Ngỗng

TẠ CHÍ CƯỜNG 01/08/2013 00:07 GMT+7

TTCT - Chờ học sinh hát hết một bài, tôi bước lên bục giảng. Toàn thể học sinh đứng dậy, đồng thanh nói: Chào thầy giáo!

Phóng to
Tranh: Nguyễn Ngọc Thuần

Tôi đáp: Chào các em!

Nhìn các em đứng ngay ngắn, tôi nhớ đến những cây chúng tôi trồng mùa xuân, bên rìa sa mạc, một cánh rừng non - những cây táo cát. Ánh mắt tôi rơi trên chỗ ghế hàng cuối cùng, hình như còn bỏ sót một cây giống.

Học sinh ngồi xuống, tôi bắt đầu giảng bài.

Các em mở sách, chắc chắn mở đến trang có bài tôi sắp giảng. Tiếng mở sách kêu soàn soạt, như một cơn gió thổi qua rừng cây. Sau đó tĩnh lặng như cơn gió đã thoảng qua.

Tôi nghe ngoài cửa lớp học có tiếng động. Ánh mắt tôi để vào chiếc bàn hàng cuối cùng. Sau đó bước khỏi bục, ra mở cửa.

Quả không sai, Lưu Thái Hà đang đứng ngoài cửa. Em cúi đầu, mái tóc ngắn ngang tai, hơi rối bung. Có lẽ không kịp chải, hoặc bị gió lùa rối tung.

Có bạn nhắc: Thưa thầy đi!

Lưu Thái Hà khe khẽ cất tiếng: Thưa thầy!

Tôi giục: Vào đi!

Một em khác lên tiếng: Phạt đứng! Đến muộn thì phạt đứng, nhắc mãi vẫn không chịu sửa!

Câu nói này học sinh cả lớp đồng thanh lên tiếng dành riêng cho Lưu Thái Hà chuyên đến muộn.

Tôi nói: Em cứ về chỗ ngồi trước đã.

Trong những tiếng xuýt xoa, Lưu Thái Hà bước vào, đến ngồi cạnh bàn của em. Cả lớp đều sắp xếp cứ hai học sinh ngồi một bàn, nhưng không em nào muốn ngồi cùng bàn với em. Em nào cũng chê người cô bé có mùi quái gở, buồn nôn. Dáng em cao trung bình không thể không xếp ngồi hàng cuối cùng.

Tôi nói: Tập trung nghe giảng, bây giờ bắt đầu lên lớp.

Ánh mắt của em xuyên qua khe hở giữa thân thể các bạn phía trước tìm kiếm chữ tôi viết trên bảng. Khi tan học, tôi gọi Lưu Thái Hà vào văn phòng. Tôi nhặt một cọng cỏ xanh xanh trên mái tóc em. Em di di chân trên đất như đào một cái lỗ, hận chẳng thể chui xuống. Em liên tục đến muộn, nhưng không nói lý do.

Tôi bảo: Hôm nay sau khi tan học, thầy sẽ đến nhà em.

Em đáp: Thưa thầy, liên đội chúng em ở rất xa!

Sẩm tối, bước lên lối cày máy dẫn đến liên đội của Lưu Thái Hà. Một bên lối đi là rừng táo cát, một bên là ruộng lúa nước. Gió thoảng qua cánh đồng bát ngát gợn lên những con sóng màu xanh. Có lẽ cọng cỏ xanh trên tóc em đến từ cánh đồng này? Đó là cỏ lồng vực. Trên quần áo em tỏa mùi cỏ tươi, ngai ngái chan chát, trong đó có vị rau riếp đắng.

Lưu Thái Hà đã nhìn thấy tôi. Đứng trước cổng em nói: Em chào thầy!

Tôi vừa bước vào sân liền giật thót người. Một chú ngỗng đã ngoạm ống quần tôi.

Em quát một tiếng: Bạch Tuyết! Đây là thầy giáo của tao, mi có mắt mà không có con ngươi hả!

Có mắt không có con ngươi là một câu trong ngữ văn. Em đã đặt một câu: Bạch Tuyết nhà chúng em có mắt không có con ngươi. Lúc ấy tôi chưa rõ “Bạch Tuyết” là chỉ người hay động vật?

Tôi hỏi: Đây là vai gì trong câu em đặt?

Em nhắc nhở tôi: Thưa thầy, thầy cẩn thận!

Quả tình, trong sân như một vườn động vật. Nào gà, thỏ, ngỗng, còn có một chú dê. Trên đất có vết phân, có lẽ trước khi tôi đến, em đã từng quét dọn.

Chỉ duy nhất là không nuôi chó. Tôi kiêng chó, bởi vì có một lần bị chó cắn vào mông. Chó không sủa, càng đáng sợ. Khu tập thể gia đình liên đội hầu như nhà nào cũng nuôi một con chó.

Tôi hỏi: Không nuôi chó hả em?

Em đáp: Không cần chó. Có chó ầm ĩ lắm, gà chó không an ninh.

Từ ngữ này em cũng đã từng đặt câu. Vẫn là cái mô thức: Nhà chúng em...

Ống quần tôi lại bị cắn. Vẫn là chú ngỗng bất khuất.

Lưu Thái Hà chạy đến. Con ngỗng vẫn trong tư thế nghển cổ thách thức tôi cách xa tôi mấy bước.

Lưu Thái Hà nói: Lần đầu tiên thầy giáo đến nhà. Nó thường dọa người lạ. Nó không tự có sức.

Lại một từ ngữ đã đặt câu, đều được em vận dụng trong sân nhà mình. Thì ra trong sân này có thể đặt nhiều câu.

Xuyên qua chiếc sân huyên náo, tôi bước vào ngôi nhà gạch mộc. Bố Lưu Thái Hà bị liệt nằm trên giường. Mẹ em đã qua đời. Bố em định ngồi dậy khách sáo một vài câu, song không gượng dậy nổi.

Ông nói: Người lớn như tôi đã làm đứa con nhỏ mệt theo. Thưa thầy giáo, khiến thầy phải lo lắng.

Bỗng chốc tôi không biết nói sao. Gặp phải hiện thực này, ngôn ngữ của tôi lập tức trở nên nghèo nàn.

Ông ho sù sụ, y như có cục đờm chẹn họng. Lưu Thái Hà đỡ cổ bố lên, vừa vỗ vừa xoa lưng bố. Sau đó em rót một cốc nước đưa cho bố uống từng ngụm.

Ông chỉ chỉ cái cốc. Lưu Thái Hà biết ý đem rửa cốc thủy tinh.

Tôi nói: Thầy không khát, khỏi cần rót.

Lại đi ra sân. Chú ngỗng vươn vươn cổ dài ngoẵng hình như không chịu buông tha tôi.

Lưu Thái Hà nói: Thưa thầy, ở đây đều là động vật ăn cỏ.

Tôi nói: Con ngỗng này rất biết coi nhà!

Lưu Thái Hà nói: Thưa thầy, thầy biết không? Tại sao ngỗng không sợ người?

Tôi nhìn cô bé lớp sáu tiểu học. Em như một người lớn, hoàn toàn không có nét ngây thơ của trẻ con. Trái lại hình như em là cô giáo nhỏ đang nêu câu hỏi. Tôi như không trả lời được, hỏi lại: Tại sao không sợ người?

Em đáp: Mắt ngỗng nhìn người đã làm cho người co nhỏ lại, co tới mức còn nhỏ hơn chính nó. Nó cứ tưởng mình vĩ đại, nên nó không sợ người.

Tôi nói: Trong mắt ngỗng, con người y như người tí hon của vương quốc người tí hon phải không? Thảo nào ngỗng cứ chủ động khiêu khích người!

Chúng tôi đều cười. Lần đầu tiên tôi thấy em cười. Cười tới mức trở về lứa tuổi của em. Nụ cười của một bé gái, tôi thật khó tưởng tượng. Phải thay đổi góc nhìn. Mình ngẩng nhìn chú ngỗng, giống như đang đứng trước một vật to khổng lồ.

Hôm sau, Lưu Thái Hà suýt nữa lại đến muộn. Em thở có vẻ hơi hổn hển, một thứ hơi thở của đồng ruộng, hình như đã cuốn theo gió từ chính cánh đồng thổi đến.

Tôi đã kể lại tình hình gia đình của Lưu Thái Hà. Lưu Thái Hà đã khóc. Lớp học đột nhiên trở nên im phăng phắc.

Lưu Thái Hà thường tận dụng thời gian trên đường đi học buổi sáng cắt cỏ xanh hoặc bẻ táo cát trong rừng cây trên cánh đồng cất một chỗ, sau khi tan học lấy về nhà. Kể từ đó trở đi, các bạn học trong lớp luân phiên đem cỏ xanh hoặc táo cát đến trường trao cho Lưu Thái Hà như nộp bài tập.

Lưu Thái Hà không còn bao giờ đến lớp muộn. Mà chỗ ngồi của em đã được xếp lên hàng thứ hai trước mặt. Có một bạn đề nghị ngồi cùng bàn với em. Khi vào lớp, đầu em không bao giờ còn ngoái bên này, ngó bên kia tìm kẽ hở nom chữ viết trên bảng.

____________

-Ngài không coi thường tôi, sử dụng tôi, tôi hết sức phối hợp với ngài. Nhưng tôi có một nghi vấn xin hỏi.

- Nói đi!

- Khi tôi vừa đến địa bàn này của ngài, gây án ba lần. Ngài không bắt tôi. Tôi đâm ra mạnh tay. Nhưng tôi móc túi một cái ví tiền nhỏ, chỉ có vài đồng lại đụng ngay vào nòng súng của ngài. Ba lần gây án trước đều lớn hơn cái ví này, nhưng ngài lại chăm chắm theo dõi tôi móc cái ví. Tôi không hiểu?

- Cậu đã phá luật lệ của Ngải Thành, móc trộm cái ví của anh chàng nghèo túng, cái chính là cậu đã đi vào khu vực quản lý của ta. Ta bám sát cậu, không tóm cậu ngay, thời cơ chưa đến.

- Thời cơ ư?

- Trên chưa có chỉ thị. Không có chỉ thị bắt cậu cũng không coi là chỉ tiêu. Cho nên ta nuôi cậu. Bởi vì phạm vi quản lý của ta cần có kẻ cắp gây án. Ta không muốn dọa cậu chạy. Tiền thưởng của ta dựa vào cậu, chỉ tiêu đặc biệt, thời gian đặc biệt, địa điểm đặc biệt, ta bắt cậu mới ghi vào chỉ tiêu nhiệm vụ.

- Đầu tiên đã gây cho tôi cảm giác sai, Ngải Thành dễ ăn cắp, có thể móc túi nhẹ nhàng ngon ơ. Thì ra, ngài cố ý thả lỏng tôi. Tôi nhất định sẽ gây án theo yêu cầu của ngài. Tôi biết ý đồ của ngài. Tôi sẽ không mạo phạm ngài. Ngài khách sáo với tôi như vậy, sao tôi có thể làm phiền ngài? Ngải Thành có luật lệ, tôi vừa mới đến, từ nay trở đi, xin ngài luôn cất nhắc.

- Có những luật lệ quy chế, là luộc bánh chẻo (sủi cảo) trong ấm trà, trong bụng biết đấy, không đổ ra được.

- Biết thế, biết được. Như vậy tôi lấy cắp sẽ có chừng mực. Cả con người tôi từ trên đến dưới rặt khuyết điểm là khuyết điểm. Chỉ có mỗi ưu điểm là kín mồm kín miệng. Nhưng tôi vẫn còn muốn hỏi... Liệu hỏi được không?

- Nói đi!

- Thời gian trước, ngài bức tôi đến địa bàn của một viên sĩ quan cảnh sát khác? Ngài đuổi tôi bức tôi đi. Tôi đã quen địa bàn ngài quản lý, huống hồ bọn ăn cắp chúng tôi cũng phân địa bàn, giống như động vật đều có một địa bàn để sống. Quả tình tôi không muốn phá luật lệ trong nghề ăn cắp chúng tôi.

- Cậu khá khôn ngoan đấy. Biết ta bức cậu. Nói để cậu biết nhá! Viên sĩ quan cảnh sát ấy là bạn của ta. Anh ấy cầu viện. Ta không thể giúp anh ấy một tay sao?

- Dùng tôi để giúp bạn ngài?

- Đúng! Anh ấy nhận được chỉ thị, phải bắt được một số lượng nhất định kẻ cắp trong thời gian quy định. Ta không thể cho anh ấy “vay” cậu sao? Nuôi quân ba năm dùng quân một giờ mà!

- Ngài đuổi tôi bức tôi, thực tế là “mượn” tôi cho bạn ngài. Tôi không hiểu ý ngài, đã tránh đông nấp tây gây rắc rối cho ngài. Từ nay về sau, ngài cứ đánh tiếng, không chỉ một mình tôi, tôi sẽ còn liên lạc với băng ăn cắp của chúng tôi để hoàn thành chỉ tiêu của các ngài.

- Cậu đừng nỏ mồm với ta, cậu gây phiền toái cho ta còn ít sao?

- Xin lỗi, tôi chân ướt chân ráo mới đến còn chưa hiểu luật lệ. Tôi biết Ngải Thành là nơi có luật lệ.

- Biết luật lệ là tốt để thực hiện tốt nó. Cậu phải định kỳ báo cáo. Ví dụ cậu muốn hành động, ý ta là, khi không đáng ăn cắp cậu đã ăn cắp, ta sẽ đập vỡ bát cơm của cậu.

- Dạ phải, dạ phải, tôi có tính toán gì nhất định sẽ xin chỉ thị của ngài, quyết không móc túi lung tung. Tôi còn một câu hỏi.

- Hăng máu lên rồi hả?

- Không không, trong lòng biết thì sẽ không làm bừa.

- Nói đi!

- Trước khi đến Ngải Thành, ở chỗ chúng tôi, tôi cũng là kẻ ăn cắp quen tay. Kẻ cắp chỗ chúng tôi không được hưởng đãi ngộ như của Ngải Thành. Có thể nói, không được hữu hảo, ác lắm, tôi luôn có cảm giác khủng hoảng sợ hãi. Họ định chém cỏ bỏ gốc, tôi đành phải ăn cắp những cái lặt vặt để duy trì đời sống. Ngải Thành lại vừa “nuôi” tôi, vừa “mượn” tôi là tại sao?

- Không có bọn các cậu, bát cơm của bọn ta sẽ ra sao? Ma quỷ và Thượng đế, kẻ cắp và cảnh sát đều là hai mặt tồn tại của sự vật. Đây là quan niệm triết học của Ngải Thành.

- Trước kia tôi rất tự ti, kẻ cắp bị coi thường, tôi cũng muốn rửa tay chậu vàng. Nhưng tôi biết làm gì? Trong những ngày ở Ngải Thành, tôi dần dần nhận ra giá trị tồn tại của mình. Tôi thề, sống ở Ngải Thành, tôi nhất định sẽ giữ luật lệ của Ngải Thành. Lúc nào đáng ăn cắp, ăn cắp cái gì, ăn cắp của ai, ăn cắp đến chừng mực nào... tuyệt đối không hề ăn cắp vô chương vô pháp.

- Được rồi, đừng có lên gân nỏ mồm.

- Không dám, không dám!

Tạ Chí Cường sinh năm 1954 tại Dư Diêu, Chiết Giang, hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, đã từng ở Tân Cương hai mươi năm. Hiện là phó chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Ninh Ba, phó tổng thư ký Hội Tiểu thuyết cực ngắn Trung Quốc. Đã xuất bản các tập: Quả thực biết ca hát, Hưởng thụ sai lầm, Suối hoàng dương, Tạ Chí Cường tiểu tiểu thuyết...

Truyện của Tạ Chí Cường thường không quá 1.500 chữ, chủ yếu viết về nông thôn, miền ngược với những việc, những người, những số phận rủi ro, nghịch cảnh, ngang trái. Văn ông tinh tế, kiệm lời sâu sắc. Được sự đồng ý của tác giả, TTCT giới thiệu hai truyện của một trong các nhà văn chuyên viết truyện cực ngắn Trung Quốc - Tạ Chí Cường.

Vũ Công Hoan chọn và giới thiệu

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận