Văn học Việt Nam đi Mỹ

NGA LINH 11/01/2010 03:01 GMT+7

TTCT - Ngay từ những năm đầu thập niên 1990, một số nhà văn và dịch giả trong nước đã dùng lợi thế ngoại ngữ và mối quen biết cá nhân lặng thầm làm cái việc không hội đoàn nào nhờ vả. Chiếc cầu nào cũng phải có hai phía, chiếc cầu nào cũng phải được xây bằng tiền và sự tiếp nhận của phía bên kia. Nhân Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (diễn ra từ ngày 5 đến 10-1 tại Hà Nội), TTCT mời bạn đọc cùng nhìn lại hiện trạng quảng bá văn học Việt ở một số nước.

Từ trái qua: các nhà văn VN Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp tại Hội chợ sách quốc tế Gothenburg, Thụy Điển 2003 - Ảnh tư liệu

Hồi ấy Chính phủ Mỹ chưa dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam, lòng dân hai nước bời bời, các nhà văn, nhà thơ và dịch giả hai phía đã phải rạp mình bước đi giữa hai làn dư luận. Nay chúng ta đã nghĩ cái gì qua thì phải qua đi, nỗi đau phải được lên tiếng, vết thương phải được hàn gắn và văn học là nơi để người ta ngồi lại với nhau, giãi bày, thấu hiểu.

1. Người đầu tiên đi trên chiếc cầu ấy sang Mỹ là nhà văn Lê Lựu và tác phẩm Thời xa vắng. Tác phẩm đầu tiên đến với độc giả Mỹ là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. 

Chưa thấm tháp gì, những người tự quàng vào trách nhiệm xây cầu thấy phải nhanh chóng đưa được nhiều, nhiều hơn nữa sang Mỹ bằng truyện ngắn và thơ, hai thể loại mà nhà văn Việt Nam có vẻ mạnh. Hai nhóm tác giả tự phát hình thành, ăn ý và hiệu quả. 

Phía Việt Nam có Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thiều, Phan Thanh Hảo, Nguyễn Nguyệt Cầm. Phía Mỹ có nhà văn Wayne Karlin, nhà thơ Kevin Bowen, dịch giả Rosemary Nguyen và dịch giả Peter Zinoman. Còn nhiều, nhiều người nữa không ở khâu tổ chức nhưng đã đảm nhận một việc không kém khó khăn là chuyển ngữ một cách cẩn thận nhất có thể, bởi độc giả của họ là người Mỹ. 

Dự án lớn đầu tiên được đề xuất từ Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Wayne Karlin và Trương Vũ, tập hợp 40 truyện ngắn của 40 tác giả gồm những người đi từ chiến tranh ra ở cả ba phía: Mỹ, Việt Nam trong nước và Việt Nam ở hải ngoại. The other side of heaven dày gần 500 trang in khổ lớn thật sự là đầu sách giá trị ra mắt năm 1995 bởi Curbstone Press và được dư luận Mỹ đánh giá rất cao.

Trong tuyển tập, các nhà văn trong nước được giới thiệu gồm (tôi liệt kê theo trình tự của mục lục): Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Dạ Ngân, Hồ Anh Thái, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Ngô Tự Lập, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Vũ Bảo, Xuân Thiều.


Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam - ban tổ chức hội nghị, khoảng 300 nhà văn, dịch giả trong và ngoài nước (trong số đó có 150 đại biểu đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ) tham gia hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam.

Hội nghị đặt vấn đề giới thiệu và cung cấp thông tin về văn học Việt Nam có hệ thống, chủ động đến bạn bè quốc tế. Sắp tới, Hội nghị quảng bá văn học Việt sẽ được tổ chức năm năm một lần và có thể sẽ thành lập viện, trung tâm hoặc hội dịch thuật trực thuộc Hội Nhà văn VN.


2.
 Gần như cùng lúc với dự án của Curbstone Press, Trường đại học Yale của Mỹ đã gửi sang dịch giả Rosemary Nguyen. Đích thân dịch giả phải vào tuần báo Văn Nghệ để chọn một tập truyện ngắn, đó là cách làm việc điển hình kiểu Mỹ, nghĩa là vai trò cá nhân của người thực hiện công trình được chú trọng hoàn toàn.

Năm 1997, tập Literature news stories from Vietnam writers union newspaper báo Văn Nghệ ra đời giới thiệu được tám nhà văn gồm: Nguyễn Quang Thân (hai truyện), Dạ Ngân, Trần Trung Chính, Ngô Ngọc Bội, Lê Văn Thảo, Phạm Hoa, Kim Sa Trung, Nguyễn Quang Lập. 

Đặc biệt, tập truyện được in song ngữ rất công phu và có lẽ đây là đầu sách văn học Việt Nam duy nhất được in song ngữ ở Mỹ tính tới thời điểm này.

Cùng lúc với công việc của Rosemary Nguyen, vợ chồng dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm - Peter Zinoman đã âm thầm chuyển ngữ tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng ra tiếng Anh để người Mỹ được khám phá một văn tài kỳ lạ của Việt Nam, và Dumb luck đã ra mắt bởi University Michigan Press vào tháng 6-2002. Một vài nhóm khác nữa dịch thơ Hồ Xuân Hương và dịch thơ của các nhà thơ đương đại của ta sang Mỹ.

3. Sau tuyển tập truyện ngắn đồ sộ đầu tiên, nhóm Wayne Karlin, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê và Phan Thanh Hảo bắt tay vào một dự án nữa. Love after war ấn hành năm 2003, dày 640 trang khổ lớn, chở tới 45 tác giả xuất hiện chỉ từ nguồn trong nước.

Ngoài những tác giả đã được giới thiệu ở tuyển tập trước và ở đầu sách song ngữ do Rosemary Nguyen chọn dịch, dự án giới thiệu thêm rất nhiều tác giả của ba thế hệ đơn cử cho ba thời kỳ văn học ở Việt Nam: Bùi Ngọc Tấn, Chu Văn, Đoàn Lê, Mai Sơn, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thị Anh Thư, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phạm Thị Hoài, Phạm Thị Minh Thư, Phạm Ngọc Tiến, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Tạ Duy Anh, Tô Hoài, Trần Thanh Giao, Trần Thùy Mai, Trần Thị Trường, Trang Thế Hy, Triệu Bôn, Trung Trung Đỉnh, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Vũ Bảo, Y Ban...

Độc giả Mỹ luôn có một biển sách để họ lựa chọn, nhưng dù sao chúng ta cũng đã xin được rất nhiều visa cho truyện ngắn của chúng ta vào Mỹ. Cho thấy chỉ chưa đầy 20 năm, tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Anh đã nhiều hơn bất kỳ ngôn ngữ nào.

4. Theo tôi biết từ kênh thông tin của Nhà xuất bản Curbstone Press, đến năm 2009 họ đã ấn hành cả thảy 13 đầu sách văn học Việt Nam chuyển ngữ, một công việc gần như thường niên của họ.

Đó là Behind the red mist của Hồ Anh Thái; The Stars, the Earth, the River của Lê Minh Khuê; The other side of heaven (nhiều tác giả); Distant road (thơ) của Nguyễn Duy; Past continuous của Nguyễn Khải; 6 Vietnammese poets gồm Ý Nhi, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đức Mậu, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật; Against the flood của Ma Văn Kháng, The cemetery of Chua village của Đoàn Lê; Crossing the river của Nguyễn Huy Thiệp; Green rice (thơ) của Lâm Thị Mỹ Dạ; Love after war (nhiều tác giả); The time tree (thơ) của Hữu Thỉnh và mới đây nhất là An insignificant family của Dạ Ngân.

Như vậy là nhiều, khá nhiều tác phẩm và tác giả Việt Nam trong nước có mặt trên giá sách của nước Mỹ. Tiếc thay, không phải nỗ lực của cá nhân nào cũng được ghi nhận để an ủi chính họ và gây háo hức cho những người tiếp sau. 

Theo tôi, để chuyển ngữ tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài vừa cần dịch giả giỏi, vừa phải có nhà xuất bản của nước họ đỡ đầu. Và điều quan trọng nhất là phải có những cá nhân xả thân cho việc quảng bá đó, dù biết mình có thể bị hiểu lầm hay bị chê là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.


Một hiện tượng xuất bản không thể không nhắc đến là Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Sau khi sách được Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành lần đầu tiên năm 2005, vào tháng 9-2007 Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được phát hành rộng rãi ở Mỹ với nhan đề Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình (Last night I dreamed of peace).

Ngay sau đó, cuốn sách liên tiếp được 14 nhà xuất bản khác nhau tại Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Hàn Quốc, Brazil, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Đức, Ý, Trung Quốc, Anh đăng ký mua bản quyền cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt...

Đến nay, sách đã được dịch và phát hành tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Romania, Thái Lan và Lào.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận