Sức hút của Bé Sáu

THANH TÚ 14/01/2013 00:01 GMT+7

TTCT - Nghe danh đã lâu, nhưng nhiều sinh viên vẫn muốn tận mắt chứng kiến cô sinh viên từng vô địch giải đá cầu thế giới thi đấu ra sao. Khi xem xong, họ đều mãn nhãn trước những pha cúp cầu, đạp cầu đẹp mắt của nhà vô địch.

Phóng to
Bộ sưu tập huy chương của Bé Sáu - Ảnh: Thanh Tú

Cái tên Lê Thị Bé Sáu, sinh viên năm 4 ngành sư phạm Trường ĐH Đồng Tháp, nghe có vẻ quê mùa, chất phác như đặc tính vốn có của con gái miệt ĐBSCL. Thế nhưng, tại Đại hội TDTT sinh viên ĐBSCL lần 21 (do Trường ĐH Đồng Tháp đăng cai), cứ mỗi lần xướng tên Lê Thị Bé Sáu bước vào thi đấu nội dung đá cầu, nhà thi đấu thể thao đa môn liền chật cứng khán giả đến cổ vũ. Kết quả Bé Sáu đã giành 2 HCV nội dung đôi nữ và đôi nam nữ để góp phần vào thắng lợi toàn đoàn của Trường ĐH Đồng Tháp.

Điều gì khiến cái tên quê mùa nhưng vẫn có một “thương hiệu” riêng, dù đá cầu không phải là môn thể thao được nhiều người ưa thích? Cha mẹ đều là dân làm nông, nhà có năm chị em nhưng chỉ mình Bé Sáu theo nghiệp thể thao. Năm 2010 khi đang là sinh viên năm 2, Bé Sáu đã giành HCV (3 nữ) ở Giải vô địch đá cầu thế giới. Mới đây, tại Giải đá cầu Trung Quốc mở rộng, Bé Sáu tiếp tục giành HCV (3 nữ) nên khi tham gia cùng các bạn sinh viên ở kỳ đại hội này, tên cô được bạn bè chú ý nhiều như vậy.

Bé Sáu cho biết năm 2000 nhân dịp Đồng Tháp đăng cai Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, thầy Được - HLV đá cầu của Sở TDTT lúc đó - mở lớp dạy cho học sinh THCS. Thấy các bạn trong lớp tham gia, Bé Sáu cũng đi theo cho vui. Nào ngờ chỉ tập được hơn một tháng thì ban huấn luyện thấy em có chiều cao tốt (cao 1,68m), lại nhanh nhẹn nên tuyển vào lớp năng khiếu của tỉnh. Liên tiếp những năm sau đó, Bé Sáu đều giành được huy chương ở các giải trẻ toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng...

Đến năm 2005 thì được lên tuyển Đồng Tháp, năm 2006 là năm thành công nhất khi cô đem về cho tỉnh 3 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc. Đặc biệt năm 2009 với vai trò chủ công, Bé Sáu đã cùng đồng đội đoạt 2 HCV SEA Games, 1 HCV và 1 HCB IndoGames.

Năm 2009, đang ở đỉnh cao phong độ, Bé Sáu quyết định nộp đơn thi vào ngành sư phạm (môn giáo dục thể chất) Trường ĐH Đồng Tháp, trong khi với thành tích và đẳng cấp của mình, cô đủ tiêu chuẩn tuyển thẳng vào Trường ĐH TDTT T.Ư 2 TP.HCM. “Tôi muốn được làm cô giáo vì nghề này chính là ước mơ từ nhỏ. Vả lại, với những trải nghiệm trong quá trình thi đấu, tôi muốn truyền đạt kinh nghiệm của mình cho các em học sinh vốn thiếu thốn sân chơi như mình từng gặp phải hồi còn nhỏ” - Bé Sáu giải thích.

Phóng to

Bé Sáu (12) trong màu áo đội tuyển quốc gia - Ảnh: Thanh Tú

Theo Bé Sáu, cái khó nhất của môn đá cầu là bài tập cúp cầu, vì vừa phải tung người vừa thực hiện động tác cắt kéo, xoay cổ chân. Thế mạnh chiều cao là một lẽ, nhưng nếu không có độ uyển chuyển, mềm dẻo của cổ chân, sự mạnh mẽ, bền bỉ về thể lực thì khó mà nhảy, bật cúp, chắn cầu được. Do đó, mỗi ngày VĐV đá cầu phải tập không dưới 3 giờ/buổi.

Riêng Bé Sáu phải vừa sắp xếp thời gian học ở trường, vừa tham gia tập luyện chung với đồng đội ở tỉnh nên đêm nào cũng phải đến sau 10g tối mới về đến nhà. Ngay cả ngày chủ nhật cũng không được nghỉ vì phải tập bù cho thời gian đi học. Nhưng sợ nhất là những lần tập trung dài hạn ở đội tuyển quốc gia, xong giải về trường phải trả nợ bài.

Thầy Nguyễn Văn Đệ, hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết việc để cô sinh viên Bé Sáu đang học năm cuối lần đầu tiên tham gia thi đấu ở kỳ Đại hội TDTT sinh viên ĐBSCL là nhằm khơi dậy, quảng bá phong trào đá cầu trong sinh viên. Còn chuyện Bé Sáu nợ môn do bận phục vụ đội tuyển thì trường sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để cô hoàn tất bài vở.

Theo kế hoạch, cuối tháng 8-2013 tỉnh Đồng Tháp sẽ đăng cai tổ chức giải đá cầu thế giới. Đây là cơ hội tốt để Bé Sáu (lúc đó đã là cô giáo) sẽ trở thành thương hiệu “quê mùa” đáng nhớ của thể thao tỉnh nhà nói riêng và thể thao VN nói chung.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận