Phổ cập tiếng Anh tiểu học, có vội vã?

TRẦN VĂN CHÁNH 24/09/2012 22:09 GMT+7

TTCT - Theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, năm học này, nhiều nơi bắt đầu chính thức dạy tiếng Anh lớp 3 và triển khai thí điểm đối với lớp 4, lớp 6. Nhưng xem ra cần cân nhắc lợi, hại của một chương trình thoạt đầu nghe rất hữu ích này.

Phóng to
Dạy tiếng Anh cho trẻ là việc nên làm, nhưng cần cân nhắc xem liệu có làm các em quá tải? - Ảnh: Minh Đức

Dân gian phong phú, trường chật vật

Thật ra, việc học tiếng Anh trong dân từ khá lâu đã phát triển rộng lớn với nhiều loại hình trường lớp phong phú, đa dạng.

Thực tế trong khi nhiều gia đình ở các tỉnh, thành phố lớn đổ xô cho con đi học tiếng Anh từ lớp mẫu giáo thì việc dạy tiếng Anh ở các nhà trường còn đang trong quá trình... dò dẫm, gặp nhiều trục trặc, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo và thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh đủ chuẩn ở bậc tiểu học. Điều này cho thấy việc chuẩn bị thực hiện đề án phổ cập tiếng Anh của Bộ GD-ĐT cũng còn những điểm bất cập, nếu không muốn nói có phần vội vã.

Như trên đã nói nếu đặt vấn đề trên phương diện toàn cục thì đề án bề ngoài tích cực của ngành giáo dục vẫn còn nhiều mặt phải xét: các điều kiện thực tế để thực hiện, những khó khăn có thể phát sinh khi đưa thêm một môn học quan trọng vào chương trình học lâu nay vốn bị coi là quá tải mà vẫn chưa có hướng giảm tải hữu hiệu, và nhất là tính hợp lý của nó xét trên quan điểm xây dựng một nền giáo dục quốc dân lâu dài.

Tạm thời, để vẫn thực hiện đề án, Bộ GD-ĐT bắt buộc phải tuyên bố hạ chuẩn trình độ giáo viên (từ B2 xuống mức B1), và đối với học sinh lớp 3, năm học này không bắt buộc tất cả các trường thí điểm phải dạy bốn tiết/tuần, mà có thể giảm còn ba hoặc hai tiết.

Thật ra, không phải trong bất kỳ mọi trường hợp hễ thấy lợi ích và muốn thì cứ làm, mà cần đợi hội đủ những điều kiện tương đối chín muồi. Thử so sánh với trường hợp nhiều người muốn đưa chữ Hán vào dạy ở nhà trường phổ thông để giúp nâng cao tri thức Việt ngữ. Đây là một chủ trương tốt cần làm nhưng chỉ có tính khả thi khi hội đủ điều kiện, chẳng hạn về đào tạo đội ngũ giảng dạy... Đưa vào không đúng lúc, trong khi môn tiếng Việt bình thường dạy còn chưa tốt, chỉ có thể làm cho công việc rối thêm.

Ai cũng biết hiện nay môn sử và các môn đạo đức (cấp I), công dân (cấp II) đang bị coi thường, thực tế chỉ dạy chiếu lệ ở các trường phổ thông và không được đưa vào danh mục trong các kỳ thi dẫn đến học sinh dốt sử, học trò kém lễ độ... Môn văn tuy được coi quan trọng hơn, nhưng tình trạng kém văn thảm hại ở mọi cấp cũng là hiện tượng phổ biến nhức nhối.

Phải chăng khoa học nhân văn ít giúp người ta trực tiếp tạo ra tiện nghi vật chất, tiền bạc nên bị xem thường? Những loại khiếm khuyết cơ bản này lâu nay là nỗi bức xúc chính đáng của các nhà giáo dục tâm huyết mà ngành giáo dục vẫn tiếp tục loay hoay bàn tới bàn lui mãi vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Lại còn việc cải cách và giảm tải theo hướng hợp lý hóa toàn diện chương trình giáo dục các cấp, như sửa đổi nội dung, cắt bớt khối lượng chương trình, trên cơ sở đó biên soạn lại sách giáo khoa cho phù hợp, định lại phương thức thi cử...

Giải quyết “nợ” trước đã

Tóm lại, cả một đống vấn đề còn nằm nguyên ra đó. Trong tình trạng rối beng như thế, việc đưa thêm bất kỳ môn học mới nào vào chương trình giảng dạy chính thức cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì nó vừa có tác dụng tăng tải, vừa làm cho học sinh có tâm lý đã xem thường lại xem thường hơn nữa những môn học có giá trị nhân văn, bồi dưỡng tâm hồn con người và thật sự ích nước lợi dân về mặt lâu dài.

Như một quy luật phổ biến, không cần kiểm chứng qua thống kê định lượng, chỉ dựa trên thực tế cũng đủ thấy phàm môn học, ngành học gì mà từ đó dễ kiếm ra tiền thì xã hội đều đổ xô theo học, như hiện nay là các ngành y dược, công nghệ thông tin, ngoại ngữ... Còn nông nghiệp, thủy sản... tuy rất cần cho đất nước (vốn là xứ nặng về nông - ngư nghiệp) nhưng lại đìu hiu vắng vẻ, một phần lớn do chính sách đào tạo và sử dụng không hợp lý của Chính phủ.

Đây chỉ là khuynh hướng chung tự nhiên của người dân. Đứng trên phương diện lợi ích quốc gia lâu dài, ngành giáo dục không thể chạy theo thời thượng của quần chúng được. Thay vào đó, cần có chính sách giáo dục quốc dân căn bản, dựa trên một hệ thống triết lý định hướng rõ rệt, trên cơ sở đó định ra mọi thứ liên quan đến mọi hoạt động của toàn ngành giáo dục.

Trong chiều hướng như trên, thiết tưởng trong khi vẫn tiếp tục khuyến khích dân chúng học tiếng Anh ở mọi cấp lớp (từ mẫu giáo đến ĐH) và dưới mọi loại hình trường lớp khác nhau, Bộ GD-ĐT không nhất thiết phải đưa cho kỳ được ngay bây giờ môn tiếng Anh vào chương trình chính thức cho bậc tiểu học như hiện nay, mà nên tập trung sức lực để giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại mà ngành giáo dục lâu nay vẫn còn nợ quốc dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận