Những Deadpool của thế giới bóng đá

HUY ĐĂNG 15/08/2020 17:08 GMT+7

TTCT - Hơn một tháng trước, thủ thành 16 tuổi người Nga Ivan Zaborovsky trở thành tâm điểm của những lời chia buồn và động viên trong làng bóng đá, sau khi xuất hiện đoạn video ghê rợn về việc anh bị sét đánh trên sân tập.

Vitorio Casa thời còn chơi bóng đỉnh cao ở Mỹ. Ảnh: NASL Jerseys
Vitorio Casa thời còn chơi bóng đỉnh cao ở Mỹ. Ảnh: NASL Jerseys

Ba tuần sau, Zaborovsky hồi phục một cách thần kỳ để ra sân tập luyện trở lại ở CLB hạng ba của Nga Znamya Truda.

May mắn và sơ cứu kịp thời

Đoạn video Zaborovsky bị sét đánh được lan truyền rộng rãi vì sự ghê rợn trần trụi của nó. Một tia lửa lớn nhá lên và Zaborovsky đổ gục. Việc anh có thể giữ được mạng sống sau tai nạn đó là một điều kỳ diệu.

Thủ thành 16 tuổi được đưa đi cấp cứu chỉ trong vòng 5 phút, và sau đó được trực thăng cứu thương đưa đến bệnh viện trung ương ở Moscow tiếp tục chữa trị. Chỉ trong vòng 2 tuần, Zaborovsky bình phục hoàn toàn. Chị gái của anh Karina Zaborovskaya nói với RT News: “Các bác sĩ nói sự hồi phục của em trai tôi rất kỳ diệu, giống như nó được sinh ra dưới một vì sao may mắn. Tôi cũng không thể nào hiểu được làm cách nào mà điều đó có thể xảy ra”.

Người đã cứu mạng Zaborovsky là HLV thủ môn Anton Basov. Ngay sau khi thấy cậu học trò đổ gục, ông lập tức chạy tới và tiến hành những liệu pháp sơ cứu rất đúng cách, bao gồm xoa bóp tim và hồi sức miệng. Nhưng đó cũng chỉ là một phần. Zaborovsky sống sót kỳ diệu (và bị tổn hại rất ít) phải chăng vì anh có một cơ thể kỳ lạ, hay thiên nhiên đã “nương tay”?

Cách giải thích thứ hai có lẽ hợp lý hơn. Một tia sét có thể tạo nên dòng điện tương đương 6.000 khẩu súng điện, làm nóng không khí xung quanh đến khoảng 27.700 độ C. Với sức công phá khủng khiếp như vậy, cơ thể con người chắc chắn không thể chịu nổi khi một tia sét giáng thẳng vào. Nhưng sự thật là 90% số người bị sét đánh vẫn sống sót, vì không phải tia sét nào cũng giống nhau.

Những tia sét giáng thẳng từ trời xuống là dạng nguy hiểm nhất, mang theo đầy đủ sức công phá ban đầu. Trong khi đó, một số tia sét lại đi lên từ mặt đất, lan truyền dòng điện qua các rễ cây rồi đến bàn chân con người.

Đây là trường hợp nhẹ nhàng nhất vì khi dòng điện đi qua các vật liệu khác, nhiệt năng của nó sẽ giảm đi nhiều. Tác động của tia sét khi đó sẽ làm gián đoạn hệ thống tim mạch và thần kinh, nhưng sẽ không gây chết người trừ khi làm ngừng hoàn toàn chức năng cơ thể. Những liệu pháp sơ cứu kịp thời như của HLV Basov không chỉ cứu mạng mà còn giảm tối đa thương tổn cho Zaborovsky.

Victorio Casa, ảnh chụp vài tháng trước khi ông qua đời năm 2013. Ảnh: Wordpress
Victorio Casa, ảnh chụp vài tháng trước khi ông qua đời năm 2013. Ảnh: Wordpress

Cụt tay hay đứt gân chân, không thành vấn đề

Thế giới bóng đá có không ít những Deadpool - tức những người sống sót thần kỳ và mạnh mẽ như nhân vật trong truyện - phim Marvel - như Zaborovsky. Nhiều cầu thủ đã trải qua những ca chấn thương khủng khiếp tưởng chừng khiến họ không thể sống như một người bình thường nữa. Nhưng rồi còn hơn cả mong đợi, họ trở lại sân bóng và tiếp tục cuộc đời một VĐV chuyên nghiệp.

Kỳ lạ nhất trong số đó có lẽ là Victorio Casa - tiền vệ tài hoa một thời của bóng đá Argentina những năm thập niên 1960. Khi sự nghiệp đang thăng hoa rực rỡ ở tuổi đôi mươi trong màu áo CLB San Lorenzo, Casa tình cờ trở thành nạn nhân trong một vụ xả súng khiến ông mất đi cánh tay phải. Đó là một cú sốc lớn. Nhiều đồng đội của Casa tại San Lorenzo sau này trở thành tuyển thủ Argentina, còn ông thì không bao giờ vươn đến giấc mơ đó được nữa.

Nhưng bất lực không có nghĩa là từ bỏ, Casa vẫn đeo đuổi sự nghiệp bóng đá bằng tinh thần lạc quan đáng nể. Khi các bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn cánh tay phải của Casa, họ cũng dự báo ông không thể nào chơi bóng nữa.

Nhưng Casa đáp lại bằng giọng điệu tếu táo: “Đá bóng đâu có dùng tay”. Bạn gái của Roberto Telch, đồng đội thân thiết của Casa ở Lorenzo, đến thăm, và khi cô đứng khá xa anh, Casa đùa: “Sao thế, không thấy bây giờ anh không thể sờ trộm em nữa sao?”.

Năm 1966, Casa buộc phải rời Lorenzo - điều dễ hiểu khi ông không thể đáp ứng trình độ của đội bóng nổi danh Argentina nữa. Casa sang Mỹ và trở thành cầu thủ hưởng mức lương cao nhất ở quốc gia này khi đó. Tờ The New York Times mô tả tiền vệ người Argentina: “Không nói tiếng Anh, có một cánh tay, hai cái chân biến ảo và lãnh mức lương cao nhất nước Mỹ”.

Gần đây nhất, thế giới bóng đá phải một phen ngả mũ trước Santi Cazorla - tiền vệ người Tây Ban Nha với hành trình trở lại kỳ diệu ở tuổi 35. Ở gót chân Cazorla có một hình xăm kỳ lạ, bởi ít ai lại xăm hình đó. Mà quả thật, đó vốn là hình xăm của... cánh tay. Sau gần chục cuộc phẫu thuật vì gót chân bị nhiễm trùng hoại thư, các bác sĩ phải cắt mất 8cm gân gót chân của anh và lấy một phần da tay đắp vào đó.

Cazorla không dính một chấn thương bất thình lình, mà là sự tích tụ lâu ngày những tổn hại dai dẳng ở gót chân Achilles. Từ năm 2013, Cazorla liên tục gặp vấn đề lớn với gót chân phải, và chấn thương trong trận gặp Ludogoretz mùa giải đó là giọt nước tràn ly.

Y học ngày càng tiến bộ

Những trường hợp của Zaborovsky hay Casa rất hiếm, nhưng Cazorla là một ca điển hình với các bác sĩ thể thao. Việc tiền vệ người Tây Ban Nha có thể trở lại thi đấu không chỉ cho thấy nghị lực phi thường của anh, mà còn chứng tỏ sự phát triển của y học ngày nay.

“Bạn sẽ đọc được về chấn thương của Cazorla trong sách giáo khoa y học thể thao. Trên thực tế, bác sĩ phẫu thuật Mike Sanchez đã đưa trường hợp Cazorla vào nhiều cuộc hội thảo về chấn thương gót chân và tin rằng ông chưa bao giờ thấy một trường hợp tồi tệ đến như vậy trong thể thao”, tờ The Guardian viết. HLV của Cazorla khi ấy ở Arsenal, Arsene Wenger, cũng nhất trí với điều đó.

“Các bác sĩ nói với tôi rằng nếu sau này tôi có thể đi bộ trong vườn thì họ đã mãn nguyện lắm rồi” - Cazorla kể. Khi chấn thương, Cazorla đã 31 tuổi, và sau lần phẫu thuật thứ 8 thì anh đã sang tuổi 33. “Ở rất nhiều thời điểm, tôi đã chuẩn bị tâm lý giải nghệ. Nhưng tôi hỏi đi hỏi lại các bác sĩ về cơ hội của mình, rồi họ nói: có thể. Đến một ngày, họ đưa cho tôi trái bóng để thử, và tôi thấy mình như trở lại là một đứa trẻ, trong lần đầu tiên chạm vào trái bóng” - anh kể.

Kết thúc mùa giải 2017-2018, tiền vệ người Tây Ban Nha rời Arsenal sau khi mãn hạn hợp đồng. Anh kiên nhẫn đến xin tập cùng đội trẻ của Alaves. Đó đã là một nỗ lực phi thường, và Villarreal - đội bóng Cazorla từng hai lần khoác áo - cho anh một cơ hội nữa. Ngày Cazorla trở lại, cả thế giới bóng đá lên cơn sốt.

Rồi tiền vệ tài hoa này nhanh chóng chứng minh cho thế giới thấy anh không trở lại sân cỏ chỉ vì lòng tốt của Villarreal hay nỗ lực xây dựng hình ảnh trên các mặt báo. Cazorla thể hiện phong độ và sự bền bỉ đáng kinh ngạc.

Anh chơi một lèo 46 trận ở mùa giải 2018-2019, con số đáng nể ngay cả với một tiền vệ 34 tuổi khỏe mạnh, chưa nói đến những chấn thương khủng khiếp mà Cazorla phải trải qua. Đến mùa này, Cazorla thậm chí đang trải qua những ngày tháng đẹp nhất sự nghiệp. Anh ra sân 36 trận trên mọi đấu trường cho Villarreal, ghi 15 bàn và 8 lần kiến tạo (tính đến trước vòng cuối cùng).■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận