Làm sao cho vỉa hè thấm nước ?

QUANG KHẢI 20/07/2016 21:07 GMT+7

TTCT - Tình trạng bêtông hóa tại TP.HCM khiến diện tích thấm nước tự nhiên còn lại rất ít. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ngập nặng hơn và có liên quan đến nhiệt độ tăng cao cũng như hiện tượng lún sụt.

Mảng xanh trên đường Lê Duẩn (Q. 1, TP.HCM) thiết kế thấp hơn vỉa hè nhưng chưa có rãnh nước mưa-Quang Khải
Mảng xanh trên đường Lê Duẩn (Q. 1, TP.HCM) thiết kế thấp hơn vỉa hè nhưng chưa có rãnh nước mưa-Quang Khải


Mặc dù cơ quan chức năng đã quy định tạo thêm mặt phủ thấm nước tự nhiên thông qua quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè nhưng hiện nay việc trả lại diện tích thấm nước tự nhiên chẳng thấm vào đâu so với diện tích đã bị san lấp, bêtông hóa.

Mảng xanh vỉa hè còn ít

Không phải đến bây giờ tình trạng bêtông hóa vỉa hè, san lấp sông rạch mới bị “điểm danh” là một trong những nguyên nhân gây ngập. Nhưng khi “càng chống càng ngập”, người ta mới ngộ ra rằng cần có giải pháp quyết liệt hơn cho vấn đề này.

Tại hội thảo về “Các giải pháp giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng” mới đây, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học Quốc gia TP.HCM, một lần nữa nhắc lại: những khoảng đất trống, thảm cỏ có tác dụng thấm nước chảy trên bề mặt nhưng nay bị phủ bằng bêtông nên nước mưa, triều không thấm được xuống tầng đất mà nằm trên bề mặt, làm cho tình trạng ngập nước trầm trọng hơn.

Nguồn nước không thấm được xuống tầng nước ngầm cũng góp phần làm cho tầng đất nhiều nơi bị lún sụt.

Từ năm 2009, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã ban hành quy định về thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang, quản lý vỉa hè và tăng mảng xanh, cây xanh đường phố trên địa bàn TP.

Trong đó yêu cầu những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m, dài 10m trở lên phải thực hiện dự án nối kết các bồn gốc cây để trồng cây xanh nhằm tăng mảng xanh cũng như tăng diện tích thu nước mưa. Ngoài ra dành bề rộng từ 1-2,5m trên vỉa hè cho người đi bộ.

Sau khi có quy định này, bêtông trên vỉa hè bị cắt giảm để thay thế bằng bồn hoa, dải cây xanh, đặc biệt là các tuyến đường trung tâm TP như Lê Duẩn, Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi... Theo số liệu từ Sở GTVT, đến nay đã có hơn 50 tuyến đường làm theo mô hình trên với diện tích mảng xanh tăng thêm hơn 50.000m2.

Chọn gạch lát vỉa hè phù hợp

Theo ông Hồ Long Phi - giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, những giải pháp mang tính bền vững, thân thiện với môi trường đều được đón nhận.

Với các công trình phủ xanh vỉa hè, theo ông, còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân hơn trong vấn đề chống ngập, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên theo ông Phi, thiết kế các mảng xanh trên hiện chưa ổn, chưa phát huy tối đa khả năng thấm nước.

Cụ thể, các bồn hoa, thảm cỏ trên vỉa hè đều có gờ bao quanh, cao hơn vỉa hè, mặt đường. Chính vì vậy, thảm xanh này chỉ hứng nước mưa từ trên rơi xuống mà không hứng được lượng nước chảy tràn từ vỉa hè, mặt đường (trừ khi nước ngập cao hơn bồn hoa, thảm cỏ - PV).

Để tích được lượng nước nhiều hơn, ông Phi cho rằng nên tạo những bồn hoa, thảm cỏ có nền hạ sâu hơn so với mặt đường, vỉa hè. Trường hợp bồn hoa, thảm cỏ có gờ bao xung quanh thì xẻ thành nhiều rãnh để nước có thể chảy tràn vào.

Ông Phi cũng cho rằng ngoài vật liệu lát vỉa hè thì nền hạ cũng liên quan đến việc thấm nước. “Thực tế có loại gạch hút nước 8% nhưng phía dưới được đổ bêtông thì khả năng thấm nước hầu như không còn.

Hiện nay có nhiều vật liệu dùng lát vỉa hè, thậm chí làm mặt đường, có tỉ lệ thấm nước rất cao, chi phí hợp lý. Nhưng muốn sử dụng được những vật liệu này cần ban hành những quy định cụ thể” - ông Phi nói. Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết hoàn toàn ủng hộ việc phát triển thêm mảng xanh thấm nước nhằm giảm ngập.

Về phía trung tâm đã kiến nghị UBND TP tiếp tục tăng cường mảng xanh, hạn chế bêtông hóa vỉa hè. Sắp tới trung tâm sẽ kiến nghị TP xem xét cho phép sử dụng vật liệu lát vỉa hè phù hợp, trong đó có xét tới yếu tố tự thấm nước mưa nhiều hơn.■

Một cán bộ Sở GTVT TP.HCM cho biết việc phát triển mảng xanh trên vỉa hè đang được các đơn vị liên quan thực hiện, đặc biệt là khu vực trung tâm TP. Về ý kiến cho rằng mảng xanh trên vỉa hè cần có cao độ thấp hơn cao độ vỉa hè, mặt đường và tạo những rãnh thu nước từ mặt đường vào mảng xanh, sở sẽ tiếp thu, nghiên cứu.

Hiện có sáu mẫu vật liệu dùng lát vỉa hè theo quy định của Sở GTVT gồm: gạch terrazzo, bêtông tự chèn, bêtông đá, gạch bêtông tự chèn... có độ hút nước từ 0,3-8%. Sắp tới sở sẽ nghiên cứu thêm những loại vật liệu lát vỉa hè có độ hút nước phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận