Những tình ca tan vỡ…

NICK D. 11/05/2013 11:05 GMT+7

TTCT - Những ngày này, không hiểu sao lại nhiều những câu chuyện chia tay, tình yêu tan vỡ, khiến tôi nảy ra ý định chia sẻ với các bạn một vài ca khúc tôi thường nghe khi cuộc tình bỏ tôi đi.

Ừ, nếu có một danh sách năm bài cần để nguôi ngoai những lúc này, thì sẽ là những ca khúc nào?

Phóng to

Và không thể phủ nhận, nữ hoàng của những ca khúc hát về hiện tượng tim đau, tim vỡ chính là Adele. Chỉ riêng album 21 của cô có khi cũng đã lấp đầy cái top 5 ca khúc tôi đang dự định. Ngoài những Rolling in the deep hay Someone like you mà giới trẻ ai cũng đã thuộc nằm lòng, thì không thể phủ nhận những Rumour has it, Don’t you remember, If it hadn’t been for love nếu được phát hành thành single cũng thừa khả năng trở thành bất hủ trong mảng "tình ca tan vỡ".

Nhưng không, mối tình đầu tiên tan vỡ của tôi có khi từ lúc Adele còn đang mọc răng sữa ý chứ, thế nên tôi sẽ chia sẻ với các bạn một danh sách những ca khúc dành cho lúc chia tay mà không bao gồm Adele!

1. Breakeven - The Script

Nếu như bà hoàng đổ vỡ là Adele, thì ông hoàng tan nát không ai khác chính là anh chàng Danny O’Donoghue của The Script. Anh viết về chia tay và những mối tình kết thúc trong đau đớn còn nhiều hơn Adele, và… uhm, độ sến thì chẳng hề thua kém.

Âm nhạc của The Script không dễ gây ấn tượng vì thường quá hiền lành, giọng ca của Danny thì lại chẳng có gì đặc sắc nổi bật. Nhưng nếu bạn thật sự muốn nghe thử The Script, hãy tắt đèn tối om, chỉ để lại ánh sáng duy nhất là thứ ánh sáng vàng vọt của đèn đường hắt vào qua ô cửa sổ, đeo tai nghe vào và bật The Script.

Chỉ trong cái không gian đó, bạn mới thật sự cảm nhận được một nỗi đau rất dịu dàng mà cực kỳ sắc sảo trong giọng ca của Danny. Từng lời ca của anh cũng vậy, rất vừa phải nhưng rất tinh tế, miêu tả những nỗi đau chân thật đến mức bạn có thể rùng mình.

Và cho đến Breakeven, cho đến khi anh cất lên cái câu "Cause when a heart break no it don’t break even" (Bởi vì khi trái tim tan vỡ, nó vỡ chẳng đều nhau), bạn chợt thấy mình bật khóc nức nở. Bởi trong mỗi cuộc chia tay, luôn có một người yêu nhiều hơn nên sẽ đau nhiều hơn. Và nếu bạn đang ngồi nghe Breakeven thì bạn chắc chắn là người đó.

Chú ý: Khi đã nghe Breakeven quá nhiều rồi, bạn có thể chuyển qua nghe tiếp Long gone and moved on, For the first time, If you ever come back, Nothing, Before the worst, Six degrees of separation. Tất cả đều là những tác phẩm vỡ tim của Danny.

Phóng to

2. Uno - Muse

Ngược lại hẳn với sự dịu dàng của The Script, và cũng do xuất thân từ những năm 1990 nên Muse giận dữ hơn, mạnh mẽ hơn, đanh đá hơn, ồn ào hơn, và đương nhiên có gì đó cổ điển hơn. Uno vốn là một single hoàn toàn mờ nhạt từ album đầu tay của Muse, nhưng lại hoàn toàn xứng đáng trở thành thánh ca của những trái tim tan vỡ.

Cả bài hát chỉ là mấy câu hát được nhắc đi nhắc lại trên nền guitar điện giằng xé và tiếng trống đập loạn khá hằn học, chứa đựng trong nó một sự oán trách, những tủi hờn đầy giận dữ nhưng dường như lại bị kìm nén, bị ức chế, như một quả bom lúc nào cũng chực nổ.

Giống như một trái tim dù đã bị người ta làm cho tan vỡ, nhưng lại chẳng thể vượt qua được sự độ lượng của chính nó mà lao vào đối phương gào thét, trách cứ, chỉ có thể thui thủi trong cái thế giới riêng của mình mà rỉ máu. Giọng ca vừa giận dữ, vừa như hờn tủi rất nổi tiếng của Matthew Bellami khiến bạn cảm thấy như anh chính là vị thánh của những nỗi đau, đang cất lên tiếng ca thay cho nỗi lòng của bạn.

You could have been number one
You could have rule the whole world
We could have had so much fun
But you blew it away
(Anh đã có thể là số một.
Anh đã có thể có cả thế giới.
Chúng ta có thể đã rất vui vẻ.
Mà anh đã làm hỏng hết cả rồi).

Phóng to

3. Swim Good - Frank Ocean

Frank Ocean, chàng tân binh hip-hop vừa mới nổi lên đã dũng cảm thừa nhận xu hướng đồng tính luyến ái của mình, lại có cách xoa dịu nỗi đau tinh thần của mình bằng cách khá cực đoan: tìm đến một nỗi đau thể xác.

Cả ca khúc là câu chuyện về một chàng trai, trong lúc đau khổ vì mối tình tan vỡ, đã khoác lên mình bộ đồ đen tang tóc, lao xe nhanh trên đường, trên chiếc xe mà anh miêu tả là có thùng chở hàng khá lớn, đủ để chở hết cả những trái tim đang tan vỡ này.

Anh sẽ lao thật nhanh, ra đến tận bờ biển, và ở đoạn kết của con đường đó, anh sẽ lao thẳng xe xuống biển, để cho cái mênh mông, bềnh bồng của biển cả xoa dịu nỗi đau đã trở nên quá to lớn mà bao trùm cả thân xác anh.

Một ý tưởng nguy hiểm, có tính chất đe dọa mạng sống nhưng lại không kém phần lãng mạn, chuyên trị những trái tim ưa sự mạo hiểm và lãng mạn của những bi kịch tình yêu trong văn học châu Âu Trung Đại.

Phóng to

4. Nothing Compares 2 U - Sinead O’Connor

Những trái tim si tình đều có một điểm chung: sự hoài niệm. Họ không thể ngừng nghĩ về những kỷ niệm ngọt ngào dù là nhỏ nhất, những đụng chạm dù là nhẹ nhất, thậm chí là màu trời vào cái ngày đầu tiên gặp nhau.

Trong một cuộc chia tay, một trái tim si tình sẽ bị hành hạ bởi những tiếc nuối nhiều hơn bất cứ ai. Với họ, không có gì đẹp bằng ngày hôm qua. Và vì thế, sẽ không có người bạn âm nhạc nào có thể hiểu họ bằng ca khúc cổ điển, nhưng không có tuổi, Nothing compares 2 U của Sinead O’Connor.

Đối với Sinead, kể từ ngày hôm nay trở đi, tất cả mọi vật chỉ phủ một màu xám xịt, bởi tất cả những màu sắc tươi đẹp của cuộc sống mà đến tận hôm qua cô còn nhìn thấy đã ra đi cùng "anh".

Hãy nghe Sinead để được day dứt, dằn vặt cho đã đời. Đến khi bạn đã chán ngấy bài hát này đến tận cổ, chắc chắn cũng là lúc bạn đã sẵn sàng đứng dậy, mở cửa sổ và nhìn thấy (lại) những màu sắc tươi đẹp của cuộc sống.

Phóng to

5. One More Try - George Michael

Cùng một màu sắc trữ tình lãng mạn rất cổ điển của âm nhạc đầu những năm 1990 với Nothing compares 2 U của Sinead là One more try của George Michael, nhưng nỗi buồn của nó lại rất khác. Thay vì dằn vặt, George hờn trách về cái sự "kém yêu" của đối phương.

So when you say that you need me
That you’ll never leave me
I know you’re wrong, you’re not that strong
Just let me go
(Vậy nên khi em nói em cần anh,
rằng em sẽ không bao giờ rời xa anh,
anh đã biết rằng em sai rồi, em đâu có đủ mạnh mẽ đến như vậy,
hãy cứ để anh đi).

Giọng nam cao vút từng nổi tiếng một thời của George Michael cứ thế đẩy nỗi đau lên cao trào với những trách cứ, nỗi buồn trong lời ca của anh trong veo, rộng mênh mông, nhưng lại cũng như con dao sắc lẻm, từng lời ca cứa vào trái tim của người nghe đầy thổn thức. Để rồi khi anh cất lên những lời ca cuối cùng, I’m so cold, inside, maybe just one more try, niềm tiếc nuối trong ta bỗng trào ra thành nước mắt.

Bởi có ai trong chúng ta, khi đã yêu thật sự, lại không từng mong muốn được có thêm một cơ hội nữa, được làm lại một lần nữa, để cảm tưởng như mình chắc chắn sẽ làm tốt hơn lần trước. Có ai không muốn níu kéo, dù chỉ là những cố gắng vụng về.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận