Thế giới của idol và người hâm mộ: Rũ bỏ dần những hào nhoáng độc hại

DƯƠNG LIỄU 03/06/2022 18:05 GMT+7

TTCT - Việc gói mình vào hình ảnh hoàn mỹ mà công chúng yêu thích là một công việc khó khăn và áp lực mà những thần tượng đang dần muốn thoát ra để khẳng định sự tự do trong quyết định của mình.

 
 Ca sĩ Doja Cat. Ảnh: CNN

 Tháng trước, hàng chục triệu người hâm mộ như được ngồi trên tàu lượn siêu tốc khi ca sĩ nổi tiếng Doja Cat tuyên bố sẽ rút lui khỏi ngành âm nhạc, rồi hai ngày sau, cô nàng lên Twitter xin lỗi và hàm ý muốn rút lại tuyên bố trước đó. 

Nếu như lời tạm biệt làm dấy lên nhiều tranh luận về việc người nổi tiếng, nói cách khác là thần tượng, có nên vứt đi vẻ ngoài hào nhoáng và sống đúng ý họ hay không; thì việc Doja Cat quay trở lại cũng cho thấy một thế giới thần tượng không dễ gì rũ bỏ.

Thần tượng - văn hóa lâu đời

Việc yêu quý một hình ảnh hay cá nhân nào đó đã hình thành xuyên suốt lịch sử loài người và chẳng có gì mới mẻ. Trong thần thoại Hy Lạp, đã có câu chuyện nàng Psyche vì quá đỗi xinh đẹp mà người dân bỏ bê thờ cúng nữ thần sắc đẹp Aphrodite để đi cúng tế tôn thờ nàng.

Ở mỗi giai đoạn lịch sử lại có những idol được ngưỡng mộ, thậm chí tôn sùng, và sự nổi tiếng không phải lúc nào cũng dễ chịu. Thập niên 1960, The Beatles đem đến cơn sốt Beatlemania. Người ta chen chúc đi nghe nhạc, gào thét, khóc lóc và ngất xỉu, các fan quá khích hoặc kẻ thù ghét thì không ngừng gửi thư nặc danh đe dọa. Sự điên cuồng lớn tới nỗi ban nhạc phải di chuyển bằng xe chống đạn, cuối cùng The Beatles quyết định ngừng đi tour. Thành viên nổi tiếng nhất, John Lennon, sau đó bị một fan cuồng bắn chết.

 
 Cơn sốt Beatlemania (ảnh: NY TImes)

 Năm 2012, báo chí và mạng xã hội Việt Nam cũng xôn xao vì đề văn lạ: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa". Đề thi này được cho là do ảnh hưởng của làn sóng các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc như T-Ara, SNSD, Super Junior… đến Việt Nam vào thời gian đó. Những thông tin về việc các học sinh cãi lời cha mẹ, quỳ lạy thần tượng liên tục gây tranh cãi.

Ở thời điểm hiện tại, khi mạng xã hội đã thay đổi toàn bộ thế giới, số lượng fan có thể theo sát nhất cử nhất động của thần tượng đã lên đến hàng triệu, chục triệu người. Các idol liên tục cập nhật thông tin trên các phương tiện mạng xã hội, nói chuyện với fan, tạo lập mối liên hệ gắn bó hơn bao giờ hết. Và các idol hiểu rằng họ có thể đứng trên vinh quang là nhờ có lượng fan đông đảo ủng hộ mình.

Định hình và công nghiệp hóa

Nền công nghiệp idol được hình thành từ Nhật Bản những năm 1960-1970. Khi guồng quay cuộc sống khiến mọi người ngày càng bận rộn, tài sản tích lũy ngày càng nhiều và áp lực cũng tăng, nhiều người cần tìm kiếm một thứ hoàn hảo mà họ không có. Và idol sẽ đem đến điều đó: họ bán giấc mơ.

Ban đầu, các idol là những người nổi tiếng trẻ trung xinh đẹp, đa số là các thiếu nữ, có khả năng thu hút khán giả truyền hình. Do tính chất giấc mơ thì luôn dễ đến dễ đi, các idol có sự nghiệp rất ngắn ngủi và sau đó mất hút khỏi làng giải trí.

Năm 1962, Johnny Kitagawa thành lập Công ty Johnny & Associates, biến idol thành một nền công nghiệp. Johnny & Associates quản lý các idol, mở các lớp đào tạo, tuyển sinh. Cái khung của idol được định hình rất rõ ràng: những người có vẻ ngoài bắt mắt, có khả năng vũ đạo và hát những bài hát thời thượng.

 
 Nhóm nhạc thần tượng Nhật AKB48 (Ảnh: Billboard)

 Ngoài ra, vì idol là người bán giấc mơ, nên các idol bắt buộc phải giữ một hình ảnh cực kỳ hoàn hảo. Hình thức quản lý cũng thay đổi theo, thay vì chỉ là đại diện pháp luật, nay công ty đã trở thành nơi giám sát idol từ đồ ăn thức uống, quần áo… đến việc idol đó nên nói gì, làm gì. 

Với sự giúp sức của một đội ngũ hùng hậu chuyên xây dựng và bảo vệ hình tượng, sự hâm mộ chỉ có tăng, tuổi đời idol kéo dài từ vài năm đến vài chục năm. Tất cả những điều này đem đến thành công không nhỏ cho idol và cho công ty. Ngành công nghiệp mới này có lợi nhuận siêu khủng, Johnny Kitagawa trở thành một trong những người giàu nhất Nhật Bản và là ông trùm truyền thông, độc quyền trong việc “sản xuất” các nhóm idol nam tại Nhật.

Công thức của Johnny Kitagawa đã được áp dụng chung trên toàn thế giới, từ Mỹ, châu Âu và hiện là ở Hàn - đất nước đang tích cực “xuất khẩu” văn hóa qua idol. Điều này kéo theo sự thay đổi của hàng loạt ngành công nghiệp liên quan: idol lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, thời trang, các chương trình giải trí và thậm chí các chương trình xã hội. 

Năm 2021, việc nhóm nhạc Hàn Quốc BTS biểu diễn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York với tư cách là đặc phái viên đã cho thấy sức ảnh hưởng của idol tới mọi người. Các chàng trai ăn mặc thời thượng, nổi tiếng với lối sống lành mạnh, sự thân thiện với fan và hát những bài hát vui tươi là một hình ảnh quảng bá mạnh mẽ cho bất kỳ nhãn hàng hay tổ chức nào.

Nhóm nhạc thần tượng BTS tham dự Today Show tại New York (Ảnh: Time)

 Mặt trái tồi tàn

Càng phát triển thì sự cạnh tranh càng tăng cao, các idol phải tìm mọi cách để giữ mãi hình ảnh hoàn hảo của họ. Nếu ở các thập niên trước, một bê bối lớn có thể làm ảnh hưởng đến sự nổi tiếng của thần tượng, ví dụ tranh cãi xâm hại trẻ em của Michael Jackson, thì hiện nay, vị trí của idol có thể bị lung lay chỉ vì những thứ xảy ra trong cuộc sống của một người bình thường: hẹn hò, tăng cân, quên không chào người lớn, quần áo không đẹp, thậm chí vì gương mặt không vui vẻ.

Năm 2013, Minami Minegishi gây sốc trên truyền thông khi cạo đầu và đăng video xin lỗi trong nước mắt vì báo chí khui chuyện cô lén lút hẹn hò. Với các nhóm nhạc thần tượng, việc hẹn hò, đặc biệt khi còn trẻ, là một hành động khó chấp nhận. Minami sau đó đã bị công ty hạ bậc xuống thành thực tập sinh để “trừng phạt”. Năm 2018, siêu sao nhạc nhẹ Nhật Bản 41 tuổi Ayumi Hamasaki xin lỗi người hâm mộ vì cô đã hơi tăng cân trong buổi livestream trước đó.

Tại Hàn Quốc, có một thuật ngữ dành riêng cho các hợp đồng bóc lột idol: noye gyeyak – hợp đồng nô lệ. Các thực tập sinh phải ký hợp đồng lên đến hàng chục năm, đồng thời phải gánh một khoản nợ khổng lồ là chi phí đào tạo từ các công ty lớn. 

Các idol cũng phải chịu sự quản lý gắt gao và vi phạm quyền tự do cá nhân nghiêm trọng như bị kiểm soát điện thoại, lịch sinh hoạt cá nhân, nhằm đảm bảo họ không phá vỡ luật, đồng thời phá bỏ hình ảnh đẹp mà công ty đã gây dựng. Họ cũng bị yêu cầu phải phẫu thuật thẩm mỹ theo tiêu chuẩn công ty.

Với việc đào tạo idol từ tuổi 12, 13 bằng các yêu cầu hà khắc, ngành công nghiệp này tại Nhật và Hàn bị chỉ trích rất nhiều về sự hào nhoáng giả tạo xây dựng từ những nền tảng độc hại.

Các thần tượng và người nổi tiếng ở Âu Mỹ có dễ thở hơn? Thực tế là các idol ở những nơi này lại có thể bị tấn công theo cách khác. Văn hóa paparazzi được chấp nhận như một thực tế ở xã hội Tây phương. Diễn viên Emma Watson từng kể về việc những bức ảnh chụp quần lót của cô được tung ra khắp các mặt báo ngay vào sinh nhật 18 tuổi. Trước ngày đó, nếu các báo đăng thì họ sẽ bị phạm luật do cô chưa đủ tuổi trưởng thành. Điều đó đã khiến sinh nhật đáng ra đẹp nhất đời cô thành một ngày đáng quên. 

 “Thực lòng mà nói thì tôi chẳng quan tâm đến cân nặng nữa vì kiểu gì người ta chẳng nhiều chuyện, lúc thì bảo tôi gầy quá, lúc thì nói tôi béo quá… Nói cho bọn mày biết, tao là tao và tao hoàn hảo”

(Ca sĩ Selena Gomez đăng một clip trên TikTok đầu tháng 4 vừa rồi, chia sẻ về việc cô đến cửa hàng ăn nhanh và ăn tất cả những món mình thích).

Bước rẽ

Năm 2009, các thành viên của nhóm nhạc TVXQ kiện công ty của mình - một ông lớn trong ngành giải trí Hàn Quốc – vì hợp đồng nô lệ kéo dài 13 năm với điều khoản ăn chia bóc lột. Ba thành viên chính sau đó đã rời nhóm và bị công ty cũ hạn chế truyền thông, họ phải tìm các hướng đi khác như nhạc kịch, đóng phim, tham gia hát ở Nhật. Nhưng vụ kiện cũng đã giúp thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp idol. Năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc ra đạo luật yêu cầu hợp đồng chỉ được kéo dài tối đa 7 năm, ngoài ra cũng giảm các mức nợ mà idol phải chịu.

Năm 2021, bộ phim tài liệu Framing Britney Spears lên sóng, nói về quyền bảo hộ độc hại mà ca sĩ phải chịu đựng suốt 13 năm, khi gia đình và bác sĩ ép cô phải dùng thuốc tránh thai, ép cô phải biểu diễn, tước quyền được ra ngoài và gặp gỡ con cái của cô. 

Bộ phim thể hiện một góc tối kinh khủng của nền công nghiệp giải trí và áp lực của các thần tượng đại chúng, khi Briney Spears bị báo chí, các chương trình truyền hình và cả đồng nghiệp chỉ trích, nhạo báng khi cô gặp vấn đề về tâm lý hay không xuất hiện chuẩn mực như hình ảnh nàng công chúa nhạc pop thuở nào. Các báo như Glamour, The New York Times đã đồng loạt lên bài xin lỗi Spears.

 
 Ca sĩ Britney Spears (Ảnh: Reuters)

 Tại Hàn và Nhật, các idol dần tìm kiếm con đường riêng để thoát khỏi hình ảnh “chỉ là một giấc mơ”. Họ lấn sân sang các lĩnh vực giải trí khác như làm radio, YouTuber… và không ngại chia sẻ về những sự thật, góc khuất trong ngành. Một số lựa chọn từ bỏ việc làm người nổi tiếng để kinh doanh, xây dựng gia đình. 

Nữ ca sĩ Lee Hyori, từng nổi tiếng là biểu tượng sexy của Hàn Quốc, đã cùng chồng trở thành những nhà hoạt động cho quyền lợi động vật và thường xuyên xuất hiện với gương mặt không trang điểm, mặc quần áo bình dân. Cô đóng tài khoản Instagram của mình, hạn chế tối đa xuất hiện trên truyền thông, trừ khi ở các chương trình từ thiện hoặc các dự án cá nhân.

Tất nhiên có cung thì vẫn có cầu. Nhu cầu về một hình mẫu hoàn hảo để yêu quý và mơ mộng nằm trong bất cứ ai, và các công ty truyền thông giải trí sẽ luôn đáp ứng. Nhưng ít nhất, với sự thay đổi trong nhận thức của thế hệ mới, idol sẽ là một ngành công nghiệp bớt áp lực hơn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận