Văn hóa làm gì cho phát triển?

LAM ĐIỀN 17/12/2011 01:12 GMT+7

TTCT - Trong hội thảo về phát triển văn hóa tại TP.HCM tuần qua(*), nhà thơ Trần Đăng Khoa đặt điểm nhìn từ vùng quê của ông để không ngớt lời khen sự phát triển kinh tế nước nhà trong mấy năm qua, gọi đó là “những bước tiến rất ngoạn mục”. Nhưng rồi ông đưa ra một cảm nhận: chúng ta quá quan tâm đến kinh tế mà bỏ quên văn hóa.

Phóng to
Một cộng đồng đang trong nạn kẹt xe thì chen lấn, giành đường sẽ thành một thứ “văn hóa” giao thông? Trong ảnh: giao thông rối loạn tại giao lộ Lý Tự Trọng - Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Phó giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ Trần Luân Kim từng nói “nếu bây giờ mà ngồi kể những chuyện văn hóa xuống cấp, đạo đức xuống cấp thì nhiều lắm”. Nói thế tức là văn hóa dự phần vào nhiều sự việc diễn ra trong đời sống, văn hóa nằm ngay trong mọi hành vi của con người. Nhưng, nhìn văn hóa theo hướng đó tức là chỉ nhìn vào bề ngoài cùng các mối quan hệ của văn hóa. Điều này khiến cho những nhà phê bình, thậm chí có cả nhà nghiên cứu, nhà làm chính sách có một lối hình dung: về văn hóa, nói chỗ nào cũng được.

Nhưng để phân biệt được các khái niệm văn hóa, chẳng hạn trong “văn hóa kinh doanh”, “văn hóa Óc Eo” hay “văn hóa bị lai căng” thì nhiều người lúng túng. Do vậy, khi nhìn thấy người Hà Nội bẻ hoa, trộm hoa, giẫm đạp hoa trong lễ hội, người ta cho là văn hóa xuống cấp. Với thầy giáo mua dâm học sinh, học sinh đâm chết cô giáo cũng cho là văn hóa suy đồi.

Tại sao lại có loại văn hóa ấy nảy sinh, tồn tại và đang có nguy cơ phát triển? Lý giải điều này thường làm phát sinh nhiều cuộc tranh cãi hơn là mang lại kết quả, trong đó phần lớn là do tiếp cận và hiểu văn hóa từ nhiều hệ quy chiếu khác nhau, chẳng khác gì một người bảo “tôi bị thương ở tay”, còn người kia nói “còn tôi bị thương ở Quảng Trị”.

Xét về nội dung, văn hóa là giá trị được định hình tự nhiên thông qua các chủ thể với những điều kiện tương ứng. Khi nhân loại chưa có ôtô, người ta vẫn có thể có văn hóa trong đi lại, và dĩ nhiên là khác với văn hóa trong đi lại bằng ôtô. Một cộng đồng ăn cơm bằng đũa và một cộng đồng ăn bằng tay cũng đều làm nên các giá trị văn hóa trong hành vi đưa thức ăn vào miệng. Đây cũng là yếu tố quyết định sức mạnh của văn hóa: nội dung ý nghĩa và các quan hệ của văn hóa gặp nhau ở sự thừa nhận của cộng đồng - tức chủ thể sáng tạo của loại hình văn hóa ấy.

Không phải là sản phẩm thụ động

Quản trị đất nước chính là biết làm sao cho sự vận hành của các thiết chế, trong đó có văn hóa, được hiệu quả và tiến bộ. Nếu việc đó được giao cho nhân dân, chính mặt bằng dân trí trong từng thời đoạn sẽ quyết định cách thức quản trị xã hội như thế nào.

Cho nên những giá trị kết tinh thành văn hóa là có quy luật và những hệ quả kèm theo. Một cộng đồng đang đắm chìm trong nạn kẹt xe thì sẽ làm phát sinh một loại văn hóa giao thông đặc thù, mà hành vi giành đường nhau chỉ là một trong những biểu hiện của kiểu cách đi lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa là một kiến trúc thượng tầng; những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới đủ điều kiện phát triển được”(**). Nếu tiếp cận văn hóa như nhận định của Bác thì để có một văn hóa giao thông bằng chị bằng em, người ta phải tập trung giải quyết nạn kẹt xe, chứ không nên nhăm nhắm vào việc tổ chức một đội ngũ cán bộ văn hóa tuyên truyền vận động mọi người không giành đường nhau.

Thực tế cho thấy cách tiếp cận của những người làm chiến lược văn hóa ở nước ta lại không đồng bộ. Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật trung ương vừa tổ chức một hội thảo nhằm xác định vai trò, vị trí của văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế, tìm cách để tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa như một giải pháp căn bản cho phát triển bền vững.

Tại đây, quan điểm của GS.TS Đinh Xuân Dũng được nhiều người chia sẻ: “Văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế mà có tác động trực tiếp đến quá trình kinh tế, vì vậy kinh tế không tự mình phát triển nếu thiếu nền tảng văn hóa”.

Nhưng rất nhiều ý kiến “tắc” lại ở chỗ cho rằng cần có chính sách văn hóa, nhưng không bàn được đằng sau chính sách ấy là gì, thế nào là chính sách dành cho văn hóa. Ở VN, chúng ta phân chia văn hóa theo từng lĩnh vực, hình thành các ngành chuyên/chức năng, và chính sách chỉ là điều kiện cần cho cả hệ thống ấy vận hành. Cung cách hành chính này gây nhiều trở ngại, chẳng hạn khi bỗng dưng nảy sinh một vụ giảng viên gạ tình đổi điểm thì người ta chẳng thể biết chính xác căn nguyên nguồn cội của tệ trạng ấy đến từ đâu.

Tồn tại bất phân ly

Mọi hoạt động văn hóa đều là sản phẩm của con người và trong một quốc gia, nhân dân chính là chủ thể của các giá trị văn hóa. Sự thịnh suy của văn hóa xét cho cùng đều từ nhân dân mà ra, nếu nhân dân có quyền làm chủ xã hội, cơ cấu tổ chức xã hội được hoạch định trên nền tảng bắt buộc là ý chí của nhân dân, và bộ máy nhà nước cũng vận hành theo đúng ý chí ấy. Nhân dân vừa là người chịu trách nhiệm cho sự vận hành của các thiết chế xã hội mang ý nghĩa đại diện cho mình, đồng thời cũng là người thụ hưởng kết quả của sự vận hành ấy.

Có lần, khi một phóng viên hỏi nếu được làm bộ trưởng văn hóa, việc đầu tiên ông sẽ làm gì, dịch giả Phạm Viêm Phương đã thẳng thắn trả lời: Tôi sẽ không làm gì cả mà xin từ chức. Lý giải thêm cho việc ấy, ông dẫn: có nhiều quốc gia không có bộ văn hóa. Ngụ ý của ông là dù không có một cơ quan chuyên trách văn hóa trong nội các, không có nghĩa quốc gia mà nội các ấy đang điều hành bị thiếu hẳn văn hóa.

Quản trị đất nước chính là biết làm sao cho sự vận hành của các thiết chế, trong đó có văn hóa, được hiệu quả và tiến bộ. Nếu việc đó được giao cho nhân dân, chính mặt bằng dân trí trong từng thời đoạn sẽ quyết định cách thức quản trị xã hội như thế nào. Ta có thể thấy một ví dụ điển hình về các giá trị văn hóa vốn hình thành và tồn tại bất phân ly với kinh tế ra sao, như tại cùng một đảo quốc suýt soát Phú Quốc của ta, văn hóa nơi đó trước và sau khi hình thành quốc gia Singapore là hoàn toàn khác biệt.

Ngày nay chúng ta có thể tìm lại trong lịch sử câu trả lời. Từng có những triều đại phát triển rực rỡ trên nền tảng những cống hiến ý tưởng, vun đắp tinh thần của trăm họ, lại có những triều đại quay mặt đi trước những đề xuất canh tân. Trong tương lai, các thế hệ sau cũng sẽ đánh giá về văn hóa của thời đại chúng ta đã tương quan như thế nào với việc phát triển đất nước.

Nếu không phải là dân trí thì quan trí sẽ nhận phần trách nhiệm. Đó là điều sòng phẳng của lịch sử. Đó là chưa kể trong khi những thăng trầm của kinh tế còn có thể xoay chuyển, cứu chữa bằng nhiều biện pháp cấp thời, thấy được kết quả trong ngắn hạn, thì biến động của văn hóa xã hội, vốn khó nhận diện, khắc phục hơn, mỗi tổn thương và chuệch choạc cũng để lại những di chứng nặng nề hơn. Đó chính là điều cần suy nghĩ khi đi tìm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội.

__________

(*) Hội thảo “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học và nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” .
(**) Đinh Xuân Dũng dẫn theo Hồ Chí Minh, về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản, HN, 1997, tr.320.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận