Phương Khanh: "Người viết dạo" trở lại từ 1735km

ĐỖ DUY 17/03/2013 02:03 GMT+7

TTCT - Năm 19 tuổi, Phương Khanh viết kịch bản 1735km, đến nay vẫn được nhiều người đánh giá là một trong những kịch bản vừa lạ vừa hay của thị trường phim chiếu rạp tại Việt Nam.

Vắng mặt một thời gian dài để hoàn thành việc học (học bổng toàn phần của Đại học Grinnell về mỹ thuật, tại Mỹ) và ra đời lập nghiệp, nay gặp lại Khanh, được biết cô đang thực hiện hai dự án điện ảnh với tư cách “người viết dạo”. Khanh đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi.

Phóng to
Phương Khanh (phải) bàn ý tưởng kịch bản với Ngô Thanh Vân - Ảnh: Gia Tiến

Cô thợ nhỏ của thế kỷ 21

* Vì sao lại là “người viết dạo”?

- Tôi tự nói với bạn bè mình cho vui thôi, mà hình như cũng khá đúng. Tôi suy nghĩ nhanh và thực tế, làm công lĩnh hội chút ít kinh nghiệm, quan hệ, được một thời gian thì mở công ty dịch vụ riêng với bạn bè cho thoải mái thời gian, tranh thủ thêm nghề viết dạo vì thấy cứ viết là vui mà còn có tiền, còn gì thích bằng (cười). Tôi hình dung mình như những người bán rong ngoài đường, tất nhiên có tạp hóa, có siêu thị, người mua cứ đến sẽ có hàng thôi.

Nhưng mua hàng rong thì nhanh gọn nhất, tiện nhất cho người ta khi cần nhanh gọn lẹ. Nếu nghĩ theo thuật ngữ marketing: nhìn phân khúc thị trường, nhìn điểm khác biệt của mình thì tôi cứ chiếu theo ba tiêu chí này mà rao: Tôi viết cực nhanh, tôi viết đúng format Hollywood và tôi viết được hai ngôn ngữ Anh - Việt. Ai thích thì cứ ngồi nguyên chỗ đó, “ngoắc” tôi vào, tôi xách Mac Air vào viết thuê. Rất là tiện!

* Bạn mô tả công việc của mình thế nào?

“Tôi đã bỏ 10.000 giờ để cho văn viết tiếng Anh, bây giờ sẽ là 10.000 giờ cho văn viết tiếng Việt để đạt được chữ ký riêng của mình”.

- Viết kịch bản thật ra rất là kỹ thuật. Tôi không biết viết văn đâu vì tôi thấy việc đó khó và mông lung quá, trong khi tôi là người rất thực tế và kỹ thuật. Cái gì có môđun, có format (công thức, định dạng), có khung sườn, có tùm lum quy định thì tôi lại làm tốt.

Tôi học kỹ thuật cơ bản từ trường Mỹ, rồi được dịp làm chung với những đạo diễn giỏi, tôi học tiếp từ họ, từ từng dự án. Tuấn Andrew Nguyễn, Nguyễn Phan Quang Bình, Charlie Nguyễn, Ngô Thanh Vân, những người tài năng khác tôi có may mắn tiếp xúc và làm việc chung, đều là những người kể chuyện đại tài và có khả năng chuyển tải câu chuyện của họ thành phương tiện điện ảnh một cách hiệu quả nhất.

Tôi chỉ ở đó giúp họ có được một kịch bản in ra giấy, giống như thợ vậy, kêu sao làm vậy, mình có sẵn công cụ, kỹ thuật thì ngồi làm thôi. Ngồi lấy đồng hồ ra canh giờ, cứ một phút một trang, năm phút đầu có cháy nổ, bạt tai, té ngã suy sụp gì chưa, 30 phút sau có gay cấn leo thang buộc phải thay đổi lộ trình sống gì chưa, phút thứ 60 nhân vật chính có mất hết tiền bạc, bạn bè, niềm tin hi vọng gì chưa. Phút thứ 90 đã giải quyết tất cả mâu thuẫn lớn bé gì chưa...

Rồi còn cái “vòm” tính cách, rồi còn “đảo ngược quy định”, “cái nhéo”... Tôi thấy ở Hollywood cũng vậy. Một tập thể thợ chữ hăng say lao động, đoàn kết phấn đấu. Rất là vui. Sáng tác bị kiềm tỏa trong một trật tự đã được tính toán kỹ để đạt được “cực khoái” của người xem và doanh thu trong phòng vé.

Nói chung, nếu quan niệm sáng tác theo kiểu trường phái lãng mạn thế kỷ 18 tôn vinh cá nhân kiệt xuất, thì viết kịch bản so ra chả vẻ vang gì vì không có nhiều cái tôi tác giả trong đó. Nhưng điện ảnh là sản phẩm của thế kỷ 20, và tôi chỉ là cô thợ nhỏ ở thế kỷ 21 đang ngồi gọt đẽo theo yêu cầu đạo diễn, nhưng tôi thấy vinh dự và sung sướng lắm rồi!

* Trước mắt bạn có hai khách hàng khá “danh tiếng”. Bạn có thể nói gì về những dự án mình thực hiện chung với họ?

- Tôi vừa hoàn thành một kịch bản phim nhựa giải trí ra mắt tháng 8 này, viết chung với anh Charlie Nguyễn. Charlie vui tính, hợp ý, rất rành về format kịch bản và đã có hơn 20 năm làm nghề rồi, giống như tôi chỉ ngồi “đào mỏ” của anh. Về mặt tâm lý học thực hành, mỗi người có một cách thức khác nhau. Charlie và một số nhân vật tài năng khác nữa mà tôi có cơ hội tiếp xúc thuộc dạng người performer (trình diễn), họ suy nghĩ nhanh, nhiều ý tưởng, khi nói làm người ta nổi hết da gà vì nói quá hùng hồn, nên cần phương thức thể hiện hợp với cái “mode” đó để chuyển tải hiệu quả nhất.

Viết lách đối với họ sẽ bị chậm so với tốc độ suy nghĩ, nên thành ra bắt họ ngồi một chỗ viết lại không hay, để đó làm chuyện khác thì năng suất cao hơn. Tôi lấp được chỗ trống đó rất hiệu quả vì tôi thuộc dạng archiver (người ghi chép và tổng hợp), không cần hứng cũng có thể viết được, khi cần sửa nát lại thì cũng rất “tàn nhẫn”, thành ra hiệu quả. Như vậy kết hợp với nhau sẽ không bao giờ bị mất hứng và ra sản phẩm chất lượng trong thời gian tốc hành.

Còn dự án phim dài hơi khác mà chị Ngô Thanh Vân làm nhà sản xuất và đặt hàng kịch bản theo ý tưởng của chị thì chỉ mới bắt đầu. Cũng là một phim giải trí, chiếu rạp vào năm sau.

* Bạn có kịch bản của riêng mình không?

- Nói là ấp ủ một kịch bản của riêng mình thì cũng có, một kịch bản về múa lân vì tôi rất thích đề tài này. Nhưng tôi hầu như chưa nghĩ đến việc sẽ được sản xuất ngay. Bây giờ tôi thích làm việc với đạo diễn, theo những yêu cầu cụ thể, rõ ràng, đảm bảo kịch bản của tôi sẽ được sản xuất chứ không phải tự mình viết ra và chưa chắc có được sản xuất hay không vì kinh phí, thị trường...

Chắc tôi chỉ viết kịch bản của mình khi nào tôi có khả năng tài chính để làm phim chứ ai mà dám mạo hiểm sản xuất (cười). Còn bây giờ, tôi chỉ mong được đứng trên vai những người khổng lồ là các đạo diễn giỏi. Tôi còn trẻ nên còn sức học nhiều và thấy biết ơn những cơ hội như vậy.

* Viết kịch bản theo ý đặt hàng có khó không?

- Tôi cho rằng viết kịch bản phim hiện nay không thể theo quan điểm là chỉ có một cá nhân, đóng cửa trên tháp ngà, được soi sáng và leo lên sân khấu Oscar “xin cảm ơn Chúa trời, cha mẹ, con cái...” nữa. Nếu có, trên sân khấu ấy có lẽ tôi chỉ nên cảm ơn duy nhất đối tượng: các nhà sản xuất - người đã cho tôi cơ hội biến kịch bản của mình thành phim. Vì kịch bản mà chỉ hiện trên giấy cất vào kho thì giống như viết văn và in ra tự đọc. Tất cả nên được hiểu và làm theo công thức, và nói là thủ công mỹ nghệ cũng chẳng sai.

Tôi không muốn được khen giỏi nhất, hay nhất, tôi chỉ muốn kịch bản mình viết ra được nhiều đạo diễn muốn sản xuất (có thể là vì đúng ý họ nhất, trong thời gian ngắn nhất, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào họ yêu cầu). Bạn có nhớ nhân vật con ngựa trong War horse của Steven Spielberg không? Chỉ là một con ngựa thôi mà lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả, còn hơn cả diễn viên người đóng. Bài học rút ra: hãy chọn đúng đạo diễn, dù cho bạn chỉ là một... con ngựa, bạn cũng có thể tỏa sáng.

Mười ngàn giờ cho tiếng Việt

* Bạn được đào tạo về mỹ thuật tại Mỹ, chuyện viết lách bài bản này sinh ra từ đâu?

- Đó là tên cái bằng tôi được cấp. Thật ra do cơ chế trường tổng hợp ở Mỹ, tôi hoàn thành xong số tín chỉ để được cấp bằng trong chừng hai năm là cùng, thời gian còn lại tôi tham gia những lớp văn chương Mỹ, Pháp, kịch bản, viết văn, xã hội học, nhân chủng học, tâm lý thần kinh... Có lớp gì hay mà Việt Nam chưa có thì tôi chui vào đăng ký học hết, thành ra bây giờ vốn sống chưa chắc nhiều nhưng những thứ lặt vặt như vậy thì cũng có một mớ làm vốn. Chưa kể Wikipedia (cười).

* Học về văn chương nhiều như vậy, bạn có ý định viết văn?

- Tôi chưa đủ tầm để viết văn đâu. Nhưng tôi ao ước lúc nào đó tôi có tiếng nói, có được chữ ký của mình, con người “văn” của mình. Tôi muốn khi viết văn, mọi người phải biết tôi là phụ nữ, không phải đàn ông, nhưng không phải là dòng văn học tình cảm sướt mướt. Cũng không viết chuyện chính trị triết học tâm sinh lý xã hội chi đó chỉ khiến mọi người cười. Tôi muốn văn tôi giống như một dự án nghiên cứu gì đó hơn là sự sáng tạo: nhiều chi tiết, chỉ chú trọng chi tiết, còn cách kể chuyện thì có tính toán format để đạt được hiệu ứng “đi vào lòng người” tối đa.

Bây giờ, nói ra hơi tệ, tôi viết kịch bản theo format bằng tiếng Anh giỏi hơn tiếng mẹ đẻ (vì tôi được học để viết bằng tiếng Anh chứ không phải bằng tiếng Việt). Tư duy bằng ngôn ngữ nào thì thể hiện bằng ngôn ngữ đó là cấp độ đơn sơ nhất, tôi chỉ mới được ở giai đoạn vỡ lòng đó thôi. Nhưng tôi thích viết bằng tiếng Việt hơn. Chỉ đơn giản, tôi nghĩ tiếng Anh người ta dùng nhiều quá rồi, hầu hết những phát hiện lớn của nhân loại đương đại trong mọi lĩnh vực đều bằng tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh, và ngôn ngữ này đã quá giàu và ngày một giàu hơn rồi.

Còn tiếng Việt đương đại thì sao, chả lẽ cứ để cho quảng cáo các ngành hàng tiêu dùng nhanh thêm vào toàn những từ như “sáng trắng”, “sáng chói”, “sáng cuốn lốc xoáy” mãi được.

* Nếu có, bạn sẽ theo đuổi mục tiêu văn chương bằng cách nào?

- Theo nguyên tắc “mười ngàn giờ” rất dân chủ ở đây - là khái niệm thiên tài nhiều khi hơi bị “quý tộc” và khó với tới quá, trong khi chỉ cần có sự luyện tập chuyên cần mọi thứ bạn sẽ làm được. Tôi đã bỏ 10.000 giờ để cho văn viết tiếng Anh, bây giờ sẽ là 10.000 giờ cho văn viết tiếng Việt để đạt được chữ ký riêng của mình.

* Có thể công việc “viết mướn” của bạn sẽ mâu thuẫn với công việc của người viết văn?

- Đó là câu nói của thế kỷ 18. Tôi nghĩ viết văn bây giờ có thể như Dan Brown. Ông có 20 trợ lý toàn tiến sĩ/nhà nghiên cứu để đi tìm tư liệu, để hoàn thành tiểu thuyết của mình và họ chấp nhận chuyện không xuất hiện vì họ cần tiền để đi nuôi quyển sách ao ước của họ hoặc thứ gì khác - cũng có thể quyển sách đó chỉ có in ra tự đọc tự khen nhưng ít nhất trong giới chuyên môn, họ sẽ được viết nhiều thứ khác và làm việc với những thiên tài khác nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận