​“Thiết kế tốt tạo nên hàng xóm tốt!”

TTCT - Cuộc trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, tác giả thiết kế chính Saigon Zoom in (Cận cảnh Sài Gòn), được tạp chí Graphic Design trao giải hạng mục Editorial Design trong cuộc thi American Graphic Design Awards 2014.

Họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông - Ảnh: N.V.N.
Họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông - Ảnh: N.V.N.

Nổi danh trong ngành thiết kế quảng cáo, truyền thông trong khoảng thời gian 1990-2005, gần 10 năm qua họa sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Tri Phương Đông sang Mỹ định cư nhưng vẫn có cách riêng để kết nối với môi trường làm nghề trong nước qua một số dự án thiết kế và truyền thông, đặc biệt là qua các lớp học thiết kế online được nhiều nhà thiết kế trẻ quan tâm. 

Những ngày cuối năm 2014, trở về Sài Gòn, anh gặp bạn bè chia sẻ tin vui: tạp chí thiết kế uy tín Graphic Design USA đã trao giải American Graphic Design 2014 cho tác phẩm Saigon Zoom in (Cận cảnh Sài Gòn) mà anh là người thiết kế chính.

Internet, kẻ giám sát

Saigon Zoom in (Cận cảnh Sài Gòn) được tạp chí Graphic Design trao giải hạng mục Editorial Design (thiết kế biên tập) trong cuộc thi American Graphic Design Awards 2014. Cuốn sách có khoảng 400 bức ảnh về TP.HCM do gần 100 tác giả trong và ngoài nước chụp, là một cẩm nang hướng dẫn du lịch được trình bày sống động, hiện đại và đậm chất đồ họa.

Nguyễn Tri Phương Đông đang cùng một nhóm họa sĩ, nhiếp ảnh khảo sát để thực hiện tiếp Nha Trang Zoom in.

* 10 năm của một họa sĩ thiết kế Việt Nam sống trên đất Mỹ thế nào, thưa anh?

- Nói thì to tát nhưng tôi cũng như bất kỳ ai, sang Mỹ là bắt đầu vật lộn từ con số không. Như cái cây nhổ đi trồng đất khác thì cần có thời gian thích nghi. Nhà thiết kế nói riêng, người làm văn hóa nói chung thì chuyện ấy khó khăn hơn người bình thường bởi nó còn liên quan tới lối sống, văn hóa tiêu dùng, cảm xúc... ở môi trường xã hội hoàn toàn khác biệt.

Về nghề nghiệp, tôi may mắn có thời gian làm việc liên tục, không bị ngắt quãng qua các dự án online cộng tác với trong nước. Ngoài ra, tôi còn bước qua một lĩnh vực mới là thiết kế đồ họa chuyển động cho truyền hình. Tôi được làm việc với người Mỹ và cả người Mỹ gốc Việt với rất nhiều trải nghiệm thú vị.

* Công nghệ ngày nay đã xóa nhòa khoảng cách địa lý, xem ra rất thuận lợi cho những nhà thiết kế độc lập…

- Internet rất tốt cho những người làm thiết kế, nhưng nó cũng là cơ chế giám sát nghiêm khắc cho tất cả. Lấy ví dụ mình có một ý tưởng mới nhưng chỉ cần tra cứu trên mạng thì có khi giật mình vì đã có hàng ngàn ý tưởng như thế rồi. Chúng cũng na ná như thế, đôi khi là tương tác, rẽ nhánh, ảnh hưởng... lẫn nhau.

Dưới gầm trời này, trong không gian Internet, không có gì gọi là mới mẻ 100% cả. Ngay cả những sản phẩm thượng thặng như của Apple thì họ cũng kế thừa từ những ngày tháng trầm luân. Cho nên ngày nay, khi nghĩ ra một ý tưởng mới, tôi phải làm một thao tác ngược lại với ngày xưa: dò tìm xem có ai đã tạo ra nó hay chưa.

Theo chuẩn xã hội Mỹ, thao tác đó là một bổn phận và trách nhiệm để nhà thiết kế tránh được những tranh chấp, tranh cãi về sau. 

* Nhưng cơ chế giám sát rất “máy móc” đó có làm ảnh hưởng đến cơ chế sáng tạo của nhà thiết kế, khi mà nhìn đâu anh ta cũng thấy mình có khả năng lặp lại người khác?

- Chắc chắn là hành nghề bây giờ khó khăn hơn ngày xưa, vì chuẩn thông thường đã cao hơn xưa. Cái thời ông Pelé đá bóng thì kỹ thuật bóng đá chỉ đến mức đấy. Nhưng  bây giờ đến thời của Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo thì bóng đá đã khác nhiều. Một nửa “vốn liếng” của Pelé đã trở thành kỹ thuật cơ bản (basic) của các cầu thủ hôm nay. Sự nổi lên, cách biệt giữa các cầu thủ với nhau là không lớn.

Tương tự cho các lĩnh vực, ngành nghề khác, có hàng trăm triệu ý tưởng, bằng sáng chế đã được thừa nhận trong các bảo tàng, các cơ quan lưu trữ bằng sáng chế, hàng triệu thứ khác đang nằm chờ được cấp bằng, công nhận chính thức hay khai thác thương mại.

Câu chuyện ở chỗ mọi thứ đã đâu vào đó, theo tiêu chuẩn và người ta đã chấp hành, sống trong quy củ từ lâu rồi. Sẽ rất dễ do pháp lý đã tạo ra khuôn khổ bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng rất khó ở chỗ để nghĩ ra cái gì mới thì cần đến những nỗ lực về đào tạo, học vấn, văn hóa nền, hiểu biết tổng thể, đặc biệt hiểu biết liên quan tới truyền thông. 

Ngày nay, sức ảnh hưởng của truyền thông là rất lớn nhưng rất tiếc tại Việt Nam, việc đào tạo kỹ năng truyền thông điệp cho nhà thiết kế tương lai chưa được chú trọng đúng mức để giúp họ có tầm nhìn rộng hơn, hiểu biết sâu hơn để có thể tạo ra các ý tưởng, sản phẩm có thông điệp có sức lay động đến cộng đồng.

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

Mất kỷ cương thẩm mỹ!

* Tôi có đọc cuốn sách của tác giả Mỹ, nói đại ý rằng ngày nay thiết kế kiến tạo nên thế giới. Thế giới, hay nói cụ thể hơn, đô thị sẽ ra sao nếu các đồ án thiết kế tương lai được giao cho những người thiếu chuyên môn? Hãy đơn cử bằng sự lùm xùm trong chuyện phá cũ xây mới đang xảy ra ở đô thị Việt Nam?

- Trên một tạp chí kiến trúc của Mỹ mà tôi đã được đọc có một tiêu đề (headline) trên bìa rất hay: “Thiết kế tốt tạo nên hàng xóm tốt”. Vì sao như vậy? Thiết kế tốt là khi gia chủ đặt hàng nhà thiết kế để có được một công trình tốt, theo thói quen tự nhiên, hàng xóm sẽ có nhu cầu trông vào đó để hoàn thiện không gian sống của mình.

Ngược lại, nếu ngôi nhà nằm trong một không gian chưa được hoàn thiện thì họ sẽ tự đào thải, đi sang một khu dân cư khác và có người khác phù hợp hơn thay thế. Tất cả là một quá trình chọn lọc tự nhiên.

Những người có thu nhập tương đồng sẽ tạo ra những khu dân cư tương đồng về thẩm mỹ, sinh thái, văn hóa, các mối quan tâm… Và bản thân cộng đồng có thể sống độc lập hoặc tương tác với nhau như một đơn vị độc lập bằng thiết kế tốt.

Nhưng rộng ra thì câu chuyện phải được trở thành những quyết sách có tầm vóc nhà nước hay những đường hướng hoạt động rõ ràng, hiệu quả của các tổ chức nghề nghiệp - những người, những tổ chức nghề nghiệp uy tín có ảnh hưởng lớn đến năng lực, thẩm mỹ từng nhà thiết kế cụ thể. 

Ảnh: M.N.
Ảnh: M.N.

* Nhưng xin hãy trở về với câu chuyện Việt Nam, cụ thể là Sài Gòn…

- Mô hình, chính xác là hiện trạng Việt Nam thì thật khó đoán. Vẫn biết không xã hội nào giống xã hội nào (vì những điều kiện lịch sử, văn hóa, địa lý khác nhau), nhưng rõ ràng nhất đối với Việt Nam là chúng ta không xem bất kỳ mẫu hình nào của thế giới để theo chuẩn mà học mỗi nơi một tí, không có chủ đích, hoặc chủ đích cục bộ, không có vai trò chủ trì để có thể xuyên suốt hài hòa, tương tác giữa các lĩnh vực chuyên môn...

Từ đó sinh ra chuyện biển báo mỗi nơi mỗi kiểu, vào mùa lễ hội cuối năm thì trang trí phố phường mỗi nơi một cách, có nơi cả đường phố như Walt Disney... Không có cái nhìn tổng thể, không có cái nhìn thống nhất, không có sự bàn bạc thấu đáo chuyên nghiệp thì mỗi người yêu thành phố một kiểu, không có kỷ cương thẩm mỹ!

* Tại sao trong các bản quy hoạch thường thiếu dấu ấn của các nhà chuyên môn có khả năng, hiểu biết và trách nhiệm?

- Đơn giản là các hội, hiệp hội chuyên môn không thường xuyên có đủ uy tín, hoặc không được lắng nghe hoặc lại hoàn toàn “đồng quan điểm”. Một số hiệp hội nghề nghiệp có thể đã rã rời về cách tổ chức, lạc hậu về cách nhìn nhận, bất thường hay quá cũ kỹ về điều hành, quan niệm… nên tập hợp những người “hợp cạ” hơn là những người có nhiệt huyết, trình độ, chuyên nghiệp.

Một khi đã như vậy thì không thể có sự kế thừa, giàu sáng tạo để đi theo tôn chỉ của các hội đó. Ở nhiều nước, người ta có nhiều tổ chức cộng đồng chuyên môn độc lập, từ đó họ có tiếng nói chuyên môn, chính kiến khi thực tế động chạm tới vấn đề của mình và của xã hội. 

* Những sự việc vừa qua cho thấy chính người dân Sài Gòn đã có thái độ và xúc cảm rõ ràng hơn các nhà thiết kế và giới làm nghề kiến trúc khi câu chuyện quy hoạch phát triển có nguy cơ làm tổn thương đến đời sống di sản thiên nhiên, kiến trúc của thành phố, như chuyện đốn bỏ cây cổ thụ…

- Tôi từng đọc những dự án phát triển khi giải tỏa trên một khu đất rộng, họ giữ lại một số cây, mà theo những nhà chuyên môn là sẽ tham gia đáng kể vào phối cảnh quần thể kiến trúc trong tương lai.

Tôi tin số nhân tài trên chục triệu dân của thành phố là rất lớn, nhưng họ đã ở đâu, bị bỏ quên thế nào trong các đồ án kiến trúc cho tương lai nhưng thiếu tính toán?

Người dân yêu từng gốc cổ thụ trăm năm, thuộc từng viên đá cũ, sống với từng sáng thức dậy hay đêm khuya tần tảo của Sài Gòn cần được thăm dò ý kiến, lắng nghe tiếng nói... Đừng để đời sống của họ hoàn toàn bị động trước những quyết định chỉnh trang đô thị.

* Có lẽ còn là sự không phải với tương lai. Tôi nhớ kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính viết trong cuốn Ngõ phố đời người rằng “Tiêu xài cho đời mình, nhớ để phần cho con cháu”. Hãy thử nghĩ, phần cho con cháu là gì?

- Những thay đổi hiện tại đang có tính xu thời, tôn vinh cái có lợi để rồi lâu dần thì nghiễm nhiên “cái đúng” được hiểu chính là “cái có lợi”. Điều đó làm cho những giá trị làm nên nền tảng dân tộc này thành thứ yếu.

Một khi ai cũng biết các dự án ngắn ngày hôm nay trong dăm bảy năm sẽ ra kết quả thế nào, chuyện dự án này lập ra để tiếp tục dọn đường, giải ngân cho những dự án khác… thì trách chi lòng tin bị lung lay.

Từ chỗ lòng tin lung lay thì từ kẻ có chuyên môn cho đến dân thường, đặc biệt những người trẻ, phai mòn về nhiệt huyết, sự gắn bó với thành phố, vùng đất mà mình đang sống. Đấy là một nguy cơ.

Nếu hỏi những kiến trúc sư trẻ, những nhà thiết kế nhiều chục năm qua chúng ta để lại gì cho con cháu thì sẽ nhận được sự lúng túng, khó nói vô cùng. Thế nên, để lại cho con cháu có khi không phải là phát triển mà là một thiết chế minh bạch, tôn trọng con người, nơi những giá trị sống tốt đẹp được nguyên vẹn, không bị biến thái, méo mó, đổi màu.

* Xin cảm ơn anh.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận