cô gái đáng thương. Thực kinh tởm!”.

“Kinh tởm hãy còn là nhẹ”, tôi cắn môi để không lộ vẻ thất vọng. Cơn trầm cảm dâng lên trong tôi là lý do để chúng tôi bỏ về sớm.

Chiến thuật của chúng tôi đã được ấn định. Chúng tôi sẽ càn quét khắp thành phố, từ mỏm cực Đông lên phía Bắc, qua các đường cắt ngang đi về phía Tây và cuối cùng nhắm mãi hướng Nam, cho đến khi nhìn thấy ở đâu đó có nhiều đèn đỏ. Sớm hay muộn cũng phải tìm ra.

Nhưng chúng tôi không tìm ra. Gần hai giờ sáng, chúng tôi kiệt sức dừng bước mà không thấy một gái làng chơi nào bằng xương bằng thịt. Đây đó cũng có lần thấy đèn đỏ nháy lên, song đó là đèn hiệu giao thông. Một dược sĩ trực đêm ở hiệu thuốc mà tôi bấm chuông đánh thức để lôi vào cuộc trò chuyện về “cái nghề cổ xưa nhất thế giới” lịch sự trình bày rằng Bộ Nông nghiệp đóng cửa buổi đêm.

Chán chường và thất vọng, chúng tôi đi tiếp. Khoảng ba rưỡi đêm, chúng tôi mới hoàn tất được một phần năm thành phố. Phố xá vắng ngắt. Amsterdam ngủ say. Bốn giờ hơn, tôi thấy một cảnh sát đứng trước nhà hòa nhạc. Giờ thì bất chấp. Thu hết tàn lực, tôi lập cập lại gần, bám vào cổ áo cảnh phục của anh ta và hổn hển: “Chơi gái ở đâu?”.

“Cây cầu thứ hai sau nhà thờ xứ - nhân viên bảo vệ pháp luật trả lời ân cần - phố Kanalstraat”.

Đấy, thấy chưa, thưa độc giả kính mến, địa chỉ đấy. Đôi khi cũng bõ công đọc đến dòng cuối một truyện ngắn quá dài.■

Lê Quang (dịch)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận