Nhiều khi tôi mơ thấy bạn bè về...

TTCT - Trò chuyện với nhà thơ Văn Lê, nhân tập thơ Vé trở về của ông chuẩn bị ra mắt bạn đọc vào ngày 27-7-2013.

Tranh: Đức Trí

* Vé trở về của ông chuẩn bị ra mắt bạn đọc, tập thơ được cho là tác giả đã “rút ruột” để viết ra những câu chữ, từ chính những chiêm nghiệm của cuộc đời mình. Chiến tranh đã qua lâu lắm rồi mà sao vẫn làm ông đau đớn thế?

- Chiến tranh vô cùng ác liệt, tuy nhiên chiến tranh cũng qua lâu rồi, vết thương đã liền da rồi, khơi lại làm gì. Có người khuyên tôi như vậy. Đã có lúc tôi ngừng viết về chiến tranh, về đồng đội của tôi đã từng ngã xuống, nhưng thật khốn nạn, càng lẩn trốn, tôi càng thấy trống rỗng, chơi vơi.

Dường như đối với tôi chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Nó cứ lởn vởn ở đâu đó qua những câu chuyện, những bản tin thời sự. Nhiều khi tôi mơ thấy bạn bè về. Họ đói khát, tả tơi, nhìn tôi với ánh mắt thật buồn, rồi lặng lẽ bỏ đi, không nói. Không bao giờ nói. Thế rồi tôi lại viết. 

Viết để tự giải tỏa những uẩn khúc ở ngay trong lòng mình. Viết để được nhớ quá khứ, nhớ về họ, nhắc về họ. Mà ở đời, con người ta chỉ thật sự chết khi không còn ai nhớ, ai nhắc đến mình nữa.

Nhà thơ Văn Lê - Ảnh nhân vật cung cấp

* Đâu phải tới bây giờ ông mới nhắc về họ. Ông cũng đã từng có Tìm đồng hương xúc động lòng người...

- Trên những nẻo đường chiến tranh, đi đâu mà chúng ta chẳng thường gặp những nghĩa trang nằm dọc trên những con đường mòn, dưới những cánh rừng ẩm ướt, phủ đầy lá rụng. Vào năm 1967, trong một lần hành quân cùng đồng đội tôi đã gặp một nghĩa trang như thế tại Tây Ninh.

Chúng tôi đã vào thăm nghĩa trang đó để tìm xem có người làng, người xã của mình không. Nhưng phải mất cả năm sau tôi mới viết được bài thơ Tìm đồng hương. Bài thơ có đoạn: Mưa rơi làm tối khoảng rừng/ Trận bom xóa hết đường trong đại ngàn/ Xuyên rừng gặp một nghĩa trang/ Tôi vào xem có người làng của tôi.

* Nhưng bây giờ người lính không chỉ băn khoăn những nỗi niềm đã qua đi, họ còn những trách nhiệm nặng nề hơn trước thời cuộc, mà ông từng viết trong Những người làm chủ biển Đông (*): Những người xông ra biển rộng/ Đem theo dây nhợ, nẹp tre/ Chết thì bó thây, thả trôi trên biển/ Hồn xác sẽ theo sóng nước mà về.

- Khi viết bài thơ này tôi muốn mô tả hình ảnh gian khổ của tổ tiên, sự hi sinh của ông cha những người lính hôm nay hiểu rõ hơn về Tổ quốc, có nghĩa là gì và vì sao chúng ta phải bảo vệ, gìn giữ. Trong con tàu lạo xạo tiếng pin sôi/ Thằng bạn anh đang cặm cụi vẽ bản đồ Tổ quốc/ Những phần nổi hiện lên trong nước/ Nhưng phần chìm đã đập ở trong anh.

Không biết tại sao trong thời gian gần đây tôi cứ nghĩ mình sắp chết, nên việc viết về cội nguồn luôn ám ảnh trong suy nghĩ của tôi. Viết về tổ tiên, đồng đội không chỉ giúp cho tôi giải tỏa những uẩn khúc trong lòng mà còn giúp tôi hiểu sâu hơn về tổ tiên, về những giá trị mà ông cha ta đã vun đắp, gây dựng. Viết về tổ tiên cũng là một cách nhắc nhở mình phải sống sao cho phải phép.

 Những người làm chủ biển Đông

Tặng đồng đội!

... Xông ra biển còn có cả lũ đàn bà con gái háng rộng, ngực to, ngón chân cái giao nhau. '

Họ nhuộm răng đen và thích ăn trầu! 

Cho khác hẳn với giống người phương Bắc!

Anh sùng tín người đàn bà đất 

Lạc có cặp mắt đen như thể reo cười. 

Họ đỏng đảnh như biển khơi, quyết liệt như biển khơi và cũng yêu như biển khơi quyết liệt! 

Yêu đến mất hồn mà không thèm biết. 

Yêu đến mê man trong suốt cả kiếp người! 

... Nếu phải đánh cho trường tồn Đất Nước

Có hề chi với chí khí Lạc Hồng...

Nếu có chết xin làm ma nước Việt 

Để muôn đời ôm ấp lấy non sông.

* Hầu hết các tác phẩm của ông đều viết về người lính. Văn xuôi cũng vậy, nhà văn Ngô Thảo nói về Mùa hè giá buốt của ông đánh giá: “Có lẽ xưa nay, văn học nước ta chưa có một tác phẩm nào sánh bằng. Quả thật, viết như thế, trừ phi tác giả Văn Lê, với vốn sống trực tiếp của một người lính trận, khó ai có thể tưởng tượng ra”...

- Viết về chiến tranh đã tạo cho tôi một cảm giác thăng bằng, không còn bơ vơ với hiện tại và không cảm thấy hoang mang trước tương lai nữa. Viết không chỉ giúp cho tôi nhớ lại, chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua để rồi tự điều chỉnh cuộc sống của mình. Viết về chiến tranh không chỉ khơi gợi niềm đau, cổ xúy hận thù, tôn vinh công trạng mà là để củng cố đạo đức, củng cố lẽ phải của cuộc sống.

Tôi đã nhìn thấy những gì mà chiến tranh đem lại, nghèo đói và bệnh hoạn. Những điều ấy ta có thể cải tạo được. Nhưng sự mất mát những giá trị, sự hoang vu về tâm hồn, sự giá băng trong quan hệ, sự xộc xệch của thể thống thì không phải một sớm một chiều mà xây dựng được. Đó mới là sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh.

Mỗi năm, cứ đến tháng 7 là tôi lại thấy buồn. Buồn vì nhớ lại đồng đội đã mất. Buồn vì nhân tai, thiên tai, buồn vì nhiều mục tiêu mang tính nhân văn của đất nước chưa đạt được, buồn vì khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Buồn vì người ốm không có đủ tiền mua thuốc để chữa bệnh.

Có một thực tế là trong mười người hi sinh thì có tới chín người là con em nông dân nhưng sau gần 40 năm chiến tranh đi qua, nông dân vẫn là người khổ nhất. Gia đình nào có con cái hi sinh đã khổ, có nhiều người hi sinh cho đất nước lại càng khổ. Đó là một nghịch lý lẽ ra không thể tồn tại.

Đó là nỗi đau không chỉ của những người lính đã từng sống sót qua chiến tranh, mà còn là nỗi đau của tất cả những ai có lòng tự trọng.

Vé trở về!

Với T.G.L.T.

...Câu chuyện về người lính hi sinh buồn như lá thu bay,

Vỏn vẹn có vài dòng và do tôi tưởng tượng.

Em gái của anh đã không thể lớn!

Vẫn co ro như bà lão ăn mày, 

mỏng manh như món đồ dễ vỡ.

Cô buôn bán nhì nhằng ngoài chợ,

nhặt nhạnh từng xu của đám dân nghèo.

Những năm chiến tranh đất nước gieo neo.

Giấy báo tử về làng như lá rụng!

Khủng khiếp nhất là phải làm người sống.

Sáng mở mắt ra đã nơm nớp trong lòng...

Cô chỉ mong đất nước hòa bình!

Anh trai trở về làng quê yêu dấu,

Chăm sóc cô như thời thơ ấu

Chở che cô như đê chở che đồng.

Cô đã gánh cả một thời bão giông trên đôi vai nhọc nhằn, vô cảm.

Cô đã gánh nỗi âu lo thầm lặng chờ anh trai trong muôn nỗi nhọc nhằn!

Cô thấy mình như cái bến trên sông, - cái bến sinh ra để mà chờ đợi!

Cô thường thắp đèn dầu mỗi tối, - ngọn đèn canh đêm là để đợi chờ!

Ngày anh trai hi sinh, bến nước bơ vơ,

Cô chẳng còn ai mà chờ đợi nữa.

Mọi trật tự trong cô sụp đổ

Cô lang thang cuối đất cùng trời, 

xác xơ như bà lão ăn mày, 

vô cảm như người điên ngoài chợ!

Cô tìm anh trai đầu nguồn, cuối phố, 

thăm thẳm khe sâu, hun hút rừng già...

 

___________

(*): Tên một bài thơ trong tập Vé trở về sắp được NXB Quân Đội Nhân Dân ấn hành.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận