Truyện thời cách ly: 201 bước

SERGEY LUKYANENKO 08/08/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Trích đoạn quyển "201 bước" của Sergey Lukyanenko, nằm trong loạt sách hậu đại dịch của litres.ru.

 
 

Chẳng hiểu sao người lớn lại cho rằng trẻ con ngốc nghếch. Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ cứ dọa tôi sợ. Thí dụ, nếu tôi làm chuyện đó thì mụn cóc sẽ mọc trong lòng bàn tay. Bố mẹ Masha ở căn hộ kế bên thì nói ngón tay nó sẽ bị kẹt và gãy. Ông của Rustema ở cổng vào thứ hai bảo có thể bị mù!

Dẫu sao, tất cả chúng tôi, như nhau, đều làm chuyện đó. Đứa làm vào ban đêm, trong chăn, ai đó khóa cửa nhà tắm và mở nước. Anh em nhà Bobrikov làm cho nhau, nhưng chúng sinh đôi và ngốc, mọi thứ với chúng thì khác.

Chẳng lẽ không thể nói một cách đơn giản - “Không nên ngoáy mũi, bởi con sẽ đem virus corona đến các màng nhầy và nhiễm bệnh!”. Tất cả đều hiểu hết mọi chuyện, thậm chí con nít ba tuổi cũng biết virus trông thế nào và lây truyền ra sao, vẽ điều đó trên các bức tranh rồi xé vụn chúng.

Tôi cũng ngoáy mũi, nhưng chỉ ở nhà, sau bốn mươi giây rửa tay với xà phòng và nước nóng. Sau đó, bằng những ngón tay sạch tôi đã có thể... Ừ, dĩ nhiên, xấu hổ chứ. Mười tuổi, chàng trai lớn rồi, mà còn ngoáy mũi. Nhưng hồi trước chuyện đó được phép nhé. Thật mà! Tôi tìm thấy một cuốn sách cũ, trong đó thậm chí có câu thơ: “Không việc gì dễ chịu hơn ngoáy mũi...”. Tôi lặng lẽ xé trang này giấu dưới nệm. Không thì ba sẽ đốt cả cuốn sách. Ông là một nha sĩ và rất nghiêm ngặt về an toàn sinh học.

Hay về dung dịch sát khuẩn. Hóa ra, người lớn sợ chúng tôi thử. Họ kể chúng vô vị và độc hại, giết không chỉ virus, mà cả con người. Làm như chúng tôi không biết buổi tối người lớn pha chúng với nước và uống vậy. Có lần mẹ ngờ tôi đã nhìn thấy. Bà bảo tôi rằng virus nguy hiểm hơn với người lớn, nên cần phải khử trùng từ trong, còn trẻ con thì không. Làm như một đứa trẻ có thể nghĩ đến việc uống những thứ ghê tởm đó vậy!

Chúng tôi hiểu hết, và biết hết mọi chuyện về đại dịch. Và nói chung chúng tôi không lo lắng lắm về chuyện không được đi khỏi nhà quá một trăm mét. Một trăm mét là hai trăm bước! Theo mỗi hướng!

Nếu đi về phía tay phải - ở đó có một cửa hàng trong khoảng cách đi bộ và một hiệu thuốc. Nhưng chúng tôi hiếm khi được cho chạy đến đó, chỉ các ông bố bà mẹ được tới đó. Đấy là thú tiêu khiển của họ.

Nếu đi thẳng, có thể tới hàng rào công viên và đứng nhìn vào những cây lớn cùng đàn vịt trong ao. Đủ loại người điên khùng đi lang thang trong công viên, vi phạm giãn cách, và khi họ xuất hiện, chúng tôi bỏ chạy. Đôi khi họ hét với theo: “Bọn trẻ! Các con, đừng sợ, lại đây”. Một số vẫy vẫy đồ chơi và bóng bay. Nhưng chúng tôi đâu ngu mà đợi họ, và nếu đồ chơi hay bóng bay bị bỏ lại ở hàng rào, chúng tôi ném đá vào chúng.

Nếu đi ngược lại, phía sau ngôi nhà, sẽ là một nơi buồn tẻ - một tòa nhà cổ nào đó, một di tích kiến trúc hoàn toàn đổ nát. Ở đó không có người, và đôi khi chúng tôi lẻn vào tòa nhà này chơi trò dịch bệnh.

Nếu đi về phía tay trái, đó sẽ là sân chơi của chó. Một nơi rất quan trọng! Sân chơi trẻ em trong nhà chúng tôi bị đóng cửa, trên đó giăng những dải băng nhựa ngăn chặn, theo thời gian chúng bị xám xịt, chỉ được thay vào đêm giao thừa. Không được tụ tập ở sân chơi trẻ em, mọi người đều biết điều đó. Còn ở sân chó thì được. Có thể bởi lũ chó bảo vệ chúng tôi khỏi virus, tăng khả năng miễn dịch? Căn hộ nào cũng có chó, đó là của quý lớn. Chúng tôi cũng có một chú chó Fufel vui nhộn.

Fufel thật sự không thích đi dạo, bởi nó phải đi hoài. Buổi sáng với ba, buổi trưa với mẹ, buổi tối với mẹ và ba. Thời gian còn lại với tôi và em gái. Mau mỏi chân, Fufel thở dài, ngồi xổm nhìn chúng tôi. Trên mắt nó như in hàng chữ: “Tôi hiểu hết, tôi là giấy thông hành của các người, nhưng tôi mệt rồi...”. Nhưng rồi nó cũng đứng dậy và chính trực đi tiếp.

Và giờ tôi đang dắt nó đi dạo. Em gái tôi vẫn đang học, nó ngồi bên máy tính xách tay được kết nối Internet bằng dây (loại đúng đắn, an toàn, trên đó chỉ có bài học và chẳng có những trò ngu ngốc). Trước đây chúng tôi kết nối qua WiFi hoặc 5G, nhưng sau đó thì ngưng, vì nó làm giảm khả năng miễn dịch và có thể lây covidla. Ba tôi đứng sau lưng và kiểm tra xem thầy giáo có nói điều gì vớ vẩn. Thầy cô cũng đủ kiểu! Một số người thích cười nhạo vụ kiểm dịch và sự cần thiết phải cách ly, nói cả nước trẻ con đã đến trường, có người chế giễu vụ vệ sinh và cho rằng chẳng cần mang khẩu trang ở nhà. Có lần thầy giáo toán mới, trẻ trung và vui vẻ, nói với tôi:

- Deniska, em yêu, chìa tay cho thầy xem!

Tôi chìa ra.

- Ghê quá! - thầy thốt lên. - Tay em sao vậy? Chúng đỏ và sần sùi! Đầy mẩn!

Chẳng biết sao thầy lại kinh ngạc. Tay tất cả bọn tôi đều vậy vì nước sát khuẩn ăn mòn da. Thầy giáo bắt đầu thuyết phục tôi rằng chỉ cần rửa tay bằng xà phòng là đủ, và tôi gần như đã tin thầy thì bỗng nhiên ba xuất hiện, quát mắng thầy và yêu cầu đổi giáo viên. Buổi học trực tuyến tiếp theo là một bà giáo khác, già cỗi, nghiêm nghị, mang găng tay và khẩu trang, đúng như mong đợi.

Chuẩn bị xuống sân, tôi đeo khẩu trang, mang găng tay mẹ mới giặt, đôi bọc giày bên ngoài sandal. Tôi kêu: Fufel, đi chơi! Con chó rên rỉ, nhưng cũng cắp sợi dây đến. Chúng tôi bước ra ngoài và tôi phát hiện mình quên tăm - để bấm nút thang máy. Không muốn quay vào, tôi nói với con chó: - Đừng mách ai nhé! Rồi nhấn nút thang máy bằng cùi chỏ. Dù sao cũng phải giặt áo. Ngoài đường tôi gặp Masha - vừa lúc nó bước ra ngoài với Arbi, con chó Corgi Đức. - Thế nào rồi? - Masha hỏi, dùng gót giày cô ta đá vào gót giày tôi.

- Thường thôi! - tôi trả lời và đá lại.

Chào hỏi xong, chúng tôi ra sân. Dọc đường Vadik nhập bọn cùng chúng tôi. Nó còn nhỏ, mới sáu tuổi, chưa tới trường mà học lớp mẫu giáo lậu, mở trong căn hộ của dì Valia trên tầng tám. Trong một thời gian dài các bậc cha mẹ đã lưỡng lự, không biết nhà trẻ của dì Valia, hiệu tóc của Ruben và nha sĩ - ba tôi được phép làm việc tại nhà không. Nhưng lúc đầu, bậc cao niên trong nhà, bác Sasha Steinberg bị nhức răng, và ba tôi buộc phải nhổ chúng bằng kìm. Tiếp đó, ba tôi được phép mở phòng nha tại nhà. Rồi sau, tất cả phụ nữ tuyên bố họ sẽ đình công nếu chỗ chúng tôi không có tiệm tóc. Tôi không biết cuộc đình công ra sao, bởi chỉ nhớ chính xác một chuyện - các bà mẹ chơi với chúng tôi, nấu ăn và dọn dẹp các căn hộ. Nhưng các ông bố ngày càng u ám hơn và thảm sầu hơn. Sau đó, họ mang kéo, tông đơ cắt tóc tới cho Ruben và mọi thứ vào guồng. Rồi tiếp theo Ruben bảo, nếu trường mẫu giáo không xuất hiện, chú ta sẽ tuyên bố bãi công. Nên vườn trẻ cũng được mở.

- Em mới nói chuyện với bà em hôm nay, - Vadik khoe - Bà sống ở Sevastopol.

- Ở đó dịch có dữ không? - Masha hỏi.

- Bà nói chỗ bà không dịch giã gì cả, - Vadik thở dài. Bà kêu em đến chỗ bà chơi. Bà nói chúng em sẽ tắm biển. Rằng em đã lớn lên. Rồi bà khóc...

Tất cả chúng tôi im lặng. Các bà là chuyện nghiêm trọng. Họ không hiểu hết toàn bộ nguy hiểm của đại dịch và cứ mãi muốn đến chơi với chúng tôi. Mặc dù biết là vì lợi ích của mình, các bà nội ngoại nên ngồi ở nhà, sau cánh cửa khóa! Một số ông, bà còn mất trí khi bắt đầu mang smartphone đi khắp phố, quay cảnh đám đông ăn chơi, hội hè. Và khẳng định dịch bệnh đã qua lâu rồi, chỉ có chúng tôi, lũ ngốc, ngồi trong nhà 5 năm và thậm chí không dịch chuyển xa hơn nó trăm mét. Cha mẹ sau đó đã thở dài, giải thích với chúng tôi rằng mọi người đã đánh giá thấp mức độ những gì đang xảy ra. Rằng thế giới xung quanh đầy virus, ta phải luôn cảnh giác. Và chúng tôi đang duy trì điều đó.

Nhưng tôi rất muốn gặp bà. Gặp thật đó.

Và biển nữa.

Tôi đã mười tuổi, mà khi mới lên ba chúng tôi đã đi biển. Tôi nhớ! Thật mà! Tôi vẫn nhớ! Tôi đã chạy trên cát, cát nóng thế nào, nhưng biển thì không sao, vẫn ấm, tôi và ba đã bơi xa, rất xa bờ, thậm chí tôi đã bắt đầu học bơi...

Rồi con virus đến. Và ba nói sẽ không có biển “trong tương lai gần”. Tôi đã hiểu nếu nói “không có trong tương lai gần” có nghĩa là “không bao giờ”. Tôi thở ra và bực bội nói với Vadik:

- Anh đã tắm ở biển đó rồi. Chẳng có gì đặc biệt. Tắm trong bồn tốt hơn, đặc biệt nếu có matxa thủy lực.

Nhưng Vadik không nguôi, cứ thế mà đi, lại rất kém văn minh khi lấy tay chỉnh cái khẩu trang. Thậm chí có lần còn đưa tay lên mắt, may mà nó có đeo kính, cũng như tất cả chúng tôi. Ngoài sân toàn là chó của sân chúng tôi. Những con chó nhanh chóng làm việc của mình rồi nằm xuống các phía nghỉ ngơi. Còn chúng tôi cùng bọn trẻ đứng thành vòng tròn, cách nhau mét rưỡi, bắt đầu chơi với quả bóng tưởng tượng. Nó rơi xuống tôi, tôi nhảy lên và đánh quả bóng giả sao cho nó rơi xuống giữa Anton và Masha. Anton vươn tay đánh trả - nó cao mà. Vadik nhảy lên, rất cố gắng, nhưng chúng tôi hội ý và quyết rằng nó chưa chạm được bóng... Trò chơi với quả bóng giả rất hay. Bởi không có bóng, nên không có nguy cơ nhiễm bệnh. Cùng lúc trí tưởng tượng và việc ước lượng bằng mắt phát triển tốt.

Chơi như vậy cả tiếng cho đến khi phát chán, chúng tôi chuyển sang chơi rượt bắt. Lena giả vờ vỗ vào vai Anton và hét lên: “Covidla”! Anton liều lĩnh bắt đầu đuổi theo chúng tôi, dĩ nhiên không tiến gần hơn mét rưỡi. Sau đó nó dồn Masha vào chân tường và truyền Covidla sang cho cô nàng. Masha không cách nào truyền Covidla đó cho ai, mà tất cả đều biết nếu ở cùng nó quá ba phút, nó sẽ khu trú vào trong bạn. Và mặc dù chuyện không phải thật nhưng Masha đã gần bật khóc. Vì vậy tôi kêu Masha đuổi theo mình để truyền Covidla cho tôi.

Masha chỉ chờ có vậy. Nó bay vào tôi đúng nghĩa đen! Bằng hết sức của mình, và chạm tay vào tôi!

Tất cả chúng tôi đều choáng váng, đây chẳng còn là chuyện chơi nữa rồi. Bọn trẻ nhanh chóng lấy nước khử khuẩn rồi xịt vào tôi và Masha. Chơi là chơi, nhưng biết đâu ai đó trong chúng tôi có virus? Tôi đứng và thậm chí không biết phải làm gì. Khi Masha chạm vào tôi - nó giống như... thật lạ. Như một cú điện giật. Có thể đó là một Covidla xấu xa? Sau đó trò chơi không suôn sẻ nữa. Tất cả chúng tôi cùng quay trở lại, đi ngang những ngôi nhà lân cận, những ngôi nhà trống với những cánh cửa lỗ chỗ. Ba mẹ bảo rằng trong đó người ta đã chết hết vì virus và giờ chỉ có các thây ma lang thang. Tôi không tin, tôi nhớ người ta đã rời khỏi đó, mang đi mọi thứ.

Về nhà, tôi xịt khử khuẩn khắp người bằng bình xịt trước cửa căn hộ, cởi và ném găng tay, khẩu trang vào thùng rác sinh học, xịt khử khuẩn Fufel. Tôi bước vào nhà, ba tôi đeo găng tay nilông dùng ở nhà lại xịt cho tôi thật kỹ, sau đó tôi cởi hết đồ chỉ chừa quần lót, đi vào nhà tắm, cẩn thận rửa tay, bôi gel chống virus.

Tôi lo đến mức suýt nữa đã ngoáy mũi, nhưng đã quyết phải đấu tranh với điểm yếu của mình. Tôi mặc đồ trong nhà rồi đi ăn tối.

Nói chung, chúng tôi ăn cơm với cá hộp mà mỗi tuần văn phòng thị trưởng mang tới cho các học sinh, uống trà nóng với gừng, nghệ và tỏi, những thứ có hoạt tính kháng virus mạnh mặc dù chưa được khoa học chứng minh. Sau đó, dường như nhận thấy tôi hơi buồn, ba nháy mắt với tôi và vui vẻ hỏi:

- Con trai à, con có muốn tự mình đi đổ rác không?

- Tự con à? - tôi ngạc nhiên.

- Đúng, - ba gật đầu. - Con lớn rồi mà.

Thùng rác của chúng tôi nằm ngay ranh giới khu vực được phép, mất hai trăm bước đi tới đó. Tôi từng đi tới đó rồi, nhưng chỉ cùng với ba.

- Dĩ nhiên, - tôi đáp. - Chuyện nhỏ mà! Giờ ba chọn phim ta sẽ xem đi, con nhanh thôi!

Tôi nhanh chóng đi tới thùng rác và khéo léo ném các túi vào thùng. Một đường kẻ được vạch ngay sau các thùng rác - trên mặt đất người ta gạch nó bằng đá, trên đường nhựa người ta tô bằng sơn đỏ. Một trăm mét, hai trăm bước! Xa hơn nữa là khu vực nguy hiểm! Ở đây một chiếc đèn lồng được thắp sáng trên một cây cột, đong đưa trên đầu trong gió, vì vậy khắp nơi là những chiếc bóng chao lượn, một số dường như tròn và có sừng, như virus. Một chỗ ghê rợn!

- Deniska! - bất ngờ một tiếng gọi vọng đến tôi! Từ phía sau lằn vạch.

Tôi sợ đến độ trong phút chốc đã nghĩ dường như chính Covidla gọi mình. Dĩ nhiên, chuyện đó là không thể, nhưng biết đâu, nếu những người bị nhiễm thực sự biến thành xác sống?

- Không, đừng lại gần tôi! - tôi hét lên. Và để đề phòng, tôi thêm vào một câu mà từ nhỏ đã được dạy để chống lại kẻ xấu: - Tôi đang nhiễm bệnh, tôi sẽ hắt hơi vào các người!

- Deniska, cháu không nhiễm bệnh... Người ấy nói giọng buồn buồn. Từ sau các thùng rác, bà bước ra!

Kinh dị làm sao!

Tôi nhận ra bà ngay, mặc dù ba mẹ không cho phép chúng tôi thường xuyên trò chuyện, bởi bà nói đủ thứ chuyện vớ vẩn. Bà không đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bình thường.

- Bà ơi, bà chết rồi sao? - Tôi hỏi - Rồi biến thành thây ma? Vì vậy mà bà khóc?

Bà lau nước mắt (bằng tay trần!) và nhìn tôi một lúc. Nhưng không bước ra khỏi vạch, như trong phim ma.

- Deniska... Không có virus nào cả. Đã không còn hơn bốn năm qua. Chúng ta đã chiến thắng nó. Người ta đã chế ra vắc xin, đã chọn lựa cách điều trị. Giờ rất hiếm, hiếm khi có ai đó bệnh, mà nếu bệnh, cũng không chết. Mọi thứ đã qua rồi.

Tôi lắc đầu. Người lớn đúng là cứ nghĩ trẻ con ngốc nghếch!

- Bà bệnh rồi, đó là virus trong bà đang nói! - tôi nói. - Mẹ và ba đã cảnh báo. Mọi người trong nhà con đều biết không thể chiến thắng Covidla, nó là vĩnh viễn!

- Trong nhà con mọi người hù dọa nhau, - bà buồn bã nói. - Chuyện là vậy, thực sự lúc đầu đúng là mọi người rất sợ. Và một số những người sợ hãi nhất không dám tin căn bệnh này đã bị đánh bại. Những người như vậy lánh ra ở riêng, tuân theo những quy tắc và luật lệ cũ, làm việc trên Internet, không để ai đến gần mình... Vẫn còn nhiều ngôi nhà như vậy, không cách nào thuyết phục họ được.

Bà thở dài, siết chặt cái túi xách vào bụng.

- Bà có hình ảnh ở đây này, video... - bà nói một cách vô vọng. - Cháu có thể xem. Giờ bà sẽ lấy cái máy chiếu.

Bà lấy ra một cái hộp nhỏ nào đó, nhấn nút - và trong không trung xuất hiện hình ảnh: một thành phố cổ xinh đẹp bên bờ sông, những con người trên đường phố, những thiết bị bay giao hàng thấp thoáng trên các ngôi nhà. Và rồi một copter hoành tráng bay ngang, có ghế như trong ôtô và trên đó có những người ngồi!

- Khi mọi người lo âu về dịch bệnh, - bà nói, - họ cố gắng ít lui tới các cửa hàng hơn. Người ta bèn xây hàng loạt các nhà máy chế tạo thiết bị bay không người lái để giao hàng. Sau đó chúng không còn cần thiết nữa, người ta bắt đầu chế tạo ôtô bay. Ở thành phố Sarov họ còn xây cả một công xưởng chế tạo người máy hoạt động bằng pin hạt nhân, để chúng làm những việc nguy hiểm.

Bà tắt “máy chiếu” của mình và nói:

- Những tòa nhà quanh nhà cháu đều bỏ hoang, bởi ba mẹ các cháu dọa sẽ cho nổ ngôi nhà nếu ai đó xâm nhập. Vậy nên người ta không động đến các cháu, nhưng di tản những người láng giềng. Họ đợi để các cháu tự đi ra, - bà mở túi xách. - Denis, cháu có nhớ, bà đã nướng bánh cho cháu? Với cà rốt? Cháu rất thích chúng. Bà có nướng, và mang tới đây...

Dường như tôi còn nhớ. Thậm chí tôi còn chảy nước miếng.

- Đi với bà, cháu nhỏ - bà nói. - Về Kostroma. Chỉ mất bốn mươi phút đi đường, trên chuyến tàu có hệ thống treo từ tính.

- Bà ơi, cháu không thể - tôi thì thầm. Và vì sao đó lại nói thêm: - Cháu tệ lắm. Và đôi khi cháu ngoáy mũi nữa.

Bà bật khóc - đấy tôi đã làm bà buồn như thế đấy.

- Bà ơi, tốt hơn bà đến chỗ chúng cháu đi! Bọn cháu sẽ cho bà cách ly một tháng ở tầng hầm. Cháu sẽ ngủ ở hành lang, trên những cái thùng đựng đồ hộp, cháu thích ngủ chỗ đó. Mẹ nấu cháo kiều mạch ngon lắm...

Bà càng khóc to hơn. Bà thì thầm:

- Ông lo lắm... Đêm ông không ngủ được, tay cứ ôm lấy tim, thao thức, mong gặp cháu.

Tôi lập tức muốn phát sốt.

- Ông giữ chặt tim? Thao thức? Mà bà tiếp xúc với ông lâu chưa?

- À không, ông bị mất ngủ, chứ không phải vì virus! - bà giậm chân. - Thôi đừng hành xử như con trai của mẹ nữa, cậu Denis Alekseevich! Nhanh nhanh tiến về phía tôi! Có thể chuyện này sẽ làm ba mẹ cậu tỉnh ngộ!

Trong giọng nói của bà có một sức ép nào đó khiến tôi tiến một bước đến gần cái vạch, rồi bước khác... Và giơ chân lên để thực hiện bước cuối cùng. Hai trăm lẻ một. Phía sau đó là nỗi sợ hãi và virus.

Nhưng đến đây có tiếng ba tôi gọi.

- Denis, quay lại ngay lập tức.

Tôi tỉnh ra và nhảy khỏi bà, người đang dang đôi tay run rẩy về phía tôi.

- Maria Danilovna, sao bà không xấu hổ! - ba đau đớn nói. Thậm chí ông còn nắm vai tôi, quả là không thể tưởng tượng.

- Bà không từ bỏ mưu toan của mình! Bà đã cố dụ con gái ruột của mình ra khỏi vùng an toàn. Giờ đây đến phiên thằng cháu. Rồi sao, tiếp theo bà sẽ dụ luôn đứa cháu gái à?

Bà hết khóc và khom lưng. Bà đứng thẳng người, giận dữ nhìn ba:

- Con đã biến thành gì vậy? Người ta nói đúng, con virus đáng sợ nhất nằm ở trong đầu. Cả nước từ lâu đã giải quyết xong hiểm họa và đang tiến vào tương lai. Còn các người vẫn còn mắc kẹt trong quá khứ.

- Hãy chấm dứt những nỗ lực vô ích của bà nhiễm bệnh cho chúng tôi! - ba tôi vặn lại. Ông xoay người tôi lại và chúng tôi đi trở vào sân, vào vùng an toàn. Tôi bắt đầu run lên vì cơn phấn khích vừa trải qua. Hoặc có thể, đó là do virus và cơn ớn lạnh?

- Ba ơi, con xin lỗi, suýt nữa con đã tới chỗ bà rồi... - tôi thì thào.

- Ba ở ngay đó, con trai, - ba âu yếm đáp. - Đừng sợ. Con giỏi lắm, không tin những câu chuyện giả tạo về một thế giới an toàn, về những con tàu từ trường, người máy, thiết bị bay... - ba thở dài và nói thêm với vẻ cay đắng, - về những con robotnano có thể chữa lành từ bên trong bất cứ chiếc răng đau nào. Đúng vậy, bà ấy cũng từng cố lừa gạt ta, bà già tội nghiệp, sống trong thế giới tưởng tượng của mình...

Ba nói đúng, ông không thể sai, vì ông là bố. Nhưng tôi vẫn bị những ngờ vực dày vò. Nếu bà phát điên và nói dối, sao bà có thể tới Moskva? Vì sao trông bà không có vẻ gì là bệnh? Và thực phẩm trong cửa hàng từ đâu đến, tại sao các thầy cô lại nói dối?

- Ba, có đúng là bà lừa chúng ta không? - tôi hỏi.

Ba im lặng hồi lâu, rồi ông nói:

- Ba hiểu, Denis. Ba cũng có những phút nghi ngờ. ... Nhưng, con tự nghĩ đi, nếu bà đúng, chẳng lẽ 5 năm qua chúng ta đơn giản là sợ ra khỏi nhà, trong khi không có gì nguy hiểm sao? Còn nếu như nó có, hả? Chẳng lẽ ở đây chúng ta sống tồi tệ lắm à? Con có bạn bè, có con chó. Còn bên ngoài đó có gì tốt đẹp mà ta chưa có?

Tôi có thể kể nhiều thứ lắm, ít nhất là biển hoặc sông. Nhưng chẳng lẽ có thể cãi nhau với ba, người đang lo cho tôi như thế?

- Dĩ nhiên, - tôi nói, - hẳn là bà già rồi và chẳng hiểu gì. Con có bị bà lây bệnh không?

- Không, con có khẩu trang và găng tay tốt, con không phá vỡ khoảng cách, - ba trấn an tôi. Được rồi, giờ ta sẽ uống một liều cao vitamin C, giội dung dịch khử khuẩn rồi ngồi xem phim. Và đừng nói gì với mẹ hết, nghe con? Không thì mẹ sẽ lo bấn lên.

- Ta sẽ không nói, - tôi đồng ý. - Và tôi nghĩ ba đã nghe được hết những gì tôi nói. - Ba ơi, còn những gì con nói với bà...

- Được thôi, tất cả bọn con trai đều ngoáy mũi. Cái chính là phải rửa tay cẩn thận.

Chúng tôi đi về nhà, rất gần rồi, và tôi hiểu tôi không còn sợ virus nữa, chúng tôi đã trốn được nó. Có thể, tôi đã lớn.

Phan Xuân Loan

(dịch từ litres.ru)

 
Sergey Vasilyevich Lukyanenko

Sergey Vasilyevich Lukyanenko, sinh năm 1968, blogger, nhà báo, nhà văn khoa học viễn tưởng Nga. Ông nổi tiếng với các tiểu thuyết Những người tàn phế, Bản nháp, Kẻ ngố, Quaz. Nhiều phim được quay dựa trên các tác phẩm của ông, trong đó nổi tiếng nhất là Tuần đêmTuần ngày. Ông nhận nhiều giải thưởng: từ tác giả trẻ nhất đoạt giải thưởng vì “Đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn chương khoa học viễn tưởng Nga (“Aelitta” - 1999), đến giải thưởng A. Grin năm 2010...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận